Thứ Hai, 4 tháng 1, 2010

Dịch giả Nguyễn Lệ Chi: “Nếu còn in lậu, thị trường Việt sẽ ngày càng hiếm sách có giá trị”

(VH)- Tốt nghiệp thạc sĩ điện ảnh tại Trung Quốc, Lệ Chi là người sở hữu nhãn hiệu sách Chibooks với hơn 30 đầu sách đã được mua bản quyền, dịch và phát hành tại VN.
Cô cũng là tác giả bản dịch các phim truyện Hoắc Nguyên Giáp, Xích Bích, Đường về nhà... và các phim truyền hình: Lã Bất Vi, Ân oán tình thù, Những người bạn thân, Khách sạn 5 sao, Cạm bẫy ảo, Phụng Tuyết Mai, Cánh hạc thời gian, Cảnh sát hè phố, Phù Dung lên tỉnh...
Sang Trung Quốc học điện ảnh, có bằng thạc sĩ nhưng lại chọn sách để lập nghiệp, nên hiểu sự “rẽ ngang” này là thế nào?
- Dịch giả Nguyễn Lệ Chi: Rất khó nói, đó là một mối quan hệ ràng buộc và... bí ẩn, như thể chúng tôi có một mối duyên định. Thoạt đầu sau khi chuyển lại về làm báo, tôi cũng không nghĩ rằng mình sẽ còn liên quan tới sách. Thế nhưng ý trời khó đoán định, vẫn đưa đẩy tôi về với sách. Cũng không hiểu có phải chuyện làm sách của tôi có liên quan tới công việc của bố tôi trước kia không (ông vốn là một biên tập viên của NXB Thế giới). Nhưng hồi đó dù bố tôi rất khuyến khích, tôi vẫn không chịu vào làm tại NXB Thế giới vì cho rằng làm sách phải ngồi một chỗ, thật nhàm chán. Nhưng sau này, khi bắt tay vào làm sách rồi, sự thật lại không phải như vậy. Mỗi cuốn sách đưa chúng ta tới những thế giới tình cảm và kiến thức khác nhau, đa dạng và hấp dẫn. Cứ thế tôi bị cuốn đi mãi vào sách.
Có nhiều ý kiến cho rằng sách dịch hiện rất nhiều nhưng tìm được một cuốn đáng để đọc thật khó, mặc dù nhiều cuốn được dịch đều là những cuốn sách hay tại các nước, hoặc đã từng được trao giải quốc tế?
- Đúng vậy, nhưng nói đi phải nói lại. Có rất nhiều nguyên do để khiến bản thảo dịch tệ hơn mong muốn. Ngoài yếu tố dịch ẩu ra, tôi cho rằng một số đơn vị xuất bản đã quá nôn nóng trong việc tung sản phẩm ra thị trường nên ép dịch giả đẩy nhanh tiến độ dịch hoặc xé nhỏ sách gốc ra thành vài ba phần, chia cho vài người dịch khác nhau. Điều này sẽ rất khó khăn cho người biên tập khi phải ráp các phần dịch này lại với nhau với những giọng văn khác nhau. Ngoài ra yếu tố nhuận bút thấp cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến các dịch giả không thật sự tâm huyết với bản dịch.
Khả năng tiếng Việt không phong phú; sự hiểu biết về văn hóa gốc – nơi tác phẩm được sản sinh không thấu đáo … là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự “nghèo nàn” chất văn học trong đa số các tác phẩm văn học dịch gần đây. Vậy, công ty sách của chị chọn đối tác thế nào để có được những cuốn sách mà người đọc cảm nhận được trọn vẹn tính nguyên bản, văn phong của tác giả gốc?
- Đối với các dịch giả chưa từng cộng tác, Chibooks cho các dịch giả dịch thử một vài chương, từ đó sẽ đọc thẩm định và chọn người phù hợp. Việc đối chiếu bản dịch với văn bản gốc khi biên tập sẽ giúp Chibooks nhận rõ dịch giả nào thực sự có vốn tiếng Việt phong phú và kiến thức rộng. Tất cả đều được thể hiện rõ trên bản dịch.
Điều gì cần phải làm để nâng cao chất lượng sách dịch, cụ thể là ở mảng sách dịch của Trung Quốc mà chị là người quan tâm?
- Không nên ép thời gian dịch quá ngắn. Một cuốn sách 300 trang trung bình cần ít nhất 3 tháng mới dịch hay được. Thời gian đó cũng giúp dịch giả nghiền ngẫm, đọc đi đọc lại và sửa chữa cho thật ưng ý. Tuy nhiên với mức nhuận bút như hiện nay, trung bình khoảng 9-10 triệu đồng/cuốn sách cũng không hẳn là nhiều tới mức đủ để khiến dịch giả phải vứt bỏ các chuyện khác, chỉ để chuyên tâm dịch sách. Nhưng các đơn vị xuất bản cũng không thể đẩy giá dịch cao hơn vì sẽ đội giá sách lên. Vì vậy nếu Nhà nước hiện nay muốn kích thích phát triển văn hóa đọc, đặc biệt là mảng sách nước ngoài, thì nên tổ chức các quỹ dịch để tài trợ thêm cho các đơn vị xuất bản.
Vấn đề bản quyền có phải là rào cản để chúng ta có những cuốn sách hay không? Giá mua bản quyền sách bây giờ thế nào?
- Thực ra vấn đề bản quyền chỉ là một rào cản nhỏ bởi tính từ năm 2004 khi Việt Nam chính thức kí Công ước Berne tới nay, rất nhiều đơn vị xuất bản đã mua bản quyền và ra được nhiều sách hay. Tuy nhiên nhìn kĩ lại thì số lượng các đơn vị xuất bản tư nhân nghiêm túc mua bản quyền và tích cực mua bản quyền sách nước ngoài, thậm chí còn mua được nhiều sách bản quyền hay, mới nhất, lại nhiều hơn hẳn các đơn vị xuất bản nhà nước. Đó cũng là vấn đề mà chúng ta phải suy nghĩ. Tại sao lại vậy? Đừng nói rằng đó là do cơ chế hành chính nhà nước trong các NXB còn cồng kềnh, quy trình xét duyệt lâu, không có đội ngũ khai thác bản quyền chuyên nghiệp... Đó chỉ là những lý do đắp điếm mà thôi. Một đơn vị xuất bản tư nhân phải chịu đựng nhiều khó khăn hơn đơn vị xuất bản nhà nước ở các điểm như: người ít, vốn ít, không có tên tuổi, khó tạo được uy tín và quan hệ với nước ngoài, khó tập hợp được đội ngũ dịch giả và biên tập như các NXB lâu năm... Nhưng tại sao họ vẫn làm được, vẫn mang được sách hay của nước ngoài về cho chúng ta? Câu trả lời xin nhường lại cho các NXB nhà nước.
Chibooks đối phó với sách in lậu thế nào?
- Thực ra việc đối phó sách in lậu đối với những đơn vị xuất bản tư nhân rất bất khả thi. Nhiều lúc tôi có một suy nghĩ rất chân thành thế này, nếu với tình trạng sách in lậu vẫn tràn lan, người làm xuất bản ắt sẽ lỗ triền miên và dần dần sẽ phải bỏ nghề xuất bản mặc dù họ rất tâm huyết. Một số khác để xoay xở vốn quay vòng, cầm cự làm nghề tiếp bằng cách in những cuốn sách ít giá trị, thậm chí lá cải, phục vụ thị hiếu trong một khoảng thời gian ngắn. Vô hình trung như vậy thị trường đọc của chúng ta trong vài năm nữa sẽ không còn nhiều cuốn sách hay, có giá trị như trước kia. Và người chịu thiệt thòi đầu tiên chính là độc giả VN.

Minh Khuê
thực hiện

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét