Thứ Năm, 5 tháng 11, 2009

Nhà văn Nguyễn Đình Tú: Tôi muốn xây dựng hình ảnh nữ giang hồ thời đại mới

Nếu so với Nháp, Phiên bản – cuốn tiểu thuyết mới nhất của nhà văn Nguyễn Đình Tú – già dặn và bạo liệt hơn nhiều. Trong đó có không ít mùi máu, mùi của dục vọng và ân oán giang hồ.

* Anh mất bao lâu để viết tiểu thuyết Phiên bản và lấy cảm hứng từ đâu?
- Thường thì nhà văn bắt đầu tác phẩm từ những ám ảnh. Mảnh đất và con người quê tôi để lại trong tôi nhiều ám ảnh, trong đó có cái gọi là “đặc sản giang hồ Hải Phòng”. Tôi lại có thời gian công tác trong ngành kiểm sát, thường ra vào các trại giam làm việc với nhiều đối tượng phạm tội khác nhau. Những con người mặc áo sọc trắng bên trong các bức tường giam xám mốc và những ánh mắt chất chứa ngàn vạn tâm trạng sau song sắt nhà tù luôn trở đi trở lại trong tôi, như những cắt cứa suy tư, những đòi hỏi cắt nghĩa, và với tư cách một nhà văn thì đó chính là những thân phận có hấp lực ghê gớm.
Tuy nhiên, tôi chỉ thực sự bắt đầu có ý định viết cuốn tiểu thuyết này khi cùng nhà văn Trần Thanh Hà (công tác tại NXB Công an nhân dân) đi thực tế ở Cục Cảnh sát phòng chống ma túy năm 2006. Ý định ấy tiếp tục được “bồi đắp” trong đợt đi thực tế một loạt trại giam của Cục V26, Bộ Công an hồi tháng 3 năm 2008. Khi những suy nghĩ về cuốn tiểu thuyết đã chín, tôi tôi viết rất nhanh và hoàn thành vào giữa năm 2009.
* Tại sao anh luôn có hứng thú về đề tài tội phạm như vậy? Chẳng lẽ những gì giật gân, mang lại cảm giác mạnh mới làm anh có cảm hứng viết lách?
- Nếu hiểu nhà văn cần phải sáng tác theo một đề tài nào đó thì không có đề tài nào ở đây cả, chỉ có những con người cá biệt cần được nhà văn cắt nghĩa mà thôi. Tất nhiên bạn đọc có quyền hỏi tại sao tôi lại hay trở đi trở lại với những kiểu nhân vật tội phạm. Đơn giản là vì từ những thân phận người đó, có thể phóng chiếu ra nhiều mảng hiện thực khác của đời sống. Mặt khác, chính thế giới tội phạm cho ta thấy những xung đột xã hội mạnh mẽ nhất của một đất nước trong thời bình. Và đó là điểm khởi đầu đầy hấp dẫn cho những tác phẩm của tôi.
* Phạm vi đề cập tới trong tiểu thuyết này còn mở rộng hơn cả cuốn Nháp trước kia, có cờ bạc, ma túy, mại dâm, trộm cắp, bảo kê, giết chóc…, vậy anh có gặp khó khăn gì trong quá trình sưu tầm tư liệu không?
- Mọi cái đều có sẵn trong đời sống, từ đời sống, của đời sống. Vốn sống vào anh bằng nhiều cách và lại có nhiều cách để huy động vốn sống lên trang giấy. Cái khó khăn lớn nhất của nhà văn không phải là sưu tầm tư liệu mà là “tiêu hóa” tư liệu. Tôi đã đọc rất nhiều án từ, đã gặp rất nhiều những tử tội, đã nghe rất nhiều những câu chuyện kinh hoàng của giới giang hồ, đã xem ngàn vạn những bản cung, đã nhìn tận mắt những cái chết bởi đao kiếm côn đồ… Nhưng tôi phải quên đi tất cả để tập trung xây dựng những mẫu nhân vật của riêng mình để làm sao người đời có thể nhận ra nhân vật của tôi hao hao giống ai đó nhưng lại chả giống một ai cả. Tính điển hình của nhân vật và tính phổ quát của đời sống trong tác phẩm chỉ được tạo ra bởi nghệ thuật hư cấu của nhà tiểu thuyết. Đây chính là khó khăn lớn nhất mà tôi phải vượt qua để hoàn thành tác phẩm.
* Nhân vật nữ chính – Diệu, tức Hương ga, một nữ quái trong giới giang hồ - đã được xây dựng ra sao?
- Lịch sử văn học nước nhà đã có một nhà văn Nguyên Hồng từng viết về tội phạm với nhân vật nữ nổi tiếng là Tám Bính. Tuy nhiên chúng ta quen lý giải những số phận giang hồ như Tám Bính là do xã hội cũ xô đẩy. Tôi có một suy nghĩ thế này: Vậy những tội phạm nảy sinh trong xã hội mới thì do điều gì xô đẩy? Những Dung “hà”, Xuân “taliban”… khét tiếng giang hồ Hải Phòng vì đâu mà sinh ra? Nếu cắt nghĩa được những kiểu nữ quái này, chắc chắn tôi sẽ có được một kiểu nhân vật văn học rất hay, đó là những nữ giang hồ thời đại mới.
Trước khi bắt tay xây dựng nhân vật Diệu - Hương Ga, tôi có tìm đọc lại các tác phẩm của Nguyên Hồng cùng những tư liệu về ông. Trong một tư liệu, Nguyên Hồng có nói đại ý rằng, Hải Phòng còn rất nhiều Tám Bính, nếu có điều kiện ông sẽ tiếp tục viết về họ. Đây chính là gợi ý để tôi đặt nhân vật của mình vào đúng từ trường nghệ thuật của Bỉ vỏ để rồi từ đó phát triển nhân vật theo hướng của mình. Tôi muốn chọn nữ làm nhân vật chính vì nó độc đáo và gửi gắm được nhiều điều hơn là để một tướng cướp là nam giới. Tuy nhiên chọn nữ là nhân vật chính thì phải chọn giọng kể nào cho thích hợp? Tôi chọn ngôi “em” vì nó sẽ mềm mại và tạo độ tin cậy nơi người đọc. Nhưng nói về thế giới giang hồ đầy rẫy bạo lực mà chỉ dùng một ngôi “em” sẽ không hiệu quả, nên tôi chọn một ngôi thứ ba số ít nữa tạo cho giọng kể khách quan hơn trong những trường đoạn “lạnh xương sống” nhất. Nhưng ngôi “thị” và ngôi “em” song hành được một phần ba cuốn sách thì tôi nhận ra câu chuyện “thật” quá, không tải được những kiểu nhận vật “mờ”, hơn nữa có nhiều đoạn kể với giọng “em” và giọng “thị” sẽ không chạm đến được nhiều vấn đề khác thuộc về tâm linh và những ẩn dụ nghệ thuật của nhà tiểu thuyết. Cần phải có thêm một giọng kể nữa, khoáng đạt và trung tính hơn, thế là đại từ nhân xưng “ta” được huy động vào truyện. Diệu, tức Hương Ga đã hiện hình dưới ba phiên bản khác nhau một cách đầy dụng công như thế. Bạn đọc có thể tùy chọn cho mình góc độ tiếp cận và lý giải nhân vật này bằng cách nào mà họ muốn.
* Trong các nhân vật của Phiên bản, anh thích nhân vật nào nhất, tại sao?
- Tôi chả thích nhân vật nào cả bởi vì ở đó, thế giới của tiểu thuyết, toàn những kiểu người gây cho tôi nhiều ám ảnh nhưng lại quá xa lạ với tôi trong cuộc sống ngoài đời. (cười)
* Nếu được viết lại, anh sẽ sửa những gì?
- Tôi thường không hài lòng tuyệt đối với những gì mình viết ra. Nhưng thay vì nghĩ đến chuyện sửa chữa chúng, tôi tập trung vào viết một cuốn tiểu thuyết khác.
* Anh kỳ vọng gì ở cuốn tiểu thuyết này?
- Bạn đọc không cảm thấy tiếc tiền và tiếc thời gian đọc nó.
* Xin anh chia sẻ kế hoạch sáng tác sắp tới.
- Tất nhiên, lại là một cuốn tiểu thuyết nữa, và sẽ rất khác cuốn Phiên bản này.
NGUYỄN LỆ CHI (thực hiện)
Thanh Niên TTGT số 249 (5.11.2009)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét