Thứ Năm, 24 tháng 12, 2009

DỊCH GIẢ CẦN PHẢI ĐƯỢC TÔN TRỌNG


Dịch giả Nguyễn Lệ Chi trả lời báo Văn nghệ Trẻ số ra ngày 31.12.2009

* Dịch tác phẩm đòi hỏi nhiều yếu tố: am hiểu văn hoá, ngôn ngữ… và cũng cần nhiều thời gian…Đó thực sự là thử thách với những người trẻ tuổi. Vậy tại sao anh/chị vẫn quyết định “dấn thân” vào lĩnh vực này?
- Bởi đam mê. Khi đam mê, người ta có thể bất chấp khó khăn, chấp nhận hi sinh nhiều thứ. Tuy nhiên đây cũng là việc bình thường, áp dụng với tất cả nghành nghề, không riêng gì trong nghề dịch sách.
* Khi bắt tay vào công việc dịch thuật, thì người dịch giả đã mang trách nhiệm làm cầu nối, xóa bỏ những rào cản về ngôn ngữ giữa nguyên tác và bản dịch. Vấn đề được đặt ra là trong khi dịch thuật để vượt qua những bất đồng ngôn ngữ, văn hoá… dịch giả nên đứng về tác giả (trung thành với nguyên tác, dù độc giả có thể gặp khó khăn khi tiếp nhận) hay đứng về độc giả (Việt hóa hoàn toàn,) ? Theo anh/chị dịch giả được tự do đến đâu trong khi chuyển dịch tác phẩm sang một ngôn ngữ khác?
- Nguyên tắc cơ bản là trung thành với tác giả. Người dịch cần hiểu rõ trách nhiệm và giới hạn của chính mình. Một dịch giả giỏi là một dịch giả chuyển tải được nội dung của tác giả một cách uyển chuyển nhất bằng ngôn ngữ dễ hiểu nhất mà độc giả nước mình chấp nhận. Không nên tách biệt việc quy hoạch dịch giả phải đứng về phía ai, nhà văn hay độc giả. Nếu bản dịch có phần trục trặc, gây khó hiểu cho độc giả thì người dịch chỉ nên tự trách mình là chưa tìm được câu chữ thực sự đắt và phù hợp.
* Từ vấn đề về mối liên hệ giữa dịch giả và tác giả, một số ý kiến cho rằng, trong dịch văn học, tốt nhất là chuyển thể trực tiếp từ bản gốc, không nên bắc cầu qua hai, ba bản dịch với các ngôn ngữ khác nhau, do đó nguyên tác phải được hiểu một cách linh hoạt. Đứng ở góc độ một của người dịch trẻ ý kiến của anh/chị về vấn đề này thế nào?
- Đương nhiên việc dịch thẳng từ tác phẩm gốc vẫn chính xác và hay hơn so với dịch qua các phiên bản tiếng khác. Tuy nhiên điều này cũng không phải là sự quyết định thành công hay thất bại của một bản dịch. Điều quan trọng vẫn chính là ở khả năng của người dịch.
* Phong trào dịch thuật hiện nay có sự lộn xộn, chạy theo các tác phẩm best-seller. Do phải đua tranh về mặt thời gian nên nhiều nguyên tác bị xé lẻ cho nhiều người dịch, dịch ẩu, dịch lấy lợi nhuận trước mắt. Dịch giả Trịnh Lữ chia sẻ: “Muốn dịch tốt, người dịch không chỉ cần giỏi ngoại ngữ mà còn phải đặc biệt am hiểu tiếng mẹ đẻ, phải có vốn văn hóa sâu rộng, niềm đam mê và thái độ làm việc cẩn trọng, nghiêm túc”. Anh/ chị nghĩ sao về ý kiến này?
- Tôi không phủ nhận ý kiến của dịch giả Trịnh Lữ. Thực ra bất kỳ người dịch đam mê nghề nghiệp nào cũng mong muốn mình được dịch đàng hoàng, nguyên vẹn một tác phẩm. Nhưng nhiều khi họ không thể quyết định được vấn đề này, bởi chính các đơn vị xuất bản đã tự xé lẻ tác phẩm, chia cho nhiều người dịch khác nhau. Người dịch trẻ tuổi và mới vào nghề sẽ khó có tiếng nói mạnh mẽ tự đòi hỏi quyền lợi và bảo vệ quyền lợi công việc của mình. Họ có những cái khó của họ.
* Ở một chừng mực nào đó, tôi nhận thấy rằng lớp dịch giả “ già” hình như đang “nhường sân” cho các dịch giả trẻ. Họ cũng thừa nhận rằng các dịch giả trẻ hiện nay có lợi thế về ngoại ngữ, và phần lớn đều du học tại một nước nhất định nên tiếp cận rất nhanh với các văn bản văn học nước ngoài. Song họ cũng lo ngại rằng đôi khi, vì mục đích lợi nhuận, dịch ẩu hoặc vì kinh nghiệm còn quá non nên các dịch giả trẻ, các nhà xuất bản bỏ rơi nhiều tác phẩm văn học kinh điển mà chạy theo những sách bán chạy trên thế giới, dịch hỏng hoặc dịch chưa tới. Trong khi, việc hiệu đính lại không được làm chuẩn bởi các nhà văn? Theo anh/ chị điều lo ngại này có đúng không?
- Chúng tôi không “lấn sân” của ai cả, người trẻ có thế mạnh của người trẻ, người già có thế mạnh của người già, dẫu có muốn lấn của nhau cũng không làm được. Tuy nhiên như tôi đã nói ở trên, một văn bản dịch không đạt chất lượng có nhiều nguyên nhân, trong đó không nên quy kết riêng về phía dịch giả còn non trẻ. Tôi biết nhiều người dịch trẻ làm việc rất nghiêm túc nhưng họ không có điều kiện tiếp cận được những tác phẩm nghiêm túc. Hoặc NXB, đơn vị xuất bản… ép buộc họ phải chạy theo tiến độ thời gian, hoặc xé lẻ tác phẩm, hoặc chỉ giao họ dịch những tác phẩm thị trường… Tất cả đều có thể trở thành nguyên nhân góp phần gây nên một bản dịch không đạt yêu cầu, còn nhiều hạt sạn.
* Theo anh/ chị có cần thiết phải thành lập có một Hiệp hội dịch thuật để nâng cao tính chuyên nghiệp của công tác dịch thuật hiện nay?
-Nếu điều đó đảm bảo được vị thế và công việc cho các dịch giả thì nên thành lập, còn nếu chỉ để gọi là có tên cho vui vẻ thì không cần. Bằng chứng là tôi và một số ít các dịch giả khác vẫn làm công tác dịch thuật chuyên nghiệp và nghiêm túc mà không chịu ảnh hưởng của bất kỳ Hội nào. Nói đúng hơn là chả có Hội nào quan tâm tới các dịch giả như chúng tôi. Ví dụ như trước kia khi làm việc với Hội nhà văn Hà Nội với nguyện vọng được tham gia vào các sinh hoạt định kỳ của các nhà văn, học hỏi thêm kinh nghiệm của các bậc tiền bối, được sống trong không khí văn chương… thì Hội này từ chối tôi với lý do cũng dễ thuyết phục là tôi đang sống và làm việc ở TP.HCM. Nhưng khi liên lạc với Hội nhà văn Tp.HCM thì họ nói không kết nạp hội viên dịch giả. Khi vòng ra tới Hội nhà văn Việt Nam thì được biết chỉ tiêu nhận hội viên dịch giả năm đó đã hết, phải chờ đợi. Một năm đã qua, tôi vẫn chưa nhận được phản hồi gì nên rút cuộc tôi tự nhận thấy rằng việc mình, mình vẫn làm và không nên trông chờ vào Hội hè. Còn việc mình làm có chuyên nghiệp hay không, có hiệu quả không thì mọi người xung quanh và các độc giả tự biết. Việc dịch thuật là quá trình tự rèn luyện bản thân của mỗi người dịch, trong đó ý thức tự thân và tự học hỏi là quan trọng bậc nhất. Điều này không cần thiết phải vào Hội mới có thể có được, mà nó tự hình thành và phát triển trong mỗi dịch giả dựa trên phẩm chất đạo đức và phẩm chất nghề nghiệp của mỗi người.
* Dịch giả Ngân Xuyên có đề xuất một giải thưởng cho những dịch giả văn học Việt Nam ra nước ngoài . Ý kiến của anh/chị về vấn đề này?
- Rất hay, vì việc dịch ngược bao giờ cũng khó khăn và mất nhiều công sức, thời gian hơn dịch xuôi. Muốn văn học Việt Nam được bạn bè quốc tế biết đến, cần phải có một đội ngũ dịch giả riêng, chuyên dịch ngược từ văn học Việt Nam ra các thứ tiếng. Tuy nhiên đây là một quá trình đào tạo nhân tài lâu dài và bền bỉ, không thể sớm có ngay được.
* Theo anh/chị, tại sao văn học Việt nam đến giờ vẫn chưa vươn ra nhiều quốc gia trên thế giới?
- Chỉ có thể có một câu trả lời rằng: văn học VN chưa được chính chúng ta coi trọng đúng mức và chưa nhận thấy rõ sức ảnh hưởng trong văn chương. Bởi nếu thấy được sức mạnh của văn học và coi trọng nó, người ta đã lập một quỹ riêng đầu tư về việc dịch thuật, quảng bá các tác phẩm văn học VN ra nước ngoài. Tuyển chọn ra các dịch giả xuất sắc, trả nhuận bút dịch xứng đáng, đặt hàng đàng hoàng, bởi rất hiếm có đơn vị xuất bản trong nước nào lại xuất bản sách Việt Nam bằng tiếng nước ngoài ở chính nước mình. Quỹ này sẽ được dự trù bao nhiêu kinh phí, kéo dài bao nhiêu năm, triển khai từ bao nhiêu thứ tiếng, chọn tác phẩm nào tiêu biểu để đại diện cho văn học VN để triển khai dịch… tất cả vẫn chưa hề có kế hoạch chuẩn bị chuyên nghiệp và rõ ràng.
* Một câu hỏi cho dịch giả Nguyễn Lệ Chi và Trang Hạ: hiện chúng ta đang dịch quá nhiều văn học Trung Quốc, trong khi văn học Việt Nam ở Trung Quốc lại chưa được biết đến nhiều?
- Như tôi đã nói ở phần trên, việc quảng bá văn học Việt Nam ra các nước nói chung và ra Trung Quốc nói riêng không thể làm một cách tự phát và nhỏ lẻ. Đó là một kế hoạch lớn mà Nhà nước nên làm, đòi hỏi tiền bạc, công sức, việc tập hợp các dịch giả giỏi, giàu kinh nghiệm dịch ngược, đặc biệt là các dịch giả nhiều tuổi, giàu vốn sống, việc hợp tác liên kết xuất bản giữa các NXB Việt Nam và NXB Trung Quốc. Nhiều dịch giả trẻ, trong đó có tôi cũng rất muốn giới thiệu văn học Việt Nam sang Trung Quốc nhưng ai đặt hàng cho họ để dịch ngược, NXB nào chịu in và tác phẩm nào vừa sức của họ để dịch ngược? Mặt khác trong khoảng sân này, chúng tôi không hề lấn sân, vậy sao các dịch giả lớn tuổi không vào đóng góp công sức, góp phần thúc đẩy đưa văn học VN ra thế giới?
* Là những dịch giả trẻ, anh/chị đón nhận sự kiện Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam lần thứ 2 thế nào?
- Thú thật là tôi cũng chỉ quan tâm Hội nghị này rất vừa phải vì chúng tôi-những dịch giả trẻ gọi là cũng có chút đóng góp cho nền dịch thuật nước nhà- không hề được mời tham gia. Như vậy bản thân một Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam mà không quan tâm tới đội ngũ dịch giả thì ai sẽ là người chuyển tải các tác phẩm văn học VN ra các thứ tiếng khác? Ban tổ chức hay các nhà văn đây? Tôi chỉ có thể nói rằng chỉ khi nào vị trí và vai trò của dịch giả ở nước ta được xã hội thừa nhận, trân trọng, và đặc biệt là những người trong ngành thừa nhận thì bản thân dịch giả mới cảm thấy tự hào về nghề nghiệp của mình, và khát khao đóng góp, cống hiến hơn nữa cho nghề nghiệp. Việc thừa nhận, trân trọng này có thể thể hiện từ những hành động cụ thể như: lên danh sách các dịch giả trẻ có triển vọng, đã có nhiều tác phẩm kiểm chứng, chủ động mời họ vào các Hội hè, tham dự các hoạt động của các hội, các hội nghị chuyên ngành, tạo điều kiện để tạo các dịch giả tham gia ý kiến, nói lên những khó khăn và mong ước của họ… Những điều này đều không khó làm.
* Với tư cách một dịch giả anh/ chị có mong muốn gì ở Hội nghị lần này?
- Hãy nhìn sự việc toàn diện hơn nữa, hãy quan tâm và mang tới tiếng nói cho đội ngũ dịch giả, hãy cho họ một chỗ đứng mà họ xứng đáng được có. Dịch giả là người bắc cả hai nhịp cầu – văn học nước ngoài vào VN và văn học VN ra nước ngoài- , là một động cơ quan trọng không thể thiếu trong việc thúc đẩy giao lưu văn hóa các nước. Nếu chúng ta thờ ơ với họ, quên lãng họ, không tôn trọng họ, thì đừng bao giờ hy vọng có dịch giả tâm huyết với nghề và văn học Việt Nam cũng vẫn rơi vào khép kín, khoanh vùng trong nước, khó giao lưu ra được với bên ngoài. Nếu muốn có Hiệp Hội dịch thuật chuyên nghiệp thì từ ngay chính Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam lần thứ 2 này, khâu tổ chức cũng phải chuyên nghiệp, trong đó dịch giả phải được coi trọng và được mời tới tham dự Hội nghị.

Thu Hà (thực hiện)

Báo Văn nghệ trẻ, tháng 12.2009









Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét