Thứ Bảy, 25 tháng 7, 2009

Đặng Thiều Quang lại "phải lòng"

Tự nhận mình phải lòng quá nhiều thứ, từ người đẹp, thú câu cá, thú tiêu dao tự tại…, nhà văn trẻ Đặng Thiều Quang một lần nữa lại thú nhận thêm nhiều thứ khiến anh phải xao động trong tập truyện ngắn mới nhất có tên Phải lòng.

Lướt qua 20 truyện ngắn trong Phải lòng, dường như đọng lại phần lớn là những mảng ký ức được ghi lại, có vui, có buồn, có những xao xuyến bâng quơ, cũng có những mối tình sâu đậm, có những đau đớn khắc khoải và hối tiếc... Phải chăng anh là người thích sống với quá khứ?
- Như cái tên tập truyện ngắn, đó là những khoảnh khắc phải lòng cái đẹp, đến tuyệt vọng, là những suy nghĩ ám ảnh về sự ngắn ngủi của kiếp người. Người ta sống với hiện tại, nhưng không ngừng hoài niệm. Suy cho cùng, tất cả những gì chúng ta có, là trí nhớ đang suy tàn, là quá khứ đang lụi tàn
Quá khứ của anh có nhiều kỷ niệm đặc biệt không? Chúng có tác động gì tới việc sáng tác của anh không? Nếu được, xin chia sẻ một vài kỷ niệm.
- Một ngày nào đó trong quãng tuổi thơ êm đềm, khi lang thang trên sườn đồi đầy nắng gió, dưới những tán cọ lộng lẫy, tôi chợt ý thức được sự nhỏ bé và duy nhất của mình. Tôi nằm trên thảm cỏ, ngắm bầu trời xanh thẳm qua những tán cọ, hình dung mình là những đám mây trắng bay lang thang về phía chân trời, hình như tôi đã khóc. Tôi muốn chia sẻ tất cả những điều đó, cách này hay cách khác, và cuối cùng, mãi sau này, tôi đã chọn văn chương, nghệ thuật của ngôn từ.
Cũng một ngày, cách đây vài năm, sau khi làm rất nhiều việc để sinh nhai, tồn tại, cuối cùng tôi đã quyết định quay trở lại viết, công việc mà tôi yêu thích, và có lẽ làm tốt nhất. Đó là một thời điểm khó khăn, và cũng là một lựa chọn khó khăn. Nhưng giờ tôi đã ở đây, trên con đường văn chương.
Tên một số tác phẩm của anh và cả hình bóng cá nhân anh hiện diện trên không ít truyện ngắn trong tập truyện này như Phải lòng, Đảo cát trắng, Chờ tuyết rơi... Tại sao vậy? Anh sợ độc giả quên lãng mình hay cố tình sử dụng như một chiêu PR?
- Tôi có những truyện ngắn trùng tên với những cuốn tiểu thuyết của chính mình, chúng ít nhiều liên quan với nhau. Nhưng bản thân chúng là những truyện ngắn hoàn chỉnh, được viết ra bởi mạch cảm hứng mạnh mẽ, dư chấn từ những cuốn tiểu thuyết. Tôi thấy vẫn còn chưa thanh toán sòng phẳng nợ nần với những cuốn sách, những nhân vật của mình. Mặt khác, đây là một cách giễu nhại niềm tin ngây thơ vào sự thật tiểu thuyết, sự nhập nhằng nước đôi giữa nhà văn và nhân vật chính. Nói là thủ pháp PR thì cũng đúng, các nhân vật trong truyện ngắn bị ám ảnh bởi những cuốn tiểu thuyết. Qua khúc xạ đó, dường như những cuốn tiểu thuyết trở nên lấp lánh, huyền ảo, và đương nhiên là rất hấp dẫn. Đúng, tôi sợ độc giả lãng quên, và tôi nhắc cho họ nhớ, rằng tôi còn là một tiểu thuyết gia. Tôi có thể viết nhiều truyện ngắn thú vị lấy cảm hứng từ chính những cuốn tiểu thuyết của mình.
Theo anh, một tác giả để bán được sách có nên chú trọng việc PR tác phẩm không? Hay điều này phó mặc cho bên phát hành hoặc sản xuất?
- PR cho tác phẩm của mình là rất quan trọng. Thời gian vài năm gần đây, khi quay trở lại viết và in sách, tôi đã hơi chủ quan phó mặc cho bên phát hành và sản xuất lo việc này. Tôi đã khá ngây thơ khi nghĩ rằng họ đã đủ chuyên nghiệp, trong khi sự thật thì họ gặp quá nhiều vấn đề trong kinh doanh, và không thể bao sân. Họ hứa hẹn khá nhiều, nhưng chẳng thực hiện được bao nhiêu. Tôi ra một loạt đầu sách, nhưng không có họp báo, không có giới thiệu sách, không có poster quảng cáo. Tôi chờ đợi, và mọi thứ chìm trong im lặng. Hy vọng với cuốn Phải lòng này mọi chuyện sẽ khác, tôi sẽ cùng phối hợp với đối tác xuất bản để làm sao sách đến tay độc giả nhanh nhất, hiệu quả nhất. Nguyên tắc đầu tiên là: Hãy để mọi người biết đến mình trước đã!
Đặng Thiều Quang sinh năm 1974, tốt nghiệp ĐH Kiến trúc Hà Nội. Tác phẩm đã xuất bản: Hoen gỉ, Tôi và D’Artagnan, Chờ tuyết rơi, Đảo cát trắng, Bóng giai nhân, Phải lòng… Các công việc đã làm: Viết văn, viết báo, thiết kế nhà cửa, kinh doanh... Hiện làm việc tự do.
Nguyễn Lệ Chi (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét