Thứ Tư, 10 tháng 6, 2009

Nhiêu khê nghề dịch sách

Nhiêu khê nghề dịch sách
Âm thầm và lặng lẽ, khiêm nhường và kín đáo, làm việc rất nhiều nhưng không được khẳng định, không được tôn vinh, thậm chí không sống nổi bằng nghề… Đó là tình hình mà các dịch giả sách ở Việt Nam đã, đang và có thể sẽ vẫn phải chịu đựng.
Vai trò lớn, vị trí chông chênh
Nhờ các dịch giả, sách nước ngoài mới lần lượt vào Việt Nam với nhiều thứ tiếng như Nga, Pháp, Anh, Hoa và cả Nhật,Hàn, Tây Ban Nha… Cũng nhờ đó, độc giả Việt Nam mới có dịp tiếp cận dược với tri thức nhân loại, với tinh hoa của các nền văn hóa nước ngoài.
Đối với các dịch giả dịch ngược từ tiếng Việt ra tiếng nước ngoài thời gian và công sức bỏ ra còn nhiều hơn gấp bội. Nhưng chính nhờ công sức của họ, bạn bè thế giới mới biết đến Việt Nam, từ văn hóa, chính trị, tôn giáo đến kinh tế… Dịch giả chính là người “công nhân chữ” lặng lẽ bắc nhịp cầu văn hóa giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.
Tuy nhiên, vị trí và vai trò của người dịch không được mấy cải thiện. Độc giả vẫn hồn nhiên và vô tư quên lãng tên tuổi dịch giả mỗi khi mua sách. Hầu như các độc giả chỉ lật xem tên sách, bìa sách có bắt mắt hay không, giá bìa đắt hay rẻ, hoặc sách do tác giả nào viết, có được giải thưởng hay không… chứ không mấy ai nhìn ngó tới tên dịch giả.
Báo chí nước ta khi đang các bài, tin phê bình, điểm sách cũng hiếm khi giới thiệu tên dịch giả, như thể không biết tới sự tồn tại của họ. Chỉ trừ phi có một tác phẩm dịch nào đó quá nổi tiếng, dịch giả mới “loáng thoáng” được ăn theo, được nhắc tới trên một vài tờ báo. Số lượng các bài viết phỏng vấn dịch giả hoặc giới thiệu về chân dung của một dịch giả nào đó trên các đầu báo trong cả nước chắc hẳn cũng chỉ đếm được trên đầu ngón tay.
Các đơn vị xuất bản và nhà xuất bản lại càng không có chế độ hoặc chính sách gì để quảng bá dịch giả của mình. Không được coi trọng, không được chú ý, không được thừa nhận vị trí… cũng là những nguyên nhân khiến nhiều dịch giả đứng tuổi phiền muộn, chán chường và từ bỏ công việc mà họ hằng yêu thích. Còn các dịch giả trẻ vẫn loay hoay tìm chỗ đứng trong xã hội.
Kinh tế nhỏ giọt
Do ở nước ta vẫn chưa hình thành một tổ chức, hiệp hội nào quy củ với chức năng chính là bảo vệ quyền lợi, bảo đảm đời sống cho các dịch giả cũng như giới thiệu với họ các điều kiện khi làm hợp đồng dịch, nên hoạt động của các dịch giả ở nước ta phần lớn là tự phát, rời rạc không gắn kết với nhau. Từ đó cũng nảy sinh nhiều bất lợi cho các dịch giả.
Nhiều dịch giả bị ép giá, thậm chí bị nhận loại hai, loại ba, chỉ bằng một phần ba hoặc một nửa mức giá dịch mà các đơn vị xuất bản thường áp dụng vì không được làm việc trực tiếp với nơi thuê dịch. Điều này vừa gây thiệt hại kinh tế cho dịch giả, vừa dễ nảy sinh chuyện dịch giả bị cướp công sức, tác phẩm dịch không được để tên thật của mình, không có sách tặng, không được biết đến.
Một cuốn sách trung bình cần từ 3-5 tháng mới dịch hoàn tất, nhưng tiền dịch lại quá bèo. Hiện tại mức giá dịch trung bình là 20.000 – 50.000đ/trang. Sau khi ký hợp đồng, nếu đơn vị xuất bản tử tế, các dịch giả sẽ được ứng trước một khoản là 30% giá trị hợp đồng. Số tiền còn lại sẽ được thanh toán trong vòng từ 15 đến một tháng sau khi giao bản dịch hoàn chỉnh.
Như vậy với tiền dịch một cuốn sách trung bình là 5 – 6 triệu đồng, nếu dịch giả chỉ chuyên chú dịch sách thì thật khó đê có thể sống nổi bằng nghề với số tiền đó trong 3-4 tháng. Nếu chạy theo đồng tiền, dịch nhanh hơn, dịch giả lại khó đảm bảo chất lượng bản dịch. Vì vậy, nhiều người giỏi ngoại ngữ, vốn từ tiếng Việt phong phú luôn từ chối khi nhận được lời mời dịch sách. Đối với họ, dịch sách vừa mất thời gian, vừa không kinh tế. Vì vậy, dịch sách hiện nay gần như chỉ là một thú vui dành cho những người có đời sống no đủ sung túc.
Hiếm ai có thể kiếm tiền sinh sống thoải mái và nuôi được gia đình từ nghề dịch sách. Đó là chưa kể với quy định thuế thu nhập như hiện nay, người dịch bị các đơn vị xuất bản trừ đi số tiền đóng thuế (10-20%) vào thẳng số tiền dịch ít ỏi, trong khi giá dịch không hề được nâng lên.
Các dịch giả làm việc trực tiếp với các đơn vị xuất bản tư nhân còn được an ủi phần nào bởi để giữ uy tín và giữ người dịch, các đơn vị xuất bản thường thanh toán tiền sòng phẳng, không có hiện tượng quỵt hoặc kéo dài thời gian thanh toán. Tuy nhiên, các nhà xuất bản nhà nước lại không được như vậy. Khi mời dịch giả cộng tác, các nhà xuất bản không cho ứng tiền trước, chỉ chịu thanh tón cho dịch giả sau khi sách được in xong và phát hành trên thị trường. Như vậy, trong suốt thời gian dịch sách (3-4 tháng) tới thời gian sách được biên tập, chỉnh sửa, xin giấy phép, trình duyệt xuất bản, dàn trang, trình bày và in ấn (trung bình ít nhất cũng hết 3 tháng, lâu nhất cũng cả năm), dịch giả mới nhận được thù lao công sức làm việc của mình. Nếu sách chưa in, dịch giả còn phải chờ dài dài.
Nhiều dịch giả cũng chính là người khai thác bản thảo, tự tìm sách hay và dịch luôn rồi mới giới thiệu cho các nhà xuất bản hoặc các đơn vị xuất bản tư nhân. Nhờ họ, các đối tác xuất bản mới biết đến các tác phẩm nước ngoài có giá trị, có giải thưởng lớn, để từ đó xúc tiến việc mua bản quyền, in ấn ở Việt Nam. Trong trường hợp này, dịch giả sẽ được nhuận bút trung bình từ 6-12% giá bìa nhân số lượng dịch. Tuy nhiên, việc các đơn vị xuất bản có chịu công bố chính xác số lượng bản in cho dịch giả trong đợt in đầu và các đợt in tái bản hay không lại hoàn toàn phụ thuộc vào lương tâm của đơn vị xuất bản đó.
Đời sống vật chất không được đảm bảo đúng mức, dịch giả khó lòng yên tâm công tác. Từ đó cũng nảy sinh ra việc một số dịch giả đã dịch ẩu hoặc nhận dịch nhưng phân cho nhiều người khác dịch, mình chỉ đứng tên và ăn chênh lệch giá dịch.
Thêm vào đó, nạn in lậu tràn lan trên thị trường cũng vô hình trung làm tổn hại đến kinh tế của đơn vị xuất bản và của chính dịch giả. Thậm chí nhiều bản dịch còn bị các đơn vị in lậu thay bằng tên dịch giả khác, đặt lại tựa sách khác cho mới và do đó không có chứng cứ kiện. Tình trạng này xảy ra khá phổ biến và không được cải thiện. Cứ như vậy, tình trạng này xảy ra khá phổ biến và không được cải thiện. Cứ như vậy, quyền lợi của dịch giả lại tiếp tục bị xâm phạm.
Bảo vệ bằng cách nào?
Trước mắt, các dịch giả có thể tự bảo vệ mình và các đồng nghiệp bằng cách thường xuyên trao đổi thông tin cho nhau để nắm bắt được giá dịch, tình hình xuất bản. Qua những lần gặp gỡ này, các dịch giả sẽ hiểu rõ hơn mức giá dịch hiện tại, cũng như biết rõ hơn về khả năng tài chính của các đơn vị xuất bản trước khi nhận lời cộng tác, tránh những rủi ro không đáng có. Hoặc họ có thể trao đổi với nhau những kinh nghiệm, những vấp váp trong quá trình dịch hoặc làm việc.
Tuy nhiên, việc thành lập một hiệp hội dịch giả với chức năng đảm bảo, cung cấp công ăn việc làm thường xuyên cho các dịch giả và bảo vệ quyền lợi của họ mới là biện pháp tốt và lâu dài. Hiệp hội này, với chức năng và tôn chỉ phục vụ vì nghề dịch, nếu biết vận hành tích cực sẽ giúp độc giả và các thành phần khác có liên quan (xuất bản, phát hành, báo chí…) có thể nhìn nhận đúng vai trò và vị trí của dịch giả, để từ đó nghề dịch có được vị trí xứng đáng trong xã hội.

Nguyễn Lệ Chi
(Theo Nhịp cầu đầu tư)

1 nhận xét:

  1. Định mon men vào nghề dịch, nghe bác nói thế này thấy buồn quá !!!

    Trả lờiXóa