Thứ Bảy, 3 tháng 10, 2009

Họa sĩ minh họa sách

Họa sĩ minh họa sách là một nghề mới mẻ và chưa từng có trường lớp đào tạo chuyên nghiệp ở Việt Nam. Để tìm hiểu kỹ hơn về nghề này, Thanh Niên đã trao đổi với họa sĩ Phan Vũ Linh – người đã theo học ngành này tại Học viện Nghệ thuật Mỹ (Academy of Art University - AAU).

* Nguyên do gì khiến anh tự bỏ tiền túi đi du học về illustration (nghệ thuật minh họa sách) - một ngành còn quá hiếm hoi ở Việt Nam?
- Tôi đã làm họa sĩ minh họa tự do (freelance illustrator) ở Việt Nam một thời gian khá lâu từ khi tốt nghiệp đại học. Cho nên việc quyết định đi học không chỉ là vấn đề tiền bạc, mà còn là sự hy sinh từ bỏ vị trí mình đã đạt được bấy lâu trong nghề để làm lại từ đầu sau khi về nước. Một quyết định như thế hẳn nhiên tôi phải đắn đo rất nhiều, nhưng với mong muốn đạt đến sự chuyên nghiệp trong lĩnh vực của mình, tôi thấy phải tìm đến với môi trường đào tạo chuyên nghiệp.

* Xin kể sơ qua về khóa học này của anh tại Academy of Art Univeristy (San Francisco, Mỹ).
- Tôi đang theo học hệ cao học mỹ thuật, chuyên ngành illustration. Academy of Art University được đánh giá là 1 trong top 5 trường mỹ thuật tốt nhất nước Mỹ, chương trình đào tạo sau đại học kéo dài khoảng 3 năm. Sinh viên của trường đến từ khắp nơi trên thế giới, sau sinh viên bản xứ thì đông nhất là sinh viên Đài Loan, Hàn Quốc, Trung Quốc... Ngành illustration thực tế mở rộng hơn rất nhiều so với nghĩa thường hiểu ở VN là minh họa sách báo. Trong chương trình, ngoài những môn căn bản của hội họa như hình họa, nghiên cứu chất liệu, chúng tôi còn được học những môn chuyên biệt và có tính ứng dụng thực tế cao.

* Theo anh, để một họa sĩ theo đuổi art book cần những yếu tố cần và đủ như thế nào?
- Nghề minh họa nói chung và minh họa sách nói riêng đều cần ở họa sĩ lòng đam mê, năng khiếu, sự hiểu biết về nhiều lĩnh vực và tay nghề hội họa. Vì khác với hội họa thuần túy, bạn có thể chỉ vẽ những gì mình thích, với họa sĩ minh họa, bạn phải vẽ được tất cả, và tác phẩm của bạn phải được sự chấp nhận của số đông công chúng. Art book hay gọi đúng hơn là illustrated book tuy còn mới mẻ ở VN nhưng trên thế giới đã không còn xa lạ và có một thời gian nó đã là vùng đất màu mỡ nhất của các họa sĩ minh họa, sau này thì truyện tranh và concept art đã có phần lấn lướt vì sự mới mẻ của chúng.

* Theo anh, art book ở Việt Nam dự tính phải mất bao nhiêu năm mới trở nên thịnh hành và mới được độc giả coi trọng? Và tranh minh họa đóng góp bao nhiêu phần trăm vào sự thành công của một tác phẩm?

- Theo tôi, đáng lẽ art book phải có vị trí ở Việt Nam từ lâu rồi mới phải, vì chúng ta là dân tộc yêu thích sách, và ngay cả ở Mỹ tôi cũng không thấy nhà sách dày đặc và nhộn nhịp như ở Việt Nam. Có lẽ vấn đề nằm ở chỗ độc giả có nhu cầu mà chưa có sự đáp ứng từ những người làm sách, và minh họa sách chưa được quan tâm đúng mức. Chưa cần phải nói về art book - loại sách có mật độ tranh minh họa cao và chất lượng - ngay cả mảng sách tranh cho thiếu nhi và minh họa bìa sách, chúng ta vẫn còn có khoảng cách rất xa so với thế giới.
Với một quyển sách, dĩ nhiên phần quan trọng nhất vẫn là nội dung, nhưng như đã nói ở trên, đã đến lúc độc giả có nhu cầu được “xem” sách chứ không chỉ là đọc. Và cho dù có câu nói “Đừng đánh giá một cuốn sách qua cái bìa”, thì không thể phủ nhận rằng giữa hằng hà sa số sách trên kệ, quyển sách có bìa đẹp và lạ mắt vẫn có cơ hội được độc giả chú ý nhiều nhất. Và để có những bìa sách đáp ứng nhu cầu đó, không gì tốt hơn là đầu tư tranh minh họa cho bìa, được như thế quyển sách sẽ là những tác phẩm nguyên bản có giá trị nghệ thuật.

* Sắp tốt nghiệp về nước, anh sẽ có những dự định gì để tiếp tục đeo đuổi đam mê này?
- Việc đầu tiên sau khi về nước tôi sẽ bắt đầu thực hiện dự án đã nung nấu từ lâu là bộ sách thần thoại và cổ tích Việt Nam. Tôi muốn mô tả lại một cách sống động và công phu những câu chuyện quen thuộc của dân tộc. Không chỉ vì tranh thần thoại là sở trường và đam mê của tôi, mà còn vì ý muốn khơi lại niềm tự hào dân tộc của giới trẻ, rằng những câu chuyện cổ tích - thần thoại Việt Nam cũng kỳ diệu và hoành tráng không kém các dân tộc khác.

Nguyễn Lệ Chi

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét