Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2009

Thế hệ đạo diễn Trung Quốc thứ 6

Ngay từ khi thế hệ đạo diễn Trung Quốc thứ 5 vẫn còn tỏa ánh hào quang lấp lánh, thì thế hệ đạo diễn thứ 6 ở nước này đã nhanh chóng đứng dậy với sức cạnh tranh rõ rệt.
Thế hệ đạo diễn thứ 6 ở Trung Quốc được tính từ nhóm đạo diễn tốt nghiệp từ khóa 85 trở về sau này của Học viện Điện ảnh Bắc Kinh, như: Vương Tiểu Soái, Trương Nguyên, Đường Đại Niên, Lâu Diệp, Lộ Học Trường, Giả Chương Kha, Quản Hổ, Trương Dương, Vương Quang Lợi...
Đặc điểm của các tác phẩm thuộc thế hệ này là rất phá cách, thậm chí có phần nổi loạn, đặc biệt không mang hơi hướng điện ảnh truyền thống từ nội dung, tư duy, lẫn cách thức thể hiện. Rất nhiều tác phẩm của thế hệ đạo diễn này đều do chính họ tự viết kịch bản, đạo diễn, thậm chí tự quay phim hoặc tham gia đóng vai. Những câu chuyện của họ kể ra đều sinh động, đa dạng đủ hình thức với nhiều chủ đề, nhiều thân phận con người rất bình thường, thậm chí thấp kém trong xã hội. Mỗi bộ phim như một lát cắt chân thực nhất về đời sống xã hội đương đại ở nước này, lúc ngọt ngào, lúc êm ả, lúc đầy bạo lực và đủ mọi tệ nạn nhớp nhúa, lúc lại đầy nhân ái và cái nhìn xót xa, lúc phẫn nộ, lúc bi hài cười ra nước mắt...
Giả Chương Kha (sinh năm 1970) thực sự xứng đáng được coi là gương mặt tiêu biểu của thế hệ đạo diễn thứ 6. Bộ phim Tiểu Vũ (1997) do anh tự viết kịch bản, đạo diễn lẫn tự sản xuất phim với số vốn nhỏ hẹp, xoay quanh câu chuyện về một tên móc túi ở một thị trấn nghèo đã nhanh chóng đạt được vô số giải thưởng: Giải Bộ phim xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Nante 3 châu lục lần thứ 20, Giải liên minh thúc tiến điện ảnh tại Liên hoan phim quốc tế Berlin lần thứ 48... Anh liên tục làm mới mình qua những bộ phim tiếp theo hoàn toàn khác nhau về phong cách lẫn nội dung nhưng tất nhiên vẫn do anh tự biên kịch và đạo diễn như Sân ga (Platform), Đông, Người tốt ở Tam Hiệp, Vô dụng, Nhật ký 24 thành phố. Tạp chí văn hóa nổi tiếng Village Voice của Mỹ đã chọn Nhật ký 24 thành phố vào danh sách 1 trong 10 bộ phim xuất sắc nhất trong năm 2008. Giả Chương Kha cũng được mời chọn cùng 19 đạo diễn nổi tiếng khắp thế giới để thực hiện một phim ngắn về lợi ích cộng đồng cho Liên Hiệp Quốc. Phim của Giả Chương Kha được đánh giá mang phong cách phim tài liệu và chú trọng miêu tả các nhân vật nhỏ bé trong xã hội.
Giống phần lớn các đạo diễn thế hệ thứ 6, Trương Nguyên (sinh năm 1963) cũng xuất phát từ một đạo diễn phim độc lập và thành công với các phim như Mẹ, Trà xanh, Trông lên rất đẹp, Bắc Kinh tạp chủng, Về nhà ăn Tết, Con trai, Đông cung Tây cung, Tiếng Anh điên rồ... cùng vô số giải thưởng: Giải của Ban giám khảo và giải Khán giả yêu thích nhất tại Liên hoan phim Nante 3 châu lục, Giải phê bình xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Berlin... Phần lớn phim của anh đều rất nhẹ nhàng đẫm chất văn học, tuy đề tài phong phú đa dạng không cố định nhưng có thể thấy rõ tính kiểm soát và khống chế của đạo diễn.
Đạo diễn Lâu Diệp (sinh năm 1965) đeo đuổi các đề tài hiện thực và thành công với các phim Người tình cuối tuần, Sông Tô Châu (giải Bộ phim xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Paris, Pháp lần thứ 15). Phim của anh được đánh giá đầy chất điên rồ và nổi loạn của tuổi trẻ, song vẫn chất chứa không ít tâm trạng day dứt, phong cách sử dụng ống kính máy quay rất tinh tế, nhạy cảm.
Đạo diễn Vương Tiểu Soái (sinh năm 1966) với phong cách đặc trưng là ý thức tạo hình rất mạnh, cũng tự xác lập địa phận riêng của mình với các phim như Xe đạp tuổi 17, Rét cực độ, Ngày Đông Xuân, Thanh Hồng... và giải thưởng của Ban giám khảo tại Liên hoan phim Cannes lần thứ 58.
Nhiều đạo diễn thế hệ thứ 5 và trên nữa thậm chí không thành công như thế hệ đàn em này. Báo giới Trung Quốc và quốc tế cũng từng thừa nhận thế hệ đạo diễn thứ 6 chính là những đối thủ đáng gờm, cạnh tranh ráo riết và gay gắt với các thế hệ đàn anh. Chính thế hệ này đã tạo nên bước ngoặt lớn trong lịch sử điện ảnh Trung Quốc.
Nguyễn Lệ Chi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét