Thứ Hai, 18 tháng 1, 2010

Nguyễn Lệ Chi trên báo PHỤ NỮ VIỆT NAM (số 6, ngày 13/1/2010)

VĂN HỌC VIỆT NAM: MƠ NGÀY HỘI NHẬP QUỐC TẾ
Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài đã kết thúc. Tuy nhiên, lời giải đáp cho câu hỏi “Bao giờ văn học Việt thực sự hội nhập với quốc tế” vẫn đang còn bỏ ngỏ. PNVN đã có cuộc trao đổi bàn tròn với Nguyễn Lệ Chi, Di Li – hai cây bút trẻ đang được chú ý, đồng thời là những dịch giả “đắt khách” hiện nay.

Xuất khẩu sách văn học của nước ta không khác cảnh “cảnh chợ chiều”, đó là nhận xét của hầu hết đại biểu dự Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài. Vậy còn ý kiến của các chị?
Di Li: Đúng thế, Trung Quốc là nước láng giềng, vậy mà theo dịch giả Điền Tiểu Hoa, cũng chỉ mới có 5 cuốn tiểu thuyết tiếng Việt được phát hành tại đây. Hơn nữa, những cuốn được dịch sang tiếng nước ngoài vẫn quanh quẩn mấy tác giả cũ và chủ yếu là chủ đề chiến tranh.
Nguyễn Lệ Chi: Vẫn còn thưa thớt, manh mún và tự phát.

Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài đã không mang lại được kết quả như nhiều người mong đợi. Là những người nắm được nhiều “đầu mối” để mở cánh cửa giao lưu văn học, các chị sáng kiến gì trong việc quảng bá văn học Việt?
Nguyễn Lệ Chi: Việc hội nghị diễn ra không đạt được kết quả như người ta mong đợi là điều rất dễ hiểu, bởi chúng ta chưa thực sự coi trọng vấn đề xuất khẩu văn học. Rất đơn giản, nếu chúng ta coi trọng nó, ắt sẽ có những hành động thiết thực hơn là kêu gọi suông hoặc gấp gáp tổ chức một vài hội thảo trong tình trạng cuống quýt, thiếu hụt. Nếu coi việc quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài như một dự án lớn đầu tư dài hạn thì hãy làm tất cả khâu chuẩn bị cho dự án đó: thời gian đầu tư, kinh phí đầu tư, lộ trình thời gian đầu tư, chủ dự án, giám sát dự án… Hãy giải quyết tốt từng khâu một, chúng ta mới có hi vọng cải thiện được tình hình này và may ra trong 5 đến 10 năm tới mới có thể bắt đầu có một vài tín hiệu vui.

Di Li: Cá nhân tôi, sau khi tham gia hội nghị cũng đã được một số lời mời từ Trung Quốc, Thụy Điển và Đức. Trước đó tự tôi cũng liên hệ được với một số đơn vị ở Nhật Bản và Anh Quốc. Việc ký hợp đồng, dịch và phát hành một cuốn sách ở nước ngoài mất khá nhiều thời gian, không phải một sớm một chiều. Tuy nhiên qua việc này, tôi muốn nói một điều rằng chúng ta phải tự thân vận động. Có thể bạn sẽ thấy rõ những người có tác phẩm in nhiều ở nước ngoài là những người sử dụng ngoại ngữ tốt, chẳng hạn như Ngô Tự Lập, Hồ Anh Thái. Nhưng không phải ai cũng tự thân vận động được, vì nhiều lý do khác nhau. Mặt khác, tự mình vận động cũng chỉ là tự phát mà thôi. Việc “tự thân” này cần phải có ở chính các cơ quan văn học. Các nhà xuất bản VN nên cử ra một bộ phận để giao dịch, quảng bá tác phẩm với nước ngoài như các NXB của phương Tây. Qua nhiều cuộc giao dịch, tôi khẳng định rằng, các NXB nước ngoài rất muốn in sách của ta. Tất cả là nằm ở tính chuyên nghiệp trong quảng bá và giao dịch. Giờ cứ nghe đến từ “hữu xạ tự nhiên hương” là tôi lại thấy sợ. Cứ như ta đang sống ở thời Lý Bạch vậy.
Từng dịch sách văn học nước ngoài sang tiếng Việt, tại sao chị không làm ngược trở lại: dịch văn học VN ra nước ngoài?
Di Li: Tôi đang loay hoay tự dịch truyện của mình, mới được hơn chục truyện ngắn. “Ốc còn chẳng mang nổi mình ốc”, sao có thể dịch giúp người khác. Tôi dịch là với mục đích để cho các nhà xuất bản thấy sơ qua những gì mình đang có, còn nếu họ muốn xuất bản vẫn nên tìm người dịch lại. Dịch ngược phức tạp hơn dịch xuôi, và chúng ta không nên dịch ngược, trừ những người lớn lên ở nước ngoài và có khả năng sử dụng song ngữ. Còn thì dịch giả bản địa dịch tiếng Việt sang tiếng nước họ sẽ tốt hơn, chuẩn xác hơn về văn phong.

Nguyễn Lệ Chi: Việc dịch ngược rất khó và thường không được làm với tính tự giác, trừ phi được NXB nước ngoài đặt hàng. Có mấy dịch giả chịu bỏ thời gian mấy năm trời để dịch một tác phẩm nào đó chỉ vì thích? Đó là chưa nói đến việc tác phẩm đó hay hay dở, có cần hiệu đính nhiều hay ít… Nếu được đặt hàng, chắc chắn tình hình sẽ khác. Nhưng muốn như vậy thì phải có kinh phí, phải có sự bảo trợ của nhà nước. Nhà nước nên tổ chức những khóa đào tạo cho các dịch giả, từ đó lựa chọn để xây dựng đội ngũ dịch thuật cấp quốc gia.

Hồ Huy Sơn (Thực hiện)
báo Phụ Nữ Việt Nam số 6 (ngày 13/1/2010)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét