Thứ Sáu, 6 tháng 5, 2011

Nguyễn Lệ Chi trên báo Phụ Nữ Việt Nam ngày 6/5/2011

Nguyễn Lệ Chi – Dịch giả ăn chơi nhất Sài Gòn


Tôi tình cờ quen với dịch giả Nguyễn Lệ Chi trong một lần đi xem kịch tại sân khấu nhỏ 5B, TP.HCM qua một người bạn. Trước đây tôi đã được nghe nói nhiều về chị, cũng từng âm thầm chứng kiến những thành quả của chị trong công việc dịch sách nói riêng và xuất bản nói chung qua báo chí. Trước khi gặp, cứ ngỡ chị - người từng dịch được mấy chục đầu sách văn học Trung Quốc, người tạo dựng nên thương hiệu sách nước ngoài cho công ty văn hóa Phương Nam trước đây, người tiên phong đưa văn học Trung Quốc đương đại vào Việt Nam, chủ nhân công ty sách Chibooks chuyên các sách văn học đương đại của nhiều nước- phải là một người đứng tuổi, nghiêm nghị, đạo mạo, chỉn chu, bận rộn với đủ loại việc không tên, sống khép kín với vòng xoáy công việc. Thế nhưng hoàn toàn bất ngờ khi một Nguyễn Lệ Chi mà tôi bắt gặp lại rất sôi nổi, đầy cá tính và tràn trề sức sống. Ở chị như hội tụ nhiều dạng người với tính cách đa dạng và phức tạp: lúc ngây thơ, trong trẻo như con trẻ, lúc đàn bà từng trải, lúc lạnh lùng xa vắng khó nắm bắt, lúc thực tế khôn ngoan đúng dân kinh doanh, lúc tinh ranh vòng veo như dân báo chí, lúc thâm trầm sâu sắc hệt các bậc trí thức, lúc u sầu tâm trạng như dân sáng tác, lúc điên rồ, bốc đồng như dân nghệ sĩ…

Làm đẹp cho thiên hạ

Nguyễn Lệ Chi luôn xuất hiện ở những chỗ đông người như các buổi họp báo, công chiếu phim, kịch, trình diễn múa, các triển lãm nghệ thuật… với áo quần phấp phới, trang điểm kĩ càng, đồ trang sức đeo rổn rảng, nói cười thân mật với nhiều nhà báo và nghệ sỹ, đặc biệt rất chuyên nghiệp tạo dáng khi có ống kính nào giơ lên. Những diễn viên mới vào nghề hoặc khách khứa khác giới nhiều khi còn nhầm tưởng chị là một khách mời thuộc làng giải trí, chứ không phải là một nhà báo đến lấy tin bài. Tuy nhiên chị quan niệm rằng khi đi ra ngoài, đặc biệt khi tham dự các sự kiện trong làng giải trí, mình phải luôn làm đẹp. Trang điểm kĩ, lựa trang phục phù hợp… đối với chị là một cách tôn trọng chính mình và tôn trọng những người xung quanh. Chị cũng dí dỏm cho biết những gì tươi vui, trẻ trung đẹp đẽ nên phô bày ra ngoài, chung vui cùng mọi người; những gì xấu xí, đau buồn, chán nản thì ôm về nhà một mình để không làm ảnh hưởng tới tâm trạng của người khác và bầu không khí chung. Với tiêu chí “làm đẹp cho thiên hạ ngắm”, Nguyễn Lệ Chi rất chịu khó shopping và sắm đồ trang sức. Hàng hiệu yêu thích của chị là quần áo Etam, Espirit, Mango, nước hoa Kenzo, đồ mỹ phẩm Clinic, đồ lót CK… Đặc biệt chị rất mê hoa tai và vòng đeo tay to bản. Mặc dù liên tục đặt hàng từ một người bạn (từng làm stylist) ở Paris, Pháp và vô số hoa tai, vòng vèo đã chật kín bàn trang điểm, phủ kín các mành treo dọc tường trong phòng ngủ, người ta vẫn thấy chị luôn lanh canh xuất hiện trong các món đồ trang sức mới, tươi tắn và lấp lánh.

Thế nhưng khác với phần lớn các bà các cô luôn chịu khó bịt kín mặt mũi, đeo găng tay, mặc áo khoác… để tránh nắng, người ta luôn thấy chị trong bộ đầm hở vai, hở lưng, tay trần phóng xe máy ngoài đường. Khi được hỏi tại sao chị không sợ nắng, không sợ đen, không bịt kín như những người khác, chị cười hỏi lại, Tại sao lại phải sợ nắng trong khi nắng đem lại cho tôi sức sống, thêm yêu đời và nhìn thấy mọi vật sáng rõ hơn? Suốt năm năm sinh sống và làm việc ở Sài Gòn, chị vẫn không hề có thói quen “bịt kín” này. Đối với chị, làn da rám nắng tự nhiên cũng mang lại một vẻ đẹp khỏe mạnh.

Hưởng thụ cho mình

Nguyễn Lệ Chi là một con người của công việc. Ở chị mọi thứ như chuyển động không ngừng, không tài nào kìm hãm được. Chị sợ hãi sự nhàm chán nên luôn cùng một lúc làm nhiều việc: viết báo, biên tập báo, biên tập sách, dịch sách, dịch phim, kinh doanh, tư vấn bản quyền cho một số công ty sách, đảm đương các dịch vụ mua bán kịch bản phim truyền hình nước ngoài… Đối với chị, lao vào công việc để giết thời gian, để thấy mình đang tồn tại, thấy mình sống có ích cho xã hội và góp phần tạo thêm công ăn việc làm cho một số người.

Làm việc trung bình 12-14 tiếng/ngày với vòng xoay quay cuồng, song chị cũng là người rất biết hưởng thụ. Sở thích của chị sau công việc là đi mát xa, tập gym, đi bar và đi du lịch. Sở hữu khá nhiều thẻ thành viên mát xa của một số spa và trung tâm mát xa, Nguyễn Lệ Chi bật mí, chị thường đi mát xa 3 lần/tuần nhằm giảm stress, thư giãn bấm huyệt cho máu huyết lưu thông. “Sau mọi áp lực về công việc, kết thúc một ngày bận rộn bằng việc xông hơi và mát xa chân, không còn gì tuyệt hơn”, chị nói, “Tinh thần rất thư thái, mọi lo lắng phiền muộn như bị dẹp hẳn sang một bên”. Ngoài mát xa chân thì mát xa bụng với kem tan mỡ, mát xa người bằng đá nóng, bằng thuốc bắc... cũng là những thể loại mát xa mà chị yêu thích. Trung thành với cách giữ sức khỏe và nhan sắc bằng công cuộc mát xa này, bất kỳ đặt chân tới đâu, kể cả trong và ngoài nước, địa điểm đầu tiên mà chị tìm kiếm không phải là một tiệm trang sức hay mỹ phẩm, mà chính là một tiệm mát xa. “Mát xa thực sự đem lại sức khỏe và sự hưng phấn. Vì vậy, tôi rất nghiền mát xa và đã tận hưởng điều này ở mọi miền mà tôi đặt chân tới: Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Cămpuchia… Mỗi nơi đều làm rất khác nhau, rất thú vị. Đó cũng là một cách hưởng thụ và tận hưởng cuộc sống”, chị nói.

Bên cạnh đó, Nguyễn Lệ Chi còn là một thành viên của câu lạc bộ California Wow từ những ngày đầu thành lập. Với tính chất công việc bận rộn, giờ giấc luôn biến động và với cá tính mạnh, độc lập, việc chị mê thích tập gym là một lựa chọn hợp lý và dễ hiểu. “Bạn bè thường trêu chọc tôi là dạng người thích bị hành hạ, hết mát xa lại tập gym, toàn những công đoạn cần dùng nhiều sức lực, chịu đau đớn và hành xác”, chị cười cho biết. “Nhiều lúc do tập gym quá mạnh liền mấy tiếng, về đến nhà, người rã rời, nhưng hôm sau vẫn mê, lại đi tập tiếp”. Chị cũng cho rằng ngoài việc tăng cường sức khỏe, tập gym còn là một hình thức rèn luyện ý chí và tính độc lập, tự giác cao, trong đó người tập vừa là học trò vừa là người thầy, phải tự giám sát chính mình.

Đi bar, tụ tập uống vài ly, trò chuyện cùng bạn bè hoặc đơn giản chỉ ngắm nhìn mọi người xung quanh cũng là sở thích của chị vào các dịp cuối tuần. Nếu lượn một vòng quanh các bar quen thuộc ở Sài Gòn vào các tối thứ sáu, thứ bảy như Lush, Vasco, La Habana, Carmen, Cage, Yoko, Q.bar, Apocalypse…, thế nào bạn cũng bắt gặp nữ dịch giả quen thuộc của chúng ta đang lắc lư đâu đó trong tiếng nhạc cùng các bạn. Cũng giống như khi làm việc, chị chơi hết mình, có thể nhảy tới sáng, uống rượu và hút thuốc liên tục, di chuyển khắp 4,5 bar trong một tối. Chị cho rằng nên thư giãn thực sự bằng âm nhạc sau một tuần làm việc căng thẳng, tạo điều kiện cho bản thân mình refresh là một việc rất cần thiết và góp phần giúp chúng ta tươi trẻ. “Đừng nghĩ rằng cuộc sống đêm, các quán bar luôn đầy rẫy các tệ nạn”, chị tâm sự, “Tệ nạn hay không là do mình, nhiều khi tệ nạn ngay chính trong nhà, đâu cần bước ra ngoài đường. Hãy tận hưởng cuộc sống về đêm để trải nghiệm hết mọi mặt của cuộc sống và xã hội. Chỉ cần không quá đà, bạn sẽ có những phút thư giãn rất thoải mái”. Đi du lịch bụi lang thang một mình ở nước ngoài để tự gặm nhấm cảm giác cô độc, đong đếm được nỗi sâu lắng tha hương, lặng lẽ quan sát cuộc sống, con người và văn hóa những miền đất lạ… cũng là một trong những sở thích và thói quen của chị. Đối với chị, tự tạo niềm vui cho chính mình và trải nghiệm cuộc sống là điều quan trọng nhất.

Box:


Nguyễn Lệ Chi sinh năm 1976

Cử nhân khoa Trung văn Đại học Ngoại Ngữ, Hà Nội (1994-1998)

Cử nhân Ngoại giao Học viện Quan hệ quốc tế, Hà Nội (1994-1999)

Thạc sĩ điện ảnh Học viện điện ảnh Bắc Kinh (2001-2004)

Hiện làm việc tại Báo Thanh Niên, Tp.HCM.

Một số tác phẩm dịch tiêu biểu:

Nghiên cứu tâm lí diễn xuất điện ảnh (tác giả: Tề Thổ Long, Viện phim VN, NXB Văn hóa thông tin năm 2004), Đối thoại với Trương Nghệ Mưu (tác giả Lí Nhĩ Uy, NXB Trẻ, năm 2004), Đối thoại với Củng Lợi (tác giả Lí Nhĩ Uy, NXB Trẻ, năm 2004), Nghệ thuật quay phim điện ảnh (tác giả Dương Quang Viễn, Hội điện ảnh VN, năm 2004), Kim chỉ nam giải quyết các vấn đề khó cho các nhà biên kịch điện ảnh (tác giả: Syd Field, Viện phim VN, NXB Văn hóa thông tin, năm 2005), Đối thoại với Trần Khải Ca (tác giả Lí Nhĩ Uy, NXB Văn học, năm 2009), Co Giật (tuyển tập truyện ngắn xuất sắc Trung Quốc, NXB Văn Học, 2004), Anh có biết nói yêu không (tác giả Tranh Tử, NXB Văn học, năm 2005), Tối nay có việc không về nhà (tác giả Trương Kiện Bằng, Hồ Túc Thanh, NXB Văn học, năm 2005), Hoa bên bờ (tiểu thuyết, tác giả Anni Bảo Bối, NXB Phụ Nữ, năm 2006), Đảo Tường Vy (tiểu thuyết, tác giả An Ni Bảo Bối, NXB Phụ Nữ, năm 2006), Ôi, đàn ông (tiểu thuyết, tác giả Bì Bì, NXB Phụ Nữ, năm 2006), Thiền của tôi (tiểu thuyết, tác giả Vệ Tuệ, NXB Phụ Nữ, năm 2007), Tuyển tập Vệ Tuệ (tập truyện ngắn, dịch chung với Lê Sơn, NXB Phụ Nữ, năm 2007), Chuyện tình một đêm (tập truyện ngắn, tác giả Chi Xuyên, NXB Văn Nghệ, năm 2007), Baby Thượng Hải (tiểu thuyết, tác giả Vệ Tuệ, năm 2008), Gia đình ngọt ngào của tôi (tiểu thuyết, tác giả Vệ Tuệ, năm 2008), Gái Trinh (tập truyện ngắn, NXB Văn Nghệ, năm 2008), Ai là kẻ thứ ba (tập truyện ngắn, tác giả Diệp Khuynh Thành, Chibooks), Khích lệ trẻ ham học (NXB Phụ Nữ, năm 2006),Giúp trẻ hướng tới thành công (NXB Phụ Nữ, năm 2005), Đàm thoại tiếng Hoa thông dụng 4 tập Step by Step Chinese (NXB Trẻ, năm 2007)…

Thành Nhân (thực hiện)

Bài gốc- đã đăng trên báo Phụ Nữ Việt Nam số ra ngày 6/5/2011

Thứ Năm, 17 tháng 2, 2011

Tham nhũng lớn trong ngành đường sắt Trung Quốc

http://www.thanhnien.com.vn/news/Pages/201108/20110217224213.aspx

Thứ Tư, 15 tháng 12, 2010

SƯU TẦM QUÀ TẶNG CHO TÔN NGỘ KHÔNG

Ngôi sao truyền hình LỤC TIỂU LINH ĐỒNG (vai TÔN NGỘ KHÔNG trong bộ phim TH Tây du ký phiên bản 1986) trước chuyến sang thăm VN sắp tới (24-30/12/2010) ngỏ ý muốn sưu tầm những vật kỷ niệm có hình khỉ ở Việt Nam để làm lưu niệm.
Độc giả nào có nhã ý tặng những vật kỷ niệm đúng ý “Hầu Vương” này xin gửi về địa chỉ:
Công ty TNHH 1TV Văn hóa và Truyền thông Lệ Chi, phòng M3-11, lầu 13, chung cư H3, Hoàng Diệu, P.6, Q.4, TP.HCM (www.chibooks.com.vn).
Chúng tôi xin chân thành cám ơn và sẽ tập trung trao tặng các món quà này cho “Hầu Vương”.

Lục Tiểu Linh Đồng sắp đến Việt Nam (Chibooks trên VnExpress)

Thứ Ba, 16 tháng 11, 2010

Xã hội đen ở Trung Quốc : Cuộc tấn công mạnh mẽ từ phía chính quyền

http://www.thanhnien.com.vn/news/Pages/201047/20101116233644.aspx