Thứ Tư, 1 tháng 7, 2009

Vợ chồng quốc tế

Giận dỗi, bực tức, thậm chí cãi cọ, rạn nứt do không hòa hợp nổi về văn hóa là nguy cơ đối với những người lấy vợ hoặc chồng là người nước ngoài.

Vừa tới cơ quan đã thấy Mai Hương nước mắt đầm đìa, tuyên bố vừa đưa đơn ly dị với anh chồng người Đức hơn cô 5 tuổi. Lý do của cô là anh ta quá ích kỷ, không tôn trọng cha mẹ cô, đặc biệt không thích cho mẹ cô ngủ lại qua đêm, tâm sự với con gái mỗi khi bà đến chơi. Chạnh lòng nhìn lại tấm hình cưới của hai vợ chồng tay trong tay hạnh phúc chưa đầy một năm trước còn đặt trên bàn làm việc của Mai Hương, mọi người gạn hỏi nguồn cơn.
Xung đột văn hóa
Có hàng ngàn kiểu xung đột dẫn đến mâu thuẫn khó giải quyết của các cặp vợ chồng khác văn hóa, đặc biệt khi kết hợp hôn nhân giữa một người chịu ảnh hưởng của văn hóa phương Đông và một người đến từ văn hóa phương Tây. Peter James (người Anh) buồn bã cho biết hình ảnh một phụ nữ Việt Nam duyên dáng, ý tứ mà anh từng thấy ở vợ mình trước khi cưới đã biến mất. Chỉ sau vài tháng sống chung, Peter chỉ thấy được hình ảnh một cô vợ ưa soi mói, thích lục lọi những đồ dùng cá nhân của anh như bóp tiền, cặp đi làm, túi quần, túi áo... Thoạt đầu anh khó chịu nhắc nhở nhưng cô lại cho rằng mình có quyền làm vậy và việc anh giấu diếm hẳn có nguyên nhân. Những cãi cọ liên tiếp giữa hai người càng đẩy lên đỉnh cao mâu thuẫn khi Peter phát hiện thấy Lan - vợ anh bí mật kiểm tra các tin nhắn và cuộc gọi trong máy điện thoại di động của anh. “Đó là một sự xâm phạm cá nhân khủng khiếp. Tôi hiểu cô ấy ghen và luôn phòng bị, che chắn tôi trước các cô gái khác nhưng tại sao cô ấy không tin tôi?”, Peter bức xúc nói, “Tôi thấy mình bị tổn thương nghiêm trọng và không thể nào tiếp tục chung sống với người không tin tưởng mình”.
Khác với Lan, Mai Hoa lại không có tính ghen tuông như vậy. Là chủ một tiệm thời trang, cô khá bận rộn với công việc và không thích quản lý chồng. Tuy đã được một khoảng trời riêng hoàn toàn, Steven – anh chồng người Mỹ của cô – vẫn có nhiều điều không hài lòng về vợ. Sau một thời gian chung sống, anh nhận thấy vợ là người thiếu trung thực do cô nhiều lần nhờ anh trả lời hộ điện thoại rằng cô không có nhà, hoặc mắc bận đi công chuyện khi không muốn tiếp điện thoại của ai đó. Kiểu ăn nói đưa đẩy, vồn vã trước mặt với khách hàng nhưng sau lưng lại nói về họ những lời thật khó nghe hoặc thích phô trương cũng là điều mà anh nhận thấy ở cô. Anh góp ý với vợ nhiều lần nhưng đều bị cô gạt đi với lý do đơn giản: kinh doanh là phải vậy. Sau hơn hai năm chung sống, Steven rốt cục cũng không thể kiên nhẫn hơn và quyết định chia tay, về nước trước sự kinh ngạc, khó hiểu của Mai Hoa.
Rất nhiều cặp vợ chồng khác quốc tịch và văn hóa cũng phải chịu đựng vô số mâu thuẫn về đủ mọi vấn đề trong cuộc sống như: quá khác biệt trong ẩm thực, cô vợ nước ngoài không chịu nổi các mùi mắm muối, nhang đèn trong nhà...; anh chồng nội địa không chịu được tính sòng phẳng, mọi chi phí đều phải chia đôi của cô vợ ngoại quốc; hoặc bên này không thích họ hàng của bên kia tới chơi quá nhiều và ở lại dài ngày, gây ồn ào và làm lộn xộn cuộc sống riêng. Đó là chưa kể tới các mâu thuẫn giữa con cái với các bậc phụ huynh do anh chồng ngoại quốc không chịu để bà mẹ vợ mớm cơm cho đứa trẻ vì sợ mất vệ sinh hoặc can thiệp vào việc dạy con cái trong nhà...
Tìm giải pháp hòa hợp
Nếu cả hai bên đều bình tĩnh suy xét lại nguyên nhân gây ra mâu thuẫn, chịu thừa nhận những khiếm khuyết của mình và cùng tìm ra giải pháp, những mâu thuẫn trên vẫn có thể giải quyết được. Trước hết cần tìm hiểu kỹ về những nét đặc trưng trong văn hóa, phong tục và nếp sinh hoạt đặc trưng của người vợ (hoặc chồng) khác quốc tịch, khác văn hóa mà mình đang sinh sống qua sách vở, báo chí, phim ảnh, internet, bạn bè hoặc từ chính người bạn đời. Từ đó bạn chịu khó thâm nhập vào nền văn hóa đó như làm quen với ẩm thực, tập ăn đũa (hoặc thìa, nĩa), tập ăn các món bản xứ, kết bạn bản xứ để tìm hiểu về cách nói năng, cách suy nghĩ, thói quen, tập quán sống nói chung. Người vợ hoặc chồng cần làm công tác tư tưởng cho bố mẹ, anh chị em, họ hàng mình về những khác biệt trong suy nghĩ, tác phong và văn hóa của người bạn đời. Từ đó mới tránh được những mâu thuẫn không đáng có giữa bạn đời của mình với những người thân.
Tích cực tổ chức các cuộc giao lưu giữa người bạn đời khác quốc tịch, khác văn hóa với cộng đồng xã hội mà bạn đang sống để tăng cảm giác gần gũi và dễ thông cảm. Tuy nhiên những công việc này đều đòi hỏi thời gian và tính kiên nhẫn. Nếu bạn thực sự muốn chung sống lâu dài với bạn đời của mình, hãy cố gắng đừng để những khác biệt văn hóa trở thành kẻ thù gây nên rạn nứt gia đình bạn.
Ngọc Bi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét