Thứ Hai, 20 tháng 9, 2010

CHIBOOKS trên báo LAO ĐỘNG

Cần khai mở thú vui đọc sách cho trẻ em

Thứ Bảy, 18.9.2010 | 08:59 (GMT + 7)

(LĐ) - Hội thảo "Thực trạng và giải pháp: Phát triển văn hóa đọc ở VN" ngày 16.9 tại TPHCM do Bộ VHTTDL cùng dự án Sachhay.com tổ chức đã nhận định: "Nếu cách dạy văn hiện nay không thay đổi, thì không thể có văn hóa đọc".

Nhà văn Ngô Thị Kim Cúc nhấn mạnh, sách giáo khoa là một trong những nguyên nhân khiến giới trẻ quay lưng lại với văn hóa đọc. Chị nhận xét: “Quả là chương trình học và sách giáo khoa đã “rất thành công” trong việc khiến cho thanh - thiếu niên sợ hãi, căm ghét môn tiếng Việt, dẫn đến việc xa rời văn chương, sợ đọc sách”. Chị dẫn ra một số bài ngữ văn lớp 9, để nói về những điều rất đơn giản trong tiếng Việt, người ta đã dùng những cụm từ và cách diễn đạt hết sức rối rắm, mù mịt, tối nghĩa để “hành hạ” đầu óc những đứa trẻ 14 tuổi. Điều mà nhà văn cho rằng tối quan trọng hiện nay là phải khai mở thú vui đọc sách của thanh - thiếu niên ngay từ bậc tiểu học, bằng chính môn văn trong nhà trường.
Nhà văn Nguyên Ngọc phân tích: “Trong 2 yếu tố giáo dục gia đình và giáo dục nhà trường, thì có thể nói không quá rằng, môn học bị chính trị hóa nặng nề nhất là môn văn. Trong cải cách giáo dục, cải cách dạy văn ở nhà trường là một trong những yêu cầu hàng đầu, liên quan trực tiếp đến triết lý giáo dục nhất định phải thay đổi. Văn hóa đọc chỉ có được khi người ta đọc sách hoàn toàn vô vị lợi (cái lợi có thể có đến sau) và đó là thú vui của con người có văn hóa. Khi con người thấy đói sách không chịu được, thì lúc đó mới có văn hóa đọc. Nước ta từng có văn hóa đọc một thời, nhưng lại tự đánh mất. Chính vì thế, khôi phục một nền văn hóa đọc lành mạnh là đích đến lâu dài và rất khó khăn. Ở góc độ xuất bản, một đất nước 80 triệu dân mà ở đó nếu bán được 2.000 bản sách thì tác phẩm ấy đã trở thành hiện tượng, đó là một dấu hiệu đáng buồn! Và có lẽ, nước ta đang thuộc vào những nước có số lượng sách in vào loại thấp nhất thế giới, ít ra trong hàng các nước đang phát triển”.

Dưới góc nhìn của một nhà làm sách, dịch giả Nguyễn Lệ Chi - GĐ Cty sách Chibooks - cảnh báo về một nền văn hóa đọc và giải trí bình dân, khi rất nhiều đầu sách bán chạy chỉ có tính chất giải trí thông thường. Các sách có giá trị lớn, có giải thưởng trên quốc tế thường bị xếp xó, tồn kho, bán giảm giá...

Nhà thơ, nhà nghiên cứu văn hóa Inrasara bày tỏ sự ngạc nhiên khi sinh viên viết văn trường Nguyễn Du khi tốt nghiệp lại không biết đến các trào lưu văn chương hiện đại. Giáo dục đại học cũng đang rất bế tắc về giáo trình.

Theo nhà thơ Hoàng Hưng, thì có một vài biện pháp phát triển văn hóa đọc đáng xem xét. Cụ thể, ở tầng “người đọc”, không nên chỉ nêu khẩu hiệu “đọc và làm theo sách”, khẩu hiệu này có vẻ gắn với một giai đoạn bao cấp tư duy, giáo dục nhồi nhét thụ động, chỉ hợp với lối đào tạo con người công cụ. Trong thời điểm đã quá chín mùi cho một cuộc cách mạng giáo dục, nhằm đào tạo một lớp người mới có tư duy độc lập, cởi mở, uyển chuyển, giàu năng lực sáng tạo, nên cổ vũ một cách đọc “mềm”, đọc có suy nghĩ, phê phán, tranh luận, cổ vũ loại người đọc chủ động, tích cực, người đọc tham dự. Thứ hai, ở tầng cơ sở vật chất, hệ thống thư viện phải được đầu tư phát triển xứng đáng, trong đó thư viện nhà trường phải trở thành một thiết chế không thể thiếu. Thứ ba, ở tầng thiết chế thượng tầng, cần thay đổi tận gốc quy chế san định “sách hay, sách tốt” theo một định hướng chủ quan, duy ý chí của một nhóm người nào đó và cần có cơ chế thẩm định đa trung tâm trong việc xuất bản và giới thiệu sách.

Minh Thi ghi

http://laodong.com.vn/Tin-Tuc/Can-khai-mo-thu-vui-doc-sach-cho-tre-em/13372

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét