Thứ Hai, 30 tháng 11, 2009

Mua tác quyền: không chỉ là tiền

TT - Ngày 15-9-2009, 5 triệu cuốn The lost symbol của nhà văn Dan Brown được tung ra thị trường. Hai ngày trước đó, ngày 13-9, năm chương đầu tiên của cuốn tiểu thuyết đình đám đã được chuyển cho đối tác VN qua hàng loạt thủ tục bảo mật.
Đằng sau các cuộc săn bản thảo là cả một mê cung vừa bài bản vừa muôn hình vạn trạng. Cuộc chơi của thời hội nhập đã thúc bách giới làm sách ở VN ngày càng nhanh nhạy và chuyên nghiệp. Sách hay, sách mới cũng nhờ đó kịp thời đến với bạn đọc.
“Kẻ đi săn và con mồi”
Tám giờ trước khi The lost symbol (tạm dịch Biểu tượng bị đánh mất) của Dan Brown (tác giả của Mật mã Da Vinci) ra mắt toàn cầu, nguyên bản của cả cuốn sách đã được truyền cho Công ty cổ phần xuất bản và truyền thông IPM. Hợp đồng mua bán được thực hiện theo một trình tự chặt chẽ.
Ông Vũ Việt Dũng - tổng giám đốc IPM - cho biết từ năm 2004, IPM đã làm việc với đại diện bản quyền (agency) của Dan Brown là Sanford J. Greenburger - một trong những đại diện danh tiếng nhất trên thế giới. Qua đại diện này, IPM đã mua được nhiều bản quyền ngoại văn.
Vào tháng 4-2009, đại diện của Dan Brown đã chọn Hội chợ sách London để đưa thông tin chính thức ngày phát hành bộ sách, cùng thời điểm này IPM có mặt ở đó nên họ xúc tiến ký kết bản quyền luôn. Ngay sau khi có trong tay toàn bộ cuốn sách, phía IPM đã mời dịch giả Nguyễn Xuân Hồng làm việc ngay, ráo riết cho ngày ra mắt của bản dịch Việt ngữ.
Có thể nói việc săn bản thảo của các đơn vị làm sách hiện nay đồng nghĩa với việc săn tìm những cuốn sách bán chạy (best - seller) trên thế giới. Nếu như IPM tin tưởng vào nhà đại diện Sanford J. Greenburger thì Nhã Nam dựa vào tên tuổi những nhà văn ăn khách như Murakami Haruki, Marc Levy... Chibooks khai thác mạnh bản thảo của các nhà văn nữ trẻ Trung Quốc. Thái Hà Books đầu tư nhiều về sách thiếu nhi. First News Trí Việt chuyên tâm vào mảng sách Sống đẹp và Hồi ký nhân vật...
Việc săn bản thảo chủ yếu dựa vào ba nguồn: thông tin trên mạng, cộng tác viên ở nước ngoài, quan hệ của biên tập viên... Nói về công việc săn bản thảo, dịch giả Nguyễn Lệ Chi - chủ sở hữu nhãn hiệu sách Chibooks - ví von: “Như những người đi săn mồi, luôn nấp rình và truy tìm, ai nhanh chân thì người đó thắng, ai quan sát kỹ và kiên nhẫn thì tìm được mồi to, mồi ngon”...
Tuy việc săn bản thảo không có tính chất cạnh tranh cao, nhưng vẫn xảy ra việc... săn hụt vì nhiều lý do như: không cạnh tranh được về tiền mua tác quyền, không đáp ứng được những yêu cầu của nhà văn, đại diện tác giả. Nhưng cũng có trường hợp nhầm lẫn đáng tiếc, chẳng hạn với cuốn Sức mạnh tình yêu (PS, I love you, tác giả Cecelia Ahern), đại diện tác giả đã chuyển nhượng cho First News Trí Việt, sau đó lại chuyển nhượng tiếp cho Nhã Nam.
Phía Nhã Nam âm thầm chuyển ngữ, cho đến khi thấy trên thị trường VN có bản tiếng Việt thì mới... ngã ngửa, hóa ra là đại diện của Cecelia Ahern bị... đãng trí (!) Tuy được bồi thường nhưng phía Nhã Nam vẫn “ngậm ngùi” vì đã “săn hụt” một tác phẩm ăn khách.
Nghề của sự kiên nhẫn
“Nếu mua bản quyền của Murakami Haruki thì cứ ai trả tiền nhiều hơn sẽ được”, chị Phương Thủy - phụ trách mảng bản quyền sách tiếng Anh của Nhã Nam - cho biết. Tất nhiên, do đặc trưng VN là một đất nước nghèo, số lượng sách phát hành khá thấp nên chuyện tiền tác quyền không phải vấn đề quá lớn, cũng không phải là tất cả.
Nếu như đại diện của Murakami Haruki đặt nặng chuyện tiền và chỉ duyệt bìa thì người đại diện của Milan Kundera, chính là vợ nhà văn, lại... không màng tiền nong: “Không phải có tiền thì muốn mua bao nhiêu cuốn cũng được, mà mỗi lần chỉ được mua một cuốn thôi”.
Trước khi VN gia nhập công ước Berne (2004) thì tác phẩm của Milan Kundera đã được giới thiệu ở VN qua các bản dịch của Nguyên Ngọc, Phạm Xuân Nguyên... Nhưng sau công ước Berne thì Nhã Nam là nơi đầu tiên có bản quyền của Milan Kundera.
Theo chị Phương Thủy, ngoài việc ra quy định chỉ mua một cuốn mỗi lần, duyệt bìa sách như thông lệ, vợ nhà văn Milan Kundera còn kèm các điều khoản: gửi hồ sơ dịch giả, trong các hồ sơ gửi về chỉ có hai dịch giả được chọn để dịch Milan Kundera; không được dùng bất kỳ hình ảnh, tư liệu nào để đưa vào tác phẩm của Milan Kundera mà vợ ông không cung cấp. Ban đầu khó khăn là vậy, nhưng sau khi Nhã Nam in cuốn Những mối tình nực cười (Cao Việt Dũng dịch) tạo được niềm tin thì bà vợ của Milan Kundera bỗng dưng... hào phóng đồng ý cho mua bản quyền cùng lúc ba cuốn khác.
“Phải dùng nhiều chiêu khác nhau. Mức phí bản quyền thỏa thuận chỉ là yếu tố cần nhưng chưa đủ. Còn phải có kế hoạch PR, dự đoán khả năng bán hàng để chủ sở hữu thấy rằng nhượng cho nơi này thì có lợi hơn nhượng cho đối tác khác. Đối tác nước ngoài làm việc theo nguyên tắc bình đẳng, nhưng vẫn ưu tiên cho khách hàng cũ sự lựa chọn đầu tiên. Chỉ khi không thỏa thuận được với đối tác cũ, người ta mới đi tìm đối tác mới” - nhà thơ Phạm Sỹ Sáu, trưởng phòng khai thác đề tài và giao dịch bản quyền của NXB Trẻ, chia sẻ.
Như vậy trong việc săn bản thảo cũng có yếu tố “tình thương mến thương”, điều này khiến những đơn vị làm sách mới khó chen chân vào thị trường sách best - seller, hoặc lấy được niềm tin của các đại diện, nhà văn tên tuổi.
Để tạo dựng mối quan hệ này, các đơn vị làm sách phải gửi đi những ấn phẩm (sách thật) của họ đến cho các nhà đại diện, nhà văn xem xét, rồi phải làm đủ thủ tục như: gửi hồ sơ dịch giả, bản dịch, thiết kế bìa...
Để săn một bản thảo nhiều khi mất cả năm, thậm chí nhiều năm trời. Do đó, nhiều người ví người săn bản thảo là “thợ săn kiên nhẫn”.

VIỆT QUÊ

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét