Thứ Ba, 8 tháng 9, 2009

Nhà văn Giao Chi: Không có lý do gì chỉ chọn một trong hai

Từng xôn xao trên văn học mạng, báo chí và cả trên sách in khi sáng tác tiểu thuyết Tuyết đen, đồng thời cũng là truyện kiếm hiệp đầu tiên cho tuổi teen Việt, tên tuổi của Giao Chi lập tức được độc giả trẻ VN yêu thích. Cô trò chuyện cùng TNTS khi đang ở xa nửa vòng trái đất.

Động lực nào khiến cô nảy ra ý định viết văn? Một thú vui bất chợt, niềm đam mê muốn thử sức hay một phương thức giết thời gian?
Một câu chuyện cần kể.
Cô dành thời gian cho việc sáng tác này ra sao?
Trong giai đoạn sáng tác Tuyết đen, vì truyện là một phần của công việc tôi làm về mạng nên tôi có rất nhiều thời gian để đầu tư, khoảng 14 tiếng/ngày. Hiện công việc của tôi không liên quan đến sáng tác nữa, và tôi đang có nhiều kế hoạch học tập, đầu tư, nên thời gian viết gần như không có. Vả lại tính tôi không thể viết liên tục. Tôi viết một thời gian phải nghỉ, “gác bút về vườn”, làm chuyện khác. Tôi cần sự thay đổi liên tục để cân đối giữa một Giao Chi – sáng tác, và một Giao Chi – làm chuyện khác.
Trong thời gian sáng tác, cô có đọc những tác phẩm văn học khác không? Nếu có, chúng có tác động gì tới cô?
Trong khi viết Tuyết đen, tôi đọc Truyện Kiều của Nguyễn Du, và một vài quyển non-fiction khác về võ thuật như quyển Đạo trong võ học (The Tao of Kung Fu: A Study in the Way of Chinese Martial Art), Bí mật của ninja (Secrets of the ninja). Tôi đọc Truyện Kiều vì tôi tự hỏi tâm lý tình cảm người xưa như thế nào. Lúc nhỏ, học Truyện Kiều thuộc nhưng không “thấm”. Đến khi lớn đọc lại, mới thấy truyện không chỉ rất tuyệt về ngôn ngữ, mà về tư tưởng, đến cách xây dựng nhân vật. Không bao giờ “lạc hậu”. Hai quyển còn lại giúp tôi có thêm kiến thức về võ thuật để viết những trích đoạn đánh nhau.
Qua Tuyết đen, hẳn độc giả sẽ nghĩ rằng cô là người mê kiếm hiệp với tinh thần hào sảng và thích quảng giao kết bạn. Vậy ngoài đời, cô có vậy không?
Có thể đó là tôi của 15 - 20 năm trước. Lúc nhỏ tôi rất thích kiếm hiệp. Đôi khi cứ tưởng tượng mình ngao du sơn thủy với cây kiếm trên tay. Khi lớn lên, tính cách thay đổi, sở thích thay đổi, tôi không đọc hoặc xem kiếm hiệp nữa, nhưng trong ngóc ngách tâm hồn, tuổi thơ vẫn mãi tồn tại. Trở lại đề tài, tôi rất thích giao du, kết bạn, đó là điều chưa từng thay đổi.
Khi sáng tác tiểu thuyết kiếm hiệp, theo cô, cái khó nhất là gì và khắc phục chúng ra sao?
Làm thế nào để thế hệ trẻ bây giờ đọc kiếm hiệp? Thế hệ internet bây giờ khó có kiên nhẫn nhai hàng ngàn trang sách. Do đó, khi đọc Tuyết đen, bạn sẽ thấy mạch truyện rất nhanh và ngắn gọn.
Trí tưởng tượng phong phú về thế giới kiếm hiệp trong Tuyết đen có bắt nguồn hoặc chịu tác động phần nào từ công việc và cuộc sống của cô không?
Chắc chắn rồi, ví dụ chương về Cầm Thư Điện… chẳng qua là một trận bóng chày được kiếm hiệp hóa. Hay tại sao nhân vật Bạch Dương có cố vấn trang phục và phong cách đi cùng, đó là lấy cảm hứng từ cuộc sống ở Hollywood.
Giữa một nhà văn mạng thuộc hạng best-seller với một nhà văn viết sách in thuộc dạng làng nhàng, cô tình nguyện chọn vị trí nào?
Vị trí nào kiếm được nhiều tiền nhất! (Cười). Thật ra nếu tôi là nhà văn viết sách in, tôi vẫn sẽ đồng thời đem tác phẩm lên mạng và ngược lại, nếu là nhà văn mạng tôi cũng sẽ in ra giấy. Mạng hay giấy đều là công cụ để đưa tác phẩm ra công chúng (mặc dù mạng tốt cho môi trường hơn giấy!). Nên tồn tại song song và hỗ trợ cho nhau. Không có lý do gì chỉ chọn một trong hai.
Giao Chi: Tốt nghiệp Đại học Quốc gia Singapore. Hiện sống và làm việc tại Mỹ. Tác phẩm đã xuất bản: Tuyết đen, Mai Mơ Chi Li (truyện tranh)

Nguyễn Lệ Chi (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét