Thứ Hai, 22 tháng 3, 2010

Xã hội đen Trung Quốc “bóp cổ” khách du lịch

Một tập đoàn xã hội đen ở TP Đông Hưng, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc với 25 thành viên vừa bị xét xử bởi tội danh lừa đảo xuyên quốc gia qua nhãn mác kinh doanh du lịch.

Theo mạng Tin tức Quảng Tây, ngày 16.3 vừa qua, Tòa án nhân dân TP Đông Hưng đã tuyên án cho 25 bị cáo trong một vụ án xã hội đen khá đặc biệt. Trong đó tên cầm đầu Hoàng Vĩnh Tựu phải chịu mức án 18 năm tù cùng khoản tiền phạt 2,15 triệu tệ.
Tập đoàn xã hội đen này đã được báo chí nước này châm biếm là “nhiệt tình quá mức”, đã kỳ công xây dựng cả một đường dây dịch vụ du lịch Trung - Việt, chăm sóc khách hàng quá “kỹ lưỡng”, lợi dụng việc đưa khách Trung Quốc sang TP Móng Cái (Việt Nam) du lịch để ép khách phải đến ăn ở, mua sắm tại những địa điểm mà chúng chỉ định với hàng giả nhưng bán giá thật. Từ đó chúng thu lời bất chính. Ai không nghe theo sẽ bị đánh đập, khủng bố tinh thần, thậm chí bị cướp trắng tài sản.
Theo điều tra của Tòa án nhân dân TP Đông Hưng, từ tháng 10.2007 tới tháng 11.2008, chúng đã lừa tới hơn 44 vụ với 91 nạn nhân ở rải rác trên 20 tỉnh, thành, đưa lọt 125 lượt người vượt biên phi pháp sang Việt Nam. Tổng số tiền lừa đảo và cướp bóc của khách đã lên tới 6 triệu tệ.
Chân dung tên “đồng hương” lừa đảo
Ngày 8.10.2008, một thương gia tỉnh Chiết Giang cùng vợ và vài người bạn lái xe từ TP Bắc Hải tới Đông Hưng du lịch. Khi họ dừng xe trước một siêu thị đã được mấy người gần đó tích cực tới mời chào sang Việt Nam chơi với giá rẻ giật mình: 50 tệ/người, thủ tục nhanh gọn, đảm bảo. Ham rẻ, họ đồng ý và được cấp ngay mấy tấm “Thẻ xuất nhập cảnh Trung - Việt” chỉ sau vài phút photo chứng minh thư.
Khi được đưa sang Móng Cái bằng thuyền, họ được đưa thẳng tới một khu mua sắm và tại đây, màn kịch đã diễn ra khi người bán hàng như tình cờ tiết lộ ông chủ ở đây cũng là người Chiết Giang. “Người đồng hương” lập tức xuất hiện, cảm động rưng rưng khi gặp được người cùng quê ở nơi đất khách. “Người đồng hương” tự xưng tên Hoa, kể rằng bố ông sang Việt Nam làm việc và sinh sống ở đây nhiều năm, bản thân ông đã trưởng thành tại đây và có chức sắc trong Đội Chống buôn lậu hải quan Việt Nam. Trong lúc trò chuyện, “người đồng hương” còn nhắc tới không ít danh lam thắng cảnh và những đặc điểm của vùng Chiết Giang, khiến các nạn nhân không chút nghi ngờ. “Người đồng hương” vui miệng khoe được quyền “giải quyết nội bộ” hơn 3.000 chiếc đồng hồ Rolex hàng lậu và ngỏ ý sẵn sàng bán rẻ lại làm kỷ niệm với giá cực mềm: 3.500 USD/chiếc trong khi giá thị trường quốc tế lên tới 35.000 USD/chiếc. Cảm động trước tấm lòng của “người đồng hương”, những nạn nhân nhẹ dạ đã mắc lưới với tổng cộng 142.800 tệ. Sau khi ngồi thuyền quay về Đông Hưng, họ vẫn cảm động vì tấm lòng của “người đồng hương” tốt bụng. Chỉ khi gọi điện cám ơn không thấy số máy liên lạc được, họ mới nghi ngờ mang đồng hồ đi kiểm tra và ngã ngửa ra mình bị lừa đảo.
Các nạn nhân đều không thể biết rằng họ đã bị rơi vào một cái bẫy đã được tính toán kỹ lưỡng. Những người mà họ tiếp xúc trong suốt quá trình sang Móng Cái như anh tài xế xe hơi, người lái thuyền, nhân viên tiệm mua sắm, người đồng hương... thực chất đều là đồng bọn. Ngay từ đầu, chúng mượn cớ photo chứng minh thư làm thẻ xuất nhập cảnh để kịp thời báo cho đồng bọn lên kế hoạch chuẩn bị. “Tên đồng hương” nhanh chóng tra tư liệu trên mạng để biết về một số địa danh ở Chiết Giang, nhằm tạo hiệu quả tin tưởng khi gặp mặt...
Phân công khoa học nhưng vẫn sa lưới
Để kín kẽ những việc làm ăn bất chính, Hoàng Vĩnh Tựu đã lôi kéo 7 anh chị em ruột và các cháu cùng làm và phân chia công việc rất rành mạch: anh Ba Vĩnh Tựu và anh Sáu Vĩnh Hoa là nhân vật nòng cốt của tập đoàn; con trai của anh Hai tham gia cướp của khách; anh Tư giữ nhiệm vụ cất giấu những thu nhập bất chính; anh Năm mua xe hơi chở khách, phụ trách đưa đón khách; Đàm Quốc Thanh - chồng của cô Bảy giữ nhiệm vụ giám sát khách; bố của Quốc Thanh cùng một ông cậu của Vĩnh Tựu cùng giữ nhiệm vụ đưa khách qua biên giới; Lưu Ngọc Anh - vợ của Vĩnh Tựu - quản lý khách sạn Quảng An - nơi khách bị ép về nghỉ - và phụ trách kế toán, phân chia tiền bạc cho các thành viên...
Để bảo đảm nguồn khách rơi vào lưới mình, Vĩnh Tựu và Vĩnh Hoa đã ký hợp đồng thuê nhiều khu vực quanh Bến xe Đông Hưng và các khách sạn, nhà trọ với cam kết để chúng độc chiếm dịch vụ đưa khách xuất cảnh sang Việt Nam. Vĩnh Tựu còn trả lương rất cao cho một vài nhân vật có ảnh hưởng ở địa phương đó trông nom địa bàn cho mình và hợp tác kéo khách...
Sở dĩ tập đoàn xã hội đen kiểu gia đình này bị sa lưới do phần lớn các nạn nhân sau khi bị lừa đảo đều uất ức đi tố cáo.

Ngọc Bi

Việt Nam sẽ được đánh giá cao về việc đọc sách ở châu Á

(TT&VH Cuối tuần) - Mấy năm trở lại đây, sách nước ngoài xuất hiện trên thị trường Việt Nam ngày một nhiều, phần lớn trong số đó có công sức “cầu nối” mua bản quyền từ công ty Tuttle-Mori Agency tại Thái Lan. Nhân Hội chợ sách TP.HCM lần thứ VII sắp khai mạc (từ 15 đến 21/3), giám đốc điều hành Tuttle-Mori Agency, bà Pimolporn Yutisri, trong chuyến sang làm việc tại Việt Nam, đã có cuộc gặp gỡ với TT&VH Cuối tuần.
* Từ đâu mà Tuttle-Mori Agency lại trở thành một cầu nối bản quyền giữa các Nxb và các tác giả quốc tế, thưa bà?
- Tuttle-Mori Agency Co., Ltd. được hình thành bởi ông Tom Mori, một người Nhật yêu quý đất nước Thái Lan. Vào năm 1992, ông đã tin rằng trong vòng 10 năm, người Thái sẽ đọc sách nhiều hơn nữa. Và đến nay, niềm tin của ông đã thành hiện thực. Trở lại 15 năm về trước, sách lậu là vấn nạn lớn ở Thái Lan. Cho đến nay ý nghĩ mua bản quyền vẫn còn gây tranh cãi, nhưng hầu hết mọi người dân Thái Lan đều hiểu và tôn trọng hơn về sở hữu trí tuệ. Tuttle-Mori Agency Co., Ltd. được xem như là cầu nối giữa người sở hữu và NXB. Chúng tôi liên kết họ với nhau để có được một sản phẩm trí tuệ. Chúng tôi tin tưởng vào việc giáo dục qua các các thể loại sách khác nhau như văn học, phi văn học, sách học làm người... Bạn càng đọc nhiều, bạn càng thông minh hơn!Chúng tôi đang cố hết sức để làm việc một cách chặt chẽ cùng với các NXB ở Thái Lan, sau đó là các NXB ở Indonesia, Việt Nam (VN) và Malaysia.
* Ở VN “cây cầu” của công ty bà đã “bắc” được tới những đâu rồi?
- Chúng tôi bắt đầu làm việc với các đơn vị xuất bản ở VN cách đây bốn năm. Tới nay, chúng tôi đã cấp phép cho hơn 400-500 tựa cho các đơn vị xuất bản ở Việt Nam. Chúng tôi làm việc với khoảng 20 đơn vị xuất bản như Nhã Nam, NXB Trẻ, Công ty Phương Nam, Công ty Chibooks, Alpha Books, Hà Giang Comcul, First-New Trí Việt, NXB Kim Đồng, NXB Văn học… Con số bản quyền chúng tôi cấp phép trong một tháng dao động từ 1 đến 10 tựa cho mỗi đơn vị.
* Tại thị trường sách VN bà thấy có những điểm khó khăn và thuận lợi gì trong việc mua bán bản quyền so với những nước khác cùng khu vực?
- Ngoài VN, chúng tôi còn làm việc với các NXB ở Thái Lan, Indonesia và Malaysia. Tôi gặp nhiều thuận lợi khi làm việc với các đơn vị xuất bản ở VN. Tôi cũng rất đánh giá cao thị hiếu của độc giả Việt Nam. Các độc giả VN đa dạng hơn nhiều so với độc giả Thái Lan. Có một số tác phẩm văn học hoặc hồi ký rất khó bán ở Thái Lan, nhưng lại dễ dàng bán ở VN hay Indonesia. Ngoài ra, vì các bạn đã ký kết Công ước Bernes, điều này có nghĩa rằng nước bạn đã sẵn sàng cho việc gia nhập vào thế giới bản quyền. Chúng tôi rất sẵn sàng kết nối các bạn với các tựa sách hay trên toàn thế giới. 15 năm trước ông Tom Mori, người sáng lập Tuttle-Mori đã từng nói: Tôi tin tưởng rằng người VN sẽ đọc nhiều hơn trong mười năm tới và VN sẽ là một trong số các đất nước được đánh giá cao về việc đọc sách ở châu Á vì các bạn đã có sẵn truyền thống đọc sách thật mạnh mẽ.
* So với năm đầu tiên bán bản quyền sách vào VN, bà thấy thị trường sách ở VN hiện giờ ra sao?
- Tôi thấy có một sự khác biệt lớn so với lần trước khi tôi đến thăm các nhà sách ở cả TP.HCM và Hà Nội cách đây bốn năm. Thời điểm đó, trên các kệ sách hầu hết là các ấn bản sách lậu. Để mọi người hiểu và chấp nhận khái niệm sở hữu trí tuệ là một giai đoạn khó khăn nhất. Nó không phải là một tờ giấy hay một điều khoản, mà là toàn bộ ý tưởng, mục đích và tất cả năng lực của các tác giả và người sở hữu. Tiền chỉ là một hình thức tượng trưng cho sự tôn trọng. Tuy nhiên, tất cả chúng ta đều đang hoạt động trong một lĩnh vực kinh doanh đáng tôn trọng. Bạn có nghĩ thế không?
Ngoài ra, vì số tiền trả trước - 200 USD - được các đơn vị xuất bản ở VN lúc ban đầu đưa ra là rất nhỏ, chúng tôi, Tuttle-Mori Agency Co., đã phải làm cho cả hai bên, phía VN và người sở hữu hiểu lẫn nhau hơn. Thành thật mà nói, chúng tôi không kiếm được gì từ số tiền đó, nhưng chúng tôi phải làm cho điều đó xảy ra. Chúng tôi phải giúp các bạn khởi đầu với 1-2 cuốn sách trước khi khoản tiền lớn hơn sẽ xuất hiện. Thời gian dần trôi, các đơn vị xuất bản ở VN cũng đã bắt đầu quen dần với nguyên tắc mang tính toàn cầu trong quá trình giao dịch bản quyền. Và các Nxb và đại diện nước ngoài cũng đã hiểu rõ hơn về tình hình xuất bản ở thị trường VN. Chúng tôi rất vui được dàn xếp cho cả hai bên, để chúng ta cùng nhau tạo nên nhiều sản phẩm tốt hơn.Ngoài những yếu tố trên, tôi cũng rất đánh giá cao nhiều đơn vị xuất bản ở VN, những người đã cố gắng rất nhiều trong việc ấn hành các ấn bản hợp pháp của họ mặc dầu sách lậu của đầu sách đó vẫn đang có mặt trên các quầy sách. Tuy nhiên, tôi có niềm tin mãnh liệt vào mong ước có được bản quyền sách của đơn vị xuất bản đó. Họ phải trả thêm nhiều so với bản sách lậu, nhưng tại sao họ lại phải làm điều đó? Tôi chắc chắn rằng vì họ yêu thích những tựa sách mà họ xuất bản. Họ phải mất thời gian để tìm kiếm các tựa sách hay, tìm kiếm các dịch giả chất lượng, thiết kế bìa sách, thực hiện các chương trình quảng cáo và tổ chức phát hành các cuốn sách quý giá đó đến các nhà sách. Các độc giả, trước khi quyết định mua sách, nên so sánh thận trọng giữa các ấn bản sách có bản quyền với các ấn bản sách lậu, là những cuốn sách được thực hiện vội vàng để có thể phát hành trước các NXB khác. Độc giả là người quyết định lựa chọn nào là tốt nhất dành cho mình.
* Để giúp các đơn vị xuất bản VN thuyết phục và mua được bản quyền các bộ sách lớn, nổi tiếng của các NXB nổi tiếng nước ngoài, xin bà cho vài lời khuyên.
- Chúng tôi luôn khuyên các đơn vị xuất bản nên hoạt động một cách tiên phong. Chúng tôi sẽ hỗ trợ họ trong các lĩnh vực như gửi thư giới thiệu các tựa sách mới và “hot” trên thị trường. Ngược lại họ cho chúng tôi biết tình hình kinh doanh của cuốn sách, các kế hoạch marketing, và uy tín của công ty họ. Ngoài ra, họ có thể tự mình tìm kiếm các tựa sách sắp được xuất bản trên các tạp chí quốc tế, từ các trang web của các NXB và đại diện nước ngoài, thiết lập cộng đồng đọc ở VN để cùng nhau chia sẻ thông tin.Điều quan trọng nữa là, tất cả các đơn vị xuất bản phải chấp nhận các nguyên tắc của việc cấp phép bằng việc đệ trình hoặc gởi hợp đồng, bản báo cáo tác quyền và tiền thanh toán đúng hạn để bảo đảm cho tên tuổi của mình trong giới xuất bản. Về phương diện quốc tế mà nói, giới xuất bản của chúng ta cực kỳ nhỏ bé. Tin tức xấu hoặc tốt có thể được lan truyền đi rất nhanh.Tôi rất vui khi được cộng tác với các bạn trong suốt bốn năm qua. Chúng ta đã cùng nhau trải qua nhiều việc, vui có buồn có. Tôi tin vào sự phán đoán của mình… Tôi mong chờ được thấy một VN lớn mạnh trong giới xuất bản trong tương lai gần.
* Xin cám ơn bà.

Nguyễn Lệ Chi (thực hiện)

Chủ Nhật, 7 tháng 3, 2010

Nguyễn Lệ Chi trên Đài phát thanh quốc tế Trung Quốc CRI

Nguyễn Lệ Chi - Một trong những sứ giả chuyển tải văn học Trung Quốc cho các độc giả Việt Nam
Chương trình Văn nghệ cuối tuần Đài phát thanh Quốc tế Trung Quốc CRI mong các bạn thông qua chương trình này ngoài thưởng thức những bài ca bản nhạc Trung Quốc ra, còn có thể tìm hiểu về nền văn hóa truyền thống và hiện đại phong phú đa dạng của Trung Quốc qua những bài tản văn, qua những sứ giả truyền bá văn hóa của hai nước Trung Việt.
Qua nhiều thư của các bạn thính giả, có thể thấy nhiều bạn rất yêu thích văn hóa nghệ thuật Trung Quốc, sau đây cùng với giai điệu bài hát chủ đề trong bộ phim truyện "Xích Bích", Ngọc Ánh xin giới thiệu với các bạn một phái đẹp trẻ tuổi Việt Nam, đồng thời là một sứ giả ngược xuôi với văn học của hai nước Trung-Việt. Đó là Nguyễn Lệ Chi, từng làm xuất bản suốt bốn năm qua, là một trong những người đầu tiên mua bản quyền sách nước ngoài đặc biệt là sách Trung Quốc vào Việt Nam, là người chính thức giới thiệu các nhà văn Trung Quốc nổi tiếng vào Việt Nam như Mạc Ngôn, Lưu Chấn Vân, Khâu Hoa Đông, Dịch khá nhiều sách điện ảnh và phim (phim truyền hình, phim truyện), Lệ Chi cũng đam mê với điện ảnh v v… Lệ Chi từng lưu học tại Bắc Kinh, trong thời gian lưu học, chị từng phiên dịch nhiều kịch bản điện ảnh và truyền hình Trung Quốc, sau khi về nước Lệ Chi lại phiên dịch một số tác phẩm văn học hiện đại Trung Quốc của các tác giả nói trên và nhận được sự hoan nghênh của các độc giả Việt Nam. Hơn nữa, Lệ Chi còn thành lập nhà sách chibook, giới thiệu các tác phẩm văn học nươc ngoài đặc biệt là Trung Quốc cho các bạn độc giả Việt Nam.
Vào một ngày trước Tết Nguyên Đán, Ngọc Ánh có dịp từ Bắc Kinh chuyện trò với Lệ Chi qua đường dây nóng điện thoại quốc tế, sau đây mời các bạn đón nghe trực tuyến buổi chuyện trò này và làm quen với Nguyễn Lệ Chi một phụ nữ trẻ tuổi có sự từng trải phong phú, năng động và luôn có mộng tưởng trong sự nghiệp du nhập và truyền bá văn hóa nước ngoài:
(Đối thoại giữa Lệ Chi với Ngọc Ánh, mời bạn đón nghe trực tuyến...)
Sau đây mời các bạn thưởng thức bài hát chủ đề trong bộ phim nhựa Trung Quốc "Xích Bích" mà Lệ Chi gửi tặng:
(Mời bạn nghe trực tuyến...)