Thứ Bảy, 15 tháng 8, 2009

Nhà văn Di Li: Những điều bí ẩn luôn cuốn hút tôi

Vừa qua, Hội Nhà văn VN tổ chức buổi tọa đàm về tác giả Di Li cùng các tác phẩm mới nhất của chị. Tại đây, Di Li cũng tuyên bố quyết tâm theo đuổi thể loại trinh thám kinh dị khá “xương xẩu” này. Chị trò chuyện với TNTS.

* Tại sao chị lại chọn hướng chủ đạo của mình là văn chương trinh thám kinh dị?
- Thật ra cũng như nhiều nhà văn, tôi muốn viết nhiều thể loại khác nhau. Nhưng tôi rất say mê các tác phẩm giả tưởng dòng thriller bao gồm truyện trinh thám, kinh dị, phiêu lưu và khoa học viễn tưởng. Có thể bẩm sinh những điều bí ẩn luôn cuốn hút tôi. Đúng là tôi rất ưa khám phá những điều mới lạ. Chỉ có điều hoàn cảnh không cho phép mình phiêu lưu và thám hiểm đúng như trong truyện được mà thôi, nên đành thả cho trí tưởng tượng trôi nổi trên giấy trắng mực đen vậy (cười).
Việc quyết định đi riêng một dòng khá khan hiếm và thuộc diện “khó nhằn” như vậy ở nước ta trong cả sáng tác và dịch sách, phải chăng chị đánh đúng tâm lý “người khôn, của khó”, nhằm giúp sách mình bán chạy?
- Tôi làm trước hết là vì đam mê, và rất may mắn niềm đam mê đó lại rơi đúng vào lỗ hổng đang còn khuyết trên thị trường sách. Có thể coi đó là thiên thời, địa lợi, nhân hòa cũng được. Vừa rồi có nhiều nơi mời tôi dịch sách các thể loại khác nhưng tôi không nhận lời, đơn giản là vì những cuốn sách đó không hấp dẫn tôi. Dịch sách tôi cũng coi là một phần giải trí, như đọc sách vậy. Tôi có xu hướng làm “nhẹ nhàng hóa” các công việc của mình. Nếu nghĩ rằng mình đang giải trí thì công việc sẽ đỡ căng thẳng hơn rất nhiều.
* Những khó khăn mà chị đã gặp khi theo đuổi sáng tác dòng văn học trinh thám kinh dị?
- Nhiều người còn coi trinh thám kinh dị là dạng văn học hạng hai, là thương mại giải trí. Những người mê thể loại này thì khi đọc truyện của tôi luôn có tâm lý so sánh nó với những tác giả trinh thám hàng đầu thế giới. Hiện nay, trong nước không mấy người viết trinh thám như một công việc chuyên biệt, mà làm gì cũng phải có phường có hội. Tôi cứ vò võ viết một mình, đó cũng là lợi thế nhưng cũng là bất lợi. Tất cả những điều đó đều gây áp lực lớn. Chưa kể khi viết trinh thám, tôi phải tìm hiểu rất nhiều tư liệu, viết thì nhanh, nghiên cứu tư liệu lâu gấp ba lần. Tuy nhiên, tôi vẫn quan niệm rằng thành công luôn gắn liền với mồ hôi và nước mắt, hay nói nôm na là việc gì cũng có cái giá của nó.
* Chị đến với công việc dịch sách như thế nào?
- Cũng là một sự tình cờ. Sau khi dịch một vài cuốn sách thể loại trinh thám và kinh dị, tôi thực sự thấy hứng thú và mong muốn hằng năm sẽ đều đặn dịch vài cuốn sách. Tôi cũng mong muốn trở thành dịch giả chuyên về thể loại văn học này. Được tiếp xúc với bản sách gốc của những tác giả lớn mà mình mới chỉ nghe thông tin qua báo đài, rồi sau đó nhìn thấy cuốn sách mình vừa dịch nhân bản đến tay người đọc, đó là một niềm vui đặc biệt mà nếu không làm công tác dịch thuật, tôi sẽ không thể trải nghiệm.
* Chị có thể bật mí về kế hoạch sáng tác sắp tới?
- Bên cạnh một số đầu sách dịch, tôi vẫn tiếp tục cuốn Hồi ký học đường và cố gắng hoàn thành cuốn tiểu thuyết trinh thám kinh dị thứ hai với tựa đề tạm đặt là Giáo phái.
* Nếu tự nhận xét về mình, chị sẽ nói sao?
- Mọi người vẫn nói rằng tôi là người chăm chỉ, kiên trì, kiên định, tự tin, điềm tĩnh và lý trí tốt. Còn cá nhân tôi tự cho rằng mình rất lười biếng, dễ mất kiên nhẫn, tự ti, dễ đam mê nhưng mau chán và khá thất thường. Tuy nhiên có thể vì tôi có lý trí tốt nên tôi dễ dàng che giấu những điểm yếu của mình và cố gò ép mình vào khuôn khổ được chăng (cười).
Di Li (tên thật: Nguyễn Diệu Linh) Năm sinh: 1978. Tác phẩm sáng tác: Tầng thứ nhất, Điệu Valse địa ngục, 7 ngày trên sa mạc (truyện ngắn), Trại Hoa Đỏ (tiểu thuyết), Mùa thu ở Seoul (bút ký), Độc thoại trên tháp nhà thờ (in chung). Tác phẩm đã dịch: Người yêu dấu, Người làm chứng, Tàn tích, Bóng đêm bao trùm.

Nguyễn Lệ Chi (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét