Thứ Sáu, 20 tháng 11, 2009

Nguyễn Lệ Chi trên BBC

'Baby Thượng Hải' và trào lưu mới
Một trong những tiểu thuyết Trung Quốc tạo ra tranh cãi và gây tiếng vang nhất đã được dịch sang tiếng Việt.
Đó là tiểu thuyết 'Baby Thượng Hải' của nữ văn sĩ Vệ Tuệ, từng có thời gian bị cấm tại Trung Quốc, do nhà xuất bản Văn nghệ Thành phố Hồ Chí Minh ấn hành.
Người dịch tác phẩm này sang tiếng Việt là Nguyễn Lệ Chi.
Gần đây dòng văn học Trung Quốc nhấn mạnh đến thế giới nội tâm đổ vỡ của con người hiện đại, khai thác nhiều yếu tố tình dục, tiên phong bởi thế hệ ngòi bút 7X, 8X ngày càng được phổ biến tại Việt Nam.
Xu hướng này cũng được xem là ảnh hưởng đến một loạt các nhà văn trẻ trong nước.

* Âm thanh- nghe Phỏng vấn Nguyễn Lệ Chi

Tuy vậy, theo nhà phê bình văn học Nguyễn Thị Minh Thái, thì các cây bút Việt Nam cũng như ngay cả các các nhà văn trẻ Trung Quốc vẫn còn cần phải học nhiều điều từ các bậc thầy trong văn học thế giới, ngay cả trong đề tài mà nhiều người cho rằng tuổi trẻ có thế mạnh này.
Bà nói: "Sex chỉ thực sự trở thành một vấn đề của mỹ học, khi nó lặn sâu vào tác phẩm đến mức mà người ta không quan tâm nó như một vấn đề rời rạc".
Nhà phê bình văn học kiêm giảng viên tại Khoa Báo chí, Đại học Xã hội và Nhân văn từ Hà Nội đưa ra một mô hình quan niệm mỹ cảm về thể tài này:
Mỹ cảm "lặn" sâu
"Anh có thể viết với hình thức dữ dội đấy, nhưng khi anh viết trên một nền tảng triết học và mỹ học về cái sự sex, thì cái đấy nó nằm dưới những vấn đề của con người làm thao thức, do đó nó lặn sâu vào văn học và không còn chỗ cho sự phân biệt sex Phương Đông, sex Phương Tây nữa".
Bà giải thích, quan niệm phân chia "truyền thống" này thường cho sex Phương Đông ẩn kín, còn sex Phương Tây thì thô lộ, phô diễn.
Quay trở lại với tiểu thuyết 'Baby Thượng Hải' (bản tiếng Anh là Shanghai Baby) đó là tác phẩm đầu tay gây chấn động văn đàn Trung Quốc của nữ văn sĩ Vệ Tuệ.
Người dịch tác phẩm này sang tiếng Việt, cô Nguyễn Lệ Chi, cũng đã từng dịch nhiều sách khác của Vệ Tuệ.
Trong cuộc phỏng vấn hôm 28 tháng Năm vừa qua, dành cho BBC, dịch giả cuốn sách, người cũng thuộc thế hệ 7X, cho biết rằng tác phẩm 'Baby Thượng Hải' của Vệ Tuệ cũng không phải là tác phẩm xuất sắc nhất của cây bút kiêm biên tập viên truyền hình người Trung Quốc này.
"Vệ Tuệ viết không bay bổng, uyển chuyển như nhiều nhà văn khác mà tôi đã dịch".
Văn hậu hiện đại
Song dịch giả Lệ Chi cho rằng có một điểm mà cô đánh giá cao ở Vệ Tuệ:
"Tác giả đã dám nói ra một cách thẳng thắn, bằng ngôn ngữ hiện đại, mộc mạc, viết thật, nói ra điều mà nhiều người từng trải qua ở nhiều thế hệ trước không dám".
Được hỏi về ý nghĩa từ nội dung của cuốn sách "Baby Thượng Hải", dịch giả Nguyễn Lệ Chi, người từng tu nghiệp cùng một học viện về điện ảnh, nhưng trước tác giả Vệ Tuệ một thời gian ở Trung Quốc cho biết:
"Thông điệp của cuốn sách theo tôi là tuổi trẻ hay bồng bột. Có những quyết định có thể dẫn họ tới sai lầm, hoa hồng hay địa ngục. Cho nên trước khi bước vào, họ nên suy nghĩ kỹ".
Dịch giả Lệ Chi đưa ra một so sánh ở Trung Quốc, văn học của những nhà văn như Vệ Tuệ gây được ảnh hưởng rất mạnh đến giới trẻ, nhưng tại Việt Nam, văn học trẻ chưa tạo được tác động xã hội lớn như vậy.
"Cũng có một số tác giả như Đỗ Hoàng Diệu, hay Nguyễn Ngọc Tư. Song để gây ra một tác động xã hội thật lớn như các cây bút tiên phong hàng đầu thế hệ 7X ở Trung Quốc, thì chưa được như vậy".
Trong khi đó, trong một chương trình phỏng vấn hàng tuần gần đây trên BBC, nhà phê bình văn học Đoàn Cầm Thi, giảng viên văn học Việt Nam tại Đại học Paris 7 nhận định văn học thế giới và Việt Nam đều đang chứng kiến một nền văn học 'hậu hiện đại'.
Tiến sĩ kiêm dịch giả văn học Đoàn Cầm Thi nhận xét các tác giả theo trào lưu này quan niệm rằng văn học, thi ca phải bước ra khỏi tháp ngà truyền thống của mình, và để nói được về cuộc sống đời thường, họ phải sử dụng ngôn ngữ và tiếng nói của nó.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét