Chủ Nhật, 14 tháng 11, 2010

Xã hội đen ở Trung Quốc: Gầy dựng ô dù

Bất chấp những nỗ lực triệt phá của chính quyền Trung Quốc, các tổ chức tội phạm nước này vẫn ngang nhiên hoạt động và phát triển dữ dội.

Bất chấp thủ đoạn

Theo ông Trương Tân Phong - Cục trưởng Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an Trung Quốc, các băng nhóm xã hội đen đều có tổ chức đông đảo với đẳng cấp phân chia rạch ròi. Bọn chúng trang bị vũ khí, phương tiện giao thông và liên lạc hiện đại. Chúng không từ mọi thủ đoạn để kiếm tiền, như giết người, cướp bóc, lừa đảo, bắt cóc, buôn lậu, buôn bán vận chuyển ma túy, tổ chức vượt biên, mở sòng bạc, mở các ổ kinh doanh mại dâm… Có tổ chức còn lập công ty phi pháp, đầu tư mở nhà xưởng, có kế hoạch thâm nhập vào lĩnh vực kinh tế hợp pháp, ý đồ lũng đoạn kinh doanh, tranh cướp lợi ích kinh tế lớn hơn. Một số nhóm khác cấu kết với tội phạm nước ngoài phát triển thành xã hội đen xuyên quốc gia. Có băng lập kế hoạch và chỉ đạo cho tay chân ở nước ngoài gây án xong về nước lánh nạn… Nhiều băng như Yến Tử bang ở tỉnh Sơn Tây, Long Hưng xã ở tỉnh Quảng Đông… nổi tiếng tàn bạo, chuyên dùng bạo lực để kiếm tiền, theo Tân Hoa xã.
Trước tình hình chính quyền Trung Quốc đẩy mạnh truy quét tội phạm có tổ chức, các đầu sỏ thấy "làm ăn" ngày càng khó khăn nên càng đẩy mạnh tung tiền bạc để tìm kiếm một cái ô bảo hộ vững chắc. Đây trở thành nước cờ thứ hai trong quá trình phát triển của các băng tội phạm.

Tìm kiếm ô dù

Theo ông Mã Viên, Ủy viên Chính hiệp Trung Quốc, phần lớn các băng xã hội đen dựa vào các tập đoàn kinh tế lớn, mua chuộc cơ quan hành pháp, tìm kiếm ô dù và người đại diện về chính trị. Và khi chúng đã kiếm được ô bảo trợ rồi thì đụng vào chúng "khó hơn lên trời".

Chiều 26.4.2001, Trương Úy - đầu sỏ một băng ở Ôn Lĩnh, tỉnh Chiết Giang, đã bị xử bắn dù từng khoác 8 vỏ bọc: Phó chủ tịch Chính hiệp thành phố Nghi Đô ở Hồ Bắc, Phó chủ tịch Hội Doanh nghiệp trẻ Đài Châu, Chủ tịch HĐQT kiêm người đại diện pháp luật Tập đoàn Đông Hải Chiết Giang… Vụ án này dính líu tới 67 quan chức và đảng viên, gồm cả thị trưởng thành phố, cục trưởng cục công an, 42 đảng viên, 15 cán bộ tư pháp, 10 cán bộ kinh tế.

Trong khi đó, sau 10 năm với tiền hối lộ lên tới hàng chục triệu nhân dân tệ, Trần Khải đã kiếm được 35 cái ô đủ các cấp che chắn và giúp y lũng đoạn thị trường máy đánh bạc tại thành phố Phúc Châu, tỉnh Phúc Kiến. Nhờ đó, Trần Khải mở rộng kinh doanh khách sạn, spa, karaoke, sàn nhảy, khu vui chơi giải trí, bất động sản… thu lời bất chính tới mấy trăm triệu nhân dân tệ. Lưu Sung, đại ca thế giới ngầm ở thành phố Thẩm Dương, được quan chức chính quyền trao cho nhiều chức danh để làm vỏ bọc như: Đại biểu nhân dân Thẩm Dương, Phó chủ nhiệm Chi bộ đảng Thẩm Dương, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Gia Dương… Ba cái ô lớn nhất của hắn là: “bố nuôi” Lưu Thực - nguyên Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Thẩm Dương, “mẹ nuôi” Cao Minh Tề - nguyên Phó giám đốc Sở Lao động quận Hòa Bình, nhân tình Tiêu Mai Quế - nguyên Phó giám đốc Sở Tư pháp và Phó chủ tịch Chính hiệp Thẩm Dương.

Số lượng các tổ chức xã hội đen đang mọc lên như nấm và số lượng cán bộ bảo kê cho chúng cũng theo đó mà tăng lên ngày càng nhiều. Tuần báo Phương Nam dẫn lời giáo sư Vương Quý Tú thuộc trường Đảng Trung ương Trung Quốc nhận định: “Hiện tượng ô dù, bảo kê cho xã hội đen hoành hành phản ánh những rò rỉ của thể chế”.

Tội phạm đội lốt công an

Ngày 6.1.2006, tòa án tỉnh Sơn Tây xét xử vụ án Yến Tử bang với 12 tội danh vô cùng nghiêm trọng: hoạt động xã hội đen, cưỡng hiếp, giết người… Đại ca Hách Binh bị kết án tử hình. Quân sư Phùng Hiểu Xuân, có biệt hiệu Phùng Yến Tử với con mắt “nhìn xa trông rộng”, lĩnh 17 năm tù giam. Từ năm 2001, Phùng Hiểu Xuân chọn 15 tên đàn em tin cậy cho thi vào trường cảnh sát. Sau khi tốt nghiệp, chúng làm trong các cơ quan công an huyện Trung Dương, tỉnh Sơn Tây và trở thành những nội gián đắc lực, đã 18 lần mật báo và giải thoát cho đồng bọn khi gặp sự cố.

Vụ án Long Hưng xã xét xử vào năm 2007 cũng tương tự. Năm 1999, Long Kiệt Phong tốt nghiệp trường Cảnh sát Quảng Đông, làm việc trong Sở Công an thành phố Tứ Hội. Trong 5 năm tiếp theo, hắn cấu kết với hệ thống công an, tìm người bảo kê như Trần Quốc Dương, nguyên Phó giám đốc Sở Công an Tứ Hội… Long Kiệt Phong ung dung làm đại ca của Long Hưng xã, cầm đầu hơn 30 đàn em, thực hiện hơn 20 cuộc thanh toán đẫm máu. Thân phận thật của hắn chỉ bại lộ khi hắn bị hai sát thủ của băng khác bắn chết vào tháng 2.2005.

Nguyễn Lệ Chi
http://www.thanhnien.com.vn/news/Pages/201046/20101114225241.aspx

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét