Thứ Ba, 3 tháng 11, 2009

Dịch giả Nguyễn Lệ Chi, GĐ Công ty sách Chibooks: Biết lựa vừa sức mình

Đàn bà gây dựng... cơ đồ:
"Tôi biết mình là ai và có thể làm được gì. Tôi không ảo tưởng vào chính mình để rồi thấy hụt hẫng. Tôi không đeo bám vào những phù phiếm hoặc những lời ca tụng để rồi rời nó ra, tôi thấy mình bé nhỏ và trống trải. Tôi biết mình chơi vừa với sức mình", Lệ Chi chia sẻ.

Người chuyển ngữ rất nhiều cuốn sách về điện ảnh Trung Quốc như "Đối thoại với Trương Nghệ Mưu", "Đối thoại với Trần Khải Ca"… và hàng loạt cuốn sách văn học đương đại Trung Quốc đã dịch chuyển nhiều công việc. Từ việc làm tờ Thế giới điện ảnh, chị vào Sài Gòn bắt đầu gầy dựng ê kíp sản xuất phim truyền hình cho Công ty Lasta rồi làm bản quyền cho Phương Nam Books trước khi dịch chuyển về làm tại Báo Thanh Niên.
Hiện tại, song song với việc làm báo, Nguyễn Lệ Chi đang xây dựng thương hiệu sách mang tên mình: ChiBooks. Tất cả những công việc ấy đều được người phụ nữ độc thân và độc lập này thực hiện hầu như một mình…
-Chị quả là mẫu phụ nữ độc lập khi mà hầu hết những công việc chị làm đều phải tự lo, tự xây đắp. Trước khi chị gây dựng Chibooks, thì công việc nào khiến chị thấy mình giống như người… khai sơn phá thạch?
- Trước khi có Chibooks, tôi từng làm Trưởng ban Bản quyền, rồi làm Phó giám đốc xuất bản cho Công ty Văn hóa Phương Nam. Thời đó nước ta mới kí công ước Bernes, những vấn đề về bản quyền sách còn rất mù mờ và khi tôi về Phương Nam (tháng 5/2005), chuyện bản quyền sách còn là một trang giấy trắng. Tôi phải mò mẫm nghiên cứu tài liệu của nước ngoài, tự soạn thảo ra các hợp đồng bản quyền với đối tác, tự làm việc với luật sư để điều chỉnh các điều khoản đó là hợp lý và có lợi cho công ty. Sau khi đã có một mẫu hợp đồng tương đối chuẩn, tôi bắt đầu cho dịch sang tiếng Anh, tiếng Hoa và bắt đầu công cuộc tìm kiếm đối tác xuất bản nước ngoài. Đó là cả một quá trình dài và mệt mỏi.
Tiếp thị bản thân mình đã khó, nữa là việc tiếp thị cả một công ty mà họ chỉ có thể tiếp cận mình qua mạng, chưa từng gặp, chưa từng nghe nói. Bạn có thể ép ai đó có tình cảm với mình, chấp thuận mình và đồng ý cho mình những điều kiện mà mình yêu cầu khi chưa từng thấy mặt người đó không? Tôi đoan chắc là không. Vậy bằng những ngôn từ gì, những cách quảng bá và thuyết phục ra sao để họ chấp nhận. Đó là cả một vấn đề lớn mà không một trường lớp nào dạy bạn, nhất là ở nước ta. Tất cả đều tự học, tự mò mẫm, tự rút kinh nghiệm…
Rồi cứ thế dần dần, số lượng sách nước ngoài được mua bản quyền cho Phương Nam dần tăng lên. Tôi kiêm cả tìm kiếm và tổ chức dịch giả, dĩ nhiên là cũng tự soạn thảo luôn hợp đồng dịch sách và các công việc không tên cứ đẻ dần ra. Có vẻ tôi rất có duyên trong việc thảo các hợp đồng vì đi tới đâu, làm ở đâu, có nhiều thứ không có tiền lệ thì mình phải sinh ra nó thôi như: hợp đồng với họa sĩ thiết kế, hợp đồng với dịch giả, hợp đồng nguyên tắc với nhà xuất bản, hợp đồng bản quyền trong nước, hợp đồng bản quyền nước ngoài, hợp đồng với nhà in… tất cả đều tự phải làm và mỗi cái đều có những nguyên tắc và quy định khác hẳn nhau.
Ngoài ra, tôi cũng là người Việt Nam đầu tiên đưa sách Việt Nam đi triển lãm và tổ chức họp báo tại Trung Quốc (tại triển lãm CA-EXPRO lần thứ 3). Từ trước tới giờ cũng chưa có ai mất công đi làm như vậy vì các công đoạn chuẩn bị rất phức tạp và mệt mỏi, đặc biệt do ngôn ngữ bất đồng và các đơn vị xuất bản luôn nghĩ rằng sách Việt Nam không thể bán được ở Trung Quốc… Hoặc tôi cũng là người Việt Nam đầu tiên chào bán được phim Việt Nam cho Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc, kênh CCTV6…
Nói chung có nhiều việc chưa có tiền lệ, chưa từng có ai làm thật nhưng nếu mình mạnh dạn thử sức, kết quả cũng không đến nỗi tệ. Nếu không có người dẫn đầu khai phá, làm sao có thể thành đường cho những người đi sau.
- Khi chị bắt tay vào công việc ấy, chị có hoang mang không? Chị có hoảng sợ và định thối lui?
- Không, cuộc đời tôi chỉ hoang mang và hoảng sợ trước mỗi một người- đó là bác sĩ nha khoa… Thật ra, tôi chỉ đơn giản nghĩ rằng, đời chỉ sống có một lần, vậy nên hãy cố gắng sống và thử sức với nhiều điều mới mẻ và thú vị. Mỗi lần bắt tay làm một việc gì đó đều như một cuộc chinh phục cần trải qua. Chinh phục xong rồi, thành công rồi thì đi làm việc khác.
- Chibooks là một đam mê lớn mà chị dành cho sách. Chị mất bao lâu để bước vào dự án lớn này, dự án mà chị đặt vào đó cả vốn liếng và uy tín?
- Không mất nhiều thời gian… Ý tưởng này chỉ thoáng qua đến với tôi: Tại sao mình không tự làm những cuốn sách mình thích, không phải phụ thuộc vào ai, không phải "chịu đựng" ai. Nó đến bất chợt, đem lại cho tôi cảm hứng và ngay lập tức tôi túm chặt lấy nó. Thời gian chuẩn bị cho Chibooks ra đời chừng 3 tháng.
- Chibooks mới hoạt động được chừng nửa năm, nhưng đã có những cuốn sách khá ấn tượng như tủ sách văn học đương đại Trung Quốc, tủ sách văn học Anh, Mỹ, Australia… Có ai giúp sức cho chị, hay cũng phải một mình chị cắt đặt và lo lắng?
- Làm bất cứ việc gì cũng có một ê kíp của nó, đối với việc xuất bản sách cũng không ngoại lệ. Tất nhiên ý tưởng, kế hoạch sản xuất, cung cách thiết kế bìa, giá cả, nội dung… là do mình quyết định, ít nhất cũng phải chiếm tới 80% khối lượng công việc.
- Chị đi nhiều, đọc nhiều và cũng tiếp xúc nhiều với những người phụ nữ nổi tiếng và thành đạt. Điều gì ở họ khiến chị thấy đáng giá nhất? Phải chăng là sự độc lập và sức mạnh nội tại của người nữ?
- Tôi thấy họ tự tin và sống thật như họ muốn. Không phải người phụ nữ nào cũng có thể làm được như vậy. Nhiều khi người ta phải sống một cuộc sống mà người ta không mong muốn, phải ép mình, phải nhẫn nhịn, phải hi sinh, phải sống giả một chút… Vì vậy được sống như mình mong muốn, đối với tôi là một hạnh phúc lớn, bởi người phụ nữ thường thiệt thòi hơn nam giới và ít có điều kiện được sống thật hơn. Nhưng tôi nghĩ rằng chỉ khi người ta được cơ hội sống thật, họ mới tự tin hơn, độc lập hơn và có thể phát huy được sức mạnh và khả năng tiềm ẩn nội tại trong chính con người họ. Có thể cũng chính từ đây, họ có thể làm nên nhiều điều bất ngờ, thậm chí là kỳ tích.
- Thường, người ta hay muốn người phụ nữ đứng lùi sau người đàn ông một chút. Hoặc, một sự nghiệp lớn mà "mặt tiền" là phụ nữ thì hậu phương chống lưng sẽ là một "đại gia" nào đó. Chị nghĩ sao về điều này?
- Đó là một quan niệm truyền thống, luôn cho rằng đàn ông giỏi giang hơn phụ nữ. Tôi cho rằng đó là một nhận định dễ hiểu và thường thấy ở những nước đang phát triển, nơi đạo đức và quan niệm truyền thống về "trọng nam khinh nữ" còn nặng nề. Không phải người phụ nữ nào làm kinh doanh cũng có đại gia chống lưng, nhất là khi họ không phải là những người đẹp chân dài. Vì vậy quan niệm này không hoàn toàn đúng. Tuy nhiên nếu có, tôi cũng không thấy có vấn đề gì. Một phụ nữ có sự chia sẻ và giúp đỡ của người đàn ông của họ cũng là một hạnh phúc.
- Sao chị không tìm cho mình một "đại gia" chống lưng để đỡ vất vả trong kinh doanh? Cái vất vả lớn nhất của người phụ nữ khi tham gia thương trường, mà lại đơn thương độc mã, là gì?
- Tôi nghĩ không cần thiết. Điều đó không phải vì tôi giàu có gì, không cần ai hỗ trợ, mà việc kinh doanh của tôi không xuất phát từ sự được - mất, ăn thua về tiền bạc nên phải quyết tâm bằng mọi giá để đạt mục đích. Làm sách với tôi giờ như một cuộc chơi và mục tiêu là chơi cho vui, cho thấy thật thoải mái. Mà đã chơi thì phải dựa vào sức mình, đâu có ai đi chơi nhờ bao giờ, mà dẫu có chơi nhờ cũng chỉ 1,2 lần, chứ không thể nhờ lâu dài. Vì thế với tôi, còn sức thì còn chơi, không còn sức thì thôi, đóng cửa để đó, khi nào có sức tiếp thì chơi tiếp, lại ra sách tiếp.
Suy nghĩ như vậy sẽ thoải mái hơn nhiều. Đặc biệt với con người có cá tính mạnh như tôi, không muốn lụy ai. Làm nghề gì cũng có vất vả của nó, phụ nữ tự độc lập kinh doanh thì cũng có cái mệt riêng, phải tính toán nhiều hơn và dĩ nhiên điều này ảnh hưởng tới nhan sắc và sức khỏe không ít. Mặt khác, phụ nữ làm kinh doanh cũng không dễ dàng cùng kết bạn thân thiết với cánh mày râu cùng kinh doanh một ngành nghề để chia sẻ kinh nghiệm và lường trước rủi ro cho nhau.
- Chị có thấy mình đang đi trên một con thuyền lớn, mà mình nghĩ mình đủ sức mạnh, nhưng lúc nhìn lại thì thấy mình quá bé nhỏ và bơ vơ trước sóng lớn, bão lớn?
- Không, tôi không có nhiều thời gian lãng mạn tới mức như vậy. Tôi biết mình là ai và có thể làm được gì. Tôi không ảo tưởng vào chính mình để rồi thấy hụt hẫng. Tôi không đeo bám vào những phù phiếm hoặc những lời ca tụng để rồi rời nó ra, tôi thấy mình bé nhỏ và trống trải. Tôi biết mình chơi vừa với sức mình.

Hoài Phố

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét