Thứ Năm, 25 tháng 2, 2010

Làm mẹ đơn thân

Nuôi con một mình giữa bộn bề lo toan trong cuộc sống, không ai cưu mang, hỗ trợ... Đó vừa là nỗi khổ vừa là nỗi lo tất yếu của các bà mẹ đơn thân.

Những cửa ải trần ai

Một mình lẻ bóng đã là một thiệt thòi lớn đối với phụ nữ. Một mình mang nặng đẻ đau, tự nuôi con lại càng vất vả và khổ sở gấp bội lần mà dẫu có kể ra, người ngoài cuộc cũng khó có thể cảm nhận được.
Làm mẹ đơn thân không phải dễ, nên những chị em nào chớm có ý định thì trước khi bước vào con đường này cần có sự chuẩn bị tâm lý ứng phó.
Đối với những phụ nữ ly hôn, phải nuôi con một mình, luôn phải chịu cảnh chồng cũ không chịu đóng góp tiền nuôi con, tháng có tháng không, hoặc quỵt hẳn hằng năm trời, không ngó ngàng tới thăm nom con. Khi con hư hoặc ốm đau, người mẹ lại bị nhà nội trách móc là không quan tâm tới con hoặc “con hư tại mẹ”, hoặc đổ tại cha mẹ tan vỡ nên con cháu họ mới sinh hư hỏng. Những xô xát giữa hai bên nội - ngoại để giành giật ảnh hưởng của đứa cháu bị bỏ rơi càng khiến đứa con và người mẹ thêm đau buồn và áp lực. Bên cạnh sự giày vò về tinh thần của chính những người thân ruột thịt, người mẹ đơn thân còn phải chịu ánh mắt soi mói và phán xét tiêu cực của người ngoài. Những quan niệm lạc hậu như “mất gì gái đã ly hôn”, “gia đình tan vỡ là do người vợ không chu toàn, không thu vén được gia đình...” khiến nhiều người đàn ông đã có cái nhìn thiếu đứng đắn hoặc lợi dụng, không xác định nghiêm túc trong quan hệ với các bà mẹ đơn thân.
Đối với những phụ nữ sống độc thân, chưa kết hôn bao giờ nhưng lại sinh con thường phải chịu cảnh sống trong áp lực cao độ. Những cái liếc xéo đầy ngụ ý, những câu hỏi bóng gió hoặc cố tình độp vào mặt về đứa con không cha là điều tất yếu diễn ra từ những người sống quanh bạn, kể cả người thân, họ hàng, bạn bè, đồng nghiệp lẫn hàng xóm.
Bạn phải chịu cảnh mình và con mình luôn trở thành tâm điểm soi mói của bao con mắt xung quanh, là đề tài nóng bỏng của khu phố và nơi làm việc mỗi khi người ta trà dư tửu hậu. Đối với những phụ nữ có chút ít chức vụ, địa vị xã hội, áp lực này càng lớn.
Nỗi khổ lớn nhất của các bà mẹ độc thân là không biết trả lời ra sao, không muốn nói dối, hoặc bị buộc phải nói dối khi con cái hỏi về cha của chúng. Dù bạn bù đắp tình thương yêu cho con đến đâu cũng không thể giúp chúng có được sự cân bằng về tâm lý như những đứa trẻ có cả bố và mẹ, dẫu họ đã ly hôn.
Chưa kể gánh nặng kinh tế, không ai giúp đỡ, bạn cũng không có ai để chia sẻ hoặc đỡ đần việc đón con, giúp con ăn... hoặc đơn giản chỉ là khoe một điểm 10 của con.
Giải pháp tình thế
Để giảm thiểu những khó khăn và nỗi khổ của các bà mẹ đơn thân, các bà mẹ cần phải chủ động ứng phó. Đối với các bà mẹ đã ly hôn, cần tích cực quan sát, khích lệ, thậm chí chế tài chồng cũ phải gửi đúng thời hạn các trợ cấp nuôi con; phân chia mức chi phí phải đóng giữa chồng - vợ thật hợp lý. Giải thích cho con cái về tình hình thực tế giữa bố và mẹ để giúp con không bị sốc và không mặc cảm. Không nên che đậy hoặc nói dối con.
Đối với những bà mẹ độc thân trước khi sinh con cần chuẩn bị trước một số vốn phòng thân. Việc tham khảo thêm nhiều sách vở, tài liệu trong cách nuôi dạy con sẽ giúp bạn vượt qua nhiều bỡ ngỡ khi làm mẹ. Ngoài ra bạn cũng nên tích cực tham gia các hiệp hội, đoàn thể, tổ chức, câu lạc bộ phụ nữ để có người chia sẻ, tâm tình hoặc đóng góp lời khuyên khi cần thiết. Việc tích cực đưa con hòa nhập vào các hoạt động cộng đồng, chơi thể thao... sẽ giúp đứa trẻ hướng ngoại hơn, tính tình phóng khoáng, phát triển tâm sinh lý cân bằng, tránh mặc cảm...

Ngọc Bi

Thứ Tư, 24 tháng 2, 2010

Dịch giả Nguyễn Lệ Chi: Rồi ta tự nắm tay mình đón xuân

Nhìn Lệ Chi là nhận ra ngay một mẫu đàn bà thành thị, học thức và thời trang. Thành công trong công việc, nhưng chị lại không dễ kiếm cho mình một tình yêu đích thực. Nhưng, dường như sự cương nghị đã làm cuộc sống của chị không quá nặng nề. Một năm đắm chìm với thương hiệu sách ChiBooks, dịch tiểu thuyết Trung Quốc và làm báo, Lệ Chi dường như không có thời gian để… yêu.

- Chị là người làm việc nhiều. Nhìn lại năm 2009, chị thấy mình làm được những gì? Và những gì chị mong muốn mà chưa làm được?

- Đúng là một năm qua có rất nhiều biến động lớn đối với tôi, giờ nhìn lại không hiểu sao mình lại có thể ôm đồm được nhiều việc cùng một lúc đến vậy. Nếu nói về những việc đã làm được, thì ngoài việc hoàn thành những công việc được giao như biên tập, viết bài ở báo Thanh Niên ra, tôi đã thành lập được ChiBooks, xuất bản được gần 20 đầu sách của riêng mình, tự mua được xe hơi. Tất nhiên do còn bị hạn chế về tiền vốn, tôi chưa thể xuất bản được nhiều đầu sách mà tôi mong muốn. Tôi mở ChiBooks với nguyện vọng có thêm nhiều sách hay cho độc giả trong nước, giúp họ phần nào giảm bớt những mệt mỏi và căng thẳng trong công việc và cuộc sống, cảm thấy cuộc đời còn nhiều thú vị. Tôi chú trọng dòng sách văn học dành riêng cho phụ nữ.

- Vì thế mà có người nói sách của ChiBooks sến và hơi… rẻ tiền. Chị có bất bình?

- Mỗi người đều có những nhận định cảm tính riêng. Tuy nhiên, tôi chỉ xin hỏi rằng những người đưa ra nhận định đó đã đọc được bao nhiêu cuốn trong tổng số sách chúng tôi đã xuất bản, hay chỉ đọc 1-2 cuốn rồi đưa ra kết luận vội vàng? Tôi không nói rằng sách của ChiBooks là đỉnh cao, hay mang giá trị sâu sắc, uyên thâm, nhưng nó có giá trị riêng và không sến. Trung bình chúng tôi đầu tư từ 60 - 80 triệu đồng cho một đầu sách, từ khâu mua bản quyền, dịch, in ấn… thì không thể làm ra một sản phẩm rẻ tiền được.

- Chúng tôi luôn muốn biết một điều, thực sự những người phụ nữ trẻ bây giờ đang làm gì? Vâng, chị đang làm gì?

- Tôi đang sống và làm những việc mà tôi thích, chấp nhận thử thách để biết khả năng của mình.

- Chị tự thấy những phụ nữ tuổi 30 ở thành phố bây giờ có một hình ảnh (tương đối) như thế nào? Và chị có cảm nhận, phần đông trong số họ là những người cô đơn?

- Theo tôi, phụ nữ thành phố ở độ tuổi 30 hiện nay đều khá độc lập, cập nhật mọi thứ văn minh và kiến thức mới khá nhanh nhạy, có ý thức cầu tiến, đẹp hơn, duyên dáng hơn và kiếm tiền cũng giỏi hơn. Tuy nhiên từ phạm vi những người mà tôi quen biết, từng tiếp xúc, tôi thấy họ thường không mấy suôn sẻ về chuyện tình cảm, đặc biệt là những phụ nữ càng độc lập, càng giỏi thì càng khó khăn hơn về tình cảm.

- Phụ nữ bây giờ hiện đại, làm cái gì cũng nhanh và thành công cũng không quá khó. Theo chị, họ có phải là những người may mắn?

- May mắn chỉ là một phần nhỏ. Nếu không có sức mạnh nội tại, không có thực lực của bản thân, không có sự cố gắng tột bậc và những vất vả trải nghiệm trong quá trình tích lũy kiến thức thì kể cả phụ nữ hay nam giới cũng không thể gặt hái được thành công.

- Như đã nói, thành công nhanh, làm việc nhiều, cũng dễ dàng chỉnh sửa được nhan sắc của mình sao cho đẹp hơn, mà tại sao phụ nữ vẫn không nắm bắt được hạnh phúc của mình?

- Điều này rất khó trả lời, có thể đối với tôi, như vậy đã là hạnh phúc, tại sao người ta lại không chịu giữ lại chẳng hạn và ngược lại. Nói chung chuyện tình cảm, chỉ có người trong cuộc mới hiểu rõ được họ cần gì và như thế nào là đủ cho một hạnh phúc, là nên chấp nhận hay nên giữ lại.

- Chị ít nhiều cũng có những thành tựu riêng. Nhưng vẫn đi về một mình. Có than trách ông trời chăng?

- Không, tại sao lại than trách khi ông trời cũng cho tôi quá nhiều thứ? Tôi luôn quan niệm rằng không có gì là đầy đặn cả, được cái nọ thì khuyết cái kia, mình phải chấp nhận và vui vẻ với những gì mình có. Rất hiếm phụ nữ vừa được sống độc lập tự chủ về cả kinh tế lẫn tinh thần, không dựa dẫm phụ thuộc vào ai, được sống và làm những cái mình thích. Đó là hạnh phúc không phải ai cũng dễ có được.

- Chị có nghĩ là càng thông minh, càng thành công thì phụ nữ càng khó chọn chồng? Và đôi khi người ta rơi vào trạng thái trên không tới, dưới không xong?

- Điều đó có thể đúng trong trường hợp ở nước ta vì rất nhiều người cũng cho rằng xã hội Việt Nam thời gian qua phát triển không đều, phụ nữ phát triển nhanh hơn nam giới về cả ý thức, tri thức, tinh thần học hỏi, vươn lên làm việc, sức chịu đựng dẻo dai và sức mạnh nội tại. Khi thông minh và thành công hơn, đặc biệt sau một thời gian dài bị hạn chế và không có điều kiện phát triển và khẳng định mình, người phụ nữ thời nay sẽ càng trân trọng những cơ hội mà họ hiện có. Trong quá trình theo đuổi và nắm bắt những cơ hội này, họ buộc phải tạm gạt bỏ những vật cản sẽ làm vướng bận họ, khiến họ phân tâm, bị chi phối, trong đó có chuyện tình cảm. Việc hi sinh này dẫu là tạm thời, dẫu chỉ trong một khoảng thời gian nào đó cũng khiến họ rất dễ dàng bị tuột đi nhiều cơ hội. Khi đã thành công và có thành tích nhất định trong sự nghiệp, đương nhiên họ sẽ bị rơi vào tình trạng "lửng lơ", cao không tới, thấp không xong. Tuy nhiên cũng phải trách cánh mày râu không có nhiều đàn ông thông minh và giàu sức quyến rũ tới mức cuốn hút phụ nữ bật ra khỏi công việc.

- Ai cũng nói, Tết sẽ mang đến cảm giác ngậm ngùi, khi mình qua một tuổi mà những mơ ước hạnh phúc vẫn là điều khó nắm bắt. Chị chắc cũng có những cảm giác chênh vênh đó? Chị có nghĩ mình nên yêu mạnh mẽ hơn, giành giựt hạnh phúc cho mình?

- Tôi có mơ ước nhiều về hạnh phúc, nhưng không nhất thiết xảy ra đúng dịp Tết. Tôi không coi Tết là dịp để sám hối, tiếc nuối những gì mình chưa đạt được. Tôi không có thói quen giành giật, dù bất cứ giành giật điều gì. Tôi coi Tết là dịp thư giãn, nghỉ ngơi. (Ngẫm nghĩ)… Nhưng đúng là cũng có lúc buồn thật. Biết làm sao được… Nhưng Tết cũng chỉ có mấy ngày thôi, mình phải đối diện với thực tế của mình cả năm cơ mà. Tôi luôn tự nhủ, mình kiên cường lên!

- Chị không coi trọng hạnh phúc riêng tư của mình sao? Phải chăng chị đang hy sinh tất cả cho người khác mà chị không nhận ra mình thua thiệt?

- Không phải tôi không coi trọng, nhưng trong mỗi thời điểm, nhiều khi mình chỉ có thể lựa chọn một thứ. Việc dung hòa giữa tình cảm riêng và thành công trong sự nghiệp thường khó song hành. Tại thời điểm hiện tại, ít nhất một năm tới nữa, tôi vẫn đi theo con đường mình đã chọn, tức là làm việc nhiều hơn. Tôi không cho rằng mình hi sinh vì người khác và thua thiệt bởi tôi làm việc cho tôi, cho những gì tôi đang yêu thích và say mê. Đó là sự tự nguyện, không ai ép buộc.

- Cảm ơn Lệ Chi!

Bảo Bình (thực hiện)

Thứ Ba, 23 tháng 2, 2010

Chiến lược thuê đất của Trung Quốc

Trong nhiều năm qua, người Trung Quốc đã thuê đất đai ở khắp các châu lục trên thế giới.
Theo BBC, ngày 30.1.2010, một cuộc biểu tình với hàng trăm người dân đã diễn ra tại thành phố Almaty ngay sau khi giới lãnh đạo Kazakhstan thông báo Trung Quốc muốn thuê hàng triệu héc-ta đất nông nghiệp của nước này.
Sự kiện trên chỉ là một trong vô vàn vấn đề liên quan tới chiến lược thuê đất của nước ngoài mà chính quyền Bắc Kinh đang đẩy mạnh trong nhiều năm qua.

Không ngừng mở rộng
Tờ The Finacial Times (Anh) ngày 8.5.2008 cho biết, dưới áp lực về lương thực, Trung Quốc đã phải hướng ra ngoài để thuê đất nông nghiệp, khích lệ các doanh nghiệp nông nghiệp xuất ngoại. Thực tế cho thấy Chính phủ Trung Quốc đã cổ vũ cho các doanh nghiệp ra nước ngoài thuê mua đất nông nghiệp, đặc biệt là ở châu Phi và Nam Mỹ. Ngoài ra, Bắc Kinh cũng đặc biệt khuyến khích các ngân hàng quốc doanh, doanh nghiệp sản xuất hoặc công ty dầu mỏ thuê đất đai ở nước ngoài.
Công ty Tân Thiên ở Tân Cương là một trong những doanh nghiệp đầu tiên của Trung Quốc đầu tư ra nước ngoài. Từ năm 1996, Tân Thiên đã đầu tư 50.000 USD vào Cuba để trồng lúa nước. Hai năm sau, công ty này mua thêm 1.050 héc-ta đất ở Mexico. Tương tự, tháng 3.2004, chính quyền thành phố Trùng Khánh đã ký thỏa thuận hợp tác “Khu nông nghiệp tổng hợp Trung - Lào” với diện tích 5.000 héc-ta đất với nhiều hạng mục: lâm nghiệp, thủy lợi...
Mới đây, một quan chức Trung Quốc tiết lộ trên tờ The Finacial Times: “Bộ Nông nghiệp đang làm việc với Brazil để bàn việc mua đất trồng đậu”. Tờ báo cũng phân tích nếu Chính phủ Trung Quốc cổ vũ các doanh nghiệp mua hoặc thuê đất ở nước ngoài để kinh doanh và đưa lao động bản địa sang làm việc thì sẽ gây nên không ít vấn đề lớn cho các nước sở tại.
Thêm nữa, hoạt động nông nghiệp của Trung Quốc cũng có thể ảnh hưởng tới hoạt động nông nghiệp của nước sở tại. Từ hơn 10 năm trước, người Trung Quốc đã tới Mông Cổ trồng rau, chủ yếu là rau cải, kinh doanh rất phát đạt. Vài năm trở lại đây, số người Trung Quốc sang trồng rau cải ngày càng nhiều, khiến chính quyền Mông Cổ lo ngại vì sản phẩm của Trung Quốc lấn át sản phẩm nội địa.

Người Trung Quốc nói gì?
Việc Trung Quốc thuê đất ở nước ngoài không còn là vấn đề mới mẻ. Một số nước như Nhật Bản, Hàn Quốc cũng đã có những bước đi tương tự. Nhưng Trung Quốc có vẻ như đang thực hiện một cách ráo riết hơn.
Một câu hỏi đặt ra là mục đích chính của Trung Quốc khi mua hoặc thuê đất đai ở nước ngoài phải chăng chỉ đơn thuần nhằm phát triển nông nghiệp? Ông Lý Vỹ Tường - Phó chủ tịch Phòng Nghiên cứu kinh tế vĩ mô thuộc Trung tâm Nghiên cứu phát triển nông thôn, trực thuộc Bộ Khoa học công nghệ Trung Quốc - trả lời tờ The Finacial Times: Kế hoạch làm nông nghiệp ở nước ngoài của Bắc Kinh mang lại hiệu quả chưa được như ý. Thông thường các doanh nghiệp nước này tự đi ra ngoài hoạt động, chủ yếu là châu Phi do đất đai ở đây dễ mua hoặc thuê. Tuy nhiên, sau khi mua hoặc thuê đất, họ lại vấp phải nhiều khó khăn như vấn đề an toàn, thiên tai, vận chuyển sản phẩm về nước. Theo ông này, việc ra nước ngoài mua hoặc thuê đất nông nghiệp nhằm bảo đảm vấn đề lương thực chỉ là một cách thử nghiệm.
Trong bài viết trên tuần báo Phương Nam hồi tháng 7.2009, ông Khổng Quốc Hoa - tiến sĩ kinh tế tại Đại học Sơn Đông - cho rằng việc “mượn đất nông nghiệp” là một phương thức có nguồn gốc lịch sử và không chỉ đơn thuần là phục vụ mục đích nông nghiệp. Thời Tây Hán, Triệu Sung Quốc đã áp dụng phương sách này. Chính sách này sau khi được áp dụng đã có hiệu quả to lớn, lương thực không những dư thừa mà đất đai còn rộng mở. Triệu Sung Quốc được coi như một nhà chính trị tài ba nhìn xa trông rộng. Kế sách mượn đất của ông được người dân nước này truyền tụng từ đời này sang đời khác, trở thành “văn hóa mượn đất”, tác động mạnh mẽ tới tận thời nay.
Tiến sĩ Khổng cũng cho rằng việc thăm dò khai phá đất biên cương cũng thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, kích thích mậu dịch biên cương và giao lưu dân tộc phát triển, ổn định biên giới. Như vậy thông qua việc thuê mượn đất, người Trung Quốc xưa đã thực hiện được rất nhiều mục đích chính trị, xã hội.
Cũng theo ông Khổng, ngoài “mượn đất”, nước này còn sử dụng sách lược “mượn biển” hỗ trợ cho lĩnh vực kinh tế và quân sự, đặc biệt tăng thêm tự tin và khích lệ phát triển vùng duyên hải. Tính tới năm 2008, tổng giá trị sản xuất ngành hải sản nước này đã chiếm 9,87% tổng sản phẩm quốc nội. Theo tiến sĩ Khổng Quốc Hoa, chính quyền Trung Quốc hiện tại đã sử dụng phương cách thời Tây Hán để tăng cường các hoạt động kinh tế trên biển.

Nguyễn Lệ Chi

Chủ Nhật, 21 tháng 2, 2010

Lưu học sinh Trung Quốc gây án

Những thanh niên Trung Quốc quen được nuông chiều đã trở thành những phần tử khó kiểm soát khi đi học ở nước ngoài.
Du học đã trở thành một trào lưu phổ biến ở Trung Quốc, đặc biệt khi mỗi gia đình chỉ có một con. Tuy nhiên không ít lưu học sinh nước này đã gây ra nhiều vụ án mạng nổi cộm trên xứ người.
Giết người vì tình
Theo Tân Hoa xã, sau quá trình bị điều tra, ngày 21.12.2009, nam sinh viên Chu Hải Dương theo học tại Học viện Virginia Polytechnic ở Blacksburg (Mỹ) đã cúi đầu nhận tội vụ sát hại cô bạn Dương Hân (cũng là lưu học sinh Trung Quốc) tại trường này. Động cơ giết người là do Dương Hân cự tuyệt tình yêu của anh ta. Vụ án xảy ra vào tối ngày 21.1.2009 khi hai người cùng ngồi uống cà phê tại căng-tin trong trường. Đột nhiên Hải Dương rút dao ra đâm Dương Hân chết tại chỗ trước sự bàng hoàng của mọi người xung quanh. Các nhân chứng khai không hề thấy bất cứ sự cãi cọ nào trước đó. Sau khi gây án, hung thủ còn tỏ ra rất bình thản.
Chu Hải Dương năm nay tròn 25 tuổi, đến từ Ninh Ba, Trung Quốc và nhập học tại Học viện Virginia Polytechnic vào mùa thu 2008 để theo đuổi bằng tiến sĩ Kinh tế học ứng dụng. Còn nạn nhân xấu số Dương Hân rất trẻ, mới 22 tuổi, đến từ Bắc Kinh, mới nhập học từ tháng 1.2009. Chu Hải Dương sẽ chính thức bị đưa ra xét xử vào ngày 1.4.2010 tới. Bạn bè của Hải Dương cho biết thường ngày anh ta là một người nhiệt tình, hòa nhã, kết giao rất nhiều bạn bè và chưa hề tỏ thái độ bất thường. Theo tờ Tuần báo phương Nam, một người bạn của Hải Dương thừa nhận anh ta có kể rất thích Dương Hân nhưng chưa hề nói cô này có thích lại anh ta hay không. Cảnh sát cũng phát hiện một bức thư in hình một đôi môi ở nhà Hải Dương nhưng chưa được gửi đi. Trên blog cá nhân của hung thủ cũng thấy xuất hiện những lời phiền muộn về tình như: “Cuộc sống có tình yêu mới hạnh phúc nhất. Cuộc sống vì tình là khổ đau...”.
Những vụ án khác
Cũng theo thông tin từ Tân Hoa xã, hai du học sinh Trung Quốc (một nam, một nữ) đang theo học năm thứ nhất tại trường Đại học quốc gia Donetsk (Ukraine) đã bị một sinh viên đồng hương mới 18 tuổi sát hại vào ngày 22.12.2009 ngay tại ký túc xá. Động cơ giết người là quỵt số tiền nợ 300 USD và cướp tài sản của nạn nhân gồm máy tính, tiền bạc, điện thoại.
Trước đó, vào ngày 11.11.2009 tại Toronto (Canada), sinh viên Vương Húc đã đâm chết bạn là Dương Minh vì mâu thuẫn công việc khi đang đi làm thuê trong một tiệm ăn. Chủ quán cho biết ông nhận hai người vào làm vì thấy họ khó khăn trong sinh hoạt, muốn tạo điều kiện cho họ kiếm tiền ăn học và tỏ ý tiếc vì cả hai đã không chịu nhường nhịn nhau trước những mâu thuẫn quá nhỏ. Lưu học sinh Trung Quốc Cố Tín Phi tại Úc thì bị xét xử vì giết tài xế taxi 67 tuổi Robert Woodger tại Sydney vào ngày 20.6.2007. Bị cáo Tín Phi 25 tuổi, đang theo học kế toán tại một trường đại học Úc, đã không bị kết tội giết người nhờ kết quả giám định cho thấy anh ta có dấu hiệu tâm thần phân liệt. Bạn bè cho rằng trạng thái thần kinh bất ổn của Tín Phi bắt nguồn từ áp lực học hành vì trước khi xảy ra vụ án, hung thủ đã thi trượt một số môn.
Còn tờ Thời báo phương Đông ngày 18.4.2009 cho biết, Bộ Giáo dục Pháp đã phát hiện tình trạng du học sinh Trung Quốc tại Đại học Toulon mua văn bằng với giá 130.000 USD (gần 2,5 tỉ đồng)/bằng. Kết quả điều tra cho thấy có 138 sinh viên nước này bị dính líu. Trung bình mỗi năm có tới 600 sinh viên Trung Quốc đăng ký nhập học tại Đại học Toulon. Hiện Chính phủ Pháp tiến hành rà soát lại tất cả các sinh viên Trung Quốc đang học và đã tốt nghiệp tại trường này.
Hư hỏng vì gia đình
Báo chí trong nước cho rằng nguyên nhân gây nên các vụ án của lưu học sinh Trung Quốc ở một số nước trong thời gian qua là do họ được bố mẹ quá cưng chiều và có cuộc sống quá đầy đủ ở quê nhà. Do chính sách một con, các bậc phụ huynh Trung Quốc thường dồn hết tình cảm và vật chất cho con, nhưng quên mất những trang bị về tâm lý. Tờ Kiều báo Thượng Hải đã phân tích rõ, khi con cái du học, các bậc phụ huynh không nên mua nhà cửa, xe cộ ở nước ngoài cho con, càng không nên gửi quá nhiều tiền bạc dư thừa. Tờ báo này cũng chỉ rõ ra rằng điều quan trọng nhất là phải chuẩn bị cho con cái tinh thần kiên nhẫn và chấp nhận sự cô đơn, phải chuẩn bị sẵn tâm lý thay đổi.
Sự khác biệt lớn nhất giữa cuộc sống trong nước và cuộc sống du học là lưu học sinh quá tự do, không bị ràng buộc trách nhiệm. Hơn nữa, những người thiếu nghị lực, không có mục đích nhân sinh rõ ràng sẽ rất dễ bị cuốn theo cuộc sống hưởng thụ, yêu đương lộn xộn, sống thử và dễ trở nên sa đọa, xa rời mục đích học tập hoặc biến đổi tâm sinh lý đột biến, dễ rơi vào trạng thái khó kiểm soát, thậm chí có thể gây ra tội ác.
Nguyễn Lệ Chi

Thứ Bảy, 20 tháng 2, 2010

Sôi động phim Tết Hoa ngữ

Cùng truyền thống ăn Tết giống nước ta, thị trường phim Tết Hoa ngữ cũng rất sôi động hằng năm với doanh thu lớn, đề tài đa dạng và luôn được khán giả kỳ vọng.

Vốn có truyền thống làm phim Tết từ năm 1997 với bộ phim Tết đầu tiên Bên A bên B (đạo diễn Phùng Tiểu Cương), các nhà làm phim Tết Trung Quốc đã có nhiều kinh nghiệm thực tiễn trong việc chọn đề tài và thể loại phim Tết phù hợp với các lứa tuổi. Tết Canh Dần năm nay, khán giả nước này có rất nhiều lựa chọn với số lượng phim Tết nội địa khá phong phú lên tới mười mấy phim: Thập nguyệt vây thành (đạo diễn Trần Đức Sâm), Kỳ án ba phát súng (đạo diễn Trương Nghệ Mưu), Thần tài tới (đạo diễn Nguyễn Thế Sinh)…
Trong số đó, Thập nguyệt vây thành đã đạt doanh thu 274 triệu tệ chỉ mới tính tới ngày 3.1.2010 và được ước tính sẽ vượt qua con số 300 triệu tệ sau mấy ngày Tết. Sở dĩ đạt được doanh thu đáng thèm muốn này bởi bộ phim đã tập trung được đông đảo các ngôi sao lớn của Hồng Kông và đại lục như Chân Tử Đan, Lê Minh, Hồ Quân, Tạ Đình Phong, Phạm Băng Băng, Lương Gia Huy, Chu Vận, Nhậm Đạt Hoa, Tăng Chí Vỹ, Lý Gia Hân, Trương Học Hữu, Trương Hán Tư… Với nhiều màn hành động căng thẳng, xoay quanh nhân vật cách mạng Tôn Trung Sơn tới Hồng Kông bí mật gặp gỡ một số nhân vật quan trọng và thoát khỏi 7 cuộc ám sát hụt tại đây, bộ phim đã lôi cuốn rất nhiều khán giả ở nhiều lứa tuổi. Bắt đầu được công chiếu từ ngày 18.12.2009 và kéo dài suốt thời gian Tết, Thập nguyệt vây thành chứng tỏ phim hành động lịch sử hoành tráng vẫn ăn khách. Đạo diễn Trần Khả Hạnh - giám chế sản xuất bộ phim này - cho biết ông rất tự tin cạnh tranh với phim Ba phát súng của Trương Nghệ Mưu. Ông cho rằng mặc cho những lời khen ngợi chủ quan, con số phát hành mới là cơ sở minh chứng rõ nhất.
Một bằng chứng khác cho thấy lấy đề tài lịch sử làm phim Tết vẫn ăn khách là phim dã sử Khổng Tử (đạo diễn Hồ Mai) với các diễn viên chính Châu Nhuận Phát, Châu Tấn, Lục Nghị... Tính tới ngày 11.2.2010, bộ phim này đã đạt doanh thu hơn 100 triệu tệ và được dự tính sẽ quay tiếp phần 2 vào nửa cuối năm nay để tạo nên một bức chân dung cuộc đời hoàn chỉnh về nhân vật huyền thoại Khổng Tử. Hồ Mai là nữ đạo diễn Trung Quốc đầu tiên bước vào câu lạc bộ đạt doanh phim 100 triệu tệ.
Trong khi đó, bộ phim Kỳ án ba phát súng của đạo diễn Trương lại xoay quanh vụ án điều tra về cái chết bất ngờ của ông chủ tiệm mì Ma Tử. Bà vợ chủ quán đa tình và ba chàng trai giúp việc đều bị thẩm vấn… Tuy nhiên bộ phim bị đánh giá không hề mang ấn tượng của Trương Nghệ Mưu bởi chất hài hước, nổi loạn và điên rồ được rất nhiều báo chí nước này phản ánh. Bộ phim hài này được khởi chiếu từ ngày 10.12.2009 với sự tham gia của các diễn viên Tôn Hồng Lôi, Tiểu Thẩm Dương, Diêm Ni, Triệu Bản Sơn… Do đây cũng là bộ phim mới nhất của đạo diễn Trương sau 3 năm tập trung chuẩn bị cho Olympic, nên chỉ sau 4 ngày phát hành, bộ phim đã đạt doanh thu 100 triệu tệ và sau hai tuần đã phá con số 200 triệu tệ, tuy nhiên cũng nhận không ít lời chê bai. Đạo diễn Trương cũng thừa nhận làm phim hài thực sự quá mới mẻ và đầy thử thách đối với ông, và bộ phim này mang phong cách hoàn toàn mới, không hề giống bất kỳ phim nào của ông trước đó. Bộ phim được các nhà phát hành ước tính sẽ đạt doanh thu tới 400 triệu tệ sau dịp Tết. Ông cho biết sau bộ phim này sẽ chuyển sang dự án làm một bộ phim về tình yêu.
Thần tài tới với sự tham gia của các diễn viên chính Dương Thiên Hoa, Trương Chấn, Trương Vũ Kỳ… xoay quanh câu chuyện thần tài tổng quản được lệnh của thiên đình đích thân tới các thành phố như Bắc Kinh, Thẩm Dương, Thượng Hải… để mang lại cho người dân không chỉ tiền bạc, mà còn tình yêu thương. Với nhiều tình huống hài hước, dí dỏm, bộ phim mang lại nhiều tiếng cười sảng khoái. Tuy mới bắt đầu được công chiếu từ ngày 9.2 và chưa công bố con số phát hành chính thức, nhà sản xuất phim này là ông Hàn Tam Bình lạc quan tuyên bố bộ phim đạt doanh thu hơn 100 triệu tệ là hoàn toàn có cơ sở bởi cốt truyện hay và các diễn viên giỏi. Ông cũng cho biết sẽ dự tính quay một series phim Tết Thần tài tới liên tục cho các năm tới.
Tuy nhiên bộ phim Avatar cũng ra sức làm mưa làm gió trên thị trường phim Tết Trung Quốc năm nay với kỳ tích 1 tỉ tệ doanh thu tại đại lục, khiến giới phát hành phim phải xôn xao. Phần lớn các nhà làm phim Hoa ngữ đều cho rằng bí quyết làm phim Tết thành công là đa dạng về nhiều “lớp áo” cho bộ phim, sao cho khán giả nhiều lứa tuổi đều thích xem. Một tờ báo ở đại lục sau khi điều tra hiệu ứng khán giả, đã tổng kết: “Khán giả 5x thích xem tư tưởng, khán giả 6x thích xem cuộc đời, khán giả 7x thích xem văn hóa, khán giả 8x thích xem minh tinh”. Đạo diễn Trương Nghệ Mưu Thời cũng thừa nhận: “Thời đại đã thay đổi khán giả và chúng ta làm phim phải nắm đúng mạch đập của thời đại”.

Thứ Năm, 11 tháng 2, 2010

Chủ nhân CHIBOOKS trên Đài tiếng nói Việt Nam mùng 3 Tết

Chương trình trò chuyện với dịch giả NGUYỄN LỆ CHI – chủ nhân CHIBOOKS – sẽ được phát sóng lúc 12h15 phút ngày 16/2 (mùng 3 Tết) và phát lại lúc 18h30 trên Đài tiếng nói Việt Nam.
trên sóng AM: 549 KHztrên sóng FM: 96,5 MHz
CHIBOOKS chân thành cám ơn các độc giả đã ủng hộ cho sản phẩm của CHIBOOKS suốt năm 2009 vừa qua.Kính chúc các độc giả cùng gia đình một năm mới an khang, thịnh vượng, vạn sự như ý.

Thứ Bảy, 6 tháng 2, 2010

Kim Dung không thích "Tân Ỷ thiên đồ long ký"

Bộ phim truyền hình Trung Quốc Tân Ỷ thiên đồ long ký tuy được khán giả khá yêu thích, song nhà văn Kim Dung không tỏ ra hài lòng.
So với 5 bản đầu, phiên bản thứ 6 của đạo diễn Trương Kỷ Trung (vừa được công chiếu) có gì mới?
Nhiều người cho rằng đạo diễn Trương Kỷ Trung thực sự gan dạ bởi trước khi ông bắt tay thực hiện bộ phim này đã có tới 5 phiên bản khá thành công, trong đó Đài TVB đã có hứng thú làm tới 3 phiên bản. Đó là các bộ phim do Trịnh Thiếu Thu (1979), Mã Cảnh Đào (1993), Lương Triều Vỹ (1986), Ngô Khải Hoa (2001) và Tô Hữu Bằng đóng (năm 2003) lần lượt đóng vai nhân vật chính Trương Vô Kỵ.
Trong bản phim mới do đạo diễn Trương vừa thực hiện, vai Trương Vô Kỵ được giao cho Đặng Siêu, vai Triệu Mẫn được giao cho An Dĩ Hiên, vai Chu Chỉ Nhược được giao cho Lưu Cảnh, vai Tiểu Chi (Tiểu Chiêu) được giao cho Hà Trác Ngôn... Theo bình chọn của khán giả đại lục, hình tượng Trương Vô Kỵ do Trịnh Thiếu Thu đóng là đẹp trai nhất, do Mã Cảnh Đào đóng rất thư sinh, thiếu chất anh hùng, Ngô Khải Hoa thì kém đẹp trai, Tô Hữu Bằng non nớt, còn Đặng Siêu đóng quá lãng tử.
Sau 6 tháng quay, 7 tháng làm hậu kỳ, bản phim của đạo diễn Trương thực hiện đã chính thức phát sóng khắp Trung Quốc từ ngày 5.11.2009. Đạo diễn Trương và các diễn viên chính như Đặng Siêu, Vương Ái Khả (vai Ân Tố Tố)... rất tích cực đi các thành phố lớn để tuyên truyền cho phim. Trương Kỷ Trung cho biết các diễn viên tham gia bộ phim này phải trải qua không ít vất vả, trong đó Vương Ái Khả phải học bơi bằng được chỉ trong nửa giờ đồng hồ, dù cô vốn rất sợ nước.

Ông cũng cho biết nhân vật khiến ông yêu thích nhất trong phim chính là Ân Tố Tố - mẹ của Trương Vô Kỵ, nhất là mối tình giữa Tố Tố với Trương Thúy Sơn (Trần Trí Nghiêu đóng). Vương Ái Khả tâm sự: “Vai diễn này vốn được giao cho Uông Hồng. Mãi sau này tôi mới vào đoàn phim, thời gian đã quá gấp rút. Đạo diễn Trương lại quá kỳ vọng nên áp lực và trách nhiệm của tôi rất lớn. Nói thật lúc đầu tôi cũng lười, trời thì lạnh như thế, rất thèm ngủ thêm nhưng cứ nhìn gương mặt đầy hy vọng của đạo diễn Trương, tôi lại không thể”. Cho nên mới tờ mờ sáng, Vương Ái Khả đã xuất hiện ở bãi đất trống trước khu vực nhà trọ của đoàn phim để tập chạy, múa kiếm, giơ chân lên cao tới mức mình mẩy đau nhừ, nhưng cô nhất quyết không bỏ tập.
Được đầu tư 30 triệu tệ bởi tập đoàn Hoa Nghị Huynh Đệ, bộ phim được quay ở rất nhiều địa điểm như núi Nga My, núi Võ Di, đảo Hoa Đào... Ngay sau khi bộ phim được phát sóng, Đài truyền hình Triết Giang - đơn vị đầu tiên phát sóng bộ phim này - đã lập kỷ lục lượt người xem nhiều nhất. Sau khi phim được đồng loạt chiếu trên 6 trang web đại lục, số lượt người xem online đã lên tới 100.000 lượt chỉ sau 2 tuần đầu.
Tuy nhiên, nhà văn Kim Dung không tỏ ra hài lòng về phiên bản mới nhất này. Cô Ngô - thư ký của Kim Dung - cho biết nhà văn không hề được hỏi ý kiến về bộ phim do Trương Kỷ Trung chuyển thể. Tuy nhiên do bộ phim không rập khuôn về kết cấu truyện lẫn cách xử lý các tình tiết chính trong phim nên theo luật sư, phim của Trương Kỷ Trung theo luật là không vi phạm bản quyền. Mặt khác theo yêu cầu từ trước tới nay của Kim Dung đối với các phim chuyển thể từ tác phẩm của mình “Có thể giảm bớt hoặc cắt bỏ tác phẩm văn học của tôi, nhưng không cần chứng tỏ mình thông minh, thêm vào các tình tiết mới”, thì bản phim của Trương Kỷ Trung hoàn toàn thỏa mãn điều kiện này. Trong phim, việc xử lý tình tiết “chùa Thiếu Lâm” thành “phái Thiếu Lâm” của đạo diễn Trương cũng gây nên nhiều tranh cãi ở Trung Quốc.
Tân Ỷ Thiên đồ long ký (năm 2009) là tác phẩm thứ 7 của đạo diễn Trương Kỷ Trung chuyển thể từ tiểu thuyết của nhà văn nổi tiếng Kim Dung. Trương Kỷ Trung tuyên bố đây cũng là "duyên nợ" cuối cùng của ông với Kim Dung, nên bộ phim này là tác phẩm mang chất Kim Dung chân thực nhất. Trong phim, đạo diễn đã giữ lại hầu hết các đoạn đối thoại giống như trong tác phẩm văn học.

Nguyễn Lệ Chi (Theo sina.com)