Thứ Sáu, 17 tháng 7, 2009

Dịch giả Nguyễn Lệ Chi: đa tài, đa nghệ

Dịch giả Nguyễn Lệ Chi không chỉ được biết đến với vai trò dịch thuật, hiện nay, chị còn là giám đốc của công ty Chibooks, một công ty in ấn và phát hành sách, là biên tập của báo Thanh niên, tham gia lĩnh vực phim ảnh, đang viết một cuốn tiểu thuyết. Như rất nhiều công dân đặc biệt của thế kỷ 21, Lệ Chi ham việc và làm việc gì cũng thành công. Chị có khuôn mặt cá tính và phong cách làm việc nhanh gọn, hiện đại. Trong một lần gặp tình cờ, người thực hiện bài này chứng kiến đạo diễn Đỗ Minh Tuấn nói với Lệ Chi rằng nếu chọn vai diễn, Lệ Chi chắc chắn được ông giao cho vai… bà chủ. Cho đến nay, chị đã dịch được 30 đầu sách tiếng Trung, một con số đáng nể đối với bất kỳ dịch giả nào.
Bắc nhịp cầu văn hóa
Chị đang làm việc trong ngành xuất bản, liệu có thể so sánh sức tiêu thụ của sách ngoại và sách Việt?
Tôi cũng có cái may mắn được làm việc trong ngành xuất bản một thời gian, tuy nhiên những nhận xét của tôi chỉ mang tính chủ quan và cảm tính. Nếu nói tới sức tiêu thụ của sách nước ngoài đã được mua bản quyền và dịch ra tiếng Việt so với mức tiêu thụ của sách do tác giả Việt Nam viết cũng rất khó so sánh vì mỗi ngành, mỗi thể loại sách có những đặc trưng riêng. Tuy nhiên về cảm quan bên ngoài nhìn vào thì có lẽ sách nước ngoài vẫn nhiều hơn, đa dạng về đề tài, bao quát ở tất cả các lĩnh vực văn học, đời sống, kinh tế, ngoại ngữ, nấu ăn, thiếu nhi, địa lý, chính trị… Với nhu cầu mở rộng kiến thức ngày càng nhiều như hiện nay, sức tiêu thụ của sách ngoại rất lớn, và đánh bạt cả sách nội. Đó là điều không thể phủ nhận trong tình hình tiêu thụ sách ở nước ta trong thời gian vài năm trở lại đây.
Dịch thuật là một công việc thầm lặng, ý nghĩa nào mà chị tìm thấy khi thực hiện công việc này?
Tôi quan niệm dịch thuật cũng chỉ là một nghề, như bao nghề khác. Do đặc thù của nghề này là làm việc trong một môi trường kín, ít giao tiếp và khá độc lập nên người theo đuổi nghề dịch thuật đòi hỏi sự kiên nhẫn và thời gian tự mày mò với các câu chữ. Bản thân tôi thấy yêu thích công việc này vì cảm nhận được những nét đẹp văn hóa trong đời sống, sinh hoạt, câu chuyện… của những nước khác qua các bản dịch và chuyển tải lại chúng cho độc giả Việt Nam như một sự thưởng thức, cùng chia sẻ. Dịch thuật cũng là một ngành nghề góp phần bắc nhịp cầu văn hóa giữa các nước, các quốc gia, các dân tộc, giúp mọi người xích lại gần với nhau, hiểu nhau hơn.
“Tai nạn” của nghề dịch
Nhiều độc giả thông thạo tiếng nước ngoài đôi khi so sánh bản gốc và bản dịch của các tác phẩm đã phát hành, trên thực tế đã phát hiện ra nhiều lỗi truyền tải sai ý nghĩa. Công tác biên tập phần lớn không khắc phục được điều này. Chị nói gì về điều đó? Có bao giờ chị cảm thấy bất lực vì một ý nghĩa không thể truyền tải được sang tiếng Việt hoặc vì dịch sách số lượng lớn, thời gian quá gấp gáp mà “nhắm mắt cho xong” một vài chi tiết hay từ “khó nhằn”.
Đây được coi là những tai nạn nghề nghiệp trong nghề dịch thuật. Mà đã là tai nạn thì thường để lại hậu quả có thể lâu dài và đau đớn, tuy nhiên không ai muốn như vậy cả. Không có một dịch giả nào đúng trăm phần trăm khi mới bắt tay vào dịch sách, cũng không có dịch giả nào chuyển tải hoàn toàn nhuần nhuyễn tới mức hoàn hảo, không thể nào chê nổi dù đã dịch khá nhiều sách. Tất cả chỉ có thể ở một mức độ tối đa cho phép tùy theo khả năng ngoại ngữ, sự kiên nhẫn và tấm lòng của người dịch, người biên tập đối với tác phẩm đó. Chuyện bất lực trước một câu chữ, hoặc một đoạn văn mà mình hoàn toàn hiểu ở tiếng nước ngoài nhưng rất loay hoay không tìm ra được cách diễn đạt bằng tiếng mẹ đẻ thì tôi nghĩ, đối với dịch giả nào cũng từng vấp phải. Tuy nhiên để tránh những trường hợp này, chỉ có cách lại kiên nhẫn mày mò, cứ dịch nhiều, chăm chỉ đọc nhiều sách vở báo chí, với nhiều ngành nghề khác để tự trang bị thêm vốn kiến thức xã hội và vốn từ vựng tiếng Việt, người dịch mới có thể tự tin hơn và tự chiến thắng được những tình huống đó. Có vậy, số lượng tai nạn nghề nghiệp mới dần giảm bớt và mất hẳn.
Chị sẽ phản ứng thế nào nếu vào một ngày đẹp trời, có một độc giả chỉ ra một vài “lỗi kỹ thuật” trong cuốn sách mà chị đã dịch?
Tôi không biết các dịch giả khác sẽ phản ứng ra sao, nhưng đối với tôi, nếu những góp ‎ý đó là đúng đắn, tôi sẽ rất cám ơn độc giả nhiệt thành đó và ghi chú lại ngay nếu sách được tái bản để kịp thời bổ sung sửa chữa. Đồng thời sẽ xem kĩ lại lỗi sai để sau này rút kinh nghiệm. Nếu lời góp ý đó chưa chính xác, tôi cũng vẫn cám ơn họ vì họ có thực sự quan tâm tới tôi và có yêu thích bản dịch đó, họ mới chăm sóc và chú tâm đến tác phẩm kĩ đến vậy.
Trong công tác dịch thuật, điều gì là khó khăn nhất? Chị đã gặp “tai nạn nghề nghiệp” bao giờ chưa?
Trong quá trình dịch sách, tôi thấy khó khăn nhất là chiến thắng chính bản thân mình. Một cuốn sách nguyên tác dày ít nhất 300 trang, phải mất ít nhất 3 tháng mới dịch xong. Vì vậy nó đòi hỏi người dịch một sự kiên nhẫn kinh khủng. Làm sao để luôn giữ được nhiệt huyết với bản dịch, để các câu chữ dịch mỗi ngày phải liền mạch và sinh động. Chỉ cần lười bỏ dịch một vài hôm, mạch cảm xúc của bạn rất dễ bị ngắt đoạn. Tai nạn nghề nghiệp dễ gặp nhất trong khi dịch sách tiếng Hoa là các từ tiếng Anh luôn được dịch giả Trung Quốc phiên âm ra tiếng Hoa không theo một quy tắc gì, khiến khi chuyển ngữ lại sang tiếng Việt rất khó khăn và dễ nhầm.
Chưa bao giờ nghĩ dịch sách để “rinh” giải
Chị có mơ ước nhận được giải thưởng dịch thuật của Hội Nhà văn VN cho những cuốn sách dịch của mình?
Thú thật là từ trước tới giờ tôi chưa nghĩ đến chuyện dịch sách vì mong muốn có giải thưởng dịch thuật của Hội nhà văn VN. Với tôi, dịch sách đơn thuần chỉ là một niềm đam mê, không nghĩ ngợi nhiều.
Tiếp xúc nhiều với các bản dịch cũng như nhiều đầu sách trong nước, chị thấy điều gì mà các tác giả Việt Nam còn thiếu để sách nội có thể xâm nhập thị trường hải ngoại?
Qua nhiều bản dịch nước ngoài, tôi nhận thấy các đề tài của họ khá hiện đại, gần gũi với đời sống đương đại, các nhân vật rất bình dị, như thấp thoáng đâu đó xung quanh chúng ta, nhưng ý nghĩa chuyển tải của cuốn sách lại vô cùng sâu sắc, khiến người đọc phải rung động. Trong khi đó sách nội lại khá khan hiếm những cuốn sách thực sự có vấn đề, văn phong lạ và mang tầm thời đại, làm sống động cả tâm hồn, tâm linh của một thế hệ trong một khoảng thời gian nào đó. Giờ đây khi đọc một cuốn sách trong nước, thật hiếm có cuốn nào lại phơi bày được hết một quãng lịch sử, xã hội, bối cảnh sống, nền văn hóa… một cách tinh tế làm phông, làm nền cho câu chuyện được kể. Có lẽ chính vì điều đó mà sách nội chúng ta còn chưa thuyết phục được nhiều dịch giả nước ngoài khó tính chăng?

Di Li (Thực hiện)
Nguồn: báo Khoa học & Đời sống, số 84, ra ngày 14/7/2009

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét