Thứ Năm, 18 tháng 6, 2009

Dịch giả Nguyễn Lệ Chi & những con số

Xuất phát từ niềm đam mê điện ảnh. Nguyễn Lệ Chi khởi nghiệp nghề dịch sách tiếng Hoa từ những cuốn sách giảng dạy chuyên ngành điện ảnh trong những năm tháng cô theo học tại Học viện Điện ảnh Bắc Kinh (2001-2004).

Lý do thật giản dị, là người Việt Nam đầu tiên được vinh dự theo học chuyên ngành Đạo diễn tại Học viện Điện ảnh Bắc Kinh - cái nôi của nền điện ảnh châu á, hơn ai hết, cô rất cảm thông với thực trạng nghèo nàn về cơ sở hạ tầng và khan hiếm sách vở chuyên ngành ở trong nước, muốn truyền tải những kiến thức điện ảnh phong phú ở nước bạn cho lớp bạn trẻ Việt Nam. Bắt đầu từ năm 2004, các cuốn sách điện ảnh của cô lần lượt ra mắt độc giả như Nghiên cứu tâm lý diễn xuất điện ảnh (tác giả Tề Thổ Long, NXB Văn hóa thông tin 2004), Đối thoại với Trương Nghệ Mưu (tác giả Lý Nhĩ Uy, NXB Trẻ), Đối thoại với Củng Lợi (tác giả Lý Nhĩ Uy, NXB Trẻ), Nghệ thuật quay phim điện ảnh (tác giả Dương Quang Viễn, Hội Điện ảnh VN, 2004), Kim chỉ nam giải quyết những vấn đề khó cho biên kịch điện ảnh (tác giả Syd Field, Viện Phim Việt Nam, NXB Văn hóa thông tin 2005)... và sắp xuất bản như Bầu trời của Nhà thiết kế mỹ thuật điện ảnh (tác giả Đông Tiến Sinh), Bài học cho đạo diễn (tác giả David Mamet), Thiết kế mỹ thuật điện ảnh (tác giả Châu Thừa Nhân), Cơ sở ứng dụng của đạo diễn truyền hình (tác giả Thiệu Trường Ba)... Với vốn tiếng Hoa chuyên ngành tốt nghiệp Đại học Ngoại ngữ Hà Nội (1994-1998), vốn từ vựng điện ảnh và những kiến thức chuyên ngành điện ảnh tích lũy được trong suốt thời gian viết báo điện ảnh, dịch phim và theo học đạo diễn, cô khá thuận lợi trong việc chuyển ngữ những thuật ngữ điện ảnh “xương xẩu” này. Đây cũng là công việc mà chưa một dịch giả tiếng Hoa nào chịu để mắt tới từ trước tới nay. Trung bình cô phải mất năm, sáu tháng cho một cuốn sách điện ảnh, tuy nhiên không phải nhà xuất bản nào cũng hào hiệp đón nhận những cuốn sách “kén khách” này. “Rất buồn khi sách điện ảnh chưa được coi trọng trên thị trường sách nước ta. Phần lớn các nhà xuất bản chỉ tính đến lợi nhuận trước mắt, chưa để tâm tới việc xây dựng một tủ sách nghệ thuật thực sự, tạo nền tảng cơ sở kiến thức cho các em theo học điện ảnh và những người yêu điện ảnh muốn tìm hiểu thêm về nghề. Nhiều khi tự nhủ phải chấm dứt việc dịch sách điện ảnh, bởi không thấy ai coi trọng, kể cả nhà xuất bản lẫn độc giả nói chung và những người hoạt động trong ngành điện ảnh nói riêng” - cô tâm sự - “Nhưng rồi một điều gì đó cứ thôi thúc trong lòng, tôi lại tiếp tục dịch ra những cuốn sách điện ảnh không có ai chờ đợi. Có lẽ đó cũng là một cái nghiệp, một nỗi bức bối muốn giải tỏa”.

Bên cạnh sách điện ảnh, cô còn thử sức với sách văn học. Thời thơ ấu bị nhốt trong nhà mỗi khi bố mẹ đi làm, chỉ biết bầu bạn cùng tủ sách, niềm yêu thích văn chương đã thấm vào cô từ lúc nào không hay. Những Tây du ký, Thanh cung mười ba triều, Tam quốc diễn nghĩa, Hồng lâu mộng, Sử ký Tư Mã Thiên... đã tác động tới cô rất sâu sắc. Chính niềm khát khao tìm hiểu văn hóa dân tộc Trung Hoa đã thúc đẩy cô theo học thứ tiếng tượng hình này như một chiếc cầu ngôn ngữ cần phải vượt qua. Co giật (tuyển tập truyện ngắn xuất sắc Trung Quốc, NXB Văn học, 2004), Anh có biết nói yêu không ? (tác giả Tranh Tử, NXB Văn học, 2005), Tối nay có việc không về nhà (tác giả Trương Kiện Bằng, Hồ Túc Thanh, NXB Văn học 2005), Đảo Tường Vy, Hoa bên bờ (tác giả An Ni Bảo Bối, Công ty Văn hóa Phương Nam (PNC) mua bản quyền, đồng ấn hành với NXB Phụ nữ, 2006), Ôi đàn ông (tác giả Bì Bì, PNC mua bản quyền, đồng ấn hành với NXB Phụ nữ, 2006)... do cô dịch được bạn đọc đón nhận rộng rãi. Ngoài ra cô còn dịch một số sách giáo dục như Giúp trẻ hướng tới thành công (2005), Khích lệ trẻ ham học (2006) (PNC mua bản quyền, NXB Phụ nữ). Trong bốn năm theo học tại Bắc Kinh, cô rất chịu khó tìm hiểu nền văn học đương đại Trung Quốc và phát hiện ra một hình ảnh đất nước và con người Trung Hoa mới, hiện đại và mãnh liệt ẩn sau những ngôn từ. Bên cạnh các bậc tiền bối như Lỗ Tấn, Ba Kim, Giả Bình Ao, Cao Hành Kiện, Mạc Ngôn, Thiết Ngưng..., cô phát hiện thấy một loạt các nhà văn trẻ Trung Quốc với phong cách sáng tác mới, bừng bừng nhiệt huyết và cái tôi như Quách Kính Minh, Trương Duyệt Nhiên, Hàn Hàn, Vệ Tuệ, Bì Bì, Miên Miên, An Ni Bảo Bối, Triệu Triệu... Ước mơ giới thiệu dòng văn học đương đại Trung Quốc một cách toàn diện chỉ thực sự được chắp cánh khi cô được Công ty Văn hóa Phương Nam mời về làm trưởng ban Dịch thuật và Khai Thác bản quyền từ tháng 5-2005. Chưa đầy nửa năm, cô đã giúp công ty mua được bản quyền mấy chục tựa sách văn học Trung Quốc, mở đầu chiến dịch truyền bá dòng văn học Ling Lei vào Việt Nam, khẳng định được vị thế của PNC trong lĩnh vực khai thác sách tiếng Hoa. “Tôi muốn độc giả Việt Nam hiểu hơn về dòng văn học này một cách đầy đủ và có hệ thống. Chỉ có như vậy mới xóa bỏ được những suy nghĩ phiến diện, cũ kĩ trước kia về một đất nước nặng nề thói phong kiến, chịu nhiều dấu ấn về cái bóng cách mạng văn hóa”. Là dịch giả trẻ tiêu biểu tiếp nối cho một thế hệ dịch giả tiếng Hoa ngày càng khan hiếm, Nguyễn Lệ Chi khiến người ta phải kính phục về lòng hăng say và khối lượng công việc mà cô đã và đang thực hiện. “2 năm với 20 đầu sách là con số mà tôi tự đặt ra cho mình. Những người không hiểu sẽ cho rằng tôi chạy theo số lượng để lấy thành tích. Còn tôi tự thấy đủ sức mà vẫn bảo đảm được chất lượng. Tôi muốn làm công việc của một dịch giả chuyên nghiệp, thích khai phá cái mới và thích đặt ra những rào cản khó khăn để thử sức mình. Có như vậy mới biết được khả năng mình đến đâu. 20 đầu sách là cái đích để tôi hướng tới. Bạn bè thường kêu tôi tự gây áp lực cho mình. Có lẽ đúng như vậy”. Hiện cô càng tất bật bởi nhiệm vụ mới - Phó Giám đốc xuất bản của PNC.

Đinh Thu Hiền

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét