Thứ Hai, 30 tháng 11, 2009

Xuất bản sách dịch: Tìm cảm thông để cắt!

SGTT - Nhiều cuốn sách nguyên bản khá gai góc, nóng bỏng nhưng khi dịch sang tiếng Việt lại được gia giảm hàm lượng, trở nên hiền lành, tròn trịa. Đó là kết quả của một quá trình thương lượng đầy tế nhị giữa người làm xuất bản Việt Nam với các đối tác, tác giả nước ngoài…
Nắm rõ “lệ làng”
Chuyện xảy ra ở NXB Công An Nhân Dân, với bản thảo cuốn My Life, hồi ký nổi tiếng của cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton, là sau khi dịch chuẩn bị in thì biên tập viên NXB này phát hiện có nhiều đoạn “tế nhị” với bối cảnh trong nước, nên đã phải liên hệ lại với đối tác ở Mỹ để giải thích, xin được cắt bỏ. “Phải nói khéo cho người ta hiểu rằng chúng tôi rất tôn trọng nguyên gốc tác phẩm, nhưng do một số bối cảnh tế nhị, do văn hoá, quan điểm, tập quán đạo đức và chính trị… của Việt Nam nên xin được cắt bỏ. Vả lại, trong hợp đồng tác quyền bao giờ cũng phải “thòng” một câu là: nếu có xử lý cắt bỏ cho phù hợp với môi trường xuất bản thì chúng tôi sẽ phải trao đổi lại – để tránh bị kiện tụng và thể hiện sự tôn trọng tác quyền” – ông Bùi Anh Tấn, trưởng đại diện NXB Công An Nhân Dân phía Nam nói.
Hầu hết những người giao dịch tác quyền tại Việt Nam đều cho rằng, “thương lượng” về chuyện cắt bỏ nội dung với đối tác, tác giả nước ngoài thường diễn ra không mấy khó khăn, vì trước đó họ đã có những rào đón cần thiết khi đặt vấn đề mua bản quyền tác phẩm. “Tìm sự cảm thông! – Bà Nguyễn Lệ Chi, giám đốc Chibooks nói – Mình giải thích với họ là nhạy cảm quá, ví dụ có hơi đụng tới chính trị hoặc miêu tả quá sex sỗ sàng chẳng hạn… Không có cách nào khác, phải trung hoà. Nếu để nguyên thì có thể dẫn tới trường hợp sách bị thu hồi, như vậy làm sách ra cũng vô nghĩa”.
Tránh “đèn đỏ”
Tỉnh táo nắm rõ những khu vực nhạy cảm và tìm giải pháp “trung hoà” an toàn để tác phẩm được ra mắt bạn đọc trong nước, đó là tính chất công việc của những người giao dịch tác quyền xuất bản ở Việt Nam. Thường “khu vực nhạy cảm” dễ rơi vào các tác phẩm chính trị, hồi ký, quan điểm, và đôi khi là những tác phẩm văn học. “Chúng tôi phải đọc nguyên bản trước khi quyết định mua tác quyền. Việc này kỹ lưỡng nhưng nhiều lúc lại khiến mình “chậm chân” hơn những đối thủ cạnh tranh” – giám đốc Chibooks, một thời từng làm trưởng phòng tác quyền của Phương Nam nói tiếp – Có những đối tác còn thuê cả người đọc bản dịch tiếng Việt xem có bị cắt bỏ nội dung hay không”.
Trong khi đó, bà Thu Yến, trưởng phòng tác quyền Nhã Nam thì cho rằng: “Nguyên tắc là phải bảo vệ toàn vẹn tác phẩm nhưng ai cũng biết rõ, việc bảo vệ toàn vẹn một tác phẩm như nguyên bản, là khó với tình hình hiện nay tại Việt Nam. Trong trường hợp phải cắt bỏ, nếu phía nước ngoài đã có một số hiểu biết về Việt Nam và tin cậy phía đối tác Việt Nam thì việc xuất bản được hay không là tuỳ ở phía mình. Có những đối tác nước ngoài chủ động “cảnh báo”: Sách của chúng tôi đã gặp rắc rối ở một số nước rồi đấy, liệu tại Việt Nam thì có sao không?”
Nhưng bà Yến cũng cho rằng, “lệ làng” là chuyện không riêng gì ở Việt Nam và lạc quan cho rằng: “Tình hình đang cởi mở hơn, nhiều tác giả nước ngoài rất muốn xuất hiện ở Việt Nam và nhiều đối tác đang ưu tiên thị trường tiềm năng tại Việt Nam, chỉ cần mình không đánh mất những cam kết uy tín với họ”.
Tuy rằng việc thương lượng cắt bỏ nội dung đối với tác phẩm nước ngoài, quá trình kiếm tìm sự cảm thông của đối tác diễn ra không mấy khó khăn, ít trường hợp gay gắt đến độ phải cắt bỏ hợp đồng, nhưng có thể xem đây là một khâu quan trọng và đầy tế nhị cho thấy việc mở cửa giao dịch tác quyền của giới xuất bản Việt Nam với bên ngoài hãy còn nhiều “vướng bận” chưa thể tháo gỡ được.

Nguyễn Vinh

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét