Thứ Năm, 18 tháng 6, 2009

Dịch giả Lệ Chi: 'Làm 'bầu' sách phải có tâm hồn bình ổn'

Đang là dịch giả, Lệ Chi bất ngờ trở thành chủ sở hữu nhãn hiệu sách Chibooks vừa ra mắt, với nhiều bản dịch gây chú ý với bạn đọc. Chị chia sẻ về công việc làm 'bầu' sách mới mẻ của mình.

- Từ ý tưởng nào chị thành lập Chibooks thay vì yên vị làm một dịch giả và một nhà báo như công việc trước nay của chị vốn thế?
- Sau khi chính thức chuyển sang làm báo hơn một năm qua, tôi thấy mình vẫn không dứt nổi tình cảm với sách. Những ngày tháng từng làm thuê cho các công ty sách trước kia không thể nào thực hiện được hết những sở thích và mong muốn của tôi với sách. Vì vậy tôi thường nảy ra suy nghĩ muốn tự làm những cuốn sách mà mình mong muốn, không phải chịu sự chi phối hoặc chỉ đạo của ai. Thế là Chibooks đã ra đời.
Trong thời buổi hiện tại, để tách riêng và mạnh dạn làm riêng như thế đòi hỏi phải có đủ "nội lực", chị chuẩn bị cho thương hiệu sách của mình chào đời như thế nào và chị tin "nội lực" của chị nằm ở đâu?
- Đúng là để làm sách cần phải hội đủ hai nội lực "kinh nghiệm xuất bản" và "kinh tế". Ngoài ra, cộng thêm là lòng say mê và khát khao chinh phục. Tôi nghĩ rằng dù có thể rất khó khăn bởi còn nhiều yếu tố khách quan lẫn chủ quan tác động, tôi vẫn cố gắng cùng công ty của mình vượt qua. Sự chào đời của Chibooks chỉ có thể được đón nhận bằng sản phẩm của chính nó, không gì có thể thay thế được. Với những kinh nghiệm nhiều năm qua làm bản quyền và xuất bản, cùng với lòng say mê tự thân, tôi tin rằng mình có nội lực để xây dựng Chibooks, mang lại nhiều cuốn sách bổ ích và thú vị cho độc giả.
- Thay vì quảng bá rầm rộ theo kiểu "lát đường", nghĩa là thông báo từ từ về thương hiệu trước khi tung ra sản phẩm, chị lại ra mắt thương hiệu cùng lúc đi kèm với một loạt đầu sách dịch mới, vì sao thế?
- Có lẽ tác phong của người làm báo có ảnh hưởng mạnh tới tôi. Tôi làm vậy chỉ với suy nghĩ rằng trong một xã hội ngập tràn thông tin hàng ngày, nên bỏ hết những quảng bá vòng vèo, tập trung đưa ra những thông tin thiết thực.
Việc cùng lúc vừa ra mắt Chibooks, vừa giới thiệu luôn các đầu sách mới ra và sắp xuất bản giúp chúng tôi hy vọng giúp độc giả đỡ mất nhiều thời gian, chỉ tập trung vào điểm chung duy nhất là chia sẻ về cuốn sách mới. Mặt khác tôi cũng muốn mọi người thấy chúng tôi làm sách thật sự, không nói suông, chỉ hô hào cho rôm rả, cho vui vẻ rồi để đó.
- Hiện nay trên thị trường sách Việt Nam có hiện tượng các công ty và NXB ra sách chạy theo phim ảnh thế giới và các sự kiện thời sự, chị nghĩ sao về hiện tượng này?
- Tôi nghĩ đây cũng là một xu thế hay, chứng tỏ sách ở Việt Nam đã theo kịp với nhịp điệu thời sự và đời sống phát hành sách quốc tế. Điều này càng chứng tỏ rằng từ sau khi Việt Nam mở cửa, độc giả có rất nhiều cơ hội tiếp xúc với tinh hoa văn hóa của nhân loại. Họ càng nâng cao được tri thức, càng có gu chọn lọc sách tinh tế hơn.
Đối với thị trường sách quốc tế, đặc biệt là thị trường sách phương Tây, hiện tượng sách chạy theo phim ảnh thế giới và các sự kiện thời sự cũng không có gì là mới lạ cả. Trong đó, có nhiều cuốn sách ra đời vì những lí do khác nhau: cung cấp thông tin kịp thời và chi tiết về một sự kiện thời sự nào đó, “ăn theo” sự nổi tiếng và ăn khách của bộ phim...
Tuy nhiên, những sách mà Chibooks khai thác lại chủ yếu thiên về chất văn học nhiều hơn. Tức là sách ra đời trước, các nhà điện ảnh hoặc truyền hình mới dựa vào đó mà chuyển thể thành phim. Chúng tôi tập trung trước mắt là sách văn học dịch nước ngoài.
- Thương hiệu sách của chị đã và sắp trình làng những đầu sách gì?
- Cuốn đầu tiên của chúng tôi là Cafe với người nổi tiếng (sách trong nước) vừa phát hành. Trong tháng 4 này, Chibooks sẽ liên tiếp xuất bản 3 tác phẩm của Trung Quốc: Tôi là Lưu Nhảy Vọt (tiểu thuyết, tác giả Lưu Chấn Vân), Giường đàn bà (tiểu thuyết, Cửu Đan), Ai là kẻ thứ ba (tập tự sự có thật về đề tài ngoại tình ở Trung Quốc) ...
Thật ra việc khai thác sách nước ngoài, dù là sách văn học nước ngoài chăng nữa, cũng không có gì khó. Cái khó nhất là chọn tác phẩm nào phù hợp với thị hiếu độc giả trong nước nói chung, nhưng vẫn mang ý nghĩa nhất định, lại không làm người đọc thấy chán nản hoặc u buồn sau khi gấp sách. Tôi chỉ mong muốn qua dòng sách văn học nước ngoài sẽ góp phần mang lại niềm vui và sự lạc quan vào cuộc sống cho độc giả. Ngoài ra, cũng hi vọng sách giúp độc giả có cái nhìn thêm cảm thông và biết chia sẻ với những số phận khác, kém may mắn hơn mình.
- Chị có thể chia sẻ vài kỷ niệm hoặc chuyện vui buồn nào trong việc săn tìm bản thảo để ra sách?
- Việc mua bản quyền hiện nay cũng cạnh tranh nhiều và khá nhanh gọn. Bản thân tôi từng mua "hớt tay trên" nhiều đầu sách hay của các đơn vị xuất bản khác và ngược lại.
Tuy nhiên cũng không phải vì "trượt mua" một đầu sách mà tôi buồn. Bởi một cuốn sách không thể làm nên mùa xuân, mình chỉ có thể tiếc rằng không có duyên với nó, chứ không cay cú. Người làm sách thật sự phải giữ cho tâm luôn bình ổn. Điều đó rất quan trọng. Nó giúp chúng ta nhìn nhận mọi thứ khách quan và trong trẻo. Nếu việc lựa chọn sách xuất phát từ sự cay cú, gấp gáp, nóng vội… chắc chắn sẽ khó có thể tìm ra sách hay và thực sự bổ ích. Vả lại, tôi luôn nghĩ rằng, cuốn sách đó mình không mua được nhưng có đơn vị xuất bản khác ở Việt Nam cũng mua được, như vậy tức là sách hay vẫn được giới thiệu tới độc giả Việt Nam.

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét