Thứ Sáu, 26 tháng 6, 2009

Tiết lộ mới về thời trẻ của Mao Trạch Đông

Tuy đã có khá nhiều sách về Mao Trạch Đông được xuất bản, song tìm hiểu về cuộc đời vị lãnh tụ vĩ đại này vẫn là tâm nguyện của nhiều tác giả. NXB Tân Hoa (Trung Quốc) vừa giới thiệu tác phẩm Ký sự về cuộc đời Mao Trạch Đông của tác giả Để Diên Sinh sau 10 năm thu thập tài liệu và nghiên cứu. Cuốn sách công bố nhiều tư liệu mới.

Bất mãn với cuộc hôn nhân sắp đặt
Năm 1907, Mao Trạch Đông tròn 14 tuổi, được liệt vào dạng “người lớn” ở quê. Sau khi bỏ học giữa chừng, ban ngày, ông phải làm việc đồng áng rất nặng nhọc, ban đêm giúp bố tính toán các khoản thu chi, đồng thời cũng tranh thủ tự học, tìm kiếm đủ các loại sách để đọc tham khảo như thiên văn, địa lý, y học, số học, chu dịch, xem tướng, tiểu thuyết, các loại tạp chí, truyền kỳ, truyện cổ tích… Dần dần qua những sách đã đọc, Mao Trạch Đông nhận thấy rằng phần lớn các nhân vật đều là “dũng sĩ”, “hào kiệt”, “quan lại”, “học sĩ” hoặc “tài tử giai nhân”, “vua tướng”…, rất hiếm có nhân vật chính là tầng lớp nông dân nghèo khổ. Điều này khiến ông không ngừng phân tích và suy ngẫm. Kiến thức ngày càng được mở rộng, ông càng không tin vào thần thánh và Phật, thậm chí còn khuyên cả mẹ mình cũng không tin. Trước sự thay đổi tư tưởng của con trai lớn, mẹ ông là bà Văn Tố Cần rất buồn và luôn trách con không quan tâm tới những nghi thức kính thần bái Phật.
Bố ông là Mao Thuận Sinh đã định sẵn hôn nhân cho con trai. Đó là trưởng nữ nhà họ La ở huyện Tương Đàm, thôn Dương Lâm, là một hộ cũng giàu có, có đất đai và ăn học. Cô gái họ La tên Thị này hơn Mao Trạch Đông 3 tuổi. Tới năm 18 tuổi, cô rất xinh đẹp, thông minh, hiền dịu, lại tần tảo, hiểu biết. Mao Thuận Sinh chủ động tìm nhà họ La. Thấy Mao Trạch Đông tướng mạo có tài, lại từng ăn học, hiểu biết, môn đăng hộ đối nên nhà họ La chấp thuận. Nhà họ Mao do thiếu người lao động nên ngày đêm mong con trai sớm thành thân để gia đình có thêm người giúp đỡ.
Tuy không tán thành cuộc hôn nhân sắp đặt này, song Mao Trạch Đông không dám ngược ý cha mẹ. Hai nhà đã tổ chức một đám cưới thật linh đình. Sau khi về nhà chồng, tiểu thư họ La rất tần tảo việc nhà, chăm sóc phục vụ chồng và cả nhà chồng rất chu đáo nhưng không hề chiếm được tình yêu của chồng. Mao Trạch Đông không chịu sống chung phòng với vợ và luôn bất mãn về cuộc hôn nhân phong kiến này. Vợ ông đành ngậm nỗi khổ trong lòng, ngày qua ngày dần trôi suốt 3 năm. Mùa xuân năm 1910, Lã Thị bị bệnh qua đời khi mới 20 tuổi và được chôn ở phần mộ đối diện nhà họ Mao.
Tư tưởng thay đổi và hai em trai
Năm 1908, em trai của Mao Trạch Đông là Mao Trạch Dân đi xa trọ học. Mao Trạch Đông trở thành lao động chính trong nhà. Năm đó do mẹ bị ốm nặng, Mao Trạch Đông từng khấn nguyện sẽ tới chùa trên Nam Nhạc Hoành Sơn để thắp hương cầu Phật. Trên đường đi, để tiết kiệm tiền, ông chỉ mang theo lương khô và uống nước suối bên đường sống qua ngày. Đây là lần đầu tiên ông đi xa nhà và phải mất 2 ngày mới lên được tới núi Hoành Sơn. Sau khi thắp hương cầu khấn cho bệnh của mẹ thuyên giảm, ông đứng trên núi ngắm ra bốn phương, thấy chí lớn vùng vẫy và càng thêm yêu đất nước mình.
Năm 1909, một giáo viên là Lý Thấu Thanh (người nhà của bạn học Lý Khánh Phong của Mao Trạch Đông) từ Thiều Sơn Xung quay về quê, đã gây nhiều tác động đối với tư tưởng Mao Trạch Đông. Đây là một nhân vật theo phái duy tân, có tư tưởng tự do, tốt nghiệp trường pháp luật Trường Sa, chủ trương phá bỏ chùa chiền, xây dựng trường học, phát triển dân trí, phản đối mê tín phong kiến, phụ nữ bó chân và đàn ông để tóc bím…
Tuy Lý Thấu Thanh bị coi là thành phần quá khích, luôn gây nên nhiều tranh cãi ở quê nhà song lại được Mao Trạch Đông rất ngưỡng mộ vì cảm thấy dứt bỏ được những tư tưởng hủ bại và lễ nghi phong kiến. Thời gian này Mao Trạch Đông thường lui tới nhà Lý Thấu Thanh để mượn sách, nghe giảng về thế cục đại sự của Trung Quốc và thế giới. Ông cũng thường dẫn cả em trai Mao Trạch Dân đi theo để cùng hấp thụ kiến thức mới, cảm nhận được luồng tư tưởng mới, mặc dù bị bố luôn ngăn cản.
Do luôn chán ngán việc đồng áng, ôm ấp mộng anh hùng vượt qua dãy Hoành Sơn, cùng hòa mình vào xã hội rộng lớn…, Mao Trạch Đông luôn bị bố khiển trách về chuyện lơ là công việc, dẫn đến mâu thuẫn và tranh cãi nặng nề giữa hai bố con. Trong một lần tức giận, ông đã bỏ nhà tới học nửa năm tại một trường tư thục ở Khiết Quân Tỉnh với thầy giáo là người từng học luật nhưng thất nghiệp. Sau đó ông lại tới học trường tư tại Đông Mao Đường với thầy giáo là người rất tinh thông lịch sử. Thời gian này, ông đọc nhiều sách mang tư tưởng tiến bộ do các tác giả đương đại viết. Cách học của ông là viết nhiều lần những gì đã đọc tới mức thuộc lòng và chữ rất đẹp.
Học tập anh trai, Mao Trạch Dân vừa làm việc đồng áng vừa học, luôn tranh thủ luận bàn mọi chuyện từ cổ chí kim. Người trong thôn đều thấy rõ anh em nhà họ Mao có khí chất khác người, học thức uyên thâm, tiền đồ vô lượng nên ai nấy đều ngưỡng mộ. Lúc này cậu ba Mao Trạch Đàm mới lên 4 tuổi, vô cùng nghịch ngợm, lúc thì thả sổng lợn, lúc lại làm vỡ bát ăn cơm, lúc làm bẩn hết đống quần áo mà chị dâu vừa giặt, lúc đánh nhau với lũ trẻ từ sáng tới tối… Trong nhà không ai trị được cậu, ngoài anh cả Mao Trạch Đông. Trước mặt anh cả, Mao Trạch Đàm luôn ngoan ngoãn và rất nghe lời, luôn sùng bái anh cả.
Tinh thần ham học hỏi, khao khát bước ra thế giới bên ngoài, vùng vẫy không chịu chấp nhận thực tại của Mao Trạch Đông đã có ảnh hưởng rất lớn đến các em trai và những người thân trong gia đình. Chính nhờ những yếu tố này đã giúp ông thu được những thành công lớn trong cả sự nghiệp và gia đình sau này, trở thành một nhân vật lịch sử huyền thoại.

Nguyễn Lệ Chi (tổng hợp)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét