Thứ Bảy, 29 tháng 8, 2009

Tiểu thuyết gia Mỹ Tami Hoag: từ lãng mạn đến trinh thám hình sự

Với hơn 20 đầu sách, nhà văn Mỹ Tami Hoag nổi tiếng trên thế giới qua hai dòng văn học hoàn toàn khác biệt: lãng mạn và trinh thám hình sự. Cô đã trò chuyện với Thanh Niên về thời thơ ấu và sở thích của mình.

* Được biết tuổi tác chênh lệch giữa cô với các anh chị em khiến cô phải tự tạo ra các câu chuyện cho mình trong suốt thời thơ ấu. Điều đó đã diễn ra như thế nào?
- Tôi bắt đầu tự mình tạo ra các câu chuyện lúc tôi được 4 hay 5 tuổi. Tôi kể chúng cho những người bạn bằng tuổi chơi cùng tôi. Câu chuyện đầu tiên tôi viết là năm tôi lên 9. Đó là một bài tập của trường.
* Câu chuyện đầu tiên đó có nội dung ra sao?
- Vào năm học lớp ba, tôi được giao bài tập có chủ đề viết hoặc miêu tả một câu chuyện. Tôi đã viết một câu chuyện về chú ngựa con màu đen, và được các bạn trong lớp chuyền tay nhau đọc.
* Trẻ em hiện nay có quá nhiều sách phù hợp với lứa tuổi, vì vậy hẳn không có nhiều trẻ nhỏ phải tự nghĩ ra câu chuyện của mình như cô thuở trước. Theo cô, điều này nên vui hay nên buồn?
- Việc đọc luôn là một điều tuyệt vời. Khi còn là một đứa trẻ, tôi đọc sách mọi lúc mọi nơi. Tôi nhận thấy rằng việc đọc đã khuyến khích tôi viết nên những câu chuyện của chính mình. Không có gì tuyệt diệu hơn là được di chuyển từ thời điểm này đến thời điểm khác, từ nơi này đến nơi khác, đơn giản chỉ với việc đọc sách.
* Được biết, trước khi xuất bản sách, cô từng trải qua nhiều nghề khác nhau. Những nghề này có tác động gì hoặc để lại chút trải nghiệm gì cho những sáng tác văn học của cô không?
- Tôi đã được gặp rất nhiều người thú vị khi làm các công việc khác nhau. Tôi nghĩ điều này đã giúp tôi phát triển kỹ năng tạo ra các nhân vật thú vị trong tác phẩm.
* Đang thành công với thể loại văn lãng mạn, tại sao cô lại chuyển sang viết loại trinh thám hình sự? Điều này có bị ảnh hưởng gì tới cá tính và cách sống của cô không?
- Tôi đã bị thu hút bởi tâm lý tội phạm và cố để xác định rõ tại sao mọi người lại buộc phải làm những việc mà họ đang làm. Việc nghiên cứu các hành động tội phạm và công việc của cảnh sát không có ảnh hưởng gì xấu đến cá tính và đời sống thường nhật của tôi. Nhưng tôi quan tâm đến sự an toàn của cá nhân hơn những người bình thường.
* Hình như cô cũng là người rất thích phiêu lưu và yêu thích ngựa. Cô đã nuôi ngựa được bao lâu và đang sở hữu những con nào?
- Lúc lên 9, tôi có một chú ngựa con đầu tiên, và cưỡi nó từ đó đến nay. Trong 10 năm qua, tôi đã theo đuổi quy tắc nuôi dạy ngựa của Olympic, đó là một hình thức cưỡi ngựa và huấn luyện ngựa để chúng đáp lại các hiệu lệnh không thể nhìn thấy được. Hiện tôi đang có 6 chú ngựa, và chúng tôi thường cưỡi ba trong số chúng ở các cuộc thi.
* Những lúc cưỡi ngựa, cô thường nghĩ gì? Có phải cô thường có cảm hứng sáng tác khi cưỡi ngựa như mọi người vẫn nói? Những ý tưởng tác phẩm nào đã được thành hình từ những cuộc dạo chơi với ngựa này?
- Do việc dạy các chú ngựa phải rất tập trung vào việc đối thoại giữa người cưỡi ngựa và bản thân chú ngựa, nên tôi không thể nghĩ điều gì khác khi tôi đang ngồi trên lưng ngựa. Tôi đã viết một vài tiểu thuyết dựa theo thế giới của môn thể thao đua ngựa quốc tế. Hai tiểu thuyết đáng chú ý nhất là Dark Horse và The Alibi Man.
* Đặc biệt thành công với thể loại văn học hình sự, cô thấy điểm khó và dễ khi tiếp cận thể loại này là gì?
- Việc giữ cho các chi tiết khó hiểu và xen lẫn vào nhau của cốt truyện liền mạch là phần khó nhất trong việc viết tiểu thuyết hình sự. Điều yêu thích nhất của tôi là tạo ra các nhân vật và viết ra các đoạn hội thoại giữa các nhân vật.
* Tác phẩm của cô tuy được giới thiệu rộng rãi ở nhiều nước nhưng còn rất lạ lẫm ở Việt Nam. Cô có điều gì nhắn gửi tới độc giả Việt Nam không?
- Tôi rất vui khi các tác phẩm của tôi sắp tới sẽ ra mắt độc giả Việt Nam. Hy vọng các bạn sẽ thích chúng.
* Cô đã từng sang Việt Nam chưa? Và nếu có dịp, cô mong mỏi được khám phá điều gì ở Việt Nam?
- Tôi chưa bao giờ đến Việt Nam, nhưng tôi biết đến đất nước các bạn thông qua các chương trình du lịch trên truyền hình. Đất nước các bạn thật xinh đẹp với bề dày lịch sử. Tôi rất muốn được một lần đến thăm đất nước các bạn.
* Xin chia sẻ đôi chút về kế hoạch sáng tác mới của cô.
- Tôi vừa hoàn thành xong tác phẩm mới nhất có tên là Deeper than the Dead. Câu chuyện bắt đầu với bốn đứa trẻ đang chạy chơi trong rừng. Chúng vấp phải một xác người, nạn nhân của một vụ mưu sát. Khi cảnh sát điều tra ngày càng sâu hơn, sự việc trở nên rõ ràng, kẻ giết người có thể là cha của một trong những đứa trẻ.
* Chân thành cám ơn và mong chờ các tác phẩm mới của cô.
Nhà văn Mỹ Tami Hoag sinh ngày 20.1.1959, nổi tiếng với dòng văn học lãng mạn và hình sự với hơn 22 triệu bản sách tiếng Anh đã được bán ra trên toàn thế giới. Sinh ra ở Tami Mikkelson, Iowa, Tami Hoag lớn lên tại một thành phố nhỏ thuộc bang Minnesota. Do anh chị em của cô lớn hơn hơn 10 tuổi và không có nhiều trẻ em để chơi cùng, Hoag đã tự tưởng tượng, tạo ra các câu truyện để giúp mình giải trí. Năm 1977, cô cưới người yêu thời trung học - Daniel Hoag, ngay trước khi ông tốt nghiệp đại học. Tuy nhiên, bản thân cô lại không có cơ hội để theo học đại học. Không lâu sau, hai vợ chồng cô ly dị. Trước khi xuất bản cuốn sách đầu tiên, Hoag đã làm đủ mọi việc, từ trợ lý nhiếp ảnh đến huấn luyện ngựa biểu diễn, phát hành báo, thậm chí còn bán cả đồ trang trí trong phòng tắm. Năm 1988, cô bắt đầu viết văn với thể loại lãng mạn cho Bantam Books Loveswept Line. Sau một vài năm thành công trong thể loại lãng mạn, Hoag đã chuyển hướng sang thể loại tiểu thuyết hình sự. 13 tiểu thuyết của cô liên tục có tên trong danh sách sách bán chạy của tờ New York Times, trong đó có 5 cuốn đứng đầu trong danh sách bán chạy đó suốt 20 tháng. Tiểu thuyết Night Sins của cô được chuyển thể thành series phim truyền hình với các diễn viên chính là Valerie Bertinelli và Harry Hamlin. Hoag từng được mời tham dự một buổi đọc sách tại một trong những hoạt động văn học của Barbara Bush, ăn trưa cùng với Cựu Tổng thống George H.W. Bush và bà Barbara Bush tại nhà của họ.
Báo chí nước ngoài nhận xét về tác phẩm của Tami Hoag:
“Không còn nghi ngờ gì nữa, Tami Hoag là một trong các nhà văn viết truyện trinh thám hình sự nổi bật nhất” - Chicago Tribune
“Tami Hoag là nữ hoàng của tiểu thuyết trinh thám hình sự” - New York Post
“Bạn sẽ muốn đóng chặt tất cả các cánh cửa khi đang đọc truyện của Tami Hoag” - Star Tribune, Minneapolis
“Nếu bạn là người yêu thích những cuốn sách lôi cuốn, bạn nên chọn sách của Tami Hoag!” – Booknews from The Poisoned Pen
“Hoag viết những câu chuyện to lớn, trọn vẹn với các nhân vật và tình tiết phức tạp. Cô đã không lùi bước trước khía cạnh bất chính của tội ác và khía cạnh đen tối của bản chất con người” – The Cincinnati Post
“Hoag kể cho chúng ta nghe các câu chuyện của cô một cách xuất sắc” – Mostly Murder
“Đóng chặt tất cả các cánh cửa và cửa sổ, bật tất cả các ngọn đèn trong nhà… Những câu chuyện làm bạn phải nổi gai ốc” – New Woman
“Chứa đầy hấp dẫn, tráng lệ và mưu mẹo… Hoag là bậc thầy về tiểu thuyết trinh thám hình sự” – Publishers Weekly
“Hoàn mỹ và rùng rợn” – Cosmopolitan
“Sống động và ly kỳ” – Entertainment Weekly
“Tami Hoag viết ra các câu chuyện trinh thám hình sự mà bạn không-thể-đặt-xuống, và thu hút bạn cho đến câu cuối cùng” – John Saul, tác giả cuốn Midnight Voices
Nguyễn Lệ Chi (thực hiện)

Thứ Ba, 25 tháng 8, 2009

Dương Bình Nguyên: Không đi vay những đớn đau

Viết báo, sáng tác và dịch chuyển là công việc của nhà văn trẻ Dương Bình Nguyên hiện nay. Sau tác phẩm Giày đỏ được bạn đọc khá yêu thích, anh đang bắt tay vào sáng tác mới.

Từng nói rằng anh sáng tác trong những lúc xáo trộn nhất. Vậy xem ra anh xáo trộn có vẻ hơi nhiều? Không biết đó là những điều gì mà mạnh mẽ tới mức thúc đẩy anh phải cầm bút? Và những xáo trộn đó do bản thân anh tự ý gây nên hay bị hoàn cảnh đưa đẩy?
- Cuộc sống luôn có những điều bất thường xảy đến và bản thân mỗi chúng ta buộc phải giải quyết. Tôi thường cầm bút vào những khi xáo trộn. Khi lòng mình yên lặng, thì còn gì đâu để giãi bày? Thực ra, nói sự xáo trộn ở đây không có nghĩa là khi đời riêng của mình bị lật tung lên. Sự xáo trộn được hiểu như khi chúng ta buộc phải suy nghĩ, day dứt, đau đớn, buồn chán hoặc thất vọng. Hay cũng có thể là có một niềm phấn khích đặc biệt, về một điều gì đó đang diễn ra mà ta vừa chứng kiến, bắt gặp hoặc một điều gì đó vừa trải qua. Không ai chủ động để tạo nên sự nghiệt ngã của cuộc đời mình. Cũng không ai cố ném mình vào những mất mát để tạo thành trải nghiệm. Mỗi ngày đi qua, mà chúng ta sống hết mình, cũng đã có biết bao điều xáo trộn trong lòng, biết bao thứ phải nghĩ suy, trăn trở. Những trang viết của tôi hoàn toàn không nhằm đi vay những cảm giác đớn đau. Nếu có sự day dứt đến mức hơi nghiệt ngã, thì nó là một điều tự nhiên mà tôi không cố gắng.
Nếu một ngày nào đó, tự dưng anh thấy mình không còn bị xáo trộn. Lúc đó, anh sẽ ra sao? Ngừng viết và tiếp tục chờ đợi… lại bị xáo trộn chăng?
- (Cười) Thực ra, có rất nhiều khi cuộc đời tôi bị xáo trộn mà tôi chẳng viết được gì cả. Những khoảnh khắc trong văn chương thực ra ngắn ngủi. Phần nhiều trong thời gian chúng ta sống, chúng ta làm những điều khác. Sáng tạo chỉ là những khoảnh khắc ngắn ngủi thôi. Chắt lọc là một điều quan trọng. Tôi chưa bao giờ rơi vào cảm giác chờ đợi trong văn chương. Khi không có hứng viết văn thì tôi có một danh sách cực dài những việc khác để làm. Tôi không nghĩ mình phải đưa ra những chỉ tiêu sản phẩm. Tôi thích cảm giác thật lâu viết được một cái gì đó mà mình tâm đắc. Vậy thôi.
Cũng từng nói rằng anh tự biết mình là ai. Vậy theo anh, anh là ai? Một nhà báo trót mang thân cư di, một nhà văn giáp ranh giữa chuyên nghiệp và bán chuyên nghiệp hay một chàng lãng tử đi theo tiếng gọi bản năng?
- Cũng có thể tôi là cả ba con người đó. Tôi là một người sống và viết bản năng. Nhưng trong báo chí, tôi cố gắng làm một người chuyên nghiệp. Văn chương như cái nghiệp, gắn vào rồi thì khó dứt. Viết chậm chạp cũng không buồn không nản. Chỉ sợ mình viết chậm mà cũng chẳng có cái gì đáng giá, ấy mới là nỗi buồn dài. Còn ngoài đời, tôi là một gã chán phèo, không đẹp trai và cũng chẳng có nhiều tài lẻ (cười).
Để được thỏa mãn cái tôi của mình, để được làm những gì mình thích, anh đã phải hy sinh những gì và có tiếc nuối về cái giá phải trả đó không?
- Tôi nghĩ, khi chúng ta chọn lựa bất cứ thứ gì cũng sẽ phải chấp nhận cả những hệ lụy và mất mát đi kèm. Tôi hy sinh cả tuổi trẻ của mình cho những công việc này. Tôi không có thời gian để hưởng thụ những điều người khác nghiễm nhiên được hưởng. 10 năm qua, tôi chưa từng có một kỳ nghỉ đúng nghĩa. Tôi không có những giây phút giản đơn ấm áp cùng người thân. Có thể tôi đã phải hy sinh nhiều thứ, nhưng tôi cũng đã có được những năm tháng không vô nghĩa. Và từ đó mình cũng trưởng thành dần, làm một người từ nóng vội thành trầm tĩnh hơn, từ một kẻ hiếu thắng thành một người biết nhìn xa trông rộng, khoan hòa hơn.
Anh hiện có đang sáng tác tác phẩm nào không? Nếu có, xin chia sẻ.
- Tôi đang viết một cuốn sách mới. Cuốn tiểu thuyết từ hai năm trước tôi đã bỏ ngang rồi. Nên bây giờ sẽ viết một cuốn khác. Hy vọng nó được hoàn thành sớm. Tôi muốn nó là một cuốn sách mỏng, nhưng có nhiều dư vị.
Dương Bình Nguyên
Sinh năm 1979; Các tác phẩm: Làng nhan sắc (2001), Về lại thiên đường (2003), Hoa ẩn hương (2005) và Giày đỏ (2007). Hiện sống và làm việc tại TP.HCM
Nguyễn Lệ Chi

Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2009

Nhà văn Di Li: Những điều bí ẩn luôn cuốn hút tôi

Vừa qua, Hội Nhà văn VN tổ chức buổi tọa đàm về tác giả Di Li cùng các tác phẩm mới nhất của chị. Tại đây, Di Li cũng tuyên bố quyết tâm theo đuổi thể loại trinh thám kinh dị khá “xương xẩu” này. Chị trò chuyện với TNTS.

* Tại sao chị lại chọn hướng chủ đạo của mình là văn chương trinh thám kinh dị?
- Thật ra cũng như nhiều nhà văn, tôi muốn viết nhiều thể loại khác nhau. Nhưng tôi rất say mê các tác phẩm giả tưởng dòng thriller bao gồm truyện trinh thám, kinh dị, phiêu lưu và khoa học viễn tưởng. Có thể bẩm sinh những điều bí ẩn luôn cuốn hút tôi. Đúng là tôi rất ưa khám phá những điều mới lạ. Chỉ có điều hoàn cảnh không cho phép mình phiêu lưu và thám hiểm đúng như trong truyện được mà thôi, nên đành thả cho trí tưởng tượng trôi nổi trên giấy trắng mực đen vậy (cười).
Việc quyết định đi riêng một dòng khá khan hiếm và thuộc diện “khó nhằn” như vậy ở nước ta trong cả sáng tác và dịch sách, phải chăng chị đánh đúng tâm lý “người khôn, của khó”, nhằm giúp sách mình bán chạy?
- Tôi làm trước hết là vì đam mê, và rất may mắn niềm đam mê đó lại rơi đúng vào lỗ hổng đang còn khuyết trên thị trường sách. Có thể coi đó là thiên thời, địa lợi, nhân hòa cũng được. Vừa rồi có nhiều nơi mời tôi dịch sách các thể loại khác nhưng tôi không nhận lời, đơn giản là vì những cuốn sách đó không hấp dẫn tôi. Dịch sách tôi cũng coi là một phần giải trí, như đọc sách vậy. Tôi có xu hướng làm “nhẹ nhàng hóa” các công việc của mình. Nếu nghĩ rằng mình đang giải trí thì công việc sẽ đỡ căng thẳng hơn rất nhiều.
* Những khó khăn mà chị đã gặp khi theo đuổi sáng tác dòng văn học trinh thám kinh dị?
- Nhiều người còn coi trinh thám kinh dị là dạng văn học hạng hai, là thương mại giải trí. Những người mê thể loại này thì khi đọc truyện của tôi luôn có tâm lý so sánh nó với những tác giả trinh thám hàng đầu thế giới. Hiện nay, trong nước không mấy người viết trinh thám như một công việc chuyên biệt, mà làm gì cũng phải có phường có hội. Tôi cứ vò võ viết một mình, đó cũng là lợi thế nhưng cũng là bất lợi. Tất cả những điều đó đều gây áp lực lớn. Chưa kể khi viết trinh thám, tôi phải tìm hiểu rất nhiều tư liệu, viết thì nhanh, nghiên cứu tư liệu lâu gấp ba lần. Tuy nhiên, tôi vẫn quan niệm rằng thành công luôn gắn liền với mồ hôi và nước mắt, hay nói nôm na là việc gì cũng có cái giá của nó.
* Chị đến với công việc dịch sách như thế nào?
- Cũng là một sự tình cờ. Sau khi dịch một vài cuốn sách thể loại trinh thám và kinh dị, tôi thực sự thấy hứng thú và mong muốn hằng năm sẽ đều đặn dịch vài cuốn sách. Tôi cũng mong muốn trở thành dịch giả chuyên về thể loại văn học này. Được tiếp xúc với bản sách gốc của những tác giả lớn mà mình mới chỉ nghe thông tin qua báo đài, rồi sau đó nhìn thấy cuốn sách mình vừa dịch nhân bản đến tay người đọc, đó là một niềm vui đặc biệt mà nếu không làm công tác dịch thuật, tôi sẽ không thể trải nghiệm.
* Chị có thể bật mí về kế hoạch sáng tác sắp tới?
- Bên cạnh một số đầu sách dịch, tôi vẫn tiếp tục cuốn Hồi ký học đường và cố gắng hoàn thành cuốn tiểu thuyết trinh thám kinh dị thứ hai với tựa đề tạm đặt là Giáo phái.
* Nếu tự nhận xét về mình, chị sẽ nói sao?
- Mọi người vẫn nói rằng tôi là người chăm chỉ, kiên trì, kiên định, tự tin, điềm tĩnh và lý trí tốt. Còn cá nhân tôi tự cho rằng mình rất lười biếng, dễ mất kiên nhẫn, tự ti, dễ đam mê nhưng mau chán và khá thất thường. Tuy nhiên có thể vì tôi có lý trí tốt nên tôi dễ dàng che giấu những điểm yếu của mình và cố gò ép mình vào khuôn khổ được chăng (cười).
Di Li (tên thật: Nguyễn Diệu Linh) Năm sinh: 1978. Tác phẩm sáng tác: Tầng thứ nhất, Điệu Valse địa ngục, 7 ngày trên sa mạc (truyện ngắn), Trại Hoa Đỏ (tiểu thuyết), Mùa thu ở Seoul (bút ký), Độc thoại trên tháp nhà thờ (in chung). Tác phẩm đã dịch: Người yêu dấu, Người làm chứng, Tàn tích, Bóng đêm bao trùm.

Nguyễn Lệ Chi (thực hiện)

Thế hệ đạo diễn Trung Quốc thứ 6

Ngay từ khi thế hệ đạo diễn Trung Quốc thứ 5 vẫn còn tỏa ánh hào quang lấp lánh, thì thế hệ đạo diễn thứ 6 ở nước này đã nhanh chóng đứng dậy với sức cạnh tranh rõ rệt.
Thế hệ đạo diễn thứ 6 ở Trung Quốc được tính từ nhóm đạo diễn tốt nghiệp từ khóa 85 trở về sau này của Học viện Điện ảnh Bắc Kinh, như: Vương Tiểu Soái, Trương Nguyên, Đường Đại Niên, Lâu Diệp, Lộ Học Trường, Giả Chương Kha, Quản Hổ, Trương Dương, Vương Quang Lợi...
Đặc điểm của các tác phẩm thuộc thế hệ này là rất phá cách, thậm chí có phần nổi loạn, đặc biệt không mang hơi hướng điện ảnh truyền thống từ nội dung, tư duy, lẫn cách thức thể hiện. Rất nhiều tác phẩm của thế hệ đạo diễn này đều do chính họ tự viết kịch bản, đạo diễn, thậm chí tự quay phim hoặc tham gia đóng vai. Những câu chuyện của họ kể ra đều sinh động, đa dạng đủ hình thức với nhiều chủ đề, nhiều thân phận con người rất bình thường, thậm chí thấp kém trong xã hội. Mỗi bộ phim như một lát cắt chân thực nhất về đời sống xã hội đương đại ở nước này, lúc ngọt ngào, lúc êm ả, lúc đầy bạo lực và đủ mọi tệ nạn nhớp nhúa, lúc lại đầy nhân ái và cái nhìn xót xa, lúc phẫn nộ, lúc bi hài cười ra nước mắt...
Giả Chương Kha (sinh năm 1970) thực sự xứng đáng được coi là gương mặt tiêu biểu của thế hệ đạo diễn thứ 6. Bộ phim Tiểu Vũ (1997) do anh tự viết kịch bản, đạo diễn lẫn tự sản xuất phim với số vốn nhỏ hẹp, xoay quanh câu chuyện về một tên móc túi ở một thị trấn nghèo đã nhanh chóng đạt được vô số giải thưởng: Giải Bộ phim xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Nante 3 châu lục lần thứ 20, Giải liên minh thúc tiến điện ảnh tại Liên hoan phim quốc tế Berlin lần thứ 48... Anh liên tục làm mới mình qua những bộ phim tiếp theo hoàn toàn khác nhau về phong cách lẫn nội dung nhưng tất nhiên vẫn do anh tự biên kịch và đạo diễn như Sân ga (Platform), Đông, Người tốt ở Tam Hiệp, Vô dụng, Nhật ký 24 thành phố. Tạp chí văn hóa nổi tiếng Village Voice của Mỹ đã chọn Nhật ký 24 thành phố vào danh sách 1 trong 10 bộ phim xuất sắc nhất trong năm 2008. Giả Chương Kha cũng được mời chọn cùng 19 đạo diễn nổi tiếng khắp thế giới để thực hiện một phim ngắn về lợi ích cộng đồng cho Liên Hiệp Quốc. Phim của Giả Chương Kha được đánh giá mang phong cách phim tài liệu và chú trọng miêu tả các nhân vật nhỏ bé trong xã hội.
Giống phần lớn các đạo diễn thế hệ thứ 6, Trương Nguyên (sinh năm 1963) cũng xuất phát từ một đạo diễn phim độc lập và thành công với các phim như Mẹ, Trà xanh, Trông lên rất đẹp, Bắc Kinh tạp chủng, Về nhà ăn Tết, Con trai, Đông cung Tây cung, Tiếng Anh điên rồ... cùng vô số giải thưởng: Giải của Ban giám khảo và giải Khán giả yêu thích nhất tại Liên hoan phim Nante 3 châu lục, Giải phê bình xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Berlin... Phần lớn phim của anh đều rất nhẹ nhàng đẫm chất văn học, tuy đề tài phong phú đa dạng không cố định nhưng có thể thấy rõ tính kiểm soát và khống chế của đạo diễn.
Đạo diễn Lâu Diệp (sinh năm 1965) đeo đuổi các đề tài hiện thực và thành công với các phim Người tình cuối tuần, Sông Tô Châu (giải Bộ phim xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Paris, Pháp lần thứ 15). Phim của anh được đánh giá đầy chất điên rồ và nổi loạn của tuổi trẻ, song vẫn chất chứa không ít tâm trạng day dứt, phong cách sử dụng ống kính máy quay rất tinh tế, nhạy cảm.
Đạo diễn Vương Tiểu Soái (sinh năm 1966) với phong cách đặc trưng là ý thức tạo hình rất mạnh, cũng tự xác lập địa phận riêng của mình với các phim như Xe đạp tuổi 17, Rét cực độ, Ngày Đông Xuân, Thanh Hồng... và giải thưởng của Ban giám khảo tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 58.
Nhiều đạo diễn thế hệ thứ 5 và trên nữa thậm chí không thành công như thế hệ đàn em này. Báo giới Trung Quốc và quốc tế cũng từng thừa nhận thế hệ đạo diễn thứ 6 chính là những đối thủ đáng gờm, cạnh tranh ráo riết và gay gắt với các thế hệ đàn anh. Chính thế hệ này đã tạo nên bước ngoặt lớn trong lịch sử điện ảnh Trung Quốc.
Nguyễn Lệ Chi

Thứ Sáu, 14 tháng 8, 2009

Trung Quốc: Gồng mình “chữa bệnh môi trường”

Quan chức ngành bị đình chỉ công tác, người đại diện pháp luật bị bắt giữ và nhiều người có dính líu bị điều tra gắt gao vì ô nhiễm môi trường.
Hồi đầu tháng 5, tại thị trấn Trấn Đầu, thành phố Lưu Dương, tỉnh Hồ Nam, vụ ô nhiễm môi trường nghiêm trọng gây chết người của nhà máy hoá chất Tương Hoà Trường Sa đã khiến người dân địa phương khiếp hãi. Nguyên nhân của vụ việc xuất phát từ rất lâu trước đó.
Hậu quả khôn lường
Nhà máy trên tự ý làm thêm dây chuyền sản xuất trong khi chưa xin được giấy phép từ tháng 4.2004. Dân chúng quanh vùng phản ánh rằng, từ sau sự kiện đó, khu vực có bán kính từ 500 đến 1.200m quanh nhà máy đã bị ô nhiễm trầm trọng, cây cối chết khô hàng loạt. Người dân liên tục thấy xuất hiện các hiện tượng mất sức, đau đầu, khó thở, đau nhức xương cốt, nhiều người phải nhập viện. Sự việc kéo dài suốt năm năm qua, không ai chịu giải quyết. Mãi tới tháng 4.2009, nhà máy này mới bị đóng cửa để điều tra nhưng đã quá muộn. La Bách Lâm mới 44 tuổi đã chết đột ngột với giám định có lượng cadmium độc hại trong cơ thể. Một tháng sau, một người dân 61 tuổi sau khi nhập viện cũng qua đời cùng một nguyên nhân.
Cũng tại tỉnh Hồ Nam, hồi tháng 9.2006 từng có sự kiện ô nhiễm nước khá nghiêm trọng ở huyện Nhạc Dương do hai nhà máy hoá chất nơi đây hoạt động không đảm bảo về việc xử lý chất thải. Hậu quả nguy hiểm đã rơi xuống đầu người dân.
Cuối tháng 7 vừa qua, ở khu Tân Thành, thành phố Xích Phong trực thuộc khu tự trị Nội Mông, có vụ ô nhiễm môi trường nước nghiêm trọng khiến số người phải nhập viện điều trị lên tới con số 4.020 người. Những người dân này sau khi dùng nước uống ở tám vùng đã xuất hiện tình trạng sốt cao, nôn oẹ… Chính quyền thành phố Xích Long đã phải mời một số giáo sư giỏi của bệnh viện ở Bắc Kinh xuống chữa trị.
Biện pháp mạnh
Ngày 1.8, Chính phủ Trung Quốc đang nỗ lực thực thi những biện pháp cứng rắn trong việc xử lý các thủ phạm gián tiếp hoặc trực tiếp gây ô nhiễm môi trường ở nước này. Trưởng phòng bảo vệ môi trường và phó phòng chuyên trách của thành phố Lưu Dương, tỉnh Hồ Nam đã bị đình chỉ công tác, người đại diện pháp luật của nhà máy hoá chất Tương Hoà Trường Sa đã bị bắt giữ và nhiều quan chức khác cũng bị điều tra. Mặt khác, cơ quan này cũng gấp rút xúc tiến xử lý khu vực bị ô nhiễm, tiến hành kiểm tra sức khoẻ và hỗ trợ thực phẩm cho toàn bộ người dân trong vùng, đồng thời tiêu huỷ toàn bộ rau củ quả trong khu vực bị ô nhiễm.
Rút kinh nghiệm xương máu từ thành phố Lưu Dương, thành phố Trùng Khánh, tỉnh Tứ Xuyên đã triển khai chính sách kiểm tra toàn diện mức độ an toàn ở khu vực mỏ than và khoáng sản, điều kiện an toàn đối với các sản phẩm hoá chất nguy hiểm, an toàn trong các khu công nghiệp… liên tục từ ngày 1.8 đến ngày 15.11 năm nay. Cơ quan bảo vệ môi trường thành phố Trùng Khánh cho biết sau khi đánh giá mức độ an toàn và mức độ ô nhiễm môi trường sẽ nghiêm khắc xử lý ngay các trường hợp vi phạm.
Tại thành phố Xích Long, giới chức một mặt gấp rút khám chữa bệnh miễn phí, cung cấp thuốc men và nước sạch cho người dân ở khu vực bị ô nhiễm, một mặt tích cực khử độc ở vùng nước bị ô nhiễm và rà soát khâu sai sót.
Tại thành phố Hà Trì (tỉnh Quảng Tây), một vụ ô nhiễm thạch tín nghiêm trọng vào ngày 3.10.2008 đã khiến 450 nông dân bị nhiễm bệnh, đi tiểu buốt, giảm thị lực, buồn nôn... Ngày 14.10.2008, năm quan chức tại đây đã bị cách chức do để xảy ra vụ việc, trong đó có trưởng cơ quan Bảo vệ môi trường thành phố Hà Trì, một lãnh đạo chính quyền nhân dân khu vực Kim Thành Giang, thành phố Hà Trì, đội trưởng đội giám sát môi trường thuộc cơ quan Bảo vệ môi trường Hà Trì, chủ tịch thị trấn Kim Thành Giang.
Bắc Kinh cũng vừa công bố bản Ý kiến về vấn đề xử lý rác thải của thành phố với kế hoạch khá chi tiết cho tới năm 2015 bao gồm nhiều quy trình và nguyên tắc xử lý rác hợp lý nhằm bảo đảm vệ sinh chung, tránh tối đa mức độ ô nhiễm. Thủ đô của Trung Quốc trong nhiều năm qua bị coi là một đô thị bị ô nhiễm nặng nề.

Giang Minh (Sina, THX)

Phong Điệp - "Kẻ dự phần bất đắc dĩ"

(TNTS) 2 đứa con, 11 tác phẩm đã xuất bản, một trang web cá nhân, 2 blog phải “chăm sóc”, một số bản thảo dang dở và một lô công việc tòa soạn là những việc mà nhà văn trẻ Phạm Phong Điệp đã và đang tiếp tục lo toan.

Vốn yêu văn chương từ nhỏ, Phong Điệp từng theo học chuyên văn suốt 9 năm trời khi chưa lên đại học và nhiều lần thi học sinh giỏi văn quốc gia. Gia đình chị tuy không ai theo ngành văn học nhưng mọi người đều thích đọc sách báo văn chương. Văn Nghệ luôn là tờ báo yêu thích của Phong Điệp từ khi chị đang học cấp hai.
Tuy nhiên khi lên đại học, chị lại chọn ngành luật vì thấy nó còn mới mẻ ở VN. Học luật xong, chị lại bỏ, đi làm báo vì thấy báo… hấp dẫn hơn, đúng với “chất” của mình hơn. Tuy nhiên, trong con mắt Phong Điệp, cả ba ngành (văn-luật-báo) đều gắn bó với nhau, cùng chung mối quan tâm đến thân phận con người, với mong muốn giúp con người sống tốt đẹp hơn.
Do phụ trách biên tập văn xuôi ở Báo Văn Nghệ Trẻ, Phong Điệp phải đọc rất nhiều tác phẩm hằng tuần, từ đó chị phải trải qua nhiều trạng thái cảm xúc rất khác nhau: đọc nhiều khiến chị có lúc đau đầu, không muốn viết nữa, nhưng có lúc lại nảy sinh nhiều ý tưởng bổ ích cho các tác phẩm của mình.
Tuy không quá thiên về nhân vật nữ, nhưng qua từng câu chữ của chị, độc giả vẫn thấy những rung cảm, suy tư, đau đớn của người phụ nữ rất đậm nét trong các tác phẩm. Phong Điệp cũng thừa nhận khi được hóa thân là nhân vật nữ, chị dễ “tung” bút hơn. Bên cạnh các nữ nhân vật được xem như “sở trường”, Phong Điệp cho biết sẽ thử sức với nhiều nhân vật nam bởi chị từng chứng kiến nhiều tình huống mà nhân vật nam xử lý rất khác so với suy đoán.
Đọc qua các tác phẩm của Phong Điệp, đặc biệt là truyện ngắn, luôn bắt gặp những lát cắt nhức nhối trong cuộc sống thường nhật. Nhiều người... lo thay cho chị khi Phong Điệp luôn đào xới những mặt tiêu cực và bi đát của cuộc sống như vậy. Thậm chí, có người còn gọi chị là kẻ dự phần bất đắc dĩ chính trong tác phẩm của mình. Tuy nhiên Phong Điệp cho rằng chị không phải là người bi quan, dù luôn viết về những thứ tiêu cực và bi đát. Chị chỉ thừa nhận mình hay nặng lòng với bất hạnh, đau khổ của người khác. Và điều đó khiến chị luôn muốn tìm hiểu, giải mã những thân phận ấy. Có lần chỉ bắt gặp ánh mắt u uất của một người phụ nữ ở ngã tư đường chừng 15 giây chờ đèn xanh, chị cũng bị ám ảnh cả tuần, để rồi từ đó lại nảy sinh ra một ý tứ cho một truyện ngắn mới.
Phong Điệp luôn xác định rằng truyện ngắn không phải đơn giản chỉ là viết ra một câu chuyện, mà quan trọng không kém là khả năng phát hiện vấn đề và đưa ra những cách tiếp cận khác nhau về một vấn đề tưởng như đã quen thuộc. Vì vậy không phải mọi truyện của chị đều mang “tâm thế của kẻ dự phần bất đắc dĩ”. Nó có khi là tâm thế của kẻ ngoài cuộc, có khi là tâm thế của người trong cuộc. Và kết cục của “những kẻ dự phần bất đắc dĩ” thực ra sẽ không khi nào có một mẫu số chung. Bởi theo chị, cuộc sống luôn biến động từng ngày, và tâm thế của mỗi con người cũng luôn có sự vận động. Xét ở góc độ nào đó, mỗi người đều luôn dự phần vào mọi việc đang diễn ra quanh mình. Nếu ý thức được điều ấy, theo chị, mỗi người chúng ta sẽ sống có trách nhiệm hơn.
Phong Điệp thừa nhận thấy thỏa sức hơn với tiểu thuyết và linh hoạt hơn trong truyện ngắn, dù độ khó của cả hai đều như nhau.
Phạm Phong Điệp: Sinh năm 1976 Các tác phẩm đã xuất bản: 8 tập truyện ngắn, 1 truyện dài, 1 tản mạn văn chương và 1 tiểu thuyết Một số tác phẩm tiêu biểu: Kẻ dự phần, Blogger…
Nguyễn Lệ Chi

Thứ Năm, 13 tháng 8, 2009

Khương Văn đang yêu

(TNTT&GT) Đẹp trai, đa tài, từng là bạn trai của Lưu Hiểu Khánh - nhân vật số 1 trong làng giải trí Trung Quốc, Khương Văn là đích ngắm của nhiều fan và báo giới trong, ngoài nước. Anh thành công trong cả hai vai trò: diễn viên và đạo diễn.

Hé lộ về cuộc đời
Khương Văn sinh ngày 1-5-1962 tại Đường Sơn trong nhà bà nội và thời thơ ấu của anh gắn liền với mảnh đất này. Cha anh từng tham gia quân đội, mẹ anh là giáo viên dạy nhạc trường tiểu học. Sau khi được bố mẹ đón về nuôi, Khương Văn chuyển lên sinh sống tại Quý Châu, Hồ Nam rồi lên định cư tại Bắc Kinh. Năm đó anh tròn 10 tuổi. Cuộc sống lênh đênh bôn ba nhiều nơi của Khương Văn đã góp phần không nhỏ trong việc hình thành tính cách dữ dội, quả cảm của anh sau này. Nhất là môi trường đặc biệt trong quân đội của cha anh càng khiến anh già dặn và nhiều kinh nghiệm sống.
Những năm tháng đi học, cậu bé Khương Văn rất nghịch ngợm, rất thích đấu trí cùng mọi người. Tới năm trung học, anh quen được người bạn thân Anh Đạt (diễn viên nổi tiếng sau này), dần dần chịu tác động của người cha Anh Đạt (nghệ sĩ Anh Nhược Thành) và yêu thích con đường nghệ thuật. Năm 1979 sau khi tốt nghiệp cấp ba, Khương Văn thi vào Học viện điện ảnh Bắc Kinh nhưng trượt. Không từ bỏ niềm đam mê, anh tiếp tục ôn luyện và năm tiếp theo thi đỗ vào Học viện Kịch nói Trung ương. Trong khoa Diễn xuất hồi đó, anh là sinh viên nhỏ nhất, nhưng có kết quả học tập xuất sắc nhất.
Con đường nghệ thuật trải thảm đỏ
Sau khi tốt nghiệp (1984), chàng thanh niên Khương Văn 21 tuổi được phân về Nhà hát kịch Thanh niên Trung Quốc, đóng vai chính một số vở rất có tiếng vang như Chuyện lớn trong nhà… Năm 1985, anh lọt vào mắt xanh của đạo diễn Trần Gia Lâm khi ông chuẩn bị làm phim Hoàng đế cuối cùng. Để chuẩn bị cho vai Phổ Nghi, Khương Văn mất rất nhiều công sức tìm kiếm tư liệu, xem phim tài liệu, thậm chí còn đi tìm Phổ Kiệt – nhân vật lịch sử còn lại để khai thác thêm. Cuối cùng, anh đã thành công khi tạo dựng nênt hình tượng vị “hoàng đế cuối cùng” vừa đáng giận, vừa đáng thương.
Thành công ngay từ vai diễn điện ảnh đầu tiên đã mở ra một con đường trải thảm đỏ trong sự nghiệp diễn xuất của Khương Văn. Anh được đạo diễn Tạ Tấn mời tham gia vai nam chính trong phim Thị trấn phù dung (1986), đóng cặp cùng ngôi sao nổi tiếng thời đó là Lưu Hiểu Khánh. Cũng từ đây, anh được đồn đại có quan hệ tình cảm sâu đậm với Lưu Hiểu Khánh suốt một thời gian dài. Năm 1987, anh được đạo diễn Trương Nghệ Mưu mời đóng phim Cao lương đỏ, đóng cặp cùng Củng Lợi. Bộ phim nhanh chóng đoạt giải Gấu vàng tại LHP Berlin, đánh dấu bước đầu thành công của thế hệ đạo diễn Trung Quốc thứ 5. Hàng loạt phim với rất nhiều vai diễn khác nhau của Khương Văn với nhiều đạo diễn danh tiếng càng chứng tỏ sức sáng tạo đa dạng và phong phú của anh. Đặc biệt vai diễn của anh trong bộ phim truyền hình Người Bắc Kinh ở New York từng để lại ấn tượng sâu sắc đối với khán giả truyền hình Việt Nam. Đạo diễn thứ hệ thứ 4 Tạ Phi từng nhận xét: “Khương Văn thông minh, nhiệt tình và hết lòng vì công việc. Anh ấy còn tỏa sáng hơn nữa”.
Từ sau năm 1990, niềm hứng thú của Khương Văn chuyển từ diễn xuất sang đạo diễn phim. Người tích cực động viên anh thử sức với công việc đạo diễn chính là ngôi sao Lưu Hiểu Khánh. Thậm chí hai người từng tích cực tìm kiếm bản thảo và tiểu thuyết để có thể chuyển thể thành phim cho Khương Văn. Cũng từ đây, bộ phim đầu tay của đạo diễn Khương Văn có tên Những ngày tháng mặt trời rực rỡ đã ra đời, được chuyển thể từ tác phẩm văn học của nhà văn Vương Sóc. Bộ phim nhanh chóng thành công, lập kỷ lục doanh thu lớn nhất năm 1995. Bộ phim thứ hai do anh đạo diễn – Quỷ dữ đến rồi – ra đời năm 2000 gây chấn động mạnh trong xã hội. Cũng từ bộ phim Quỷ dữ đến rồi, giới làm phim quốc tế đã thực sự biết đến tên tuổi của Khương Văn. Năm 2003, Khương Văn được mời vào ban giám khảo LHP Cannes và được Bộ văn hóa Pháp tặng huân chương Kỵ sĩ văn học nghệ thuật vào năm 2004.
Tới năm 2007, sau hơn một năm ròng chuẩn bị, Khương Văn tiếp tục đạo diễn bộ phim thứ ba có tên Mặt trời vẫn mọc như thường nhật. Trong phim này, ngoài anh tham gia đóng một vai, còn có nhiều diễn viên tên tuổi như Thôi Kiện, Hoàng Thụ Sinh, Trần Xung, Phùng Tổ Minh, Chu Vận… Bộ phim được công chiếu tại LHP Venice lần thứ 64. Khương Văn cho biết bộ phim này được làm dựa trên những hồi ức của anh về thời trai trẻ với bao khát vọng. Trong đó có sự góp sức và động viên không nhỏ của vợ anh – nữ diễn viên Chu Vận.
Những mối tình lớn
Thật khó kể hết các bóng hồng đã đi qua cuộc đời Khương Văn bởi anh luôn hớp hồn các cô gái bằng sự thẳng thắn và tài hoa của mình. Tuy nhiên, ba người phụ nữ có ảnh hưởng lớn nhất trong cuộc đời anh là Lưu Hiểu Khánh, cô vợ cũ người Pháp Sandrine và cô vợ hiện tại nữ diễn viên Chu Vận. Tuy tuổi tác và danh tiếng lúc đến với nhau hơi chênh lệch, song Lưu Hiểu Khánh đã giúp Khương Văn rất nhiều trên con đường phát triển sự nghiệp. Chính cô là động lực không nhỏ thúc đẩy anh tự tin bước vào nghề đạo diễn. Gặp Lưu Hiểu Khánh có thể coi là một bước ngoặt cuộc đời của Khương Văn. Sau này khi Lưu Hiểu Khánh gặp sóng gió, thất bại trong thương trường và phải vào tù, Khương Văn từng đến thăm và an ủi cô rất nhiều, giúp cô tự tin làm lại cuộc đời và trở lại nghiệp diễn sau khi ra tù.
Cuộc hôn nhân với người vợ Pháp Sandrine vào năm 1997 đã mang lại cho Khương Văn một niềm vui vô bờ - đó là sự xuất hiện của cô con gái cưng Nhất Lang. Suốt một thời gian dài, anh chỉ đi khoe con với các phóng viên mỗi khi được hỏi phỏng vấn. Sandrine là một nhà văn, một nghệ sĩ khiêu vũ và một học giả Pháp rất thành công, từng nghiên cứu tôn giáo và văn hóa Trung Quốc. Tuy nhiên do tính cách hai người khác biệt khá lớn, nảy sinh mâu thuẫn trong cuộc sống và gây rạn nứt hôn nhân.
Năm 2001, Sandrine mang con gái về nước, chính thức ly thân. Do quá nhớ con, Khương Văn từng bị giày vò và đau khổ suốt một thời gian dài, cho đến khi gặp Chu Vận khi cùng đóng phim Thiên địa anh hùng. Những chia sẻ trong công việc khiến họ xích lại gần hơn trong cuộc sống. Tuy ít hơn Khương Văn 15 tuổi, Chu Vận lại phải chăm sóc người đàn ông đang mệt mỏi và đau đớn vượt qua tan vỡ gia đình. Cô cũng từng phải chịu nhiều áp lực do báo giới liên tục lên án cô là kẻ thứ ba, làm tan vỡ gia đình Khương Văn. Bất chấp tất cả, Chu Vận vẫn đeo đuổi tình yêu của mình, chăm sóc Khương Văn hết mực và đem lại niềm vui cho anh bằng cậu con trai mới sinh. Sandrine thời kỳ này vẫn trả lời phỏng vấn, tuyên bố vẫn yêu thương Khương Văn hết lòng. Cô cũng từng xuất hiện tại LHP Cannes năm 2003 trong vai trò phiên dịch cho Khương Văn. Cả hai đều không công bố việc ly dị.
Năm 2005, Khương Văn và Chu Vận bí mật đăng ký kết hôn, không tổ chức tiệc cưới để tránh dư luận chú ý. Trong một số cuộc phỏng vấn, Khương Văn từng lớn tiếng tuyên bố báo giới hãy buông tha cho Chu Vận, đừng làm tổn thương tới cô, rằng cô không phải là kẻ thứ ba như mọi người nghĩ. Anh cũng thừa nhận mình không chịu công khai cho cô một danh phận chính thức, khiến Chu Vận bị thiệt thòi nhiều. Tuy nhiên trên thảm đỏ tại LHP Venice năm 2007, Khương Văn đã chủ động giới thiệu Chu Vận với tư cách là vợ anh và cho biết cuộc sống của họ hiện rất hạnh phúc và hòa hợp. Nhiều người cho rằng, người đàn ông đang yêu ắt càng hăng say làm việc và Khương Văn chắc chắn đang bận rộn chuẩn bị cho những dự án làm phim mới.
Khương Văn thông minh, nhiệt tình và hết lòng vì công việc. Anh ấy còn tỏa sáng hơn nữa.
Đạo diễn Tạ Phi

Lệ Chi

Thứ Bảy, 8 tháng 8, 2009

Thiếu Hồng - Nữ đạo diễn tài năng

TNTT&GT) Nói đến đội ngũ đạo diễn Trung Quốc, người ta hay nhắc đến các đấng mày râu như Trương Nghệ Mưu, Trần Khải Ca, nhưng có một nữ đạo diễn nổi tiếng với nhiều bộ phim truyện lãng mạn, khiến không ít đồng nghiệp và báo giới phải nể phục. Đó là Lý Thiếu Hồng. Bà trở thành tâm điểm của truyền hình Trung Quốc năm 2008-2009 khi dàn dựng lại bộ phim dài tập Hồng lâu mộng.
Chờ ngày khổ tận cam lai
Khác với những bộ phim truyền hình cổ trang khác đã từng làm trước đây như Cung từ Đại Minh hay Mùa quýt chín..., Hồng lâu mộng là bộ phim tiêu tốn nhiều tâm sức và tiền của. Bộ phim được chuẩn bị từ năm 2006 nhưng phải tới tận ngày 25-5-2008 mới chính thức được bấm máy sau đợt tuyển diễn viên rầm rộ. Do thành công lớn với nhiều bộ phim truyền hình cổ trang trước đó, đạo diễn Lý Thiếu Hồng được nhà sản xuất chọn thay thế cho đạo diễn Hồ Mai. Do cung cách làm việc khác nhau, nữ đạo diễn họ Lý đã thay đổi lại một loạt ê-kíp diễn viên chính khác hẳn với danh sách diễn viên đã chọn của đạo diễn Hồ Mai. Điều này khiến đoàn phim không khỏi bất bình vì xáo trộn. Thậm chí hầu hết các khâu trong đoàn phim như phục trang, diễn viên, tạo hình… đều phản đối không ngớt.
Lý Thiếu Hồng kiên trì bảo vệ quyết định của mình và chấp nhận đương đầu với những khó khăn đó. Sau một năm ròng rã vật lộn với bộ phim khó nhằn này, đạo diễn Lý trông gầy sọp. Bà thừa nhận công việc quá vất vả, mỗi ngày phải làm việc từ 14-16 tiếng đồng hồ, cả đoàn phim cứ lâng lâng như trong mơ. “Tôi không dám nhìn về phía trước, chỉ dám cắm cúi nhìn con đường đang đi khi còn hai tháng nữa, chúng tôi mới quay xong”, bà thổ lộ. Thiếu Hồng cũng cho biết từ khi nhận lời làm đạo diễn bộ phim Hồng lâu mộng bản mới, bà chưa được một ngày bình an, trái tim lúc nào cũng thấp thỏm và lạc nhịp. “Chắc phải tận lúc đóng máy, tim tôi mới được yên ổn trở lại chỗ của nó”, Lý Thiếu Hồng than thở.
Trong buổi họp báo cuối tháng 6 vừa qua, bà hãnh diện tuyên bố không hề chi tiêu vượt quá kinh phí cho phép, thậm chí còn tiết kiệm cho đoàn phim không ít tiền. Báo giới và khán giả Trung Quốc đang nóng lòng chờ đợi thành quả của bà với mong mỏi Lý Thiếu Hồng sau thời kỳ gian khó sẽ nhanh chóng được đền bù xứng đáng.
Cuộc đời gập ghềnh
Khác với những bộ phim lãng mạn, tinh tế, đầy ắp hạnh phúc và tình yêu, cuộc đời của Lý Thiếu Hồng lại không mấy bằng phẳng. Do gia đình bà quá trọng nam khinh nữ, chỉ dồn sự quan tâm tới cậu em trai trong nhà kém bà tới 14 tuổi, Lý Thiếu Hồng không khỏi cảm thấy lẻ loi và bất mãn do thiếu hơi ấm của cả cha và mẹ. Mùa đông năm 14 tuổi, Lý Thiếu Hồng bỏ nhà ra đi với tâm niệm “quyết không quay lại”. Sau đó, Lý Thiếu Hồng xin gia nhập quân đội, cùng 30 nữ binh khác được phân vào một binh đoàn, đưa tới doanh trại xa xôi, cách ly với cuộc sống đời thường. Những năm tháng trong quân ngũ thiếu thốn và gian khó khiến cô thiếu nữ Lý Thiếu Hồng như đánh mất cả giới tính của mình. Sau này, bà từng bồi hồi nhớ lại: “Thời đó, tôi và nhiều bạn nữ khác sống giống những kẻ trung tính, như đánh mất thời thiếu nữ tươi trẻ”. Song cũng chính nhờ thời gian sống đặc biệt này, Lý Thiếu Hồng trở nên rất nhạy cảm và thể hiện rất tinh tế thời thiếu nữ và tâm trạng thiếu nữ trong các phim do bà đạo diễn.
Tháng 5 năm 1978, Lý Thiếu Hồng tuy mới học hết lớp 6 nhưng do thành tích thi cử rất xuất sắc, đã được nhận vào học khoa Đạo diễn Học viện điện ảnh Bắc Kinh. Năm 26 tuổi, bà gặp mối tình đầu và cũng là mối tình duy nhất của mình với nhà quay phim Tăng Niệm Bình, người từng tốt nghiệp khoa Quay phim của Học viện điện ảnh Bắc Kinh, là giáo viên hướng dẫn môn quay phim cho bà hồi đó. Nhớ lại thời kỳ này, Lý Thiếu Hồng vui vẻ cho biết: “Tôi cứ cố bám riết lấy anh ấy, chỉ muốn gia đình gả cho Tăng Niệm Bình. Tôi biết chúng tôi có thể cộng tác trong cả cuộc sống lẫn công việc”. Tuy nhiên, Lý Thiếu Hồng cũng thừa nhận việc phụ nữ lựa chọn nghề đạo diễn quả thực rất vất vả, đặc biệt khó tìm được người bạn đời hiểu và thông cảm cho công việc của mình.
Năm 1982, sau khi tốt nghiệp, được phân về hãng phim truyện Bắc Kinh, Lý Thiếu Hồng đã làm đám cưới với Tăng Niệm Bình. Sau khi sinh con gái, bà ở nhà chăm con liền 3 năm. Đây cũng là kỷ lục về thời gian nghỉ so với các đồng nghiệp cùng trang lứa. Hầu hết các bạn cùng học đã trở thành đạo diễn danh tiếng. Sau khi Lý Thiếu Hồng trở lại với nghề, Tăng Niệm Bình luôn sát cánh hỗ trợ vợ trong các phim do Lý Thiếu Hồng đạo diễn. Tuy nhiên, hai vợ chồng cũng vì thế mà xô xát không ít do bà cương quyết không nhượng bộ trong công việc. Nhớ lại thời kỳ này, đạo diễn Lý ân hận: “Hồi đó, chúng tôi cãi nhau suốt, hết từ đầu phim tới cuối phim, liên miên suốt mấy phim. Cả hai đều thấy rất ấm ức, không biết mâu thuẫn từ đâu. Sau đó tôi nghĩ kỹ lại, thấy vai trò của chúng tôi trong công việc và trong cuộc sống đã lộn tùng phèo. Có lúc tôi thực sự không biết nên coi anh ấy là chồng mình hay là đồng nghiệp dưới quyền mình”.
Cũng may Tăng Niệm Bình thông cảm với tính cách quyết đoán của vợ, không chấp nhặt nhiều. Thậm chí ông từng bộc bạch cho báo chí biết thực ra trong cuộc sống, Lý Thiếu Hồng rất nữ tính. “Chỉ cần có thời gian là cô ấy luôn dọn dẹp nhà cửa, mua sắm đồ ăn... cho gia đình”, Tăng Niệm Bình kể. “Mọi chuyện gia đình đều do cô ấy giải quyết. Nhiều khi một, hai giờ sáng, tôi đi ngủ rồi, Thiếu Hồng còn tranh thủ dọn dẹp và làm việc nhà”, ông nói thêm. Trong cuộc sống, Lý Thiếu Hồng là người rất sạch sẽ, luôn đi theo sau chồng ca cẩm và dọn những thứ do chồng bày bừa ra. Những lúc rỗi rãi, cả hai vợ chồng lại rủ nhau đi tiệm sách. Lý Thiếu Hồng cũng có hứng thú đặc biệt với thời trang. Đây cũng là một trong những điểm mạnh của bà đủ sức thuyết phục nhà thiết kế phục trang tài hoa Diệp Miên Bằng giúp sức trong các phim. Đó cũng chính là một trong những nguyên nhân khiến các bộ phim cổ trang của bà mang một dấu ấn thời đại rất đậm nét và quyến rũ.
Lý Thiếu Hồng
Sinh năm 1955 tại Văn Đăng, tỉnh Sơn Đông, Trung Quốc 1978-1982: Tốt nghiệp khoa Đạo diễn Học viện Điện ảnh Bắc Kinh 1982-1995: Là đạo diễn của Hãng phim truyện Bắc Kinh 1995: Thành lập công ty TNHH Điện ảnh và Truyền hình Dung Tín Đạt Các phim truyện đã làm: Baby trong tình yêu, Bộ veston đỏ, Hồng phấn, Tuổi 40 không u sầu, Buổi sáng màu đỏ… Các phim truyền hình đã làm: Mùa quýt chín, Cung từ Đại Minh, Lôi vũ, Người ở Bắc Kinh, Tuyệt đối riêng tư… Các giải thưởng: Kim Khổng Tước tại LHP quốc tế Ấn Độ (1996), Gấu bạc tại LHP quốc tế Berlin (1995), Đạo diễn xuất sắc nhất tại LHP Sinh viên Bắc Kinh (1995)…
Lệ Chi

Thứ Hai, 3 tháng 8, 2009

Quỳnh Dao nhà văn của tình yêu

TNTT&GT) Tuy chỉ tốt nghiệp cấp ba, nhưng những trang tiểu thuyết ngập tình yêu lai láng và sầu muộn của Quỳnh Dao có sức lay chuyển biết bao thế hệ độc giả ở nhiều nước trên thế giới. Bên cạnh danh hiệu tiểu thuyết gia diễm tình nhất, bà còn là nhà biên kịch, sản xuất phim rất thành công.

Xây dựng vương quốc tình ái
Hầu hết các tác phẩm văn học của Quỳnh Dao đều có những mối tình sướt mướt. Các nhân vật nữ trong tác phẩm của bà đều bị động, khô héo dưới chế độ cũ. Họ chỉ tươi tắn và đầy sức sống khi có tình yêu thấm nhuần. Nhất là khi ở dưới chế độ phong kiến cũ, địa vị của người phụ nữ rất thấp kém và thế giới tình cảm của họ rất hạn hẹp, thậm chí bị đè nén. Thế giới văn học của Quỳnh Dao là con đường duy nhất giúp họ được giải thoát và tự do, bùng mở mọi tâm tư, tình cảm và những bí mật thầm kín nhất. Rất nhiều phụ nữ đã coi tác phẩm của Quỳnh Dao như một phần của cơ thể họ, là cuốn sách gối đầu giường.
Không chỉ dệt nên vương quốc tình ái bằng văn học, Quỳnh Dao còn xây dựng nên một thế giới hình ảnh đầy cuốn hút và sinh động bằng phim truyện và phim truyền hình được chuyển thể từ chính các tác phẩm của mình. Các fan của Quỳnh Dao càng thỏa sức đắm đuối trong thế giới mộng ảo đó sau khi gấp cuốn sách. Hầu hết trong số 50 bộ tiểu thuyết của bà đều được chuyển thể thành phim và đều rất thành công. Rất nhiều diễn viên nổi danh sau khi đóng phim của Quỳnh Dao như Triệu Vy, Lâm Tâm Như… Suốt hơn 20 năm qua, “phim Quỳnh Dao” đã trở thành một thương hiệu sáng giá, tạo nên một thần thoại không gì có thể lặp lại trong lịch sử điện ảnh Đài Loan. Hầu hết các đạo diễn lớn của đại lục, Hồng Kông và Đài Loan đều từng cộng tác với bà như Hầu Hiếu Hiền, Lý Hành… Miêu tả tình cảm tinh tế, câu chuyện tình yêu đời thường, cảm động, lấy được nước mắt của khán giả… là nét đặc trưng chung trong các phim của Quỳnh Dao.
Người phụ nữ đa tài
Bên cạnh tài viết văn, Quỳnh Dao còn rất tháo vát và biết nhìn xa trông rộng khi cùng chồng thành lập các công ty điện ảnh như Cự Tinh và Hỏa Ô, sản xuất hàng loạt phim truyện và truyền hình. Trong vai trò sản xuất phim, bà tổ chức nhiều đoàn phim cùng lên đường thực hiện trong một thời điểm, vừa đảm bảo chất lượng phim, vừa kịp tiến độ cần có. Bà đích thân lựa chọn diễn viên cho từng nhân vật vì hơn ai hết, bà hiểu rõ các nhân vật của mình như người mẹ thuộc lòng tính nết từng đứa con.
Quỳnh Dao còn được mệnh danh là người mẹ tạo ra các ngôi sao vì diễn viên nào đã lọt vào mắt xanh của bà, dù vai chính hay vai thứ, đều lập tức trở thành ngôi sao sáng. Tuy nhiên các yêu cầu tuyển diễn viên của Quỳnh Dao cũng rất khắt khe. Ngoài các yếu tố điển trai, đẹp gái, trẻ trung, các diễn viên do bà tuyển chọn đều phải có kỹ năng diễn xuất tinh tế. Nhiều đồng nghiệp phải thừa nhận Quỳnh Dao có con mắt tinh tường như đạo diễn và cái đầu sáng suốt của nhà sản xuất phim. Mọi kế hoạch làm phim do bà vạch ra đều rất tỉ mỉ, tính toán kỹ lưỡng và thành công như mong đợi. Một điều đáng kinh ngạc là người phụ nữ tài hoa này chưa từng qua bất kỳ trường lớp đào tạo nào về kinh tế hoặc quản trị kinh doanh, thậm chí còn chưa từng thi đỗ đại học.
Đời sống tình cảm
Nhiều người lầm tưởng rằng người phụ nữ mộng mơ suốt ngày dệt nên các áng văn chương tình ái hẳn phải luôn hạnh phúc trong tình yêu. Nhưng sự thật hoàn toàn trái ngược. Đời sống tình cảm của Quỳnh Dao rất gập ghềnh. Trong thời gian ở nhà sáng tác, Quỳnh Dao quen được một người lính cũng có điểm chung là yêu văn học. Họ đã đến với nhau, nhưng chỉ vài năm sau cả hai đều cảm thấy trở ngại về tâm lý. Cuối năm 1963, cuộc hôn nhân của họ thực sự bật đèn đỏ báo động. Đây cũng là thời kỳ Quỳnh Dao đau khổ nhất và không khỏi bị giằng xé, mâu thuẫn, đặc biệt khi bà quen với người làm xuất bản nổi tiếng Đài Loan: Bình Thọ. Nhờ ông, độc giả Đài Loan mới được biết đến văn chương quyến rũ của Quỳnh Dao. Khi họ quen nhau, ông đã hơn 35 tuổi, đã có gia đình và ba con, còn Quỳnh Dao mới 25, tuy vẫn rất xinh đẹp trong sáng, nhưng đã là một bà mẹ một con.
Qua tiếp xúc công việc, Quỳnh Dao linh cảm được một tình cảm đặc biệt từ người đồng nghiệp khác giới này. Sau khi li dị chồng (mùa xuân 1964), Quỳnh Dao mang con trai rời khỏi Cao Hùng, trở về Đài Bắc, nơi bà từng sinh sống thời niên thiếu. Cũng trong thời gian này, Bình Thọ luôn sát cánh bên bà, động viên và chủ động giúp bà xuất bản sách, khiến bà vô cùng cảm kích. Tình yêu đến với họ tự nhiên và kéo dài suốt mười mấy năm, cho đến khi Quỳnh Dao chấp nhận lấy Bình Thọ.
Để kỷ niệm về mối tình này, tháng 1-2005, bà đã từng xuất bản cuốn sách nói về quan hệ đầy thăng trầm giữa bà và Bình Thọ. Đây cũng là cuốn sách đầu tiên Quỳnh Dao tiết lộ về cuộc sống tình ái của mình với rất nhiều câu chuyện cảm động. Người nhà của bà cũng cho biết Bình Thọ là người vô cùng lãng mạn và chăm sóc bà rất tỉ mỉ. Mỗi lần sinh nhật, Quỳnh Dao lại được ông tặng hàng trăm bông hoa hồng, khiến bà phải dành riêng một phòng để chứa hoa. Từng bông hoa này đều do ông tự tay chọn lựa. Họ luôn sát cánh bên nhau trong công việc lẫn đời sống. Khi Bình Thọ bị ốm nặng, Quỳnh Dao bỏ hết việc để chăm sóc ông. Giới văn nghệ Đài Loan cũng thừa nhận thành công của Quỳnh Dao trên văn đàn lẫn trên giới giải trí ngày nay có được là nhờ một phần công sức rất lớn từ Bình Thọ, người đàn ông tha thiết đã yêu bà.
Quỳnh Dao
Nhà văn đương đại Đài Loan
Tên thật: Trần Cát
Các bút danh: Quỳnh Dao, Tâm Như, Phượng Hoàng…
Ngày sinh: 20-4-1938 tại Thành Đô, tỉnh Tứ Xuyên.
Xuất thân trong gia đình trí thức, cha là giáo sư đại học,
mẹ là môn đệ thư hương. Nguyên quán: Hằng Dương, tỉnh Hồ Nam
Năm 1949: theo cha tới Đài Loan sinh sống cho tới nay.
Sở thích: thơ ca, tiểu thuyết, phim ảnh
Loài vật yêu thích nhất: chó
Mùa yêu thích nhất: mùa thu
Bắt đầu sáng tác khi học cấp 3 với hơn 200 truyện ngắn.
Tháng 7-1963: phát hành tác phẩm đầu tay: tập truyện ngắn có tên Ngoài khung cửa sổ.
Liên tục sáng tác hơn 50 bộ tiểu thuyết tình yêu, sáng chói trên văn đàn.
Năm 1959: kết hôn; ly hôn năm 1964.
Năm 1976: thành lập công ty điện ảnh Cựu Tinh
Các tiểu thuyết tiêu biểu: Cỏ may mắn, Bích Vân Thiên, Cầu vồng bay, Băng Nhi… Các phim được làm từ tác phẩm của Quỳnh Dao: Mùa thu lá bay, Tình thâm thâm vũ mông mông, Thuyền, Nguyệt mãn tây lầu, Tinh Hà, Thủy Linh, Hoa lang, Bích Vân Thiên, Bạn gái, Thu ca, Tôi là một đám mây, Một hột đậu đỏ, Băng Nhi, Câu chuyện của tôi, Hòn vọng phu, Tân Nguyệt cách cách, Hoàn Châu cách cách, Cô dâu câm...
Lệ Chi

Chủ Nhật, 2 tháng 8, 2009

Tranh phát hành phim mới của Trương Nghệ Mưu

Tuy khởi quay chưa lâu, bộ phim mới của đạo diễn Trương Nghệ Mưu mang tên Vụ án ba phát súng đã được các hãng phát hành tranh nhau giành quyền phát hành.
Chiến thắng đã thuộc về Công ty Sony với quyền phát hành ở Bắc Mỹ, châu Mỹ La-tinh, Úc và New Zealand với phương thức hợp tác chia lợi nhuận theo tỷ lệ phần trăm thỏa thuận. Ông Trương Vỹ Bình, Chủ tịch Tập đoàn Tân Ảnh - nơi đầu tư sản xuất bộ phim này, cho biết vốn đầu tư phim không vượt quá 80 triệu tệ (hơn 200 tỉ VNĐ) nhưng ước tính sẽ đạt doanh thu lên tới 400 triệu tệ (1.000 tỉ VNĐ).
Bộ phim hiện đang quay ở khu vực ngoại ô Bắc Kinh và dự tính được công chiếu ở đại lục vào trước Tết Nguyên đán. Phim xoay quanh cuộc tình tay ba giữa vợ chồng ông chủ quán mì với người làm và những báo thù thảm khốc vì tình, do Tôn Hồng Lôi, Tiểu Thẩm Dương đóng vai chính.
Từng trải qua cuộc sống rất khó khăn thời theo học điện ảnh, đạo diễn Trương Nghệ Mưu rất thông cảm và chịu khó tạo điều kiện cho thế hệ sau. Cũng trong tháng 7 qua, ông đồng ý cho một nhóm sinh viên thuộc Học viện Điện ảnh và truyền hình kỹ thuật số Bắc Kinh tới trường quay Vụ án ba phát súng để quan sát thực tế.
Nhiều địa phương do muốn thu hút du lịch trong vùng và muốn nổi danh nên tìm mọi cách để được “xuất hiện” trên phim của đạo diễn Trương. Họ đã ra sức chào mời nhà sản xuất bằng nhiều phương thức tài trợ cho phim nhưng đều bị từ chối. Khi đoàn phim xuống quay tại một khu du lịch ở Cam Túc, Trương Nghệ Mưu đã yêu cầu chính quyền địa phương cùng ký hợp đồng bảo mật, cam kết không tiết lộ mọi thông tin của đoàn phim khi quay ở đây, quan chức địa phương và những người dân địa phương tham gia quay phim đều không được trả lời phỏng vấn báo chí.
Tuy nhiên khi bộ phim được hoàn tất, đoàn phim sẽ cung cấp đầy đủ hình ảnh của trường đoạn đã thực hiện ở đây nhằm giúp địa phương tuyên truyền du lịch và bán vé cho du khách. Bối cảnh tiệm mì cổ được xây dựng ở đây tuy đơn sơ nhưng cũng tiêu tốn tới 600.000 tệ (khoảng 1,5 tỉ VNĐ) do từng viên gạch để dựng bối cảnh đều được chọn kỹ lưỡng và chuyên chở từ tỉnh An Huy và Hồ Bắc tới.

Lệ Chi (Theo Sina.com)

Tranh cãi chuyện sinh con ở Trung Quốc

Chính sách chỉ sinh một con đã, đang và vẫn tiếp tục gây tranh cãi ở Trung Quốc.

Hệ lụy từ chính sách “một con”
Trên một chuyến tàu từ Nam Ninh lên Bắc Kinh, tôi có dịp chuyện trò với một cặp vợ chồng quê lên thành phố làm việc. Chị vợ hồn nhiên khoe thằng nhóc đang ngồi trong lòng là đứa thứ hai do tìm cách lách được chính sách “một con” do nhà nước ban hành từ năm 1982. Bật mí về “bí quyết” của mình, chị vợ bày tôi cách đút tiền đi xin giấy chứng nhận bệnh viện là đứa con đầu bị dị tật hoặc ốm đau nặng liên miên, đề nghị được sinh con thứ hai để thay thế phòng trường hợp bất trắc.
Chị này cho biết cách làm này khá hiệu quả, được áp dụng rộng rãi ở quê chị - những tỉnh phía nam xa xôi, ít bị chính quyền trung ương xét nét kiểm soát. Không chỉ riêng cặp vợ chồng này, nhiều hộ gia đình khác, đặc biệt ở các vùng thôn quê cần nhiều sức lao động, đều không chịu thực thi chính sách trên. Họ luôn tìm mọi cách như chấp nhận đóng thuế phạt khi sinh thêm con, con ruột nhưng giả làm con nuôi...
Trên thực tế nhiều năm qua, chính sách “một con” phần lớn chỉ được kiểm soát gắt gao ở các thành phố lớn đông dân cư như Bắc Kinh, Thượng Hải, Quảng Châu... Do tâm lý trọng nam khinh nữ, cho rằng chỉ có đàn ông mới duy trì được gia đình, phần lớn các cặp vợ chồng sẵn sàng phá thai để chọn con theo đúng giới tính, dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính trầm trọng trong xã hội.
Theo trang web của Ủy ban Dân số Trung Quốc (
www.chinapop.gov.cn), sau hai mươi năm qua, do áp dụng triệt để quốc sách chỉ sinh một con, tỷ lệ dân số của Trung Quốc sụt giảm tới 200 triệu người. Tỷ lệ nam giới hiện chiếm tới gần 70%, tỷ lệ nữ giới chỉ còn 30% tổng dân số toàn Trung Quốc, dẫn đến tình trạng khan hiếm nữ giới trầm trọng. Nhiều nam giới ở nước này sẽ có tương lai sống độc thân dài dài do không kiếm được vợ. Cũng theo số liệu của ủy ban này, tới năm 2020, số nam giới vẫn tiếp tục cao hơn nữ giới tới 30 - 40 triệu người.
Tân Hoa xã cũng cho biết, căn cứ vào “Báo cáo tình trạng phát triển của thanh niên Trung Quốc đương đại” của Trung tâm Nghiên cứu thanh thiếu niên Trung Quốc, tỷ lệ thanh niên chưa lập gia đình ngày một gia tăng. Tỷ lệ thanh niên chưa lập gia đình ở độ tuổi từ 15 - 35 so với dân số cả nước từ 38,23% (năm 1995) lên tới 45,71% (năm 2005). Trong đó các chuyên gia dân số tiên đoán, thị trường hôn nhân khi thế hệ nam giới 9X đến tuổi lập gia đình sẽ đặc biệt khủng hoảng, ít nhất sẽ có 10% nam giới thế hệ 9X không thể tìm nổi bạn đời.
Cũng chính vì vậy, trong mấy năm trở lại đây, vị trí của phụ nữ ở Trung Quốc có thay đổi. Do lo ngại không kiếm được vợ và không giữ được vợ, nhiều đàn ông Trung Quốc đã ra sức tích cực tăng cường lo toan việc nhà, từ đi chợ, nấu cơm, dọn dẹp nhà cửa, đến đưa đón con đi học, chiều chuộng vợ hết mực. Chính sách “một con” cùng việc khan hiếm phụ nữ đã sản sinh ra một thế hệ phụ nữ mới ở Trung Quốc với tính cách mạnh mẽ, độc lập và tự tin hơn.
Họ ý thức được vị trí, tầm quan trọng của mình và ra sức tận dụng thế mạnh hiếm có này. Rất nhiều cô vợ dù nhan sắc trung bình vẫn rất có uy quyền và chỉ cần dọa bỏ cũng đủ khiến chồng và cả nhà chồng khiếp hãi, càng ra sức chiều chuộng.
Tuy nhiên việc chỉ sinh một con cũng kéo theo hệ lụy mọi gánh nặng gia đình cả hai bên nội, ngoại đều dồn cả lên đứa con đó. Điều này cũng đem lại không ít áp lực cho những cậu ấm cô chiêu con một sau này khi trưởng thành, trung bình cứ một người con phải có trách nhiệm nuôi ít nhất bốn người (bố mẹ già cùng ông bà). Đó là chưa kể tới nhiều mâu thuẫn gia đình khó giải quyết khi bên nào cũng giành nhau chăm cháu.
Thượng Hải cổ vũ sinh con thứ hai
Theo báo Thanh Niên Trung Quốc, cuối tháng 7 qua, nhà chức trách Thượng Hải gây sốc khi tuyên bố động viên các gia đình có điều kiện sinh tiếp con thứ hai, đặc biệt khi cả người chồng và người vợ đều là con độc nhất. Bà Tạ Linh Lệ - Chủ nhiệm Ủy ban Dân số thành phố Thượng Hải giải thích chính sách trên ra đời là do năm 2008, số người già từ 60 tuổi trở lên ở Thượng Hải đã lên tới 3,57 triệu người (chiếm 21,61% tỷ lệ dân số thành phố), sánh ngang với những nước có tỷ lệ dân số già cao trên thế giới như Nhật Bản, Thụy Điển... Các quan chức của thành phố này đang rất lo ngại khi thấy ngày càng thiếu hụt một lực lượng lao động trẻ khỏe, đặc biệt trong thời cuộc cạnh tranh kinh tế gắt gao như hiện nay.
Họ cho rằng để thành phố tiếp tục phát triển, cần có thêm nguồn lao động mới, cần khuyến khích sinh con thứ hai. Tuy nhiên nhiều hộ gia đình cũng cho biết việc sinh thêm con hiện không đơn giản vì chi phí trung bình để nuôi dưỡng một đứa trẻ ở nước này lên tới 480.000 tệ. Cũng thông tin từ báo trên cho biết theo điều tra ở Trung Quốc, có tới 83,4% hộ gia đình thừa nhận phải chịu áp lực kinh tế trong vấn đề nuôi con.
Tuy nhiên, không phải thành phố nào cũng tán thành suy nghĩ này như giới chức Thượng Hải. Chính quyền thành phố Quảng Châu tuyên bố không cổ vũ sinh con thứ hai do thành phố này luôn đông dân và dư thừa lao động nhập cư. Họ cho rằng việc khuyến khích sinh thêm con thứ hai sẽ kéo theo nhiều vấn đề nghiêm trọng toàn xã hội như việc tăng vọt dân số, thiếu hụt nghiêm trọng nguồn tài nguyên chung, mâu thuẫn giữa con người với tài nguyên và môi trường sống, ảnh hưởng trực tiếp đến phát triển kinh tế - xã hội...
Nhiều thành phố khác cũng góp ý với Thượng Hải nên sử dụng lao động nhập cư thay vào việc ra chính sách động viên sinh con thứ hai, và mở rộng chính sách hộ khẩu Thượng Hải để thu hút người từ địa phương khác tới sinh sống và làm việc. Tại một số địa phương nông thôn, các học sinh nữ con một được hưởng chính sách ưu đãi cộng điểm khi thi đại học.
Nguyễn Lệ Chi