Thứ Tư, 27 tháng 1, 2010

Trao đổi về văn hóa đi bar - Khi teen đi bar

TNTT&GT) Một trong những thành phần chủ chốt thường xuyên lui tới các quán bar là các bạn tuổi teen. Họ làm gì trong một môi trường đầy cám dỗ này?
Bar có thể nuốt chửng teen...
Ở các bar càng đông đúc, ồn ào và có chút không gian để nhún nhảy thì càng thấy đông các thượng đế teen thường xuyên lui tới. Buổi tối dạo một vòng quanh các quán bar “thời thượng" ở Sài Gòn như Go2, Powerbowl, Apocalypse, Lush, Volcano... sẽ thấy vô số những gương mặt teen đang tập tễnh học đòi các anh chị lắc nhảy hết mình theo những điệu nhạc mà DJ mở. Những gương mặt còn búng ra sữa, còn non nớt và hồn nhiên như trăng mười sáu, đã biết cách cầm điếu thuốc lá rất điệu nghệ, đã biết uống rượu thả dàn và diện những bộ trang phục hàng hiệu mà các bậc đàn anh đàn chị còn phải chào thua. Một điều rất dễ hiểu, các bạn teen đang ở tuổi mới lớn, thích khám phá và tò mò về thế giới bên ngoài, rất ưa chuộng tìm đến những thứ mới mẻ này. Tâm lý teen khi đi bar thường để thỏa mãn cái tôi, hiếu thắng thích thể hiện mình và a dua theo bạn bè. Vì thế nên teen hiếm khi đi bar một mình, mà thường đi theo chúng bạn cho có hội có thuyền, tăng thêm sự tự tin, cùng tạo nên một mớ hỗn độn về âm thanh, màu sắc và phong cách riêng, nhằm gây sự chú ý của những người xung quanh.
Một teen nữ mà người viết bài từng có dịp gặp gỡ trong một quán bar cho biết, thoạt đầu cô nhận lời chúng bạn đi bar vì quá buồn khi bị bạn trai “nghỉ chơi”. Đi riết đâm ghiền, đến giờ dù đã hết buồn nhưng cô vẫn không tài nào bỏ được thói đi bar hằng tuần. Chỉ cần vài ngày không đi bar, cô đã thấy người rạo rực, chỉ muốn mặc quần áo đẹp để tìm đến những không gian bar quen thuộc, nơi luôn có tiếng nhạc xập xình và nồng nặc hơi rượu, khói thuốc. Thậm chí, bây giờ cô sẵn sàng từ chối một lời hẹn hò với bạn trai chỉ vì anh này không chịu chọn bar làm địa điểm hò hẹn.
Không ít teen thiếu bản lĩnh khác cũng có những lý do buồn cười không kém khi kể về cơ duyên “gắn bó” với bar: buồn vì bị bạn bè trong lớp tẩy chay, bạn gái hiểu lầm, bị điểm kém, cô giáo mắng, vì bố mẹ không cho tiền tiêu xài bằng bạn bằng bè... cũng đến bar, thậm chí buồn vu vơ cũng theo quán tính “kéo tới bar để quậy cho đã”... Cũng có một số ít teen khác tìm tới bar do những bất đồng, thất vọng về gia đình như cha mẹ ly dị hoặc lo kiếm tiền không quan tâm tới con cái... Từ những nguyên nhân rạn nứt tâm lý nho nhỏ như vậy, các teen rất dễ sa ngã và bị cuốn theo trào lưu đi bar lúc nào không hay. Trong số đó, phần lớn các em không thể giữ được bản tính trong sáng, ngây thơ của mình khi lần đầu tiên bước vào bar...
Phải có bản lĩnh
Tới lúc này hẳn không ít độc giả sẽ vội vã kết luận rằng như vậy bar đương nhiên là sản phẩm độc hại tới các teen, dễ đẩy các em đến gần với những tệ nạn xã hội như nghiện ngập, ăn chơi sa đọa... Từ đó cũng dễ khiến các em sa vào con đường tội phạm như cướp giật, buôn bán ma túy, mại dâm... để kiếm tiền đi bar, tiêu xài... Tuy nhiên đó là những kết luận vội vã và thiển cận. Đành rằng, sự sôi động ở bar cũng rất dễ khiến người ta lao theo những cuộc vui bất tận, những cơn bốc đồng khó làm chủ bản thân. Nhưng nếu chỉ coi bar như một tụ điểm giải trí, để bạn bè sau giờ làm có chỗ tụ tập chuyện trò, xả hết những ấm ức trong công việc và cuộc sống, để nghe nhạc và đắm mình trong một bầu không gian mới không thường có trong cuộc sống của mình, để thấy cuộc đời không nhạt nhẽo và bị lặp lại... thì bar hoàn toàn hội tụ đủ những ưu điểm của nó. Ranh giới giữa cuộc vui và “sa đọa” là rất mong manh, mấy ai biết được điểm dừng của nó. Việc các bạn teen không giữ được mình, bị trượt dài bởi những cám dỗ trong cuộc sống đêm chỉ có thể tự trách mình không có bản lĩnh và đến với bar xuất phát từ động cơ ban đầu đã vốn lệch lạc. Bar thường được ví như một xã hội thu nhỏ, sống về đêm với đủ dạng người. Nó có thể nuốt chửng bạn khi bạn yếu đuối, song cũng có thể giúp bạn tăng thêm hưng phấn và yêu đời mỗi khi bước ra, để ngày mai lại bắt đầu vào cuộc sống và nhịp điệu học tập, làm việc mới hăng say, hiệu quả hơn. Với những teen thực sự yêu thích âm nhạc, cũng có thể lựa chọn các bar có phong cách nhẹ nhàng hơn, chủ yếu đến thưởng thức nhạc như Lodge Bụi, Yoko, Acoustic, Velvet... Phần lớn các bar này thường chơi nhạc jazz, rock and roll, Flamenco, nhạc trữ tình... với không ít ban nhạc, ca sĩ người Philippines. Vậy đó, yêu bar hay ghét bar – hoàn toàn phụ thuộc vào động cơ đến với bar và những suy nghĩ của bạn về nó. Và, giải trí bằng hình thức đi bar, có lẽ chỉ dành cho những teen thực sự có bản lĩnh.
Ngọc Bi

Thứ Ba, 26 tháng 1, 2010

Thị trường sách khi ông chủ cũng là nạn nhân?

Bài 2: Bị sách lậu ăn cướp
(TT&VH Cuối tuần) - Không chỉ các nhà văn kêu trời về sách lậu mà chính các nhà sách chân chính cũng bị sách lậu ăn cướp. Nhà thơ Phạm Sĩ Sáu - Trưởng Ban Khai thác đề tài & Giao dịch tác quyền NXB Trẻ, một nhà xuất bản Nhà nước và dịch giả Nguyễn Lệ Chi - chủ sở hữu nhãn hiệu sách Chibooks, một nhà sách tư doanh, cùng lên tiếng về vấn đề này.
* Mỗi năm, đơn vị của các anh/ chị thiệt hại bao nhiêu tiền khi sách của mình bị in lậu dưới tất cả các hình thức (“luộc”, xâm phạm bản quyền). Nếu cộng thêm thiệt hại về uy tín thương hiệu, thiệt hại cho người tiêu dùng (độc giả) thì hậu quả ra sao?
Ông Phạm Sĩ Sáu (PSS): Thực ra không thể đo đếm được mức độ thiệt hại do bị in lậu dưới mọi hình thức. Con số có thể hình dung là hàng tỉ đồng của tác giả và NXB đã bị bọn in lậu ăn cướp một cách trắng trợn dưới hình thức làm sách giả, sách lậu. Mặt khác, sách giả, sách lậu thường không bảo đảm về chất lượng cả hình thức và nội dung, lại có gắn logo của NXB, điều đó cũng gây thiệt hại không nhỏ cho NXB về mặt uy tín thương hiệu. Đối với độc giả, thiệt hại thường khó thấy, nhưng nó sẽ ảnh hưởng đến thói quen tiêu dùng, là chỉ thích hàng rẻ mà không biết do đâu mà rẻ, lại không biết là đang góp phần tiếp tay cho những người làm sách lậu cướp thành quả lao động của tác giả cũng như những người góp phần làm nên cuốn sách. Tiêu thụ sách giả là góp phần trực tiếp xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ của người khác. Mà quyền sở hữu trí tuệ ở Việt Nam thì dường như còn có vẻ xa lạ với nhiều người.
Bà Nguyễn Lệ Chi (NLC): Hiện tại Chibooks chưa có điều kiện để phát hiện ra sản phẩm nhái sách của Chibooks. Tuy nhiên với số vốn trung bình từ 50 - 70 triệu đồng đầu tư sản xuất cho một cuốn sách, nếu bán hết 2.000 bản, chúng tôi chỉ có thể lời được 5-7 triệu đồng là cùng. Nếu sách bị in lậu và được tung ra bán với chiết khấu cao hơn thì không những công ty không thể thu hồi vốn, mà còn mất trắng bao công sức chuẩn bị và đầu tư cho một cuốn sách (trong khi cả quá trình này thường mất nửa năm, từ khâu giao dịch mua bản quyền, triển khai dịch, in ấn…). Việc sách bị “luộc” sẽ mang lại những thiệt hại nặng nề cả về vật chất và tinh thần cho các đơn vị xuất bản. Tất nhiên chất lượng sách in lậu sẽ kém hơn sản phẩm chính nên người tiêu dùng cũng bị thiệt hại hơn.
* Luật xuất bản hiện nay chỉ xem những kẻ làm sách “chợ trời” là làm sách lậu, vi phạm bản quyền. Trong khi, với một loại hàng hóa khác thì bị xem là làm giả.
PSS: Phải gọi đích danh những kẻ làm sách “chợ trời” là những người buôn lậu sách, vì Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ và ngay cả Luật Dân sự cũng đều chỉ ra tội danh này. Chỉ có điều là các cơ quan quản lý Nhà nước dường như chưa quan tâm đến lĩnh vực này lắm nên tình trạng càng kéo dài và ngày càng nghiêm trọng hơn. Lý ra cơ quan cấp phường xã có thể vào cuộc, vì mua bán sách là phải có hóa đơn xuất kho, phải có ghi danh nhà cung cấp. Nên chăng phạt thật nặng người trực tiếp bán lẻ vì chính họ, bằng lợi nhuận cao, đã bất chấp luật pháp, tiếp tay với bọn làm sách giả, sách lậu.
NLC: Đúng là hiện nay với những khái niệm về sách lậu, sách vi phạm bản quyền… như Luật xuất bản đã nêu ra dễ khiến người tiêu dùng lầm lẫn và chưa hiểu rõ thực sự bản chất của vấn đề. Hãy đơn giản hóa vấn đề bằng cách nếu chúng ta coi sách là một sản phẩm nói chung thì khi sản phẩm này bị làm giả, bằng bất cứ hình thức nào như: vi phạm bản quyền, in lậu, làm sách nhái… thì rốt cuộc vẫn là một sản phẩm giả kém chất lượng và bất hợp pháp. Một dạng hàng nhái không hơn không kém. Những kẻ làm sản phẩm giả này dù với bất kỳ lời lẽ biện minh nào cũng là vi phạm pháp luật, cướp công sức và sản phẩm của người khác để trục lợi cá nhân. Như vậy nếu xét về mức độ phạm tội và tội danh với các sản phẩm khác thì những kẻ làm sách “chợ trời” vẫn bị coi là làm sách giả, làm hàng giả.
* Xin chia sẻ kinh nghiệm để chống sách lậu của đơn vị mình và bày tỏ mong muốn gì ở các cơ quan công quyền.
PSS: Cố gắng nâng cao chất lượng sản phẩm là cách tốt nhất để chống sách lậu. NXB chỉ là một doanh nghiệp, chỉ biết làm ra sản phẩm với chất lượng cao nhất để đáp ứng yêu cầu của người tiêu dùng. Còn việc phòng chống sách giả, sách lậu là trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước. Chúng tôi chỉ ước ao có một ngày sẽ không còn ai xâm phạm bản quyền, tất cả đều được mua bán một cách sòng phẳng và công khai với những cuốn sách đảm bảo các chỉ tiêu về quyền lợi và trách nhiệm.
NLC: Là một đơn vị xuất bản, Chibooks rất mong mỏi các cơ quan chức năng cần có những biện pháp mạnh hơn nữa để dẹp bỏ các sản phẩm giả trên. Hãy coi sách như một sản phẩm đàng hoàng trên thị trường tiêu dùng, cần được cư xử và bảo vệ như các sản phẩm khác như sữa, ti vi... Hãy xóa bỏ ngay suy nghĩ “sách giả cũng không chết ai” bởi nếu tình trạng sách giả còn kéo dài sẽ khiến các đơn vị xuất bản làm ăn đàng hoàng dần rơi vào cảnh thua lỗ do không thu hồi được vốn, sẽ dẫn tới đóng cửa. Hoặc để cầm cự lại, các đơn vị xuất bản dễ rơi vào cảnh “nhắm mắt làm liều”, không mua bản quyền, mà cho dịch và xuất bản luôn. Như vậy thị trường sách sẽ bị thiếu hụt nghiêm trọng, chưa kể sách hay trên thế giới sẽ không được các NXB nước ngoài tín nhiệm, đưa vào thị trường Việt Nam nữa. Tóm lại xét về lâu về dài, việc còn tồn tại sách giả sẽ dần giết chết văn hóa đọc của người Việt do gián tiếp chặn mất nguồn sách mới, không hòa mình cùng dòng chảy văn minh trên thế giới, không cập nhật được những kiến thức mới nhất, bổ ích nhất phục vụ cho cuộc sống, công việc và xã hội nước ta.Việc mua sách giả chỉ vì cái rẻ trước mắt sẽ dẫn đến hậu quả là chính chúng ta - những người tiêu dùng - đã tự khoanh hẹp lại tương lai tri thức cho chính con cháu chúng ta sau này. Khoảng cách này sẽ ngày càng bị rút lại nếu Nhà nước không sớm có biện pháp và không đặt nặng vấn đề này, không coi trọng nó đúng như cần có.
Về các biện pháp dẹp bỏ sách giả, Chibooks xin đề xuất vài ý như sau: ráo riết làm những đợt kiểm tra hàng loạt các cửa hàng sách, các hệ thống bán sách khắp cả nước. Nếu đầu sách nào không có hóa đơn nhập rõ ràng và cụ thể của đơn vị xuất bản làm ra cuốn sách đó, hoặc không có hóa đơn, chứng từ xuất kho của đơn vị phát hành làm đại diện cho đơn vị xuất bản đó thì cương quyết tịch thu. Cũng như các loại hàng hóa, sản phẩm khác, nếu đầu sách không chứng minh được đầu vào thì tịch thu, tiêu hủy ngay vì chắc chắn đó là sách lậu. Ngoài ra, dẹp bỏ ngay các chiếu sách vỉa hè vì đây là những địa điểm bán sách lậu công khai và khó kiểm soát hơn các nhà sách. Khi phát hiện sách giả, tịch thu ngay và phạt nặng đơn vị bán sách đó với số tiền gấp 10-20 lần trị giá số sách đang bán để làm gương và biết sợ mà từ bỏ. Rà soát lại hết các cửa hàng bán sách nhỏ lẻ, xem có giấy phép kinh doanh sách hay không, vì sách lậu thường được đưa vào các cửa hàng này. Nếu làm được liên tục trong một vài năm như vậy, giao cho từng quận kiểm soát chặt chẽ thì tôi tin rằng vấn nạn sách giả sẽ bỏ được.

Thanh Kiều (thực hiện)

Gặp lại nữ hoàng truyền hình: Lưu Hiểu Khánh

(TNTS) Sau một thời gian dài vắng bóng, nữ hoàng truyền hình Lưu Hiểu Khánh tái ngộ với khán giả HTV7 qua bộ phim truyền hình 36 tập có tên Gió xuân, bắt đầu phát sóng từ ngày 18.1.
Khác hẳn với các vai quyền quý cao sang như công chúa, tiểu thư, bà hoàng trong các bộ phim truyền hình Trung Quốc trước đây vẫn thường đóng, Lưu Hiểu Khánh trong Gió xuân lại vào vai một người phụ nữ bán hủ tiếu chung tình, sẵn sàng chờ đợi suốt 20 năm vì tình yêu.
Trong quá trình quay, Lưu Hiểu Khánh thường xuyên bàn bạc với đạo diễn từ tình tiết câu chuyện cho đến cách diễn xuất. Do muốn nhân vật Ma Cô của mình thật đặc sắc nên Lưu Hiểu Khánh đã tự đầu tư những vật dụng đắt tiền phục vụ cho vai diễn. Trong một phân cảnh đánh võ khá phức tạp, Lưu Hiểu Khánh không cần đến người đóng thế mà tự mình xung trận.
Diễn viên nổi tiếng Hồng Kông - Quách Tấn An được phân vai con của Lưu Hiểu Khánh có ấn tượng rất sâu sắc với “bà mẹ” tần tảo này. Anh nói: “Diễn xuất của Lưu Hiểu Khánh rất chuyên nghiệp, nhập vai ngay cảnh quay đầu tiên”. Quách Tấn An đã đoạt giải Diễn viên được yêu thích nhất của TVB qua vai diễn chàng Vượng.
Hình ảnh “chàng khờ” đã “đóng dấu” tên tuổi của anh. Anh liên tục nhận những vai diễn có tính cách tương tự. Đạo diễn Lưu Sĩ cho biết chi phí làm phim tốn khoảng 18 triệu tệ. Ông cũng không ngừng tán thưởng: “Trước đây Lưu Hiểu Khánh đóng những pha võ thuật trong phim cổ trang nhưng đều cần người đóng thế. Lần này cô ấy tự mình diễn. Tuy cô ấy không còn trẻ nữa nhưng trong những pha cần đến võ thuật vẫn diễn xuất rất nhuần nhuyễn và chính xác”.
Bật mí nội dung 20 năm trước, khi Ma Cô làm a đầu trong tiệm lụa “Vĩnh Thái Tường” của ông chủ Trần Giám đã nảy sinh tình cảm với ông chủ rồi mang thai, nhưng lại bị mẹ của Trần Giám ngăn cản và âm mưu hãm hại. Ma Cô rất đau xót và gia nhập “Băng ngọc đường”, mở sạp hàng bán bún gạo để hỏi thăm tông tích đứa con trai của mình... Tình cảm giữa Trần Phú Quý - con nuôi của Trần Giám với Ma Cô giống như mẹ con vậy, Phú Quý muốn giúp cha nuôi và Ma Cô nối lại nghĩa xưa đồng thời thay Ma Cô tìm con. Nhưng vợ của Phú Quý là Dĩ Hoa lại lật lọng bảo Phú Quý và Ma Cô là mẹ con. Ma Cô quay trở về nhà họ Trần, Dĩ Hoa cố tình hạ độc ám hại mẹ của Trần Giám và gán tội cho Ma Cô.
Phú Quý và Ma Cô rất phẫn nộ nên quyết định phục thù. Phú Quý lập kế hoạch bao vây “Vĩnh Thái Tường” đồng thời vạch trần âm mưu của Dĩ Hoa. Nhưng Dĩ Hoa đã đi trước một bước, ám hại Phú Quý phải ngồi tù. Ma Cô, Trần Giám cố gắng hết sức để cứu Phú Quý... Phú Quý và Ma Cô một lần nữa quay về nhà họ Trần, tuy không phải là mẹ con ruột nhưng họ vẫn cất bí mật này sâu tận đáy lòng và sống hạnh phúc với nhau.
Ngọc Bi (tổng hợp theo sina.com)

Đi bar một mình

(TNTT&GT) Tại sao lại đi bar một mình, chứ không phải hai - ba mình? Đi bar một mình phải chăng chỉ xảy ra đối với những người buồn chán, u uất, thất tình hay chán đời?
Có rất nhiều lý do khiến người ta phải đi bar một mình mà không cần tới yếu tố tiêu cực tác động. Điều này không thuộc về dạng bản lĩnh hay không, mà phần lớn phụ thuộc vào tâm trạng và tính cách của người đó. Đi bar một mình không đồng nghĩa với việc mình cô độc, xa lánh, chán ghét bạn bè, cũng không đồng nghĩa với việc muốn chứng tỏ cái tôi. Bởi phần lớn những người tới bar chỉ nhằm tìm kiếm một mục đích duy nhất là thư giãn. Trong những quán bar nhộn nhạo, đông đúc, nhạc xập xình và ánh đèn mờ ảo, việc bạn đi bar một mình chẳng có nghĩa lý gì. Nó không đủ sức bật thu hút tới mức các ánh mắt phải đổ dồn vào bạn, cũng không gây nên sự lạ lẫm hay tò mò để ai đó phải đặt dấu hỏi tại sao bạn lại một mình. Đi bar một mình không đánh đồng với việc bạn sẽ là trung tâm của vũ trụ vào đêm đó, dẫu bạn ăn mặc có mỏng manh, thiếu vải hoặc trang điểm kỳ quái tới đâu. Bởi tất cả những gì bất thường… đều có thể xảy ra ở bar. Thông thường người ta đi bar một mình bởi những lý do chính sau:
Muốn thay đổi môi trường. Sau một tuần làm việc căng thẳng và mệt mỏi, quay cuồng với đủ thứ áp lực, cảm giác được bước vào môi trường hoàn toàn mới lạ sẽ giúp bạn lấy lại tinh thần hưng phấn. Nếu môi trường làm việc và môi trường sống của bạn hơi nhạt nhẽo, đơn điệu, những quán bar đông đúc như Lush, Cage, La Habana… sẽ thực sự mang lại nhịp điệu sục sôi và lửa nhiệt huyết cho bạn, khiến bạn thấy phấn chấn, rạo rực và đặc biệt có cảm giác “lột xác”, không còn là một con người mệt mỏi, đau khổ, vật lộn vì đủ thứ chuyện cơm áo gạo tiền và áp lực công việc, gia đình, con cái. Bạn sẵn sàng đánh đổi vài trăm ngàn, thậm chí tiền triệu (nếu bạn đủ kinh tế) để lấy vài tiếng đồng hồ được sống trong một môi trường hoàn toàn khác, đơn thuần chỉ là hưởng thụ cho chính bạn, hoàn toàn không suy nghĩ hay lo lắng. Trong đó phải kể tới không ít vai trò quan trọng của các loại đồ uống ngon, các loại nhạc hay (từ jazz, nhạc châu Mỹ la tinh, tình ca…), dàn nhạc sống, DJ mời từ nước ngoài về, và phong cách trang trí bar…
Muốn tìm bạn mới. Những gương mặt đồng nghiệp hoặc những người có quan hệ xã giao với công việc, những bạn bè thân lâu năm… tất cả đã nhàm chán qua năm tháng tới mức bạn có nhu cầu thèm được trò chuyện với một người bạn mới. Một người hoàn toàn không biết gì về bạn, vui vẻ lắng nghe trò chuyện cùng bạn mà bạn không phải cân nhắc từng câu trước khi nói, không ngại đụng chạm hoặc làm phiền lòng ai hoặc bất kỳ mối quan hệ phức tạp nào ẩn chứa trong công việc. Bạn không ngại phải lắng nghe, chịu đựng những lời ca thán, kể tội nhau giữa các đồng nghiệp, không còn những lời mệt mỏi than phiền về những bất hạnh trong gia đình từ bạn bè thân hoặc người nhà. Đơn giản chỉ là những lời thăm hỏi đơn giản và vô tư như cánh đàn ông có thể bàn về một trận bóng đá, cánh phụ nữ có thể bàn về một tiệm may đẹp hoặc một bộ phim đang phát… Những cuộc kết bạn kiểu này thường được diễn ra ở ghế ngồi tại các quầy bar – nơi những vị khách đi bar một mình thường chiếm cứ.
Muốn tìm “một nửa” đang lưu lạc. Do tính chất công việc, một số người quá bận rộn, làm việc không ngơi tay từ 8-9 giờ sáng tới 8-9 giờ tối. Môi trường làm việc căng thẳng khiến họ đánh mất cảm giác đối với những người mà họ đã giao tiếp suốt cả ngày. Việc một mình tìm tới các quán bar chỉ nhằm tìm kiếm “một nửa” phù hợp với mình không phải là trường hợp lạ lẫm đối với cả các bạn trai và gái. Ở đây loại trừ một số ít hiếm hoi những con người đào hoa, chỉ muốn tìm kiếm tình cảm chớp nhoáng, vẫn còn rất nhiều người có học vấn cao, công ăn việc làm ổn định, có địa vị trong xã hội có ý định tìm "một nửa" nghiêm túc thực sự. Sau suốt một năm đi bar một mình, H, một bạn gái đẹp và tài giỏi, du học nước ngoài, hiện đang làm quản lý cho một công ty nước ngoài với mức lương xấp xỉ 3.000 USD/tháng, mới thực sự tìm được tình yêu của mình. Sau một năm tìm hiểu và yêu nhau say đắm, họ đã lấy nhau hạnh phúc suốt hai năm qua và đang lên kế hoạch sinh con. Tuy nhiên điều này không có nghĩa là các bạn trai hoặc bạn gái cô đơn cứ đến bar một mình ắt sẽ tìm được “một nửa” còn lại. Tất cả còn phụ thuộc vào duyên số, tính cách và yêu cầu của chính bạn.
Muốn tìm hiểu thông tin. Nếu bạn là dân du lịch bụi một mình mới đến một thành phố lạ, còn gì tuyệt hơn là tới một quán bar để nhìn ngắm, quan sát về cuộc sống đêm của những người dân nơi đây. Bar luôn là những kho thông tin đầy ắp và phong phú, tất nhiên bạn phải biết gõ đúng cửa để tìm hiểu vấn đề mà bạn cần. Khách sạn, nhà trọ nào rẻ, tiệm ăn nào ngon nhưng giá cả bình dân, thành phố sắp có những hoạt động trình diễn gì mới… tất cả đều có thể tìm thấy ở các quán bar. Thậm chí bạn có thể tìm được thông tin của bạn mình đã tới đây trước và để lại lời nhắn trên bảng dán thông tin của các bar dành riêng cho khách. Từ những lời nhắn này, bạn có thể biết được bạn mình vẫn ổn, đang đi đâu. Từ đó bạn có thể quyết định sẽ ở lại tiếp trong thành phố này dăm ngày nữa hay đi ngay lập tức để đuổi kịp chúng bạn.
Nguyễn Lệ Chi

Thứ Hai, 18 tháng 1, 2010

Nguyễn Lệ Chi trên báo PHỤ NỮ VIỆT NAM (số 6, ngày 13/1/2010)

VĂN HỌC VIỆT NAM: MƠ NGÀY HỘI NHẬP QUỐC TẾ
Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài đã kết thúc. Tuy nhiên, lời giải đáp cho câu hỏi “Bao giờ văn học Việt thực sự hội nhập với quốc tế” vẫn đang còn bỏ ngỏ. PNVN đã có cuộc trao đổi bàn tròn với Nguyễn Lệ Chi, Di Li – hai cây bút trẻ đang được chú ý, đồng thời là những dịch giả “đắt khách” hiện nay.

Xuất khẩu sách văn học của nước ta không khác cảnh “cảnh chợ chiều”, đó là nhận xét của hầu hết đại biểu dự Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài. Vậy còn ý kiến của các chị?
Di Li: Đúng thế, Trung Quốc là nước láng giềng, vậy mà theo dịch giả Điền Tiểu Hoa, cũng chỉ mới có 5 cuốn tiểu thuyết tiếng Việt được phát hành tại đây. Hơn nữa, những cuốn được dịch sang tiếng nước ngoài vẫn quanh quẩn mấy tác giả cũ và chủ yếu là chủ đề chiến tranh.
Nguyễn Lệ Chi: Vẫn còn thưa thớt, manh mún và tự phát.

Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài đã không mang lại được kết quả như nhiều người mong đợi. Là những người nắm được nhiều “đầu mối” để mở cánh cửa giao lưu văn học, các chị sáng kiến gì trong việc quảng bá văn học Việt?
Nguyễn Lệ Chi: Việc hội nghị diễn ra không đạt được kết quả như người ta mong đợi là điều rất dễ hiểu, bởi chúng ta chưa thực sự coi trọng vấn đề xuất khẩu văn học. Rất đơn giản, nếu chúng ta coi trọng nó, ắt sẽ có những hành động thiết thực hơn là kêu gọi suông hoặc gấp gáp tổ chức một vài hội thảo trong tình trạng cuống quýt, thiếu hụt. Nếu coi việc quảng bá văn học Việt Nam ra nước ngoài như một dự án lớn đầu tư dài hạn thì hãy làm tất cả khâu chuẩn bị cho dự án đó: thời gian đầu tư, kinh phí đầu tư, lộ trình thời gian đầu tư, chủ dự án, giám sát dự án… Hãy giải quyết tốt từng khâu một, chúng ta mới có hi vọng cải thiện được tình hình này và may ra trong 5 đến 10 năm tới mới có thể bắt đầu có một vài tín hiệu vui.

Di Li: Cá nhân tôi, sau khi tham gia hội nghị cũng đã được một số lời mời từ Trung Quốc, Thụy Điển và Đức. Trước đó tự tôi cũng liên hệ được với một số đơn vị ở Nhật Bản và Anh Quốc. Việc ký hợp đồng, dịch và phát hành một cuốn sách ở nước ngoài mất khá nhiều thời gian, không phải một sớm một chiều. Tuy nhiên qua việc này, tôi muốn nói một điều rằng chúng ta phải tự thân vận động. Có thể bạn sẽ thấy rõ những người có tác phẩm in nhiều ở nước ngoài là những người sử dụng ngoại ngữ tốt, chẳng hạn như Ngô Tự Lập, Hồ Anh Thái. Nhưng không phải ai cũng tự thân vận động được, vì nhiều lý do khác nhau. Mặt khác, tự mình vận động cũng chỉ là tự phát mà thôi. Việc “tự thân” này cần phải có ở chính các cơ quan văn học. Các nhà xuất bản VN nên cử ra một bộ phận để giao dịch, quảng bá tác phẩm với nước ngoài như các NXB của phương Tây. Qua nhiều cuộc giao dịch, tôi khẳng định rằng, các NXB nước ngoài rất muốn in sách của ta. Tất cả là nằm ở tính chuyên nghiệp trong quảng bá và giao dịch. Giờ cứ nghe đến từ “hữu xạ tự nhiên hương” là tôi lại thấy sợ. Cứ như ta đang sống ở thời Lý Bạch vậy.
Từng dịch sách văn học nước ngoài sang tiếng Việt, tại sao chị không làm ngược trở lại: dịch văn học VN ra nước ngoài?
Di Li: Tôi đang loay hoay tự dịch truyện của mình, mới được hơn chục truyện ngắn. “Ốc còn chẳng mang nổi mình ốc”, sao có thể dịch giúp người khác. Tôi dịch là với mục đích để cho các nhà xuất bản thấy sơ qua những gì mình đang có, còn nếu họ muốn xuất bản vẫn nên tìm người dịch lại. Dịch ngược phức tạp hơn dịch xuôi, và chúng ta không nên dịch ngược, trừ những người lớn lên ở nước ngoài và có khả năng sử dụng song ngữ. Còn thì dịch giả bản địa dịch tiếng Việt sang tiếng nước họ sẽ tốt hơn, chuẩn xác hơn về văn phong.

Nguyễn Lệ Chi: Việc dịch ngược rất khó và thường không được làm với tính tự giác, trừ phi được NXB nước ngoài đặt hàng. Có mấy dịch giả chịu bỏ thời gian mấy năm trời để dịch một tác phẩm nào đó chỉ vì thích? Đó là chưa nói đến việc tác phẩm đó hay hay dở, có cần hiệu đính nhiều hay ít… Nếu được đặt hàng, chắc chắn tình hình sẽ khác. Nhưng muốn như vậy thì phải có kinh phí, phải có sự bảo trợ của nhà nước. Nhà nước nên tổ chức những khóa đào tạo cho các dịch giả, từ đó lựa chọn để xây dựng đội ngũ dịch thuật cấp quốc gia.

Hồ Huy Sơn (Thực hiện)
báo Phụ Nữ Việt Nam số 6 (ngày 13/1/2010)

Chủ Nhật, 17 tháng 1, 2010

Nguyễn Lệ Chi trên báo Doanh nhân Sài Gòn

"Hết vốn làm sách, cần bán đất"
Chi luôn nhận mình là kẻ đủ đam mê để ăn cùng sách, ngủ cùng sách. Kinh doanh các ấn phẩm văn hóa chính là cách để Chi chia sẻ với mọi người đam mê ấy.

Mò mẫm làm bản quyền
Nguyễn Lệ Chi tốt nghiệp đại học chuyên ngành quan hệ quốc tế, hoàn thành chương trình đào tạo thạc sĩ tại Học viện Điện ảnh Bắc Kinh, Trung Quốc, làm phim rồi khai thác bản quyền, kinh doanh sách. Lý lịch trích ngang của Giám đốc Chibooks chỉ có vậy. “Mỗi chặng đường, với tôi đều có giá trị. Chúng bổ trợ cho nhau”, Chi mở đầu chuyện đời, chuyện nghề của mình như vậy.
Từ Trung Quốc trở về, đã tìm được công việc ở một hãng phim, ứng dụng những kiến thức mình được học, vậy mà, sách lại có khả năng khiến Nguyễn Lệ Chi gắn bó đến tận bây giờ. Chi kể, vốn mê sách từ trước nên những ngày ở Bắc Kinh đã tranh thủ tiếp xúc nhiều với các nhà văn, nhất là những cây bút đương đại. Thế nên, khi nhận được lời mời từ Công ty Văn hóa Phương Nam, chị đã thử sức ở lĩnh vực mới.
Trong bối cảnh Công ước Bern còn chưa được thực thi triệt để tại Việt Nam, không ít nhà xuất bản còn xa lạ với việc làm hợp đồng chuyển nhượng bản quyền thì Chi đã một mình sang Trung Quốc tìm đối tác. Chi phải tự tìm hiểu luật, làm hồ sơ công ty, tự thảo hợp đồng rồi chuyển ngữ sang tiếng Hoa, tiếng Anh để thương thảo bản quyền. Trong vai trò của một phó giám đốc trung tâm sách, đi lại, thương thảo giữa Trung Quốc - Việt Nam, những kỹ năng quan hệ quốc tế đã giúp Lệ Chi dễ dàng chiếm được thiện cảm của đối tác.
Mò mẫm vậy nhưng Chi đã kịp thời đưa dòng văn học đương đại Trung Quốc với những cái tên Vệ Tuệ, Quách Kính Minh, An Ni Bảo Bối... vào Việt Nam. Gần với văn hóa, đời sống, những tác phẩm thuộc dòng văn học Leing Ley ngày đó đã gây nên một làn sóng hâm mộ trong giới trẻ Việt. Thắng lớn với Leing Ley, Chi tiếp tục giành quyền chuyển ngữ tác phẩm của những nhà văn lớn như Mạc Ngôn, Lưu Chấn Vân... sang tiếng Việt với giá rất hợp lý.
Đưa sách Việt ra nước ngoài
Không chấp nhận sách vào Việt Nam một chiều, Chi mạnh dạn mang sách Việt sang tiếp thị tại các hội chợ sách quốc tế. Chị cho biết: “Khách hàng chỉ là những kiều bào sống trên đất khách hay những sinh viên đang tìm hiểu ngôn ngữ, văn hóa Việt, nhưng nhờ hoạt động ấy, uy tín cũng như hình ảnh công ty tăng lên rất nhiều, thương thảo bản quyền cũng sẽ dễ hơn”.
“Khi tiếp xúc với tác phẩm, dù cá nhân mình có thích hay không cũng phải phán đoán được khả năng thu hút độc giả của tác phẩm đó, nếu không, rất dễ thất bại”, Chi khẳng định. Khác với các sản phẩm tiêu dùng có giá trị cụ thể, sách là thứ hàng hóa khó định giá. Lệ Chi cho biết, việc thương thảo giá bản quyền của cô chủ yếu là kinh nghiệm dựa trên số bản in có thể bán ra mà phán đoán. “Các trung tâm giao dịch tác quyền cũng như các tác giả nước ngoài chưa biết nhiều về Việt Nam cũng như những đặc tính thị trường sách nước mình, nên trước khi thương thảo bản quyền, tôi thường tạo điều kiện cho họ nắm bắt được điều đó. Có như vậy, họ sẽ dễ dàng chia sẻ và thông cảm cho người làm sách”, Chi tiết lộ.
Vừa giao dịch, làm bản quyền, tranh thủ thời gian còn lại, Chi dịch các tác phẩm mình ưa thích sang tiếng Việt. Lệ Chi cho biết, chị rất yêu thích công việc này bởi chuyển ngữ đòi hỏi dịch giả, ngoài khả năng ngôn ngữ, còn phải nắm bắt được tính cách, phong thái của chính tác giả để có thể cho ra đời bản dịch sát nguyên bản nhất.
n đất vì sách
Giao dịch bản quyền nặng tính cạnh tranh, đòi hỏi sự nhanh nhạy, nhưng những ách tắc trong khâu thủ tục lại diễn ra thường xuyên khiến Lệ Chi bị vuột mất những tác phẩm hấp dẫn. Không giải quyết được những vướng mắc, Chi chấp nhận ra đi, gác lại những dự án mà mình tâm huyết. Gom góp tiền tích lũy được, Chi mở công ty.Chibooks ra đời trong bối cảnh cô chủ của nó vừa làm việc, vừa học thêm các khóa quản trị doanh nghiệp.
“Khả năng của truyền thông hiện nay là rất lớn, giữa muôn ngàn ấn phẩm được xuất bản hằng ngày trên thế giới, nếu không biết định hướng, người làm sách rất dễ bị lạc hướng", Lệ Chi khẳng định. Biết vậy nên Chi chọn văn học làm trọng điểm khai thác của Chibooks. Tính đến nay, Chi đã đưa được hơn 20 đầu sách ra thị trường. Đó có thể gọi là tủ sách văn học Chibooks, bởi nó khá phong phú, bao gồm văn học Trung Quốc, Anh, Pháp, Mỹ...
“Công ty TNHH Văn hóa Truyền thông Lệ Chi đã hết vốn làm sách nên cần bán gấp hai mảnh đất của chủ nhân Chibooks, bạn nào thực sự có nhu cầu thì để lại lời nhắn nhé”, mẩu tin Chi rao trên blog cá nhân của mình khiến bạn bè xót xa, nhưng Chi thì vẫn tự tin với con đường mình đã chọn. Chuyện trò với bạn bè, Chi vẫn bảo, kinh doanh sách khó lắm: Vừa bị ngâm vốn, phí phát hành cao, vừa chịu cảnh bị “cướp” bởi những người làm sách lậu. Chỉ cần nản chí là buông xuôi. Không nản chí nên Chi vẫn dấn bước trên con đường mình đã chọn.
Sách không đơn thuần để người ta mua vui, mà là cánh cửa mở ra bên ngoài thế giới”, Chi nói vậy với vẻ quyết tâm.
Hình như cô đã chọn việc mở những cánh cửa ấy làm cái nghiệp của mình.

ĐẶNG QUÝ YÊN

Thứ Bảy, 16 tháng 1, 2010

Dịch giả Nguyễn Lệ Chi: Hạnh phúc nếu được sống nhiều cuộc đời...

V6 - Khách mời của chương trình Khi người ta trẻ tháng 1/2010 là dịch giả Nguyễn Lệ Chi và nhân vật thế hệ trước – dịch giả Thúy Toàn. Khi người ta trẻ, chủ đề "Nghề dịch" sẽ mang tới cho khán giả những thông tin sâu về lĩnh vực dịch thuật. Chương trình phát sóng lúc 20h ngày 17/1/2010 trên VTV6. PV của website VTV6 đã có cuộc trò chuyện với dịch giả Nguyễn Lệ Chi:

VTV6: Chào chị, khi nhận lời mời của VTV6 tham gia chương trình “Khi người ta trẻ” với vai trò của một dịch giả trẻ - cảm xúc đầu tiên của chị thế nào?
Dịch giả Nguyễn Lệ Chi: Tôi thực sự bất ngờ và xúc động vì VTV6 đã quan tâm tới nghề dịch và tạo điều kiện giúp khán giả tìm hiểu rõ hơn về những khó khăn, trở ngại trong nghề này.

VTV6: Chắc chắn trong khoảng thời gian ngắn chuẩn bị tham gia chương trình, chị dành ra một thời điểm nào đó nhìn lại những gì mình đã làm, đặc biệt với công việc dịch thuật. Trong “không gian tự vấn” ấy, thế mạnh và những trăn trở của chị là gì?

Dịch giả Nguyễn Lệ Chi: Làm thế nào để giúp các bạn trẻ vừa cảm nhận được những khó khăn của nghề, nhưng vẫn giữ được lửa nhiệt huyết cho các bạn vẫn bước vào nghề - đó là những trăn trở của tôi trước khi tham gia chương trình. Bởi nếu kể ra những khó khăn nhiều quá, có thể gây tâm lý cho các bạn, khiến các bạn trẻ thấy e ngại, rụt rè hơn. Nhưng nếu nói lạc quan quá, các bạn lại tưởng nghề này quá dễ dàng, không cẩn thận kĩ lưỡng khi bắt tay vào làm. Tuy nhiên, chương trình đã mời cả dịch giả Thúy Toàn – bậc tiền bối đi trước – với nhiều kinh nghiệm đúc kết suốt gần nửa thế kỷ trong nghề dịch cùng đồng hành với tôi trong chương trình để chia sẻ kinh nghiệm với các bạn trẻ.

VTV6: Theo dõi những hoạt động của dịch giả Nguyễn Lệ Chi, có thể thấy một hình ảnh đầy năng động tiến về phía trước, kể cả trong lĩnh vực dịch thuật và xuất bản sách. Dường như chị chưa muốn dừng lại trong một khoanh vùng nhỏ mà muốn khai thác triệt để thế mạnh bản thân. Chị chia sẻ gì với nhận xét này?

Dịch giả Nguyễn Lệ Chi: Thực ra trước khi bắt tay vào dịch sách và làm sách, tôi chưa từng có ý nghĩ mình sẽ làm công việc này. Nhưng một khi đã làm thì dốc hết sức. Tôi chỉ có thể nói với các bạn trẻ rằng, hãy bắt tay vào làm một công việc mà bạn thực sự thấy đam mê. Bước đi ban đầu có thể rất vụng về, rất bỡ ngỡ, nhưng hãy làm hết sức mình, dẫu kết quả có đi đến đâu. Có làm mới có kinh nghiệm, có làm mới hiểu được những mặt ưu, mặt khuyết trong nghề để cân đối với chính khả năng của mình. Nếu công việc mình đang đeo đuổi phù hợp đúng với khả năng nội tại của mình thì thuận lợi nhất và mình nên khai thác thế mạnh của mình để giúp công việc phát triển tốt hơn.

VTV6: Chị học tiếng Trung, làm Tạp chí điện ảnh rồi học đạo diễn điện ảnh. Từ đạo diễn điện ảnh chuyển sang dịch sách về điện ảnh, dịch sách văn học và giờ “lấn sân” sang mảng xuất bản. Liệu rằng những cú chuyển hướng sẽ còn tiếp tục được kéo dài hơn?

Dịch giả Nguyễn Lệ Chi: Tôi luôn quan niệm rằng cuộc đời con người thường ngắn ngủi và sẽ thực sự hạnh phúc nếu chúng ta được sống nhiều cuộc đời, được thử nghiệm nhiều ngành nghề, được tận hưởng cuộc sống với nhiều dư vị khác nhau. Chính vì vậy tôi đã học và làm nhiều việc trong một khoảng thời gian không dài. Mỗi một quãng thời gian học hoặc làm một công việc gì đó đều đem lại những kinh nghiệm sống, những thử thách và những cảm xúc rất khác biệt, rất khó nói. Và tôi thấy hạnh phúc vì điều đó. Tôi vẫn sẽ tiếp tục chuyển dịch sang những công việc mới như viết sách, viết kịch bản, giao dịch mua bán kịch bản phim… Tuy nhiên việc luôn thay đổi và làm mới mình để tránh nhàm chán này cũng phải phụ thuộc nhiều vào tính cách con người. Có lẽ tính của tôi quá “động”, không chịu ngồi yên, luôn cảm thấy nhàm chán nếu không được thử sức.

VTV6: Nhìn từ bên ngoài, công việc của một dịch giả khá phức tạp song nó mang lại nhiều đức tính: cẩn thận, kiên nhẫn... Với riêng chị, nghề dịch thuật mang lại không gian riêng như thế nào?

Dịch giả Nguyễn Lệ Chi: Với tôi, công việc dịch sách là một cách giúp tôi tự rèn luyện tính kiên nhẫn, bền bỉ và vượt qua chính mình. Bởi quá trình dịch một cuốn sách văn học 300 trang phải mất trung bình 5 tháng trở lên. Làm sao để kiên nhẫn ngồi dịch hàng ngày trong khi mọi người đã chìm vào giấc ngủ hoặc đi chơi
Hy sinh nhiều thời gian để làm một công việc yên lặng, ngồi chôn chân một chỗ thực sự không phải là điều dễ làm. Mặt khác, dịch sách, đặc biệt dịch sách văn học đem tới cho tôi nhiều cảm xúc, có lúc rất vui vẻ sung sướng, có lúc rất đau khổ bi lụy tùy theo nội dung trong sách. Việc dịch sách giúp tôi tự khám phá thế giới nội tâm của người viết, đi theo các tuyến nhân vật, sống trong một thế giới ảo trên trang sách để rồi qua ngôn ngữ của mình, trao lại những tâm tư tình cảm đó cho các độc giả. Đối với tôi, đây cũng là một trải nghiệm thú vị.

VTV6: Chị hẳn có tình cảm đặc biệt với nghề dịch thuật, qua cách chị đặt tên nick của mình trong hòm thư điện tử - dichgianguyenlechi@. Thế nhưng, chị vẫn tiếp tục chinh phục những lĩnh vực khác: làm báo, xuất bản sách…, điều đó, có khiến chị xao nhãng với lĩnh vực dịch thuật hay không?

Dịch giả Nguyễn Lệ Chi: Không, khi đã quá yêu thích một công việc, nó mãi ẩn sâu trong con người bạn như một phần máu thịt. Tôi có thể dịch bất cứ lúc nào, dẫu làm ngành nghề gì. Các dịch giả khác cũng vậy, họ cũng có những công việc khác nhưng vẫn không từ bỏ công việc dịch sách của mình.

VTV6: Trở lại với chương trình “Khi người ta trẻ” của VTV6, chị cảm thấy tâm đắc với nội dung nào nhất? Và còn có điều gì cảm thấy chưa kịp nói hết ý trong chương trình vừa được ghi hình ngày 14/1 vừa rồi?
Dịch giả Nguyễn Lệ Chi: Tôi thực sự hài lòng về những câu hỏi gợi mở cho khán giả về nghề này như: hình dung về dịch giả, những đức tính mà người dịch cần trang bị, sự khác biệt giữa dịch xuôi và dịch ngược… Tuy nhiên do khuôn khổ thời gian chương trình có hạn, tôi thấy còn thiếu ý về đời sống, thu nhập, những sự cố mà người dịch thường gặp như bị ăn chặn tiền dịch, bị quỵt tiền dịch, bị người khác thay tên dịch... cùng những cách để giúp các bạn trẻ vượt qua những sự cố đó…

VTV6: Xin cảm ơn và chúc chị thành công!
Thông tin trích ngang của dịch giả Nguyễn Lệ Chi:
Ngày sinh: 15.11.1976
Web:
http://nguyenlechi.vn
HỌC VẤN:
Cử nhân Trung Văn Trường Đại học Ngoại Ngữ Hà Nội (1994-1998)- hệ chính quy
Cử nhân Ngoại Giao Học Viện Quan Hệ Quốc Tế Hà Nội (1994-1999) - hệ chính quy
Khóa học nâng cao tiếng Trung tại Trường Đại học Sư phạm Bắc Kinh (2000-2001)
Thạc sĩ Điện ảnh chuyên ngành Đạo diễn phim truyện nhựa tại Học viện Điện ảnh Bắc Kinh (2001-2004) - hệ chính quy
Khóa học ngắn hạn 01 tháng về sản xuất phim truyền hình theo công nghệ sítcom 2 máy tại phim trường Kantana, Thái Lan (10/2004)
Khóa học 06 tháng về Giám đốc điều hành chuyên nghiệp (Trường Doanh nhân và Giám đốc Pace, 8/2007)
DANH SÁCH SÁCH ĐÃ DỊCH (TỪ 2000-NAY)
I. Sách điện ảnh:
1. Nghiên cứu tâm lí diễn xuất điện ảnh (Tề Thổ Long, Viện phim VN, NXB Văn hóa thông tin năm 2004)
2. Đối thoại với Trương Nghệ Mưu (Lí Nhĩ Uy, NXB Trẻ, năm 2004)
3. Đối thoại với Củng Lợi (Lí Nhĩ Uy, NXB Trẻ, năm 2004)
4. Nghệ thuật quay phim điện ảnh (Dương Quang Viễn, Hội điện ảnh VN, năm 2004)
5. Kim chỉ nam giải quyết các vấn đề khó cho các nhà biên kịch điện ảnh(Syd Field, Viện phim VN, NXB Văn hóa thông tin, năm 2005)
6. Đối thoại với Trần Khải Ca(Lí Nhĩ Uy, NXB Văn học, năm 2009)
SÁCH SẮP XUẤT BẢN:
7. Bài học cho đạo diễn (thuộc tủ sách Điện ảnh của đạo diễn Việt Linh, Fahasa)
8. Hồi ức thanh xuân của tôi (Tự truyện của Trần Khải Ca – tập 1, Chibooks)
9. Truyền kỳ về Trương Nghệ Mưu (Chibooks)
II. Sách văn học:
10. Co giật (tuyển tập truyện ngắn xuất sắc Trung Quốc, NXB Văn Học, 2004)
11. Anh có biết nói yêu không (Tranh Tử, NXB Văn học, năm 2005)
12. Tối nay có việc không về nhà (Trương Kiện Bằng, Hồ Túc Thanh, NXB Văn học, năm 2005)
13. Hoa bên bờ (tiểu thuyết, tác giả Anni Bảo Bối, NXB Phụ Nữ, năm 2006)
14. Đảo Tường Vy (tiểu thuyết, tác giả An Ni Bảo Bối, NXB Phụ Nữ, năm 2006)
15. Ôi, đàn ông (tiểu thuyết, tác giả Bì Bì, NXB Phụ Nữ, năm 2006)
16. Thiền của tôi (tiểu thuyết, tác giả Vệ Tuệ, NXB Phụ Nữ, năm 2007)
17. Tuyển tập Vệ Tuệ (tập truyện ngắn, dịch chung với Lê Sơn, NXB Phụ Nữ, năm 2007)
18. Chuyện tình một đêm (tập truyện ngắn, tác giả Chi Xuyên, NXB Văn Nghệ, năm 2007)
19. Baby Thượng Hải (tiểu thuyết, tác giả Vệ Tuệ, Cty Văn hóa Phương Nam, năm 2008)
20. Gia đình ngọt ngào của tôi (tiểu thuyết, tác giả Vệ Tuệ, Cty Văn hóa Phương Nam, năm 2008)
21. Gái trinh (tập truyện ngắn, tác giả Tranh Tử, NXB Văn Nghệ, năm 2008)
22. Ai là kẻ thứ ba (tập truyện ngắn, tác giả Diệp Khuynh Thành, Chibooks)
SÁCH SẮP XUẤT BẢN:
23. Người con gái đói khát (tiểu thuyết, tác giả Hồng Ảnh)
24. Phượng hoàng(tiểu thuyết, tác giả Cửu Đan)
25. Trắng hơn cả màu trắng (tiểu thuyết, tác giả Miên Miên, Chibooks)
27. Thả tương lai u uất lên trời cao (tiểu thuyết, tác giả Miên Miên, Chibooks)
28. SEX AND THE CITY (tác giả Mỹ Candace Bushnell)
29. ĐỨA CON ĐỎ (tác giả Xuân Thụ)
30. HAI SỐ MỆNH (tác giả Xuân Thụ)
31. BÚP BÊ BẮC KINH (tác giả Xuân Thụ)
32. TUYỂN TẬP XUÂN THỤ 4 NĂM (tác giả Xuân Thụ)
AUDIO BOOK SẮP XUẤT BẢN:
- Chuyện tình một đêm
- Gái trinh
III. Sách tâm lí + giáo trình học ngữ:
28. Khích lệ trẻ ham học (Lâm Cách, NXB Phụ Nữ, năm 2006)
29. Giúp trẻ hướng tới thành công (NXB Phụ Nữ, năm 2005)
30. Đàm thoại tiếng Hoa thông dụng 4 tập Step by Step Chinese (NXB Trẻ, năm 2007)
Huỳnh Mai Liên (thực hiện)

Thứ Tư, 13 tháng 1, 2010

SÁCH DỊCH CỦA NGUYỄN LỆ CHI SẼ XUẤT BẢN TRONG 2010

Năm 2009 là 1 năm bận rộn gây dựng nên Chibooks, vì vậy dịch giả Nguyễn Lệ Chi (chủ sở hữu Chibooks) phải hi sinh ít nhiều sở thích dịch sách của mình để tập trung xuất bản các tác phẩm của các dịch giả khác. Tuy nhiên năm 2010 sẽ là một năm quay trở lại của chị với những tác phẩm dịch dưới đây.
1) SEX AND THE CITY (tác giả Mỹ Candace Bushnell)
2) TRẮNG HƠN CẢ MÀU TRẮNG (tác giả Miên Miên)
3) THẢ TƯƠNG LAI U UẤT LÊN TRỜI CAO (tác giả Miên Miên)
4) ĐỨA CON ĐỎ (tác giả Xuân Thụ)
5) HAI SỐ MỆNH (tác giả Xuân Thụ)
6) BÚP BÊ BẮC KINH (tác giả Xuân Thụ)
7) TUYỂN TẬP XUÂN THỤ 4 NĂM (tác giả Xuân Thụ)

Rất mong quý độc giả nhiệt tình ủng hộ.

Thứ Hai, 11 tháng 1, 2010

NHÀ VĂN MẠC NGÔN: ĐỔI ĐỜI NHỜ… DỊCH GIẢ

Mạc Ngôn thừa nhận nhờ ngôn ngữ, ông đã được đổi đời từ nông dân trở thành một nhà văn. Và cũng nhờ các dịch giả trong và ngoài nước, ông trở thành một nhà văn nổi tiếng khắp thế giới. Trả lời phỏng vấn, nhà văn chia sẻ một kinh nghiệm thú vị trong việc tìm đường đến với độc giả quốc tế.

· Tác phẩm đầu tiên của ông được dịch ra tiếng nước ngoài là cuốn nào? Năm bao nhiêu?
- Đó là tiểu thuyết Cao lương đỏ. Lúc đó là năm 1988. Thời đó rất ít tiểu thuyết Trung Quốc được dịch ra tiếng nước ngoài.
· Hiện tại tác phẩm nào của ông được dịch ra nhiều thứ tiếng nhất?
- Các tác phẩm như Cao lương đỏ, Báu vật của đời, Tửu quốc… đều được dịch nhiều nhất, hầu hết đã được dịch ra tất cả các ngôn ngữ chính ở châu Âu và châu Á như Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Đức, Ý, Nhật…
· Hầu hết các tác phẩm của ông đến với độc giả nước ngoài bằng con đường nào? Họ tự tìm đến ông để xin mua bản quyền, hay do các NXB TQ đã chủ động giới thiệu tác phẩm của ông ra nước ngoài?
- Thời gian đầu là do các nhà dịch giả Trung Quốc, tiếp đó là những người đại diện mua bản quyền của các NXB nước ngoài và các NXB. Tôi gặp gỡ các độc giả nước ngoài phần lớn tại các cuộc họp báo giới thiệu tác phẩm, các buổi diễn thuyết hoặc ký tặng tác phẩm. Cũng có một số độc giả viết thư cho tôi hoặc tới Trung Quốc tìm tôi để làm luận văn.
· Ông nhìn nhận thế nào về vai trò và vị trí của dịch giả?
- Họ là những người quan trọng nhất. Một dịch giả xuất sắc không chỉ cần ngoại ngữ giỏi mà tiếng mẹ đẻ cũng phải giỏi. Tiếng mẹ đẻ có giỏi, họ mới truyền tải hết tinh thần trong các tác phẩm của tôi khi dịch sang tiếng nước khác.
· Dịch giả ở Trung Quốc có được coi trọng không và đời sống của họ có được đảm bảo bằng nghề không?
- Các dịch giả ở Trung Quốc thường làm việc chuyên nghiệp cho một cơ quan cụ thể. Cơ quan đó sẽ trả lương, phân nhà, giải quyết những vấn đề chủ yếu trong cuộc sống của họ. Nếu chỉ dựa vào việc phiên dịch sách, tất nhiên cuộc sống của họ vẫn bảo đảm, tuy nhiên phần lớn cuộc sống của các nhà phiên dịch vẫn rất kém.
· Ông đánh giá ra sao về văn học Trung Quốc đương đại?
- Tôi cho rằng trong vòng 30 năm trở lại đây, văn học Trung Quốc đương đại đã đạt những thành tựu huy hoàng. Như tiểu thuyết của tôi chẳng hạn, cũng không thua kém gì các tiểu thuyết của phương Tây. Tôi cho rằng văn học của tôi đã trở thành một bộ phận của văn học thế giới. Tôi đã viết ra những tiểu thuyết mang đậm nét đặc sắc của văn hóa Trung Hoa, dù có một số nhà phê bình Trung Quốc chuyên trị đả kích tôi. Nhưng trái lại điều đó lại minh chứng được tầm quan trọng của tôi.
· Sách Trung Quốc được dịch ra khá nhiều thứ tiếng, đặc biệt là sách văn học, theo ông, đó là nhờ đâu?
- Thời gian đầu, phim ảnh có tác dụng rất to lớn. Chẳng hạn như tiểu thuyết Cao lương đỏ của tôi gây được sự chú ý của văn đàn thế giới là bởi bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết này được giải quốc tế. Trong mấy năm gần đây, sách của tôi được dịch ra các ngôn ngữ khác nhiều là bởi do đề tài và phong cách độc đáo, đặc biệt, gây nên sự chú ý của các nhà phiên dịch và sự yêu thích của độc giả phương Tây.
* Ông có đọc sách văn học nước ngoài không và thích văn học của nước nào, tác giả nào?
- Thực ra số tác phẩm văn học nước ngoài được tôi yêu thích quá nhiều. Rất nhiều người cho rằng tôi thích văn hóa La Tinh châu Mỹ. Kỳ thực tôi thích nhất văn học Nga, chẳng hạn các tác phẩm: Chiến tranh và hòa bình (tác giả:
Lev Nikolayevich Tolstoy), Tội ác và trừng phạt (tác giả:Fyodor Mikhailovich Dostoevsky.) Sông Đông êm đềm (tác giả: Mikhail Aleksandrovich Sholokhov). …
· Ông có biết tới văn học Việt Nam hoặc nhà văn Việt Nam nào không?
- Vô cùng tiếc. Vì tôi vẫn mong có cơ hội gặp gỡ độc giả VN nhưng tới giờ vẫn chưa có. Tôi cũng hy vọng được đọc các cuốn văn học VN đã được chuyển ngữ sang tiếng Hoa, nhưng cho tới giờ vẫn chưa thấy có cuốn nào. Hay là có thể có mà tôi tìm chưa ra.
* Xin ông cho biết kế hoạch trong năm mới 2010?
- Tôi sẽ viết một vở kịch mới, đồng thời cũng chuẩn bị cho việc viết tiểu thuyết mới.
· Cám ơn ông, và chúc ông một năm mới tốt lành.


NGUYỄN LỆ CHI (thực hiện)
Nguồn: Thể thao văn hóa cuối tuần số 2 (14/1/2010)

Thứ Tư, 6 tháng 1, 2010

Chùa Thiếu Lâm trước cơn lốc thị trường

Vốn là nơi tu hành và luyện võ nổi tiếng của Trung Quốc, chùa Thiếu Lâm dần cũng bị cuốn theo dòng chảy thị trường.

Theo nhật báo Đông Phương (Trung Quốc), người dân thành phố Đăng Phong, tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) đang xôn xao bởi thông tin chùa Thiếu Lâm ở đây sẽ được đưa vào kinh doanh từ năm 2011. Nhiều mạng Trung Quốc còn đăng tải cả hợp đồng hợp tác giữa chính quyền tỉnh Hà Nam với một tập đoàn du lịch Hồng Kông trong việc kinh doanh chùa Thiếu Lâm ký ngày 21.10.2009.
Theo hợp đồng, hai bên sẽ đầu tư 100 triệu tệ (khoảng 270,4 tỉ đồng) để thành lập một Công ty TNHH du lịch văn hóa Thiếu Lâm Cảng Trung Lữ. Trong đó, Cảng Trung Lữ sẽ nắm 51% cổ phần, chính quyền thành phố Đăng Phong giữ 49% cổ phần, cùng kinh doanh và chia lợi nhuận về số tài sản thuộc khu vực chùa Thiếu Lâm. Cảng Trung Lữ cam kết không tăng giá vé vào thăm chùa Thiếu Lâm. Tuy nhiên, trong số tiền 100 tệ/vé vào cửa, chùa Thiếu Lâm sẽ chỉ được lấy 40 tệ, còn lại thuộc về Cảng Trung Lữ. Ước tính chỉ riêng doanh thu bán vé vào cửa chùa Thiếu Lâm đã lên tới 150 triệu tệ/năm. Hợp đồng này cũng cho thấy rõ thời gian hợp tác hai bên kéo dài 40 năm, bắt đầu chính thức từ 2011.
Sửng sốt
Nhiều người dân đã rất bất bình khi đọc được thông tin trên vì cho rằng chùa Thiếu Lâm thuộc tài sản chung của quốc gia, là di sản văn hóa, không thể để chính quyền thành phố tự định đoạt giá cả và kinh doanh như vậy. Ngay cả phương trượng Thích Vĩnh Tín của chùa Thiếu Lâm cũng rất bất ngờ trước thông tin trên và cho biết ông cùng tất cả môn đệ trong chùa hoàn toàn không biết tí gì về kế hoạch kinh doanh, cũng như không hề được hỏi ý kiến. Ông cũng cho rằng việc giao dịch kinh doanh mạo hiểm như vậy sẽ làm tổn hại tới tinh thần võ thuật.
Ông Tiền Đại Lương - Tổng giám đốc Trung tâm Quản lý tài sản vô hình và quyền tri thức, tài sản của Thiếu Lâm Tự - đã phẫn nộ khi trả lời báo chí: “Tài sản chùa Thiếu Lâm không thuộc về chùa Thiếu Lâm và thành phố Đăng Phong. Chùa Thiếu Lâm thuộc tài sản chung của cả nước”. Nhiều người lo ngại rằng nếu để mặc việc chính quyền Đăng Phong tự ý kinh doanh chùa Thiếu Lâm sẽ dễ dẫn đến phong trào chính quyền các thành phố khác cũng tự ý kinh doanh các tài sản quốc gia bừa bãi. Ông Thôi Thế Anh - Trưởng cơ quan tuyên truyền thuộc Ủy ban thành phố Đăng Phong - thừa nhận có sự tồn tại của bản hợp đồng dự tính kinh doanh chùa Thiếu Lâm. Tuy nhiên, ông lại giải thích không mấy thuyết phục về nguyên nhân bưng bít thông tin trên đối với chính các sư phụ và đệ tử trong chùa là chưa chính thức hợp tác với bên ngoài, tất cả mới chỉ là bàn thảo và kế hoạch xa vời. Ông này cũng từ chối cung cấp thời gian vận hành cụ thể của Công ty Thiếu Lâm Cảng Trung Lữ.
Chưa hết, mọi người lại xôn xao thêm khi có tin chùa Thiếu Lâm sắp lên sàn chứng khoán. Có nguồn tin còn chỉ ra rằng đây là một kế hoạch dài hơi được chính phương trượng Thích Vĩnh Tín ấp ủ từ nhiều năm trước. Ông được coi là nhân tài của chùa Thiếu Lâm và từng đảm nhận chức phương trượng, quản lý chùa khi mới 26 tuổi, trở thành phương trượng trẻ nhất, khiến nhiều người kính phục. Với học vị thạc sĩ quản trị kinh doanh, phương trượng Thích Vĩnh Tín được dự đoán sẽ trở thành CEO của chùa Thiếu Lâm. Tuy nhiên, ông đã phủ nhận lại toàn bộ thông tin trên.
Nhiều mâu thuẫn
Mặc cho những phủ nhận và nỗ lực phản đối của phương trượng Thích Vĩnh Tín, Công ty TNHH du lịch văn hóa Thiếu Lâm Cảng Trung Lữ vẫn chính thức ra mắt ngày 26.12.2009, đặt trụ sở tại Trịnh Châu. Suốt buổi lễ ra mắt, người ta không hề thấy phương trượng Thích Vĩnh Tín, cũng không thấy vị trí ngồi nào đề tên ông. Tuy nhiên, ngày 29.12.2009, ông Trịnh Thư Dân - Chủ nhiệm phòng đối ngoại chùa Thiếu Lâm - lại trả lời phỏng vấn rằng: “Chúng tôi tôn trọng quyết định của chính quyền. Hy vọng cá nhân và các cơ quan có liên quan đừng nên hiểu sai ý của chính quyền, không nên tư lợi và chôn vùi Thiếu Lâm”.
Như vậy rõ ràng nội bộ chùa Thiếu Lâm cũng có rất nhiều mâu thuẫn và lục đục. Một nhân viên tham gia tổ chức lễ ra mắt cho biết lẽ ra lễ ra mắt công ty được tổ chức vào ngày 27.12.2009 tại khu vực chùa Thiếu Lâm, song họ lại đột ngột được thông báo chuyển vội sang ngày 26 và địa điểm là Trịnh Châu mà không nói rõ lý do. Nhiều nhà báo nghi ngờ rằng việc gấp rút thành lập công ty “hợp tác” trên rõ ràng là một quyết định có tính toán của chính quyền. Và việc chùa Thiếu Lâm liên tục tham gia các hoạt động thương mại như cho thuê địa điểm làm phim trường, cho võ sư trong chùa đi đóng phim, bán vé vào tham quan khu vực chùa... đã khẳng định chùa không còn giữ được bản sắc và tinh thần võ thuật thuần túy như trước kia. Đặc biệt, chùa Thiếu Lâm càng nổi tiếng hơn và thu hút nhiều du khách hơn khi bộ phim Thiếu Lâm Tự có Lý Liên Kiệt đóng được công chiếu. Nhiều người cho rằng việc chùa Thiếu Lâm bị cuốn theo dòng chảy thị trường quá dễ dàng như vậy là bởi có sự hậu thuẫn của quan chức và chính quyền từ địa phương tới trung ương.
Ông Lý Phổ Lôi - Phó chủ nhiệm Ủy ban Võ thuật xã hội thuộc Tổng cục Thể thao quốc gia Trung Quốc - từng khẳng định: “Việc thương mại hóa thể thao giờ đây là một xu hướng không thể tránh khỏi. Chúng ta phải nhìn thấy rằng thương mại hóa chùa Thiếu Lâm và kung-fu Thiếu Lâm sau này sẽ có tác dụng thúc đẩy kung-fu Thiếu Lâm, chẳng hạn như tổ chức trường Đại học Võ thuật”. Ông cũng bật mí rằng Công ty Cảng Trung Lữ sẽ có nhiều cơ hội hợp tác và càng quảng bá, đem lại danh tiếng cho kung-fu Thiếu Lâm. Với sự hậu thuẫn bật đèn xanh này, chắc chắn rằng chùa Thiếu Lâm không thể tránh bị cuốn vào guồng chảy kinh doanh của thị trường.
Nguyễn Lệ Chi

Thứ Hai, 4 tháng 1, 2010

Đưa văn học Việt ra thế giới, phải vẽ cho nó một lộ trình

TP - Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam sắp diễn ra (5/1/2010 -10/1/2010) với trên 300 đại biểu (trong đó có trên 100 dịch giả, nhà văn nước ngoài đến từ 32 quốc gia).
Đây là một hoạt động rất lớn nhằm đẩy mạnh việc trao đổi văn hoá thông qua công tác dịch thuật văn học. Tiền Phong Cuối tuần đã trao đổi với ba dịch giả trẻ: Hữu Việt, Nguyễn Lệ Chi và Di Li xung quanh một số vấn đề đáng chú ý về nền dịch thuật Việt Nam hiện nay.

Anh/ chị có thể cho một nhận xét chung về nền dịch thuật của Việt Nam (không phân biệt dịch giả ở trong nước hay là Việt kiều ở nước ngoài)? Nếu chỉ nhận xét bằng một câu thì câu đó là gì?
Nguyễn Lệ Chi: Đó là một nền dịch thuật chỉ có nhập, chưa có xuất, hàng ngoại ít, hàng nội nhiều, mất cân đối trầm trọng.
Di Li: Số lượng dịch giả (chưa nói chất lượng) đông đảo. Chỉ vì chúng ta phải dịch nhiều sách của nước ngoài.

Chúng ta hầu như chỉ mới hội nhập văn học một chiều. Việc đưa văn học Việt Nam ra thế giới chưa thấm tháp gì. Theo quý vị, vì đâu có hiện trạng đó? Chúng ta chưa giới thiệu tốt văn học Việt Nam? Chưa làm việc một cách chuyên nghiệp với các nhà xuất bản của các nước? Chưa quan tâm đào tạo?...
Hữu Việt: Có những nền văn học và ngôn ngữ mang sức hấp dẫn tự thân sẽ được xuất khẩu miễn phí và nhập khẩu tự nguyện. Trong tình thế hiện nay, việc chúng ta “hội nhập một chiều” cũng là điều dễ hiểu.
Các nhà xuất bản với tư cách một doanh nghiệp sẽ phải xuất bản những cuốn sách bán được. Vì vậy, không thể trông chờ ở họ được đâu.
Để giới thiệu văn học Việt Nam ra nước ngoài, không thể chỉ dựa vào hảo tâm của những người bạn mà chúng ta mời đến hội nghị Quảng bá văn học Việt Nam lần này. Có thể coi đây là sự tri ân, một cuộc hội kiến, một cơ hội lắng nghe các dịch giả cần chúng ta hỗ trợ những gì và kinh nghiệm của họ để văn học của ta đến với công chúng nước ngoài.
Lệ Chi: Do chúng ta chưa thực sự coi trọng vấn đề này. Bởi rất đơn giản, nếu chúng ta coi trọng nó, ắt sẽ có những hành động thiết thực hơn là kêu gọi suông hoặc gấp gáp tổ chức một vài hội thảo trong tình trạng cuống quýt, thiếu hụt.
Nếu coi trọng việc đưa văn học VN ra thế giới, ắt phải vẽ trước cho nó một lộ trình, phải có một cơ quan chuyên trách đảm nhiệm và giám sát để đảm bảo lộ trình đó đi đúng hướng đã vẽ ra.
Tiếp đó là khâu dịch tóm tắt các tác phẩm này ra tiếng nước ngoài, chào cho các NXB nước ngoài, thuyết phục cho họ thấy được cái hay, cái xuất sắc của chúng, để từ đó liên kết xuất bản với họ. Khâu này chắc chắn ở nước ta cũng chưa có.
Đội ngũ dịch giả là vô cùng quan trọng. Nếu không có các chương trình đào tạo dịch thuật chuyên nghiệp và lâu dài, đặc biệt chú trọng dịch ngược, không có những khóa bồi dưỡng các kiến thức tổng hợp về xã hội, văn hóa, chính trị… cho các dịch giả thì e rằng vài năm nữa, đội ngũ dịch giả ở VN sẽ phát triển tự phát và tự triệt.
Di Li: Chúng ta có thiệt thòi là vì ta đang nói và viết một ngôn ngữ hiếm. Nếu ta muốn tìm một tác phẩm Pháp, Mỹ đang bán chạy trong năm thì cứ lên Google mà tìm.
Còn người nước ngoài quan tâm đến văn học của ta thì tìm ở đâu, khi mà trên máy tính của họ thậm chí còn không cài phông chữ tiếng Việt? Rồi đến khi họ tìm được một cuốn sách hay rồi lại không tìm được người dịch từ tiếng Việt. Gian nan lắm.
Có vài tác phẩm của ta đã được dịch ra nước ngoài thì phần lớn vẫn là tác phẩm chiến tranh. Muốn tác phẩm phổ biến thì ta phải tự thân vận động.
Đừng nghĩ là những nền văn học lớn như Pháp, Đức, Mỹ cũng chờ “hữu xạ tự nhiên hương”. Họ có chiến lược quảng cáo cho những tác phẩm của các tác gia hàng đầu với ngân sách không phải là ít, và còn làm rất bài bản nữa.
Vậy theo anh/ chị nên làm gì? Bằng kinh nghiệm phong phú của anh/ chị khi tiếp xúc với các nền văn minh khác, anh/ chị có thể cho biết ý kiến của mình? Chẳng hạn, để giới thiệu một nền văn học như Việt Nam, nên làm gì? Một Hội nghị trong vài ngày liệu có đủ?
Hữu Việt: Về phía mình, chúng ta cần có sự đầu tư bài bản (ở cấp nhà nước), sự phối hợp của cơ quan chuyên trách (có thể là cần một Viện dịch thuật và quảng bá Văn học VN chẳng hạn).
Viện này chỉ nên là cơ quan quản lý thay mặt nhà nước tập hợp những người có tài và chuyên môn, phối hợp theo hình thức làm việc nhóm, để quyết định:
Dịch ai? Dịch cái gì? Dịch thế nào? Dịch cái gì trước, cái gì sau? Làm sao để có một sản phẩm dịch thuật tốt nhất, thể hiện được đầy đủ những cái hay, cái đẹp của văn học Việt Nam và những gì chúng ta muốn thế giới biết đến.
Ngoài ra, cũng cần có cơ chế phù hợp, sòng phẳng và minh bạch để huy động các nguồn tài chính khác, thông qua xã hội hóa. Các doanh nghiệp sẽ mở túi tiền, bởi vì về mặt lâu dài, họ là những người cũng sẽ được hưởng lợi với tư cách nhà đầu tư cho xuất khẩu văn hóa.
Di Li: Lẽ ra đây là công việc của các nhà xuất bản. Nhưng tôi biết các NXB của ta rất thiếu chuyên nghiệp trong mảng này. Vì thế ta cần phải có một trung tâm bản quyền văn học với những thành viên đủ chuyên nghiệp để giao dịch với nước ngoài.
Cá nhân tôi cũng biết nhiều tổ chức nước ngoài muốn xin truyện của nhà văn Việt Nam về nước in. Tôi cũng tự giới thiệu sách của tôi và vài tác giả khác. Nhưng một mình tôi thì làm rất manh mún và tự phát, có tháo vát mấy cũng bị động và thiếu chuyên nghiệp.

Một hiệp hội dịch giả có cần không? Nếu có thì nên tổ chức ra sao?
Hữu Việt: Hội hè nên trở về đúng với bản chất của nó là các tổ chức tự nguyện, do những nhóm người có chung ý thích, mục tiêu và hiểu biết. Chỉ khi ấy nó mới giúp ích cho công việc dịch thuật, còn thành lập nó như một tổ chức “để cho có” thì chỉ tốn thời gian và tiền của mà thôi.
Lệ Chi: Rất nên, đây cũng là một tâm nguyện mà tôi muốn thành lập trước đây. Tuy nhiên Hiệp hội dịch giả phải đảm bảo các tiêu chí sau: phải đảm bảo công việc và quyền lợi của dịch giả, phải tôn vinh được vị trí và vai trò của dịch giả trong xã hội, phải chỉ ra được đạo đức nghề nghiệp, những vinh quang và cả khó khăn cho người dịch trước khi bước chân vào để họ xác định có đi theo nghề một cách nghiêm túc hay không.
Di Li: Các lĩnh vực đều nên có hiệp hội, hoạt động theo phương châm hỗ trợ lẫn nhau dựa trên một tiếng nói chung. Tuy nhiên, điều cần nhất vẫn là tính chuyên nghiệp.

Dịch một tác phẩm văn chương là một công việc nhọc nhằn, nhưng nhuận bút lại không tương xứng. Vì sao anh/ chị vẫn theo đuổi công việc này?
Hữu Việt: Do yêu thích, nó giống như một bài thể dục văn chương khi mình đang nghỉ ngơi vì chưa viết được cái gì của riêng mình.
Lệ Chi: Vì vẫn còn yêu. Khi còn yêu, người ta còn say mê và thường quên lãng những điều người ta phải hi sinh để có được tình yêu đó.

Có ý kiến đánh giá, mặt bằng dịch thuật hiện nay có sự mất cân đối, rất nhiều dịch giả chạy theo các best-seller, đồng nghĩa với quảng bá các tác phẩm bình dân? Theo quý vị, nên làm gì để khắc phục, giúp công chúng được tiếp cận nhiều hơn nữa với những tác phẩm đỉnh cao của thế giới?
Hữu Việt: Một vấn đề không dễ có lời giải. Phải thẳng thắn thừa nhận là, sách dịch hiện nay đang bị thị trường phát hành thao túng và dẫn dắt. Các nhà xuất bản và các công ty sách vẫn phải nuôi mình bằng những cuốn sách bán chạy. Các dịch giả vẫn phải làm theo đơn đặt hàng của NXB nếu không muốn những gì mình dịch ra bị xếp xó.
Lệ Chi: Điều này không nên trách các dịch giả, mà hãy hỏi các đơn vị xuất bản. Hiện nay, một thực tế đáng buồn là các đơn vị xuất bản tư nhân lại chịu khó mua bản quyền nước ngoài hơn là các NXB nhà nước. Số NXB nước ta chịu mua bản quyền chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Thậm chí có rất nhiều NXB mặc dù đã tồn tại mấy chục năm qua nhưng chưa hề mua bản quyền một cuốn sách nước ngoài nào, dù sách họ xuất bản vẫn ra ầm ầm.
Di Li: Cá nhân tôi thấy, mình cũng chỉ có quyền lựa chọn trong số đầu sách mà các NXB đã mua bản quyền
Có những người viết trẻ, đã và đang tổ chức dịch tác phẩm của mình ra tiếng nước ngoài, nhằm tự quảng bá. Anh/ chị đánh giá công việc này ra sao (nên - không nên, hay - dở...). Nếu được liên hệ để làm công việc này, anh/ chị có hợp tác để làm không? Vì sao?
Hữu Việt: Đây là công việc rất nên. Trong một thế giới lạm phát thông tin như hiện nay thì các nhà văn nên chủ động hội nhập thay vì thụ động ngồi chờ. Nhiều nhà văn nước ngoài đã chủ động sáng tác bằng tiếng Anh, cũng chỉ là để tác phẩm của họ nhanh chóng đến với thế giới đấy thôi.
Lệ Chi: Cũng tốt bởi trong trường hợp không ai cứu mình, không ai giúp mình thì mình phải tự làm thôi. Tuy nhiên việc làm này thường khó lâu bền và chỉ thực hiện được lẻ tẻ, không phải tất cả các người viết trẻ đều có điều kiện như vậy.
Tùy trường hợp tác phẩm được mời dịch có thực sự khiến tôi yêu thích hay không mới nhận lời.
Di Li: Tôi vẫn đang làm việc ấy. Rất nên chứ. Nhưng mà như tôi đã nói ở trên, tự mình làm thì nó manh mún, tự phát lắm. Người ta nhìn vào đã thấy là thiếu chuyên nghiệp.

Lê Anh Hoài
Thực hiện

Dịch giả Nguyễn Lệ Chi: “Nếu còn in lậu, thị trường Việt sẽ ngày càng hiếm sách có giá trị”

(VH)- Tốt nghiệp thạc sĩ điện ảnh tại Trung Quốc, Lệ Chi là người sở hữu nhãn hiệu sách Chibooks với hơn 30 đầu sách đã được mua bản quyền, dịch và phát hành tại VN.
Cô cũng là tác giả bản dịch các phim truyện Hoắc Nguyên Giáp, Xích Bích, Đường về nhà... và các phim truyền hình: Lã Bất Vi, Ân oán tình thù, Những người bạn thân, Khách sạn 5 sao, Cạm bẫy ảo, Phụng Tuyết Mai, Cánh hạc thời gian, Cảnh sát hè phố, Phù Dung lên tỉnh...
Sang Trung Quốc học điện ảnh, có bằng thạc sĩ nhưng lại chọn sách để lập nghiệp, nên hiểu sự “rẽ ngang” này là thế nào?
- Dịch giả Nguyễn Lệ Chi: Rất khó nói, đó là một mối quan hệ ràng buộc và... bí ẩn, như thể chúng tôi có một mối duyên định. Thoạt đầu sau khi chuyển lại về làm báo, tôi cũng không nghĩ rằng mình sẽ còn liên quan tới sách. Thế nhưng ý trời khó đoán định, vẫn đưa đẩy tôi về với sách. Cũng không hiểu có phải chuyện làm sách của tôi có liên quan tới công việc của bố tôi trước kia không (ông vốn là một biên tập viên của NXB Thế giới). Nhưng hồi đó dù bố tôi rất khuyến khích, tôi vẫn không chịu vào làm tại NXB Thế giới vì cho rằng làm sách phải ngồi một chỗ, thật nhàm chán. Nhưng sau này, khi bắt tay vào làm sách rồi, sự thật lại không phải như vậy. Mỗi cuốn sách đưa chúng ta tới những thế giới tình cảm và kiến thức khác nhau, đa dạng và hấp dẫn. Cứ thế tôi bị cuốn đi mãi vào sách.
Có nhiều ý kiến cho rằng sách dịch hiện rất nhiều nhưng tìm được một cuốn đáng để đọc thật khó, mặc dù nhiều cuốn được dịch đều là những cuốn sách hay tại các nước, hoặc đã từng được trao giải quốc tế?
- Đúng vậy, nhưng nói đi phải nói lại. Có rất nhiều nguyên do để khiến bản thảo dịch tệ hơn mong muốn. Ngoài yếu tố dịch ẩu ra, tôi cho rằng một số đơn vị xuất bản đã quá nôn nóng trong việc tung sản phẩm ra thị trường nên ép dịch giả đẩy nhanh tiến độ dịch hoặc xé nhỏ sách gốc ra thành vài ba phần, chia cho vài người dịch khác nhau. Điều này sẽ rất khó khăn cho người biên tập khi phải ráp các phần dịch này lại với nhau với những giọng văn khác nhau. Ngoài ra yếu tố nhuận bút thấp cũng là một nguyên nhân quan trọng khiến các dịch giả không thật sự tâm huyết với bản dịch.
Khả năng tiếng Việt không phong phú; sự hiểu biết về văn hóa gốc – nơi tác phẩm được sản sinh không thấu đáo … là một trong những nguyên nhân dẫn đến sự “nghèo nàn” chất văn học trong đa số các tác phẩm văn học dịch gần đây. Vậy, công ty sách của chị chọn đối tác thế nào để có được những cuốn sách mà người đọc cảm nhận được trọn vẹn tính nguyên bản, văn phong của tác giả gốc?
- Đối với các dịch giả chưa từng cộng tác, Chibooks cho các dịch giả dịch thử một vài chương, từ đó sẽ đọc thẩm định và chọn người phù hợp. Việc đối chiếu bản dịch với văn bản gốc khi biên tập sẽ giúp Chibooks nhận rõ dịch giả nào thực sự có vốn tiếng Việt phong phú và kiến thức rộng. Tất cả đều được thể hiện rõ trên bản dịch.
Điều gì cần phải làm để nâng cao chất lượng sách dịch, cụ thể là ở mảng sách dịch của Trung Quốc mà chị là người quan tâm?
- Không nên ép thời gian dịch quá ngắn. Một cuốn sách 300 trang trung bình cần ít nhất 3 tháng mới dịch hay được. Thời gian đó cũng giúp dịch giả nghiền ngẫm, đọc đi đọc lại và sửa chữa cho thật ưng ý. Tuy nhiên với mức nhuận bút như hiện nay, trung bình khoảng 9-10 triệu đồng/cuốn sách cũng không hẳn là nhiều tới mức đủ để khiến dịch giả phải vứt bỏ các chuyện khác, chỉ để chuyên tâm dịch sách. Nhưng các đơn vị xuất bản cũng không thể đẩy giá dịch cao hơn vì sẽ đội giá sách lên. Vì vậy nếu Nhà nước hiện nay muốn kích thích phát triển văn hóa đọc, đặc biệt là mảng sách nước ngoài, thì nên tổ chức các quỹ dịch để tài trợ thêm cho các đơn vị xuất bản.
Vấn đề bản quyền có phải là rào cản để chúng ta có những cuốn sách hay không? Giá mua bản quyền sách bây giờ thế nào?
- Thực ra vấn đề bản quyền chỉ là một rào cản nhỏ bởi tính từ năm 2004 khi Việt Nam chính thức kí Công ước Berne tới nay, rất nhiều đơn vị xuất bản đã mua bản quyền và ra được nhiều sách hay. Tuy nhiên nhìn kĩ lại thì số lượng các đơn vị xuất bản tư nhân nghiêm túc mua bản quyền và tích cực mua bản quyền sách nước ngoài, thậm chí còn mua được nhiều sách bản quyền hay, mới nhất, lại nhiều hơn hẳn các đơn vị xuất bản nhà nước. Đó cũng là vấn đề mà chúng ta phải suy nghĩ. Tại sao lại vậy? Đừng nói rằng đó là do cơ chế hành chính nhà nước trong các NXB còn cồng kềnh, quy trình xét duyệt lâu, không có đội ngũ khai thác bản quyền chuyên nghiệp... Đó chỉ là những lý do đắp điếm mà thôi. Một đơn vị xuất bản tư nhân phải chịu đựng nhiều khó khăn hơn đơn vị xuất bản nhà nước ở các điểm như: người ít, vốn ít, không có tên tuổi, khó tạo được uy tín và quan hệ với nước ngoài, khó tập hợp được đội ngũ dịch giả và biên tập như các NXB lâu năm... Nhưng tại sao họ vẫn làm được, vẫn mang được sách hay của nước ngoài về cho chúng ta? Câu trả lời xin nhường lại cho các NXB nhà nước.
Chibooks đối phó với sách in lậu thế nào?
- Thực ra việc đối phó sách in lậu đối với những đơn vị xuất bản tư nhân rất bất khả thi. Nhiều lúc tôi có một suy nghĩ rất chân thành thế này, nếu với tình trạng sách in lậu vẫn tràn lan, người làm xuất bản ắt sẽ lỗ triền miên và dần dần sẽ phải bỏ nghề xuất bản mặc dù họ rất tâm huyết. Một số khác để xoay xở vốn quay vòng, cầm cự làm nghề tiếp bằng cách in những cuốn sách ít giá trị, thậm chí lá cải, phục vụ thị hiếu trong một khoảng thời gian ngắn. Vô hình trung như vậy thị trường đọc của chúng ta trong vài năm nữa sẽ không còn nhiều cuốn sách hay, có giá trị như trước kia. Và người chịu thiệt thòi đầu tiên chính là độc giả VN.

Minh Khuê
thực hiện