Thứ Năm, 31 tháng 12, 2009

Nguyễn Lệ Chi trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong cuối tuần số 53

Phỏng vấn dịch giả nhân Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam (5/1-10/1/2010).

Dịch giả Nguyễn Lệ Chi (chủ sở hữu Chibooks) trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong Cuối tuần số 53:

+ Quý vị có thể cho một nhận xét chung về nền dịch thuật của Việt Nam (không phân biệt dịch giả ở trong nước hay là Việt kiều ở nước ngoài)? Nếu chỉ nhận xét bằng một câu thì câu đó là gì?
- Đó là một nền dịch thuật chỉ có nhập, chưa có xuất, hàng ngoại ít, hàng nội nhiều, mất cân đối trầm trọng.
+ Chúng ta hầu như chỉ mới hội nhập văn học một chiều. Việc đưa văn học Việt Nam ra thế giới chưa thấm tháp gì. Theo quý vị, vì đâu có hiện trạng đó? Chúng ta chưa giới thiệu tốt văn học Việt Nam? Chưa làm việc một cách chuyên nghiệp với các nhà xuất bản của các nước? Chưa quan tâm đào tạo?...
- Do chúng ta chưa thực sự coi trọng vấn đề này. Bởi rất đơn giản, nếu chúng ta coi trọng nó, ắt sẽ có những hành động thiết thực hơn là kêu gọi suông hoặc gấp gáp tổ chức một vài hội thảo trong tình trạng cuống quýt, thiếu hụt. Nếu coi trọng việc đưa văn học VN ra thế giới, ắt phải vẽ trước cho nó 1 lộ trình, phải có 1 cơ quan chuyên trách đảm nhiệm và giám sát để đảm bảo lộ trình đó đi đúng hướng đã vẽ ra. Ví dụ, kế hoạch giới thiệu nền văn học VN ra thế giới trong giai đoạn 1 (5 năm lần thứ nhất) sẽ giới thiệu những tác phẩm xuất sắc nào tiêu biểu trong giai đoạn đó, ví dụ thời chiến tranh, thời bao cấp... Việc chọn lọc này có được lựa chọn công minh và công bằng hay không lại phải phụ thuộc vào 1 hội đồng tuyển chọn. Tiếp đó là khâu dịch tóm tắt các tác phẩm này ra tiếng nước ngoài, chào cho các NXB nước ngoài, thuyết phục cho họ thấy được cái hay, cái xuất sắc của chúng, để từ đó liên kết xuất bản với họ. Khâu này chắc chắn ở nước ta cũng chưa có. Việc các NXB ở nước ta quan hệ với các NXB ở nước ngoài mới dừng ở hình thức xã giao thăm hỏi là chính, một số ít khác thì mua bản quyền nhưng theo hướng “nhập khẩu” chứ chưa ai thực hiện được phần “xuất khẩu” tác phẩm VN đi ra. Khâu chào hàng này rất quan trọng và đòi hỏi rất chuyên nghiệp. Hãy nhìn kỹ các catalogue chào hàng bán bản quyền của các NXB nước ngoài, họ rất chuyên nghiệp, giới thiệu kĩ càng. Chúng ta hãy học tập từ chính điều này. Đội ngũ dịch giả là vô cùng quan trọng. Chúng ta không thể chỉ dừng ở mức độ ăn sẵn những cái đã có, ru ngủ với hiện tại và ăn may vào tương lai. Nếu không có các chương trình đào tạo dịch thuật chuyên nghiệp và lâu dài, đặc biệt chú trọng dịch ngược, không có những khóa bồi dưỡng các kiến thức tổng hợp về xã hội, văn hóa, chính trị… cho các dịch giả thì e rằng vài năm nữa, đội ngũ dịch giả ở VN sẽ phát triển tự phát và tự triệt. Ai thực sự còn tâm huyết với nghề thì còn duy trì việc dịch thuật.
+ Nếu những nguyên nhân nói trên là có thật, vậy theo quý vị nên làm gì? Bằng kinh nghiệm phong phú của quý vị khi tiếp xúc với các nền văn minh khác, quý vị có thể cho biết ý kiến của mình? Chẳng hạn, để giới thiệu một nền văn học như Việt Nam, nên làm gì? Một Hội nghị trong vài ngày liệu có đủ?
- Như tôi đã nói ở trên, nếu coi việc quảng bá văn học VN ra nước ngoài như 1 dự án lớn đầu tư dài hạn thì hãy làm tất cả khâu chuẩn bị cho dự án đó: thời gian đầu tư, kinh phí đầu tư, lộ trình thời gian đầu tư, ai là chủ dự án, ai là khâu giám sát dự án, các thành phần của dự án gồm những ai (dịch giả, tiếp thị phát hành…), các bước đề pa cho dự án… Hãy giải quyết tốt từng khâu một, chúng ta mới có hy vọng cải thiện được tình hình này và may ra trong 05-10 năm tới mới có thể bắt đầu có 1 vài tín hiệu vui.
Điều này phụ thuộc vào mục đích của Hội nghị. Nếu chỉ quảng bá vui vẻ, đơn thuần, hiệu quả công việc chưa quá đặt nặng thì vài ngày là đủ. Bởi trước đó, chúng ta đã chuẩn bị gì đâu. Cứ họp cho cả nước đều biết, cho báo chí đưa tin, coi như là 1 sự kiện lớn cuối năm, đánh dấu 1 thông điệp sang năm mới, còn các khâu tiếp theo ra sao, chưa cần biết hoặc không phải phạm vi mà họ phải quản lý thì vài ngày là quá đủ.
+ Để đào tạo một lực lượng dịch giả không chỉ dịch từ tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc... ra tiếng Việt mà còn dịch tốt tác phẩm tiếng Việt ra tiếng nước ngoài (thường gọi là dịch ngược) thì cần những gì? Công việc với các nhà xuất bản quốc tế nên tiến hành ra sao?
- Thứ nhất phải có kinh phí, phải được đặt dưới sự bảo trợ của Nhà nước. Phải có những khóa đào tạo cả ở trong nước và nước ngoài cho các dịch giả. Những dịch giả triển vọng nên được chọn lựa đào tạo để làm xây dựng đội ngũ dịch thuật cấp quốc gia sau này. Kế hoạch đào tạo dịch giả phục thuộc vào kinh phí và trình độ của dịch giả. Ngoài các khóa đào tạo thêm về ngoại ngữ, dịch giả cần tham gia các khóa đào tạo các kiến thức tổng hợp.
Với các NXB nước ngoài, các NXB VN nên đặt vấn đề quan hệ, đi lại giao hữu, giới thiệu sản phẩm của mình và tìm hiểu về sản phẩm của đối tác xem có phù hợp với nhau không. Từ đó mới chọn lựa ra các tác phẩm VN xuất sắc của NXB mình để chào hàng với họ.
+ Một hiệp hội dịch giả có cần không? Nếu có thì nên tổ chức ra sao?
- Rất nên, đây cũng là 1 tâm nguyện mà tôi muốn thành lập trước đây. Tuy nhiên Hiệp hội dịch giả phải đảm bảo các tiêu chí sau: phải đảm bảo công việc và quyền lợi của dịch giả, phải tôn vinh được vị trí và vai trò của dịch giả trong xã hội, phải chỉ ra được đạo đức nghề nghiệp, những vinh quang và cả khó khăn cho người dịch trước khi bước chân vào để họ xác định có đi theo nghề 1 cách nghiêm túc hay không. Việc tổ chức như thế nào phụ thuộc vào mục đích thành lập. Nếu Nhà nước định tổ chức một Hiệp hội dịch giả chỉ nhằm phục vụ quảng bá văn học VN ra nước ngoài, ắt phải có hướng tổ chức kiểu khác. Nếu chỉ đơn thuần là các dịch giả tự tổ chức lấy một Hiệp hội dịch giả để bảo vệ quyền lợi của nhau thì mô hình tổ chức sẽ khác…
+ Dịch một tác phẩm văn chương là một công việc nhọc nhằn, nhưng nhuận bút lại không tương xứng. Vì sao quý vị vẫn theo đuổi công việc này?
- Vì vẫn còn yêu. Khi còn yêu, người ta còn say mê và thường quên lãng những điều người ta phải hi sinh để có được tình yêu đó.
+ Có ý kiến đánh giá, mặt bằng dịch thuật hiện nay có sự mất cân đối, rất nhiều dịch giả chạy theo các best-seller, đồng nghĩa với quảng bá các tác phẩm bình dân? Theo quý vị, nên làm gì để khắc phục, giúp công chúng được tiếp cận nhiều hơn nữa với những tác phẩm đỉnh cao của thế giới?
- Điều này không nên trách các dịch giả, mà hãy hỏi các đơn vị xuất bản. Nếu họ không mua được bản quyền sách hay, làm sao dịch giả có điều kiện dịch được. Tất nhiên để mua được những tác phẩm đỉnh cao thế giới, điều này phụ thuộc vào kinh phí của các đơn vị xuất bản. Nhưng hiện nay, một thực tế đáng buồn là các đơn vị xuất bản tư nhân lại chịu khó mua bản quyền nước ngoài hơn là các NXB nhà nước. Số NXB nước ta chịu mua bản quyền chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Thậm chí có rất nhiều NXB mặc dù đã tồn tại mấy chục năm qua nhưng chưa hề mua bản quyền một cuốn sách nước ngoài nào, dù sách họ xuất bản vẫn ra ầm ầm.
+ Hiện nay, chỉ có số ít nhà văn Việt Nam có tác phẩm được dịch ra tiếng ngước ngoài. Trong đó, đa phần là các nhà văn đã đứng tuổi. Các nhà văn trẻ rất ít được dịch. Tại sao như vậy?
- Việc dịch ngược rất khó và thường không được làm với tính tự giác trừ phi được NXB nước ngoài đặt hàng. Có dịch giả nào chịu bỏ thời gian mấy năm trời để dịch 1 tác phẩm nào đó chỉ vì sở thích, hoàn toàn không ai đặt hàng không? Đó là chưa nói đến việc tác phẩm đó hay hay dở, có cần hiệu đính nhiều hay ít… E rằng khó. Nếu có dự án quảng bá sách văn học VN được khởi động, các nhà văn trẻ mới hy vọng tác phẩm của họ sẽ được dịch và giới thiệu ra bên ngoài.
+ Có những người viết trẻ, đã và đang tổ chức dịch tác phẩm của mình ra tiếng nước ngoài, nhằm tự quảng bá. Quý vị đánh giá công việc này ra sao (nên – không nên, hay – dở...). Nếu được liên hệ để làm công việc này, quý vị có hợp tác để làm không? Vì sao?
- Cũng tốt bởi trong trường hợp không ai cứu mình, không ai giúp mình thì mình phải tự làm thôi. Tuy nhiên việc làm này thường khó lâu bền và chỉ thực hiện được lẻ tẻ, không phải tất cả các người viết trẻ đều có điều kiện như vậy.
Tùy trường hợp tác phẩm được mời dịch có thực sự khiến tôi yêu thích hay không mới nhận lời.

Lê Anh Hoài (thực hiện)

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét