Thứ Năm, 31 tháng 12, 2009

Nguyễn Lệ Chi trên báo Thời Đại

Dịch giả Nguyễn Lệ Chi
Người có quá nhiều đam mê cùng một lúc

Một trong những người đầu tiên mua bản quyền sách nước ngoài vào Việt Nam, Nguyễn Lệ Chi chủ nhân của dichgianguyenlechi.blogspot.com người chính thức giới thiệu các nhà văn Trung Quốc nổi tiếng vào nước ta như Mạc Ngôn, Lưu Chấn Vân, Khâu Hoa Đông, Vệ Tuệ… Ngoài dịch sách, chị còn làm báo, làm phiên dịch viên, dịch phim truyện nhựa...
Được sinh ra trong gia đình có truyền thống làm điện ảnh. Bố chị vốn là nhà lý luận phê bình điện ảnh Nguyễn Đức Dương, học tiếng Nga và du học tại Nga. Từ thời học sinh chị đã say sưa đọc những tác phẩm các tác phẩm cổ của Trung Quốc như Hồng Lâu Mộng, Thanh Cung mười ba triều, Tam Quốc Chí... và nảy sinh tò mò muốn tìm hiểu về một nền văn hóa lớn đã ảnh hưởng nhiều đến văn hóa và văn học Việt Nam. Với mong muốn tìm hiểu về Trung Quốc, chị đã chọn tiếng Trung khi thi vào ĐH Ngoại ngữ Hà Nội. Ngay khi chưa có kết quả đỗ đại học chị đã đến nhà một thày giáo dạy tiếng Trung, vốn là bố của một người bạn, để xin theo học và quyết tâm là dù không đỗ đại học thì cũng theo thày. Cuối cùng chị vào được khoa Trung văn năm 1994.
Sau khi tốt nghiệp ĐH Ngoại ngữ và Học viện Quan hệ Quốc tế, Lệ Chi làm phóng viên, dịch báo được một năm thì thi được học bổng 4 năm bậc thạc sĩ điện ảnh tại Học viện điện ảnh Bắc Kinh. Trong thời gian theo học tại đây, thấy có nhiều sách hay về điện ảnh mà sinh viên trong nước ít cơ hội biết đến, chị đã cộng tác cùng một vài NXB Việt Nam dịch các đầu sách về biên kịch, quay phim, diễn xuất... với mong muốn có thêm tài liệu học tập cho sinh viên…Để có thời gian làm được nhiều việc cùng một lúc như vậy chị chỉ có thể tranh thủ dịch vào buổi tối từ 21h đến 1-2h sáng hôm sau: Tôi thường xuyên dịch vào buổi tối vì thời gian đó yên tĩnh. Khi đã bắt tay vào dịch cuốn nào là tôi lên lịch làm việc đều đặn mỗi ngày, không để việc dịch bị ngắt quãng,. Nếu ngắt quãng thì mình khó giữ cảm xúc và sẽ dễ cảm thấy lười. Mỗi ngày thà dịch ít còn hơn là không đụng đến trang dịch nào... Cứ thế, tôi làm việc liên tục. Với công việc dịch sách, tôi phải là người thày của chính mình. Nhưng cũng may là tôi dịch những tác phẩm văn học đương đại của các tác giả trẻ. Văn phong của các tác giả này hiện đại và tâm tư tình cảm cũng gần gũi, dễ hiểu... Nếu có gì không hiểu trong tác phẩm nguyên bản, tôi e-mail hỏi trực tiếp các tác giả và họ trả lời rất nhiệt tình.. Nói về sự thành công của mình: "..tôi may mắn túm được một vài cơ hội đó và gắng sức làm việc, được thử sức với nhiều lĩnh vực khác nhau và gặt hái được chút ít kinh nghiệm. Chính những kinh nghiệm này làm cuộc sống của tôi phong phú và vui vẻ hơn. Còn thành công hay thất bại chỉ là quan niệm của từng người, khó có thể giống nhau, cũng rất dễ bị biến đổi theo từng giai đoạn thời gian". Với chị. không bao giờ đặt mục tiêu với mình rằng phải làm chuyện này, chuyện kia thật thành công. Nhưng khi có hứng thú với một công việc nào đó trong một khoảng thời gian nào đó, chị chỉ gắng hết sức mình và tận hưởng những trải nghiệm. Tuy nhiên đối với một phụ nữ độc lập, được sống qua nhiều trải nghiệm khác nhau, tận hưởng nhiều mặt cuộc sống khác nhau, cũng có thể gọi là thành công." Do yêu thích văn học,chị chủ yếu tập trung khai thác mảng sách văn học Trung Quốc, mua bản quyền, tổ chức dịch (phần lớn là tự mình dịch) và làm ra sản phẩm đưa đến cho các độc giả Việt Nam.
Làm báo cũng là một đam mê của chị, hiện chị đang làm việc tại báo Thanh Niên, vừa biên tập, vừa viết bài, thử sức viết trên nhiều lĩnh vực như mảng quốc tế, mảng hôn nhân gia đình, nhưng chủ yếu vẫn là mảng văn hóa văn nghệ. "Có thể tôi là người hơi tham lam, có quá nhiều đam mê cùng một lúc. Nhưng tôi vẫn cố gắng cân đối thời gian để làm tốt được cả hai mảng sách – báo" – Chị tâm sự.

Nguyễn Lệ Chi:
Cử nhân tiếng Trung Đại học Ngoại Ngữ Hà Nội, Cử nhân ngoại giao Học viện Quan hệ quốc tế Hà Nội, Thạc sĩ điện ảnh Học viện điện ảnh Bắc Kinh. Nguyên PGĐ Xuất bản, Trưởng ban Dịch thuật và Giao dịch Bản quyền công ty Văn hóa Phương Nam. Hiện là Biên tập viên báo Thanh Niên. Người sở hữu nhãn hiệu sách Chibooks, các sách đã xuất bản: Co Giật (tập truyện ngắn xuất sắc TQ, NXB Văn Học, 2004), Anh có biết nói yêu không(tác giả Tranh Tử, NXB Văn học, 2005), Tối nay có việc không về nhà (tác giả Trương Kiện Bằng, Hồ Túc Thanh, NXB Văn học 2005), Đảo Tường Vy, Hoa Bên Bờ(tác giả An Ni Bảo Bối, NXB Phụ Nữ, 2006), Ôi Đàn ông(tác giả Bì Bì, NXB Phụ Nữ, 2006). Thiền của tôi, Baby Thượng Hải, Tuyển tập Vệ Tuệ, Gia đình ngọt ngào của tôi(tác giả Vệ Tuệ), Chuyện tình một đêm (NXB Văn Nghệ, 2007), Gái Trinh (NXB Văn nghệ, 2008)… Các phim truyện đã dịch: Hoắc Nguyên Giáp, Xích Bích, Đường về nhà… Các phim truyền hình đã dịch: Lã Bất Vi, Ân oán tình thù, Những người bạn thân, Khách sạn 5 sao, Cạm bẫy ảo, Phụng Tuyết Mai, Cánh hạc thời gian, Cảnh sát hè phố, Phù Dung lên tỉnh…

Đỗ Bình

Nguyễn Lệ Chi trả lời phỏng vấn báo Đất Việt tháng 1.2010

Dịch giả Nguyễn Lệ Chi (chủ sở hữu Chibooks) trả lời báo Đất Việt:

* Sở hữu khá nhiều những đầu sách ăn khách, cho tới giờ, số tiền mua bản quyền lớn nhất mà Chibooks phải chi là cuốn nào? Trong cuộc thương thảo đó, để thuyết phục đối tác dừng ở mức chi phí Chibooks có thể chịu được, Chibooks đã phải vất vả đến độ nào?
- 2000 USD là chi phí đắt nhất mà Chibooks phải từng trả để mua được cuốn sách mà mình yêu thích. Do sách mới, vừa phát hành trên thị trường Mỹ, tác giả lại quá nổi tiếng và đang rất ăn khách nên đối tác đòi giá thậm chí còn cao hơn. Chibooks đã nhiều lần phải gọi điện thoại quốc tế, viết mail để thuyết phục, giải thích về tình hình kinh doanh, xuất bản và phát hành tại Việt nam không mấy khả quan cho phía bạn hiểu và giảm bớt giá xuống mức có thể. Và sau nhiều lần như vậy, phía bạn mới chịu giảm giá xuống còn 2000 USD.
* Đã bao giờ Chibooks phải đối mặt với những đòi hỏi khắt khe của phía đối tác chưa? Và trong trường hợp đó, Chibooks chọn cách đáp ứng yêu cầu của họ, hay ngừng lại không mua nữa để đỡ phải nhận phiền phức?
- Rất nhiều bởi Chibooks chủ trương xuất bản sách văn học nước ngoài nên chỉ mua bản quyền của thể loại này. Các nhà văn nước ngoài mà các NXB hoặc các agency làm đại diện cho họ đều có những nguyên tắc riêng, những đòi hỏi riêng. Ví dụ: tác giả phải duyệt bìa trước khi in, thời gian trả lời có thích cái bìa của mình hay không họ quy định là 1 tháng. Nếu không thích, sau 1 tháng họ mới trả lời và mình lại làm lại cái khác gửi sang, cho tới khi nào tác giả đồng ý mới được in… Hoặc có những NXB hoặc agency yêu cầu mình cung cấp kế hoạch phát hành hoặc kế hoạch tuyên truyền, quảng bá cho cuốn sách trước khi chấp thuận bán bản quyền… Nói chung mỗi người mỗi vẻ, mỗi yêu cầu khác nhau. Chibooks cố gắng tối đa để đáp ứng các yêu cầu của tác giả vì hơn ai hết, họ là người lo lắng nhất cho đứa con tinh thần của mình.
* Cuộc thương thảo nào để lại ấn tượng mạnh nhất cho Chibooks (về mọi lĩnh vực)?
- Cuộc thương thảo để mua bản quyền của nhà văn Mỹ Candace Bushnell (tác giả cuốn Sex and the city) là khó khăn nhất. Vì cô quá nổi tiếng và bận rộn. Để thương thảo mua toàn bộ bản quyền sách của cô, trong đó có cả tác phẩm mới vừa xuất bản, Chibooks đã mất nhiều công sức và thời gian. Cuối tháng 12, đầu tháng 1.2010 Chibooks sẽ phát hành tiểu thuyết Rừng son của tác giả này, mở màn cho chùm tác phẩm của cô được chuyển thể sang tiếng Việt.
* Đã bao giờ Chibooks rơi vào cuộc chạy đua mua bản quyền, bởi cuốn sách đang rất ăn khách và được rất nhiều công ty sách khác tại Việt Nam để mắt tới. Để chiến thắng trong cuộc chạy đua, Chibooks đã sử dụng những chiêu thức nào hay?
- Có chứ, vì chúng tôi cũng như các đơn vị xuất bản khác đều muốn có sách hay mang tới cho độc giả VN. Sách càng hay, càng dễ bị cạnh tranh, đây là chuyện rất bình thường. Ngoài việc thuyết phục đối tác, lúc này chỉ còn biết dựa vào uy tín cá nhân và quan hệ tốt đẹp đã từng có giữa cá nhân tôi, giữa Chibooks với đối tác để khiến đối tác tin cậy và chấp thuận.
* Đôi khi, sự nổi tiếng của một cuốn sách còn phụ thuộc vào cái duyên trời cho. Nếu lỡ bỏ một số tiền khá lớn mua bản quyền mà sau khi phát hành tại Việt Nam nó không thực sự ăn khách, Chibooks nghĩ thế nào và làm cách nào để khắc phục?
- Phải chấp nhận. Việc xuất bản sách nước ngoài ở Việt Nam hiện nay quả thực rủi ro vì nạn sách lậu vẫn tràn lan. Việc cuốn sách ăn khách ở quốc tế nhưng về VN bị nạn sách lậu, dẫn tới thất bại về phát hành thì chúng tôi vẫn phải chịu. Cách giải quyết chỉ biết trông chờ vào các cơ quan chức năng nhà nước và ý thức của người dân. Tuy nhiên Chibooks hy vọng rằng ý thức của người dân VN sẽ dần được nâng cao. Vì vậy chúng tôi đang ráo riết chuẩn bị nhiều đầu sách hay để bán vào dịp Hội chợ sách lần thứ 6 vào tháng 3.2010 sắp tới tại TP.HCM.

Trần Bảo Lưu (thực hiện)

Nguyễn Lệ Chi trên báo Doanh Nhân Sài Gòn

Kinh doanh ấn phẩm, sẻ chia tri thức

Chi luôn nhận mình là kẻ ngoại đạo với văn chương nhưng lại thừa nhận mình có một đam mê đủ lớn để ăn cùng sách, ngủ cùng sách. Và, kinh doanh các ấn phẩm văn hóa chính là cách để Chi chia sẻ với mọi người đam mê ấy.

Mò mẫm làm bản quyền
Tốt nghiệp đại học chuyên ngành quan hệ quốc tế, hoàn thành chương trình đào tạo thạc sĩ tại học viện điện ảnh Bắc Kinh, Trung Quốc, làm phim rồi khai thác bản quyền, kinh doanh sách. Lí lịch trích ngang của Nguyễn Lệ Chi, giám đốc Chibooks dễ khiến người đối diện giật mình bởi hình như, mỗi lĩnh vực đều có vị trí riêng của nó. “Mỗi chặng đường, với tôi đều có giá trị. Chúng bổ trợ cho nhau”- Chi mở đầu câu chuyện của mình như vậy. Từ Trung Quốc trở về, đã tìm được với công việc ở một hãng phim, ứng dụng những kiến thức mình được học, vậy mà, sách lại có khả năng khiến Nguyễn Lệ Chi gắn bó đến tận bây giờ. Chi kể, vốn mê sách từ trước nên những ngày ở Bắc Kinh, chị đã tranh thủ xúc nhiều với các nhà văn, nhất là những cây bút đương đại. Thế nên, khi được lời mời từ công ty văn hóa Phương Nam, chị đã cho phép mình thử sức ở lĩnh vực mới. Trong bối cảnh công ước Bernes còn chưa được thực thi tại Việt Nam, các nhà xuất bản còn xa lạ với việc làm hợp đồng chuyển nhượng bản quyền thì Chi đã một mình sang Trung Quốc tìm đối tác. Không có người tiên phong, Chi phải tự tìm hiểu luật, làm hồ sơ công ty, tự thảo hợp đồng… rồi chuyển ngữ tất cả thủ tục sang tiếng Hoa, tiếng Anh để làm việc. Trong vai trò của một phó giám đốc trung tâm sách, đi, lại, thương thảo giữa Trung Quốc, Việt Nam, những kỹ năng quan hệ quốc tế đã giúp Lệ Chi dễ dàng chiếm được thiện cảm của đối tác. Cô hay đùa: “Đó là giai đoạn tôi mò mẫm làm bản quyền”.
Mò mẫn vậy nhưng Chi đã kịp thời đưa dòng văn học đương đại Trung Quốc với những cái tên như Miên Miên, Bì Bì, Vệ Tuệ, Quách Kính Minh, An Ni Bảo Bối… vào Việt Nam. Gần với văn hóa, đời sống, những tác phẩm thuộc dòng văn học Ling Lei ngày đó đã gây nên một làn sóng hâm mộ đối với giới trẻ Việt. Thắng lớn với Ling Lei, Chi tiếp tục giành quyền chuyển ngữ tác phẩm của những nhà văn lớn như Mạc Ngôn, Lưu Chấn Vân, Khâu Hoa Đông, Hồng Ảnh… sang tiếng Việt với giá cực kì hợp lý.
Đưa sách Việt ra quốc tế
Không chấp nhận sách vào Việt Nam một chiều, Chi mạnh dạn mang sách Việt sang tiếp thị tại các hội chợ sách quốc tế. Chị cho biết: “Khách hàng chỉ là những kiều bào sống trên đất khách hay những sinh viên đang tìm hiểu ngôn ngữ, văn hóa Việt nhưng nhờ hoạt động ấy, uy tín cũng như hình ảnh công ty tăng lên rất nhiều, thương thảo bản quyền cũng sẽ dễ hơn”.
“Khi tiếp xúc với tác phẩm, dù cá nhân có thích hay không cũng phải phán đoán được khả năng thu hút độc giả của tác phẩm đó, nếu không, rất dễ thất bại”- Chi khẳng định. Khác với các sản phẩm tiêu dùng, có giá trị cụ thể, sách là thứ hàng hóa cực kì khó định giá. Lệ Chi cho biết, việc thương thảo giá bản quyền của cô chủ yếu là kinh nghiệm dựa trên số bản in có thể bán ra mà phán đoán. “Các trung tâm giao dịch tác quyền cũng như các tác giả nước ngoài chưa biết nhiều về Việt Nam cũng như những đặc tính thị trường sách tại đây, trước khi thương thảo bản quyền, tôi thường tạo điều kiện cho họ nắm bắt được điều đó. Có như vậy, họ sẽ dễ dàng chia sẻ và thông cảm cho người làm sách”- Chi tiết lộ.
Vừa giao dịch, làm bản quyền, tranh thủ thời gian còn lại, Chi đảm nhận cả việc dịch các tác phẩm mình yêu thích sang tiếng Việt. Lệ Chi cho biết, chị rất yêu thích công việc này bởi chuyển ngữ đòi hỏi dịch giả, ngoài khả năng ngôn ngữ, còn phải luôn nắm bắt tích cách, phong thái của chính tác giả để có thể cho ra đời bản dịch sát nguyên bản nhất.
Bán đất vì mê sách
Công việc đang tiến triển thì cơ cấu thay đổi. Giao dịch bản quyền nặng tính cạnh tranh, đòi hỏi sự nhanh nhạy nhưng những ách tắc trong khâu thủ tục lại diễn ra thường xuyên khiến Lệ Chi bị vuột mất những bản quyền hấp dẫn. Không giải quyết được những vướng mắc, Chi chấp nhận ra đi, gác lại những dự án mà mình tâm huyết. Gom góp tiền tích lũy được, Chi mở công ty. Chibooks ra đời trong bối cảnh cô chủ của nó vừa làm việc, vừa học thêm các khóa quản trị doanh nghiệp.
“Khả năng của truyền thông hiện nay là rất lớn, giữa muôn ngàn ấn phẩm được xuất bản hàng ngày trên thế giới, sách nào cũng dễ dàng trở thành best seller. Nếu không biết định hướng cho mình, người làm sách rất dễ bị lạc hướng”- Lệ Chi khẳng định. Biết vậy nên Chi chọn văn học nước ngoài làm trọng điểm khai thác của Chibooks. Tính đến nay, Chi đã tự mình đưa được hơn 20 đầu sách ra thị trường. Đó có thể gọi là tủ sách văn học Chibooks bởi nó khá phong phú, bao gồm văn học Trung Quốc, Anh, Úc, Mỹ…
“Công ty Công ty TNHH Văn hóa & Truyền thông Lệ Chi Đã hết vốn làm sách nên cần bán gấp 2 mảnh đất của chủ nhân Chibooks, bạn nào thực sự có nhu cầu thì để lại lời nhắn nhé”- mẩu tin Chi rao trên trang cá nhân của mình những ngày qua khiến bạn bè xót xa nhưng Chi thì vẫn tự tin với con đường mình đã chọn. Trong những câu chuyện với bạn bè, Chi vẫn bảo, kinh doanh sách khó lắm. Vừa bị ngâm vốn, vừa bị phí chiết khấu cao, vừa chịu cảnh bị “cướp” bởi những người làm sách lậu. Chỉ cần nản chí là buông xuôi. Không nản chí nên Chi vẫn đang dấn bước trên con đường mình đã chọn. “Sách không là những câu chuyện đơn thuần để người ta mua vui mà là những cánh cửa sổ mở ra bên ngoài thế giới”- Chi nói vậy với vẻ quyết tâm. Hình như, chị đã chọn việc mở những cách cửa ấy làm cái nghiệp của chính mình.

Đặng Quý Yên.

Nguyễn Lệ Chi trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong cuối tuần số 53

Phỏng vấn dịch giả nhân Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam (5/1-10/1/2010).

Dịch giả Nguyễn Lệ Chi (chủ sở hữu Chibooks) trả lời phỏng vấn báo Tiền Phong Cuối tuần số 53:

+ Quý vị có thể cho một nhận xét chung về nền dịch thuật của Việt Nam (không phân biệt dịch giả ở trong nước hay là Việt kiều ở nước ngoài)? Nếu chỉ nhận xét bằng một câu thì câu đó là gì?
- Đó là một nền dịch thuật chỉ có nhập, chưa có xuất, hàng ngoại ít, hàng nội nhiều, mất cân đối trầm trọng.
+ Chúng ta hầu như chỉ mới hội nhập văn học một chiều. Việc đưa văn học Việt Nam ra thế giới chưa thấm tháp gì. Theo quý vị, vì đâu có hiện trạng đó? Chúng ta chưa giới thiệu tốt văn học Việt Nam? Chưa làm việc một cách chuyên nghiệp với các nhà xuất bản của các nước? Chưa quan tâm đào tạo?...
- Do chúng ta chưa thực sự coi trọng vấn đề này. Bởi rất đơn giản, nếu chúng ta coi trọng nó, ắt sẽ có những hành động thiết thực hơn là kêu gọi suông hoặc gấp gáp tổ chức một vài hội thảo trong tình trạng cuống quýt, thiếu hụt. Nếu coi trọng việc đưa văn học VN ra thế giới, ắt phải vẽ trước cho nó 1 lộ trình, phải có 1 cơ quan chuyên trách đảm nhiệm và giám sát để đảm bảo lộ trình đó đi đúng hướng đã vẽ ra. Ví dụ, kế hoạch giới thiệu nền văn học VN ra thế giới trong giai đoạn 1 (5 năm lần thứ nhất) sẽ giới thiệu những tác phẩm xuất sắc nào tiêu biểu trong giai đoạn đó, ví dụ thời chiến tranh, thời bao cấp... Việc chọn lọc này có được lựa chọn công minh và công bằng hay không lại phải phụ thuộc vào 1 hội đồng tuyển chọn. Tiếp đó là khâu dịch tóm tắt các tác phẩm này ra tiếng nước ngoài, chào cho các NXB nước ngoài, thuyết phục cho họ thấy được cái hay, cái xuất sắc của chúng, để từ đó liên kết xuất bản với họ. Khâu này chắc chắn ở nước ta cũng chưa có. Việc các NXB ở nước ta quan hệ với các NXB ở nước ngoài mới dừng ở hình thức xã giao thăm hỏi là chính, một số ít khác thì mua bản quyền nhưng theo hướng “nhập khẩu” chứ chưa ai thực hiện được phần “xuất khẩu” tác phẩm VN đi ra. Khâu chào hàng này rất quan trọng và đòi hỏi rất chuyên nghiệp. Hãy nhìn kỹ các catalogue chào hàng bán bản quyền của các NXB nước ngoài, họ rất chuyên nghiệp, giới thiệu kĩ càng. Chúng ta hãy học tập từ chính điều này. Đội ngũ dịch giả là vô cùng quan trọng. Chúng ta không thể chỉ dừng ở mức độ ăn sẵn những cái đã có, ru ngủ với hiện tại và ăn may vào tương lai. Nếu không có các chương trình đào tạo dịch thuật chuyên nghiệp và lâu dài, đặc biệt chú trọng dịch ngược, không có những khóa bồi dưỡng các kiến thức tổng hợp về xã hội, văn hóa, chính trị… cho các dịch giả thì e rằng vài năm nữa, đội ngũ dịch giả ở VN sẽ phát triển tự phát và tự triệt. Ai thực sự còn tâm huyết với nghề thì còn duy trì việc dịch thuật.
+ Nếu những nguyên nhân nói trên là có thật, vậy theo quý vị nên làm gì? Bằng kinh nghiệm phong phú của quý vị khi tiếp xúc với các nền văn minh khác, quý vị có thể cho biết ý kiến của mình? Chẳng hạn, để giới thiệu một nền văn học như Việt Nam, nên làm gì? Một Hội nghị trong vài ngày liệu có đủ?
- Như tôi đã nói ở trên, nếu coi việc quảng bá văn học VN ra nước ngoài như 1 dự án lớn đầu tư dài hạn thì hãy làm tất cả khâu chuẩn bị cho dự án đó: thời gian đầu tư, kinh phí đầu tư, lộ trình thời gian đầu tư, ai là chủ dự án, ai là khâu giám sát dự án, các thành phần của dự án gồm những ai (dịch giả, tiếp thị phát hành…), các bước đề pa cho dự án… Hãy giải quyết tốt từng khâu một, chúng ta mới có hy vọng cải thiện được tình hình này và may ra trong 05-10 năm tới mới có thể bắt đầu có 1 vài tín hiệu vui.
Điều này phụ thuộc vào mục đích của Hội nghị. Nếu chỉ quảng bá vui vẻ, đơn thuần, hiệu quả công việc chưa quá đặt nặng thì vài ngày là đủ. Bởi trước đó, chúng ta đã chuẩn bị gì đâu. Cứ họp cho cả nước đều biết, cho báo chí đưa tin, coi như là 1 sự kiện lớn cuối năm, đánh dấu 1 thông điệp sang năm mới, còn các khâu tiếp theo ra sao, chưa cần biết hoặc không phải phạm vi mà họ phải quản lý thì vài ngày là quá đủ.
+ Để đào tạo một lực lượng dịch giả không chỉ dịch từ tiếng Anh, Pháp, Tây Ban Nha, Trung Quốc... ra tiếng Việt mà còn dịch tốt tác phẩm tiếng Việt ra tiếng nước ngoài (thường gọi là dịch ngược) thì cần những gì? Công việc với các nhà xuất bản quốc tế nên tiến hành ra sao?
- Thứ nhất phải có kinh phí, phải được đặt dưới sự bảo trợ của Nhà nước. Phải có những khóa đào tạo cả ở trong nước và nước ngoài cho các dịch giả. Những dịch giả triển vọng nên được chọn lựa đào tạo để làm xây dựng đội ngũ dịch thuật cấp quốc gia sau này. Kế hoạch đào tạo dịch giả phục thuộc vào kinh phí và trình độ của dịch giả. Ngoài các khóa đào tạo thêm về ngoại ngữ, dịch giả cần tham gia các khóa đào tạo các kiến thức tổng hợp.
Với các NXB nước ngoài, các NXB VN nên đặt vấn đề quan hệ, đi lại giao hữu, giới thiệu sản phẩm của mình và tìm hiểu về sản phẩm của đối tác xem có phù hợp với nhau không. Từ đó mới chọn lựa ra các tác phẩm VN xuất sắc của NXB mình để chào hàng với họ.
+ Một hiệp hội dịch giả có cần không? Nếu có thì nên tổ chức ra sao?
- Rất nên, đây cũng là 1 tâm nguyện mà tôi muốn thành lập trước đây. Tuy nhiên Hiệp hội dịch giả phải đảm bảo các tiêu chí sau: phải đảm bảo công việc và quyền lợi của dịch giả, phải tôn vinh được vị trí và vai trò của dịch giả trong xã hội, phải chỉ ra được đạo đức nghề nghiệp, những vinh quang và cả khó khăn cho người dịch trước khi bước chân vào để họ xác định có đi theo nghề 1 cách nghiêm túc hay không. Việc tổ chức như thế nào phụ thuộc vào mục đích thành lập. Nếu Nhà nước định tổ chức một Hiệp hội dịch giả chỉ nhằm phục vụ quảng bá văn học VN ra nước ngoài, ắt phải có hướng tổ chức kiểu khác. Nếu chỉ đơn thuần là các dịch giả tự tổ chức lấy một Hiệp hội dịch giả để bảo vệ quyền lợi của nhau thì mô hình tổ chức sẽ khác…
+ Dịch một tác phẩm văn chương là một công việc nhọc nhằn, nhưng nhuận bút lại không tương xứng. Vì sao quý vị vẫn theo đuổi công việc này?
- Vì vẫn còn yêu. Khi còn yêu, người ta còn say mê và thường quên lãng những điều người ta phải hi sinh để có được tình yêu đó.
+ Có ý kiến đánh giá, mặt bằng dịch thuật hiện nay có sự mất cân đối, rất nhiều dịch giả chạy theo các best-seller, đồng nghĩa với quảng bá các tác phẩm bình dân? Theo quý vị, nên làm gì để khắc phục, giúp công chúng được tiếp cận nhiều hơn nữa với những tác phẩm đỉnh cao của thế giới?
- Điều này không nên trách các dịch giả, mà hãy hỏi các đơn vị xuất bản. Nếu họ không mua được bản quyền sách hay, làm sao dịch giả có điều kiện dịch được. Tất nhiên để mua được những tác phẩm đỉnh cao thế giới, điều này phụ thuộc vào kinh phí của các đơn vị xuất bản. Nhưng hiện nay, một thực tế đáng buồn là các đơn vị xuất bản tư nhân lại chịu khó mua bản quyền nước ngoài hơn là các NXB nhà nước. Số NXB nước ta chịu mua bản quyền chỉ đếm được trên đầu ngón tay. Thậm chí có rất nhiều NXB mặc dù đã tồn tại mấy chục năm qua nhưng chưa hề mua bản quyền một cuốn sách nước ngoài nào, dù sách họ xuất bản vẫn ra ầm ầm.
+ Hiện nay, chỉ có số ít nhà văn Việt Nam có tác phẩm được dịch ra tiếng ngước ngoài. Trong đó, đa phần là các nhà văn đã đứng tuổi. Các nhà văn trẻ rất ít được dịch. Tại sao như vậy?
- Việc dịch ngược rất khó và thường không được làm với tính tự giác trừ phi được NXB nước ngoài đặt hàng. Có dịch giả nào chịu bỏ thời gian mấy năm trời để dịch 1 tác phẩm nào đó chỉ vì sở thích, hoàn toàn không ai đặt hàng không? Đó là chưa nói đến việc tác phẩm đó hay hay dở, có cần hiệu đính nhiều hay ít… E rằng khó. Nếu có dự án quảng bá sách văn học VN được khởi động, các nhà văn trẻ mới hy vọng tác phẩm của họ sẽ được dịch và giới thiệu ra bên ngoài.
+ Có những người viết trẻ, đã và đang tổ chức dịch tác phẩm của mình ra tiếng nước ngoài, nhằm tự quảng bá. Quý vị đánh giá công việc này ra sao (nên – không nên, hay – dở...). Nếu được liên hệ để làm công việc này, quý vị có hợp tác để làm không? Vì sao?
- Cũng tốt bởi trong trường hợp không ai cứu mình, không ai giúp mình thì mình phải tự làm thôi. Tuy nhiên việc làm này thường khó lâu bền và chỉ thực hiện được lẻ tẻ, không phải tất cả các người viết trẻ đều có điều kiện như vậy.
Tùy trường hợp tác phẩm được mời dịch có thực sự khiến tôi yêu thích hay không mới nhận lời.

Lê Anh Hoài (thực hiện)

Thứ Ba, 29 tháng 12, 2009

Nghề tư vấn bất động sản

Tư vấn bất động sản (BĐS) là một nghề rất mới ở nước ta, phát triển thịnh hành trong vài năm trở lại đây, thu hút không ít bạn trẻ thử sức. Thanh Niên đã trao đổi với Nguyễn Lê Khánh (ảnh) - một chuyên viên tư vấn BĐS trẻ.
* Khởi nghiệp bằng nghề tư vấn BĐS, bạn đã gặp những thuận lợi và khó khăn gì?
- Tôi chọn lĩnh vực tư vấn BĐS, một phần do tình cờ, một phần do yêu thích, cũng có thể do ảnh hưởng bởi gia đình tôi từ trước hay mua bán BĐS. Tuy nhiên, nghề tư vấn BĐS có rất nhiều khó khăn. Trước hết là vốn kiến thức về sản phẩm và những từ ngữ, quy định chuyên ngành về xây dựng, quy hoạch, kiến trúc, những nghị định về lĩnh vực BĐS. Tiếp đó là những kiến thức về xã hội, thị trường do tôi từng mất một thời gian dài đi du học.
Vì khi tư vấn khách hàng, mình cần phải có một tầm nhìn tổng quát về thị trường tài chính, hướng phát triển quy hoạch của TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung. Dù vậy, tôi cũng có những thuận lợi là nhờ các chương trình đào tạo nhân viên mới của công ty địa ốc nơi tôi làm việc rất cụ thể và chi tiết, giúp tôi hoàn toàn tự tin khi bắt đầu tư vấn khách hàng.
Để một bạn trẻ theo đuổi nghề tư vấn BĐS, theo bạn, cần phải trang bị những kiến thức gì?
- Ngoài những kiến thức về sản phẩm, xã hội, chuyên viên tư vấn BĐS cần phải có đạo đức nghề nghiệp. Đây là điều quan trọng nhất vì thật ra khách hàng mua sản phẩm của mình chủ yếu do tin vào lời khuyên của chuyên viên tư vấn. Tiếp theo là đòi hỏi lòng kiên trì nhẫn nại do đặc thù sản phẩm có giá trị lớn nên khách hàng thường mất một khoảng thời gian dài để ra quyết định mua.
* Là một ngành nghề phát sinh do nhu cầu của thị trường, hẳn việc bắt tay vào và theo đuổi nghề tư vấn BĐS không dễ dàng, xin chia sẻ những kinh nghiệm của bạn?
- Một chuyên viên tư vấn BĐS có hợp với ngành nghề hay không, phải cần khoảng 6 tháng để đánh giá thành tích. Vì thế, bạn cần phải chuẩn bị tư tưởng cho 6 tháng đầu chỉ để học hỏi kinh nghiệm và đó sẽ là khoảng thời gian khó khăn nhất.
* Tuổi tác quá trẻ có phải là một trở ngại khi theo đuổi nghề này?
- Về mặt tuổi tác quá trẻ vào thời nay không còn là một trở ngại quá lớn. Quan trọng là khi tư vấn, bạn có nhiệt huyết, hết lòng với khách hàng hay không.
Nguyễn Lê Khánh, sinh năm 1982 Cử nhân chuyên ngành tự động hóa tại trường Đại học Kỹ thuật quốc gia Bauman (Nga) năm 2002 - 2006. Nhiều năm làm việc các tại công ty địa ốc. Đã tư vấn thành công khoảng 100 giao dịch BĐS từ năm 2006 tới nay.
Nguyễn Lệ Chi(thực hiện)

Thứ Hai, 28 tháng 12, 2009

Thêm một tiểu thuyết của Mạc Ngôn được dịch sang tiếng Việt

Nhà văn nổi tiếng Mạc Ngôn vừa trao bản quyền dịch tiếng Việt về tiểu thuyết mới nhất của mình có tên “ẾCH” cho Chibooks. Đây là tác phẩm mới nhất của ông kể từ sau tiểu thuyết Sống đọa thác đày (tên gốc: Sinh tử bì lao) xuất bản từ 3 năm trước (2006).
“ẾCH” do NXB Văn nghệ Thượng Hải xuất bản, vừa phát hành tại Trung Quốc vào những ngày cuối tháng 12 này, đã nhanh chóng thu hút đông đảo độc giả Trung Quốc và dấy lên làn sóng tò mò háo hức của độc giả nhiều nước vốn mê thích truyện của Mạc Ngôn.
Cuốn sách xoay quanh cuộc đời và công việc của nhân vật chính - một nữ bác sĩ chuyên đỡ đẻ ở khắp nông thôn Cao Mật, phải chuyển sang nghề thắt ống dẫn tinh cho nam giới và nạo phá thai. Đây là một đề tài cực kỳ hiếm hoi trong văn học, được nhà văn Mạc Ngôn miêu tả vô cùng khéo léo và đầy kịch tính.
Cuốn sách như một bức tranh xã hội sâu sắc ở Trung Quốc, phản ánh được những tác động của chính sách kế hoạch hóa gia đình kéo dài hơn 30 năm tới cuộc sống của người dân nước này.
Dịch giả Nguyễn Lệ Chi (chủ sở hữu Chibooks) cũng là người từng mua bản quyền các tác phẩm của Mạc Ngôn vào nước ta trước kia.
H.P.

Thứ Bảy, 26 tháng 12, 2009

Chạy điện chữa trị chứng bệnh nghiện... net

Năm 2009 cũng là năm bùng nổ về chứng nghiện net ở Trung Quốc. Không ít người đã phải chữa trị căn bệnh này bằng cách chạy điện (ảnh). Hầu hết những người làm nghề IT ở nước này cũng thừa nhận bị mắc chứng nghiện net.
Việc quá nhiều người phải đi chạy điện chữa trị chứng bệnh này đã khiến báo chí Trung Quốc phải lên tiếng chuông cảnh tỉnh cho xã hội, không nên chạy theo lợi nhuận quá nhiều mà làm ảnh hưởng tới sức khỏe của người dân. Thậm chí hiện tượng thanh thiếu niên nước này ghiền game online quá độ dẫn tới một loạt vấn đề tiêu cực trong xã hội cũng đang trở thành một đề tài nóng, được người dân nước này rất quan tâm.

Lệ Chi (Theo sina.com)

Thứ Sáu, 25 tháng 12, 2009

Dịch giả Nguyễn Lệ Chi và Sex And The City

(TT&VH) - Ra đời khá non trẻ, chưa đầy một tuổi, Công ty sách Chibooks do dịch giả Nguyễn Lệ Chi làm chủ sở hữu đã gây ấn tượng với độc giả cả nước bằng nhiều đầu sách văn học phong phú. Hiện Chibooks đang chạy nước rút chuẩn bị tham dự Hội chợ sách lần thứ 6 (từ ngày 15-21/3/2010). Dịch giả Nguyễn Lệ Chi hồ hởi khoe Chibooks vừa bốc thăm được gian hàng đẹp hai mặt tiền tại hội chợ (ô số A65, công viên Lê Văn Tám, Q.1, TP.HCM). Nguyễn Lệ Chi đang tích cực chuẩn bị thêm nhiều đầu sách mới ấn tượng để ra mắt độc giả trong dịp hội chợ. Đặc biệt có cuốn sách đã chuyển thành phim được nhiều độc giả “đặt hàng”: Sex And The City (tác giả Mỹ Candace Bushnell). Đây là lần đầu tiên Chibooks tham dự Hội chợ sách lớn nhất VN. Nguyễn Lệ Chi dự tính sẽ mời nhà văn Trung Quốc Lưu Chấn Vân sang giao lưu cùng độc giả.
Thanh Kiều

Thứ Năm, 24 tháng 12, 2009

Đại gia Bắc Kinh tuyển bạn gái

Theo Thời báo Bắc Kinh, hơn 20 đại gia độc thân ở thủ đô của Trung Quốc đã bỏ ra 100.000 tệ/người (khoảng 270 triệu đồng/người) để tham gia một buổi “xem mắt” bạn gái tại khách sạn Quần Vương Phủ vào tối 20.12. Số là các gã đàn ông giàu có này quá bận rộn công việc, không có thời gian cho yêu đương nên đành ủy thác cho một website làm bà mai. Số tiền trên được coi là “vé vào cửa” để tiếp cận người đẹp.
Các đại gia này đều đi xe hơi riêng rất xịn và ăn mặc sang trọng tới khách sạn, với hy vọng tìm được một nửa của mình. Tại buổi ra mắt, hơn 20 cô gái độ tuổi từ 21-25 đến từ các trường nghệ thuật khắp cả nước đã được ban tổ chức lựa chọn kỹ càng, trang điểm lộng lẫy, xuất hiện và tạo dáng rất tự nhiên trước mặt các chàng trai. Ban tổ chức tự hào khoe rằng đây là các hoa khôi đẹp nhất mà họ dày công tìm kiếm và tuyển chọn để xứng với số tiền đi “xem mắt” mà khách hàng đã bỏ ra. Vụ việc đang gây xôn xao dư luận ở Trung Quốc.
Lệ Chi

Án tử hình cho người đẹp lừa đảo

Mới 28 tuổi, học chưa tới trung cấp, người đẹp Ngô Anh vẫn đủ sức làm mưa làm gió trên thương trường, lừa đảo tới 60 triệu USD, khiến bao nhà đầu tư điêu đứng.
Vụ án nữ doanh nhân lừa đảo Ngô Anh tại tỉnh Chiết Giang được dư luận Trung Quốc đặc biệt quan tâm rốt cục đã có hồi kết. Theo Tân Hoa xã, vào ngày 18.12 vừa qua, tòa án thành phố Kim Hoa, tỉnh Chiết Giang đã ra phán quyết tử hình Ngô Anh và tịch biên toàn bộ tài sản. Bản án sẽ được thi hành vào tháng 4.2010.
Vụ án coi như đã khép lại, nhưng số tiền lừa đảo quá lớn mà một người đẹp trẻ tuổi như Ngô Anh thực hiện đã khiến công chúng nước này phải kinh ngạc.
Huyền thoại Chiết Giang
Ngô Anh sinh ngày 20.5.1981 tại thành phố Đông Dương, tỉnh Chiết Giang. Ngay từ 10 năm trước, cô thiếu nữ 18 tuổi đã có máu kinh doanh và tự gầy dựng một thẩm mỹ viện nho nhỏ. Không thỏa mãn với lợi nhuận khiêm tốn, cô quyết định làm giàu nhanh.
Bắt đầu từ giữa năm 2005, Ngô Anh đã sử dụng chiêu trả lãi cao với nhiều hình thức như: cứ 10.000 tệ (khoảng 27 triệu đồng VN) sẽ được nhận số tiền lãi 25 tệ, 40 tệ, 50 tệ/ngày hoặc được chia lời theo quý với tỷ lệ cao 30%, 60%, 80% để kích thích lòng tham của những người góp vốn. Tự mạo danh đại diện cho nhiều công ty để huy động vốn với những tên gọi mỹ miều như “đầu tư tương lai, quay vòng vốn, vay vốn ngắn hạn” và với khuôn mặt khả ái, Ngô Anh đã thuyết phục được nhiều người tin tưởng. Với hình thức mà báo chí Trung Quốc gọi là “giật tiền của người này trả cho người khác”, Ngô Anh vẫn trả lãi đều đặn cho các khách hàng và khiến nhiều người tin rằng việc kinh doanh của công ty cô vẫn phát triển tốt.
Tháng 4.2006, Ngô Anh thành lập Công ty Bản Sắc với nhiều văn phòng nhỏ để tiện bề hoạt động và lừa đảo. Chỉ hơn một năm với đủ các chiêu thức, Ngô Anh đã chiếm dụng vô số tiền, mở rất nhiều chi nhánh với số nhân viên lên tới gần 100 người. Để đánh bóng tên tuổi, thu hút sự chú ý của báo giới, tạo lòng tin cho dân chúng, Ngô Anh còn tung ra 2,3 triệu tệ (khoảng 6,2 tỉ đồng) quyên góp cho các chương trình từ thiện và bỏ ra 1,3 triệu tệ (khoảng 3,5 tỉ đồng) để xây dựng quan hệ với báo giới... Cô từng chủ động hẹn gặp rất nhiều nhà báo ở Hàng Châu, Bắc Kinh, Thượng Hải..., mua chuộc họ để đăng các bài ca ngợi về mình và doanh nghiệp mình. Thậm chí, có bài còn mang tựa đề bằng câu nói của chính cô ta: “Tài sản của tôi là trong sạch”... Nhờ các chiêu quảng bá đó, Ngô Anh đã được người dân tỉnh Chiết Giang ví như một huyền thoại của xứ này. Với số tài sản huy động được, Ngô Anh đã chiếm vị trí thứ 68 trong số danh sách các doanh nhân giàu có nhất Trung Quốc năm 2006 và vị trí thứ 6 đối với nữ doanh nhân giàu nhất cùng năm. Lúc Ngô Anh bị bắt vào năm 2007, người ta ước tính tài sản của cô này lên tới 532 triệu USD.
Bóc mặt nạ người đẹp
Cho tới khi Ngô Anh bị bắt vào năm 2007, các khách hàng của cô mới sững sờ khi biết được bộ mặt thật của nữ doanh nhân tài giỏi mà họ từng ca ngợi. Thì ra số tiền huy động được từ họ đều được Ngô Anh đổ hết vào mua bất động sản, xe hơi xịn và mua sắm xa hoa, chứ không hề tái đầu tư vào các hạng mục đã vẽ ra. Theo kết quả điều tra, Ngô Anh đã ném 20 triệu tệ (54 tỉ đồng) để mua ô tô các loại, 4 triệu tệ (10,8 tỉ đồng) mua sắm quần áo, đồ trang sức, mỹ phẩm hàng hiệu, 6 triệu tệ (16,22 tỉ đồng) ăn uống, giải trí xa hoa... Kết luận điều tra cho biết cô ta đã lừa đảo tới 60 triệu USD, nhưng con số thực tế có thể lớn hơn nhiều lần. Sự thật được phơi bày khiến các nạn nhân vô cùng phẫn nộ.
Không ít người đặt câu hỏi tại sao một cô gái trẻ lại có thể tác oai tác quái tới vậy? Một mình cô ta có thể ăn tiêu hết ngần đó tiền không? Phải chăng Ngô Anh không thể thành huyền thoại nếu không có một đám đông tiền hô hậu ủng vây quanh? Mà trong đó không ít người thuộc giới báo chí, quan chức địa phương... đã nhận quà cáp của Ngô Anh để giúp biến cô ta thành huyền thoại. Nếu cô ta không được báo chí liên tục đăng bài ca ngợi, không được các quan chức địa phương bao bọc, liệu các nạn nhân có tin tưởng giao tiền cho một cô gái trẻ thậm chí không rành về kế toán như Ngô Anh? Trước khi vụ lừa đảo bị phanh phui, thậm chí một số học giả còn viết bài phân tích, bình luận, ca tụng cách vận hành mới và phương thức làm ăn có hiệu quả của Ngô Anh. Ngay cả chồng của Ngô Anh cũng thừa nhận là hiệu quả tuyên truyền báo chí tốt hơn cả mong đợi. Vì thế, người dân tại Trung Quốc, bên cạnh việc căm phẫn Ngô Anh, còn bày tỏ sự phẫn nộ đối với giới chức địa phương cũng như báo chí đã dung túng, thậm chí cổ súy cho trò lừa này.
Ngô Anh sẽ bị tử hình vào năm tới, nhưng những vấn đề của vụ án này vẫn chưa được giải quyết một cách rốt ráo.
Nguyễn Lệ Chi

DỊCH GIẢ CẦN PHẢI ĐƯỢC TÔN TRỌNG


Dịch giả Nguyễn Lệ Chi trả lời báo Văn nghệ Trẻ số ra ngày 31.12.2009

* Dịch tác phẩm đòi hỏi nhiều yếu tố: am hiểu văn hoá, ngôn ngữ… và cũng cần nhiều thời gian…Đó thực sự là thử thách với những người trẻ tuổi. Vậy tại sao anh/chị vẫn quyết định “dấn thân” vào lĩnh vực này?
- Bởi đam mê. Khi đam mê, người ta có thể bất chấp khó khăn, chấp nhận hi sinh nhiều thứ. Tuy nhiên đây cũng là việc bình thường, áp dụng với tất cả nghành nghề, không riêng gì trong nghề dịch sách.
* Khi bắt tay vào công việc dịch thuật, thì người dịch giả đã mang trách nhiệm làm cầu nối, xóa bỏ những rào cản về ngôn ngữ giữa nguyên tác và bản dịch. Vấn đề được đặt ra là trong khi dịch thuật để vượt qua những bất đồng ngôn ngữ, văn hoá… dịch giả nên đứng về tác giả (trung thành với nguyên tác, dù độc giả có thể gặp khó khăn khi tiếp nhận) hay đứng về độc giả (Việt hóa hoàn toàn,) ? Theo anh/chị dịch giả được tự do đến đâu trong khi chuyển dịch tác phẩm sang một ngôn ngữ khác?
- Nguyên tắc cơ bản là trung thành với tác giả. Người dịch cần hiểu rõ trách nhiệm và giới hạn của chính mình. Một dịch giả giỏi là một dịch giả chuyển tải được nội dung của tác giả một cách uyển chuyển nhất bằng ngôn ngữ dễ hiểu nhất mà độc giả nước mình chấp nhận. Không nên tách biệt việc quy hoạch dịch giả phải đứng về phía ai, nhà văn hay độc giả. Nếu bản dịch có phần trục trặc, gây khó hiểu cho độc giả thì người dịch chỉ nên tự trách mình là chưa tìm được câu chữ thực sự đắt và phù hợp.
* Từ vấn đề về mối liên hệ giữa dịch giả và tác giả, một số ý kiến cho rằng, trong dịch văn học, tốt nhất là chuyển thể trực tiếp từ bản gốc, không nên bắc cầu qua hai, ba bản dịch với các ngôn ngữ khác nhau, do đó nguyên tác phải được hiểu một cách linh hoạt. Đứng ở góc độ một của người dịch trẻ ý kiến của anh/chị về vấn đề này thế nào?
- Đương nhiên việc dịch thẳng từ tác phẩm gốc vẫn chính xác và hay hơn so với dịch qua các phiên bản tiếng khác. Tuy nhiên điều này cũng không phải là sự quyết định thành công hay thất bại của một bản dịch. Điều quan trọng vẫn chính là ở khả năng của người dịch.
* Phong trào dịch thuật hiện nay có sự lộn xộn, chạy theo các tác phẩm best-seller. Do phải đua tranh về mặt thời gian nên nhiều nguyên tác bị xé lẻ cho nhiều người dịch, dịch ẩu, dịch lấy lợi nhuận trước mắt. Dịch giả Trịnh Lữ chia sẻ: “Muốn dịch tốt, người dịch không chỉ cần giỏi ngoại ngữ mà còn phải đặc biệt am hiểu tiếng mẹ đẻ, phải có vốn văn hóa sâu rộng, niềm đam mê và thái độ làm việc cẩn trọng, nghiêm túc”. Anh/ chị nghĩ sao về ý kiến này?
- Tôi không phủ nhận ý kiến của dịch giả Trịnh Lữ. Thực ra bất kỳ người dịch đam mê nghề nghiệp nào cũng mong muốn mình được dịch đàng hoàng, nguyên vẹn một tác phẩm. Nhưng nhiều khi họ không thể quyết định được vấn đề này, bởi chính các đơn vị xuất bản đã tự xé lẻ tác phẩm, chia cho nhiều người dịch khác nhau. Người dịch trẻ tuổi và mới vào nghề sẽ khó có tiếng nói mạnh mẽ tự đòi hỏi quyền lợi và bảo vệ quyền lợi công việc của mình. Họ có những cái khó của họ.
* Ở một chừng mực nào đó, tôi nhận thấy rằng lớp dịch giả “ già” hình như đang “nhường sân” cho các dịch giả trẻ. Họ cũng thừa nhận rằng các dịch giả trẻ hiện nay có lợi thế về ngoại ngữ, và phần lớn đều du học tại một nước nhất định nên tiếp cận rất nhanh với các văn bản văn học nước ngoài. Song họ cũng lo ngại rằng đôi khi, vì mục đích lợi nhuận, dịch ẩu hoặc vì kinh nghiệm còn quá non nên các dịch giả trẻ, các nhà xuất bản bỏ rơi nhiều tác phẩm văn học kinh điển mà chạy theo những sách bán chạy trên thế giới, dịch hỏng hoặc dịch chưa tới. Trong khi, việc hiệu đính lại không được làm chuẩn bởi các nhà văn? Theo anh/ chị điều lo ngại này có đúng không?
- Chúng tôi không “lấn sân” của ai cả, người trẻ có thế mạnh của người trẻ, người già có thế mạnh của người già, dẫu có muốn lấn của nhau cũng không làm được. Tuy nhiên như tôi đã nói ở trên, một văn bản dịch không đạt chất lượng có nhiều nguyên nhân, trong đó không nên quy kết riêng về phía dịch giả còn non trẻ. Tôi biết nhiều người dịch trẻ làm việc rất nghiêm túc nhưng họ không có điều kiện tiếp cận được những tác phẩm nghiêm túc. Hoặc NXB, đơn vị xuất bản… ép buộc họ phải chạy theo tiến độ thời gian, hoặc xé lẻ tác phẩm, hoặc chỉ giao họ dịch những tác phẩm thị trường… Tất cả đều có thể trở thành nguyên nhân góp phần gây nên một bản dịch không đạt yêu cầu, còn nhiều hạt sạn.
* Theo anh/ chị có cần thiết phải thành lập có một Hiệp hội dịch thuật để nâng cao tính chuyên nghiệp của công tác dịch thuật hiện nay?
-Nếu điều đó đảm bảo được vị thế và công việc cho các dịch giả thì nên thành lập, còn nếu chỉ để gọi là có tên cho vui vẻ thì không cần. Bằng chứng là tôi và một số ít các dịch giả khác vẫn làm công tác dịch thuật chuyên nghiệp và nghiêm túc mà không chịu ảnh hưởng của bất kỳ Hội nào. Nói đúng hơn là chả có Hội nào quan tâm tới các dịch giả như chúng tôi. Ví dụ như trước kia khi làm việc với Hội nhà văn Hà Nội với nguyện vọng được tham gia vào các sinh hoạt định kỳ của các nhà văn, học hỏi thêm kinh nghiệm của các bậc tiền bối, được sống trong không khí văn chương… thì Hội này từ chối tôi với lý do cũng dễ thuyết phục là tôi đang sống và làm việc ở TP.HCM. Nhưng khi liên lạc với Hội nhà văn Tp.HCM thì họ nói không kết nạp hội viên dịch giả. Khi vòng ra tới Hội nhà văn Việt Nam thì được biết chỉ tiêu nhận hội viên dịch giả năm đó đã hết, phải chờ đợi. Một năm đã qua, tôi vẫn chưa nhận được phản hồi gì nên rút cuộc tôi tự nhận thấy rằng việc mình, mình vẫn làm và không nên trông chờ vào Hội hè. Còn việc mình làm có chuyên nghiệp hay không, có hiệu quả không thì mọi người xung quanh và các độc giả tự biết. Việc dịch thuật là quá trình tự rèn luyện bản thân của mỗi người dịch, trong đó ý thức tự thân và tự học hỏi là quan trọng bậc nhất. Điều này không cần thiết phải vào Hội mới có thể có được, mà nó tự hình thành và phát triển trong mỗi dịch giả dựa trên phẩm chất đạo đức và phẩm chất nghề nghiệp của mỗi người.
* Dịch giả Ngân Xuyên có đề xuất một giải thưởng cho những dịch giả văn học Việt Nam ra nước ngoài . Ý kiến của anh/chị về vấn đề này?
- Rất hay, vì việc dịch ngược bao giờ cũng khó khăn và mất nhiều công sức, thời gian hơn dịch xuôi. Muốn văn học Việt Nam được bạn bè quốc tế biết đến, cần phải có một đội ngũ dịch giả riêng, chuyên dịch ngược từ văn học Việt Nam ra các thứ tiếng. Tuy nhiên đây là một quá trình đào tạo nhân tài lâu dài và bền bỉ, không thể sớm có ngay được.
* Theo anh/chị, tại sao văn học Việt nam đến giờ vẫn chưa vươn ra nhiều quốc gia trên thế giới?
- Chỉ có thể có một câu trả lời rằng: văn học VN chưa được chính chúng ta coi trọng đúng mức và chưa nhận thấy rõ sức ảnh hưởng trong văn chương. Bởi nếu thấy được sức mạnh của văn học và coi trọng nó, người ta đã lập một quỹ riêng đầu tư về việc dịch thuật, quảng bá các tác phẩm văn học VN ra nước ngoài. Tuyển chọn ra các dịch giả xuất sắc, trả nhuận bút dịch xứng đáng, đặt hàng đàng hoàng, bởi rất hiếm có đơn vị xuất bản trong nước nào lại xuất bản sách Việt Nam bằng tiếng nước ngoài ở chính nước mình. Quỹ này sẽ được dự trù bao nhiêu kinh phí, kéo dài bao nhiêu năm, triển khai từ bao nhiêu thứ tiếng, chọn tác phẩm nào tiêu biểu để đại diện cho văn học VN để triển khai dịch… tất cả vẫn chưa hề có kế hoạch chuẩn bị chuyên nghiệp và rõ ràng.
* Một câu hỏi cho dịch giả Nguyễn Lệ Chi và Trang Hạ: hiện chúng ta đang dịch quá nhiều văn học Trung Quốc, trong khi văn học Việt Nam ở Trung Quốc lại chưa được biết đến nhiều?
- Như tôi đã nói ở phần trên, việc quảng bá văn học Việt Nam ra các nước nói chung và ra Trung Quốc nói riêng không thể làm một cách tự phát và nhỏ lẻ. Đó là một kế hoạch lớn mà Nhà nước nên làm, đòi hỏi tiền bạc, công sức, việc tập hợp các dịch giả giỏi, giàu kinh nghiệm dịch ngược, đặc biệt là các dịch giả nhiều tuổi, giàu vốn sống, việc hợp tác liên kết xuất bản giữa các NXB Việt Nam và NXB Trung Quốc. Nhiều dịch giả trẻ, trong đó có tôi cũng rất muốn giới thiệu văn học Việt Nam sang Trung Quốc nhưng ai đặt hàng cho họ để dịch ngược, NXB nào chịu in và tác phẩm nào vừa sức của họ để dịch ngược? Mặt khác trong khoảng sân này, chúng tôi không hề lấn sân, vậy sao các dịch giả lớn tuổi không vào đóng góp công sức, góp phần thúc đẩy đưa văn học VN ra thế giới?
* Là những dịch giả trẻ, anh/chị đón nhận sự kiện Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam lần thứ 2 thế nào?
- Thú thật là tôi cũng chỉ quan tâm Hội nghị này rất vừa phải vì chúng tôi-những dịch giả trẻ gọi là cũng có chút đóng góp cho nền dịch thuật nước nhà- không hề được mời tham gia. Như vậy bản thân một Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam mà không quan tâm tới đội ngũ dịch giả thì ai sẽ là người chuyển tải các tác phẩm văn học VN ra các thứ tiếng khác? Ban tổ chức hay các nhà văn đây? Tôi chỉ có thể nói rằng chỉ khi nào vị trí và vai trò của dịch giả ở nước ta được xã hội thừa nhận, trân trọng, và đặc biệt là những người trong ngành thừa nhận thì bản thân dịch giả mới cảm thấy tự hào về nghề nghiệp của mình, và khát khao đóng góp, cống hiến hơn nữa cho nghề nghiệp. Việc thừa nhận, trân trọng này có thể thể hiện từ những hành động cụ thể như: lên danh sách các dịch giả trẻ có triển vọng, đã có nhiều tác phẩm kiểm chứng, chủ động mời họ vào các Hội hè, tham dự các hoạt động của các hội, các hội nghị chuyên ngành, tạo điều kiện để tạo các dịch giả tham gia ý kiến, nói lên những khó khăn và mong ước của họ… Những điều này đều không khó làm.
* Với tư cách một dịch giả anh/ chị có mong muốn gì ở Hội nghị lần này?
- Hãy nhìn sự việc toàn diện hơn nữa, hãy quan tâm và mang tới tiếng nói cho đội ngũ dịch giả, hãy cho họ một chỗ đứng mà họ xứng đáng được có. Dịch giả là người bắc cả hai nhịp cầu – văn học nước ngoài vào VN và văn học VN ra nước ngoài- , là một động cơ quan trọng không thể thiếu trong việc thúc đẩy giao lưu văn hóa các nước. Nếu chúng ta thờ ơ với họ, quên lãng họ, không tôn trọng họ, thì đừng bao giờ hy vọng có dịch giả tâm huyết với nghề và văn học Việt Nam cũng vẫn rơi vào khép kín, khoanh vùng trong nước, khó giao lưu ra được với bên ngoài. Nếu muốn có Hiệp Hội dịch thuật chuyên nghiệp thì từ ngay chính Hội nghị quốc tế giới thiệu văn học Việt Nam lần thứ 2 này, khâu tổ chức cũng phải chuyên nghiệp, trong đó dịch giả phải được coi trọng và được mời tới tham dự Hội nghị.

Thu Hà (thực hiện)

Báo Văn nghệ trẻ, tháng 12.2009









Thứ Hai, 21 tháng 12, 2009

Thế giới trong trẻo của Huỳnh Vĩnh Sơn

TTCT - Ẩn dưới vẻ bề ngoài từng trải và nghệ sĩ, đạo diễn phim hoạt hình 30 tuổi Huỳnh Vĩnh Sơn lại mang một tâm hồn thơ trẻ. Bộ phim Thỏ và Rùa của anh vừa đoạt giải Bông sen Vàng thể loại phim hoạt hình tại Liên hoan phim việt nam (LHPVN) lần thứ 16.
Từ nhỏ, cậu con út Huỳnh Vĩnh Sơn trong gia đình cha mẹ đều làm nghề kế toán ở tỉnh Vĩnh Phúc đã mê mẩn truyện tranh và đồ chơi. Cũng bởi ý thích này, anh đã cưỡng lại tâm nguyện của cha mẹ nối nghiệp gia đình để rẽ ngang, trở thành thủ khoa Trường Sân khấu - điện ảnh Hà Nội (1997) chuyên ngành hoạt hình.
“Thân cư di”
Những bộ phim hoạt hình như Hoàng tử Ai Cập, Tên trộm xứ El Dorado và nàng Pocahontas phần I... được xem trong thời gian còn ngồi trên ghế nhà trường khiến Sơn thật sự say mê thể loại phim này và quyết định bước vào con đường làm phim hoạt hình Việt Nam, dẫu biết còn chưa thành hình cụ thể và tồn tại quá nhiều thách thức.
Sơn học với quyết tâm cao độ. Anh từng ngồi thâu đêm suốt sáng để vẽ tranh hay học ngoại ngữ tới mức có thể làm trợ giảng cho thầy giáo người nước ngoài khiến nhiều bạn bè phải nể phục. Anh đã khẳng định được năng lực của mình qua một loạt giải thưởng như: giải đặc biệt tại Việt Nam thuộc Giải Mỹ thuật Nokia sinh viên châu Á - Thái Bình Dương (năm 1999, 2000), giải ba Festival mỹ thuật truyền thông đa phương tiện ASEAN với tác phẩm phim ngắn hoạt hình thể nghiệm Giải cứu...
Năm 2002, vừa tốt nghiệp được hai tuần, Sơn mạnh dạn khăn gói vào Nam theo lời mời của Hãng phim Giải Phóng và công tác tại phòng thiếu nhi của hãng từ đó tới nay. Nguyên do để cậu ấm cương quyết dứt bỏ tổ ấm, mạnh dạn làm “thân cư di” chỉ vì anh cho rằng điều kiện kinh tế và kỹ thuật để làm phim hoạt hình ở TP.HCM thuận lợi hơn.
Cuộc sống nơi đất khách thật không dễ dàng với một chàng trai tay trắng lập nghiệp. Với mức lương còn khiêm tốn của hãng, Sơn rất vất vả để duy trì cuộc sống. Anh nhận thêm nhiều việc, làm quảng cáo 3D cho một số công ty tư nhân để sống, để dành tiền làm phim hoạt hình, nuôi ước mơ.
Bảy năm với hai bộ phim
Bảy năm đeo đuổi nghề đạo diễn phim hoạt hình cùng bao tâm huyết của tuổi trẻ, thế nhưng anh mới chỉ được bắt tay thực hiện bộ phim hoạt hình thứ hai do kinh phí làm phim có hạn và chờ xét duyệt chỉ tiêu. Bộ phim hoạt hình đầu tiên khi anh về đầu quân tại Hãng Giải Phóng có tên Thỏ và rùa, may mắn đoạt giải Cánh diều bạc (không có vàng) ở LHP Cánh diều vàng vào tháng 3-2008 do Hội Điện ảnh VN tổ chức, và vừa rồi là giải Bông sen vàng cho thể loại phim hoạt hình tại LHPVN lần thứ 16.
Đây là bộ phim dựng lại cuộc thi chạy giữa thỏ và rùa theo phiên bản mới với màu sắc mới, các nhân vật: Tai dài, Mắt trố, Vịt cồ, Mái mơ, Voi cận... với hơi thở hiện đại, sinh động, trẻ trung. Sau 500 năm trôi qua, thỏ và rùa quyết định trở lại cuộc đua tài, một sự kiện trọng đại ở thành phố Rau muống. Cuộc thi không có kẻ thắng - người thua dù có nhiều tình tiết gay cấn xảy ra. Phim dài 24 phút, phần lồng tiếng do nhóm NSƯT Thành Lộc đảm nhiệm, nhạc phim: Huy Tuấn.
Bộ phim thứ hai anh đang chuẩn bị đạo diễn dài 22 phút mang tên Khu đầm có cánh (tác giả My Linh), được sản xuất theo công nghệ vi tính 3D. Đây là câu chuyện về một cậu bé Bong Bóng nhỏ tuổi nhưng luôn mang trong lòng khao khát khám phá và chinh phục. Sơn cho biết thử thách lớn của bộ phim này ở tính hành động cao, ở những cuộc chiến đấu quyết liệt bên cạnh những khúc hát trong veo. Hai họa sĩ Lê Bình (ở Hà Nội) và Phan Vũ Linh (đang học tập tại Mỹ) tham gia khâu tạo hình nhân vật, dự tính hoàn tất vào tháng 3-2010. Ước mơ của Sơn là bộ phim nhanh chóng được phát hành bằng DVD để đến được rộng rãi với các em nhỏ.
Nhiều người cho rằng bảy năm là thời gian chờ đợi quá lâu đối với một người trẻ sống trong một môi trường gấp gáp và đầy hối hả như TP.HCM. Thế nhưng đối với Sơn, được làm phim là một niềm hạnh phúc và anh sẵn sàng chờ đợi, chịu mất nhiều năm hơn nữa để... lại được làm phim.
“Theo tôi, một đạo diễn trẻ muốn theo đuổi nghề làm phim hoạt hình cần có các yếu tố thiết yếu như: sáng tạo, mắt nhìn tốt, ngoại ngữ giỏi và biết liên kết các khâu riêng biệt để tạo thành tổng thể và nhất quán. Linh động cũng là một đòi hỏi phải có để hài hòa giữa ý tưởng bay bổng và khả năng, cũng như điều kiện máy móc mà mình đang có” - đạo diễn Huỳnh Vĩnh Sơn.

Chủ Nhật, 20 tháng 12, 2009

Quanh vụ muay Thái thách đấu Thiếu Lâm tự

Những ai đang trông ngóng trận đấu lịch sử giữa muay Thái với cao thủ võ lâm Trung Hoa vào ngày 19.12 tới có thể sẽ thất vọng, bởi các quan chức Trung Quốc đã phủ nhận việc này.
Tờ China Daily vừa qua đã đưa tin: việc 5 võ sĩ muay Thái tung lời thách đấu với chùa Thiếu Lâm đã gây xôn xao chú ý không chỉ riêng ở xã hội hai nước, mà còn đẩy sự đối kháng giữa võ thuật Trung Hoa và muay Thái lên một cao trào mới.
Tên tuổi của 5 võ sĩ này đã được xác định là Phỉ Thái Khắc, Xá Thụ Liên, Nạp Như Liên, Xá Sơn và Khảo Khắc Thái (phiên âm theo báo chí Trung Quốc). Theo kế hoạch thách đấu, họ sẽ tập trung tại Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông vào ngày 19.12 tới để tham gia trận đấu lịch sử này.
Trước lời thách đấu nói trên, đại diện của chùa Thiếu Lâm cương quyết khẳng định lập trường không nhận thách đấu với lý do: "Đối phương lợi dụng danh tiếng của chùa Thiếu Lâm để tạo scandal". Trong khi đó, Hội trưởng Hội Nghiên cứu võ thuật Nga My, chưởng môn Nga My - ông Uông Kiện - lại cho rằng "không thể nhẫn nhục" trước lời thách đấu này và đã đệ đơn lên Hiệp hội Võ thuật Trung Hoa, xin chấp thuận cho nhận lời thách đấu.
Tuy nhiên, theo nguồn tin của China Daily, sau khi gặp gỡ ông Trần Quốc Vinh - Chủ nhiệm Trung tâm quản lý Hiệp hội võ thuật Trung Hoa - thì hiệp hội này cho tới nay vẫn chưa nhận được một tờ đơn nào của phía Nga My. Ông Trần nhấn mạnh: "Cơ chế tổ chức các cuộc thi tranh bá ở Trung Quốc không cho phép tự do đăng ký xin tham gia. Mọi thành viên tham gia thi đấu sẽ do đội tuyển võ thuật quốc gia đích thân tuyển chọn căn cứ vào năng lực và vào biểu hiện của từng trận đấu trước đó. Thậm chí nếu có thi đấu đi chăng nữa, chúng tôi cũng không dùng võ sư dân gian. Không phải chúng tôi phủ nhận họ, nhưng để bảo đảm an toàn cho thí sinh, chúng tôi nhất thiết phải tuyển chọn các vận động viên chuyên nghiệp".
Trong khi đó, ông Lý Kiện Bình - huấn luyện viên trưởng đội quyền Anh quốc gia Trung Quốc, đồng thời là giáo sư Học viện võ thuật Vũ Hán - đã tuyên bố lời thách đấu trên chỉ là bịa đặt. Do từng nhiều lần làm huấn luyện viên trưởng của đội tuyển quốc gia, ông Lý hiểu rất rõ về đặc điểm của muay Thái và kungfu Trung Hoa. Ông cho biết: "Thách đấu Thiếu Lâm, Thiếu Lâm không dám nhận lời. Nga My xuất trận, viết huyết thư… tất cả đều là bịa chuyện".
Từ năm 2001 tới nay, Trung Quốc và Thái Lan đã tổ chức 6 trận đấu tranh bá quyền Anh với quy cách: mỗi bên cử 5 vận động viên tiến hành các trận đấu 1 chọi 1, gồm 5 trận, mỗi trận 3 phút. Từ kết quả các trận đấu này cho thấy thực lực hai bên tương đương nhau, trong đó kungfu Trung Quốc có nhỉnh hơn chút ít.

Nguyễn Lệ Chi (tổng hợp)

Muay Thái thách đấu Thiếu Lâm tự: Chỉ là chiêu PR!

Tối 19.12, tại Cung thể thao Minh Châu, Phật Sơn, tỉnh Quảng Đông (Trung Quốc) đã diễn ra cuộc đấu mang tên “Cúp xứ Phật Sơn” được chờ đợi giữa các võ sĩ quyền Anh Trung Quốc với võ sĩ muay Thái.
Theo Nhật báo Quảng Châu, mỗi nước cử ra 5 cao thủ thi đấu, mỗi trận đấu 5 hiệp, mỗi hiệp kéo dài 3 phút. Các võ sĩ Trung Quốc đã giành chiến thắng với tỷ số 4-1. Trong đó, chỉ võ sĩ Trọng Văn Phi thua võ sĩ Thái Singmanee SorSeesompong ở hạng cân 65 kg, sau khi bị đánh ngã mười mấy lần.
Kết quả các cặp đấu còn lại: võ sĩ Từ Cát Phúc thắng võ sĩ Thái Kaew Fairtex ở hạng cân 60 kg; võ sĩ Lưu Tầng Tầng thắng võ sĩ Thái Naruepon Fairtex ở hạng cân 70 kg; võ sĩ Trương Khai Ấn thắng võ sĩ Thái Singhyok Sor-Seesan ở hạng cân 75 kg; võ sĩ Biên Mậu Phúc thắng võ sĩ Thái Kaoklai ở hạng cân 80 kg.
Kết quả này cao hơn so với dự đoán Trung Quốc thắng 3-2 của các chuyên gia ở Trung tâm Quản lý võ thuật thuộc Cục Thể thao Trung Quốc. Theo các chuyên gia này, do 2 năm vừa qua, hai nước không có giao lưu thi đấu quyền Anh nên giới quyền Anh Trung Quốc không nắm rõ về thực lực phát triển của các võ sĩ Thái. Tuy nhiên, phía Trung Quốc tỏ ra bình tĩnh và khá tự tin, vì việc giao lưu thi đấu quyền Anh giữa hai nước đã được bắt đầu tổ chức từ năm 2001, cho tới trước cuộc tỷ thí ngày 19.12 đã có 5 lần thi đấu. Trong đó, Trung Quốc thắng Thái 4 kỳ, chỉ thua 1 lần ở kỳ 2 tổ chức tại Bangkok (tháng 12.2001).
Tự tạo scandal
Khán đài Cung thể thao Minh Châu đêm 19.12 chật kín khán giả. Trên khán đài, khán giả cực kỳ phấn khích và liên tục la hét cổ vũ cho đội nhà. Tuy nhiên, không hề thấy đại diện phái Nga My thay mặt Thiếu Lâm tự xuất hiện và nhận lời thách đấu muay Thái như tin đồn. Xem ra ban tổ chức lần này đã có chiêu PR “độc” nhằm thu hút sự chú ý của khán giả, buộc họ phải móc hầu bao để mua vé xem thi đấu.
Tuần tự các bước của chiêu PR này như sau: Tung tin muay Thái thách đấu Thiếu Lâm tự trên tất cả các mặt báo, thậm chí cho 5 võ sĩ Thái viết thư khiêu chiến với lời lẽ ngông cuồng, coi thường kungfu Trung Hoa với tỷ số thắng dự kiến 5-0. Tiếp đó lại tung tin Thiếu Lâm tự cử cao thủ đi tiếp chiến để rửa nhục, sử dụng chiêu thức “4+1” (tức gồm các đệ tử của tứ đại môn phái Thiếu Lâm, Võ Đang, Nga My, Toàn Chân và 1 võ sĩ chuyên nghiệp) cùng ứng chiến 5 võ sĩ Thái. Tình hình càng căng thẳng và gay cấn khi báo chí đưa tin ông Uông Kiện - Trưởng phái Nga My - đứng lên nhận lời thách đấu. Sau chót, Nhật báo Quảng Châu - một tờ báo được đánh giá có uy tín ở Trung Quốc - lên tiếng phủ nhận toàn bộ tin “vịt” trên và thừa nhận chính các nhà quảng cáo, tài trợ của giải đã tự tạo scandal “muay Thái thách đấu Thiếu Lâm tự” nhằm thu hút sự quan tâm của công chúng, để đẩy giá trị giải đấu giao lưu quyền Anh này lên. Tuy nhiên, các báo khác ở Trung Quốc lại cho rằng ngay cả việc đưa thông tin chính xác của Nhật báo Quảng Châu chẳng qua cũng chỉ là một đòn PR cuối cùng của ban tổ chức giải, vì tờ báo này cũng tham gia ban tổ chức.
Nguyễn Lệ Chi (tổng hợp)

Tự tử vì nghèo khó

Báo chí Trung Quốc tuần qua xôn xao về vụ tự tử của nữ thạc sĩ trẻ Dương Viên Viên, đang học khoa Luật tại Đại học Hải Sự, Thượng Hải. Theo trang Sina.com, nguyên nhân cái chết là do gia đình quá nghèo túng dẫn tới bế tắc trong cuộc sống.
Do thiếu 3.970 tệ (khoảng 10,7 triệu đồng VN) tiền học phí, suốt 5 năm sau khi tốt nghiệp chuyên ngành Kinh tế học Đại học Vũ Hán, Dương Viên Viên vẫn không được chính thức nhận bằng. Điều này khiến cô kiếm việc rất vất vả, thu nhập chỉ đủ duy trì cuộc sống ở mức thấp nhất. Cũng do nghèo túng, cô đã xin cho mẹ ruột được sống chung phòng tại ký túc xá ở ĐH Hải Sự, nhưng đã bị từ chối, mặc dù ký túc xá còn nhiều phòng trống. Sau khi bảo vệ đuổi mẹ cô ra khỏi ký túc vào giữa đêm, hai mẹ con đành thuê nhà trọ nhưng phải nằm trên sàn xi-măng lạnh giá. Dương Viên Viên rất phẫn uất và cảm thấy có lỗi với mẹ. Cuối cùng, cô đã tự sát tại nhà vệ sinh trong trường. Trước khi chết một ngày, cô chán nản nói với bạn bè rằng: "Tri thức thật khó thay đổi số phận".
Gia đình họ Dương hiện đang đòi nhà trường đền bù 350.000 tệ (947 triệu đồng) vì cái chết của con gái. Mẹ của Dương Viên Viên đau lòng cho biết con gái bà đã rất nỗ lực học tập nhiều năm qua hòng thay đổi được cuộc sống nhưng rốt cuộc nghèo vẫn hoàn nghèo. Các cư dân trên mạng thì kịch liệt phản đối thái độ vô tâm của Đại học Hải Sự và xót xa cho cái chết của nữ thạc sĩ trẻ.
Ngọc Bi

Thứ Ba, 15 tháng 12, 2009

Nghề phóng viên ảnh

Từng đoạt nhiều giải thưởng nhiếp ảnh và làm phóng viên ảnh cho một số tạp chí, Trần Đăng Khoa (sinh năm 1982) chia sẻ những suy nghĩ về công việc mà mình đang theo đuổi.

* Bạn đến với nhiếp ảnh như thế nào?
- Năm 2003, tôi sang Mỹ sinh sống cùng gia đình. Thời gian xa quê, tôi rất nhớ về nơi tôi đã sinh ra và lớn lên, thèm nhìn ngắm những hình ảnh về quê hương - đất nước - con người Việt Nam. Một lần, lang thang trên internet, tôi phát hiện ra diễn đàn Vnphoto.net với nhiều bức ảnh quê nhà trên đó. Tôi tự hỏi, tại sao mình không thử chụp những bức ảnh mang đậm dấu ấn Việt Nam với sức lay động như thế. Tôi bỏ thời gian khá nhiều để tìm hiểu về nhiếp ảnh thông qua internet, học hỏi từ các đàn anh đi trước, mỗi người một ít và cũng tự tìm hiểu, khám phá thêm.
* Làm thế nào để sống bằng nghề nhiếp ảnh?
- Ngoài chuyên môn, tôi nghĩ, chính những yếu tố trong lĩnh vực makerting và business đã giúp tôi đứng vững. Thị trường nhiếp ảnh tại Việt Nam rất đa đạng và còn khá nhiều đất để khai thác. Quan trọng là chọn đúng hướng và đối tượng khách hàng phù hợp, bạn sẽ làm việc hiệu quả hơn. Bản thân tôi cũng đang cộng tác với một vài hãng thông tấn từ Singapore và Philippines nên công việc cũng tạm ổn.
* Một phóng viên ảnh cần có những phẩm chất nào?
- Phóng viên ảnh thì cần phải có... máy ảnh, nhưng quan trọng hơn là năng lực chuyên môn. Ngoài ra, bạn phải có sức khỏe tốt, một làn da... chống nắng, cái đầu lạnh và một chút gan lì để có thể chen lấn hoặc đóng giả trong một số trường hợp cần thiết.
* Người trẻ thường mắc phải những hạn chế gì khi mới bước chân vào nghề phóng viên ảnh?
- Tôi nghĩ, đó là nhu cầu khẳng định bản thân. Chuyện gì cũng vậy, làm cái dễ trước rồi hãy nhắm cho bước tiếp theo. Cha anh đi trước đã có những khuôn khổ chuẩn mực rồi, cứ vậy mà làm, sau đó bắt đầu sáng tạo cũng chưa muộn!
* Hành trang cần có khi bắt đầu vào nghề phóng viên ảnh?
- Yêu nghề và cực kỳ nhiệt huyết với nghề, thế là tạm đủ. Sau đó, nghề sẽ dạy thêm cho các bạn!
* Theo bạn, tương lai của nghề phóng viên ảnh ở Việt Nam trong vài năm tới như thế nào?
- Việt Nam hiện đang có rất nhiều tờ báo và tạp chí, theo tôi nghĩ, đó là mảnh đất khá rộng cho các phóng viên ảnh có cơ hội thể hiện. Như vậy, phóng viên ảnh sẽ có rất nhiều cơ hội và đây rõ ràng là một nghề khá lý thú!
Trần Đăng Khoa đã đoạt các giải thưởng nhiếp ảnh: Huy chương đồng cuộc thi ảnh đen-trắng của Liên đoàn Nhiếp ảnh quốc tế FIAP năm 2006, giải khuyến khích Khoảnh khắc Việt 2006 (Báo Tuổi Trẻ chủ nhật), Ảnh báo chí Lâm Đồng năm 2006, Câu chuyện qua ảnh Báo Tuổi Trẻ - năm 2006...
Nguyễn Lệ Chi (thực hiện)

Chủ Nhật, 6 tháng 12, 2009

Dám sống với ước mơ

Sau khi tốt nghiệp trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (TP.HCM), Lê Hồng Dung tiếp tục sang Mỹ để đeo đuổi ước mơ. Cô được chọn là 1 trong 7 SV xuất sắc - khoa Sinh 2009 của trường Saint John's University (New York, Mỹ).
* Được biết bạn đang học cử nhân cùng lúc hai chuyên ngành Sinh-Hóa tại Saint John's University. Học cùng lúc hai ngành hẳn rất vất vả?
- Sinh viên (SV) bên này học cùng lúc 2 ngành là chuyện bình thường. Vì ngoài học những môn đại cương và chuyên ngành, nhà trường khuyến khích SV khám phá những cái mới, học những cái mình thích. Cho nên nếu 2 ngành có điểm tương đồng thì bạn chỉ phải lấy thêm vài lớp để đủ tín chỉ cần thiết cho 1 chuyên ngành nữa.
* 4 năm sống xa gia đình, miệt mài học tập ở xứ người, bạn đã xoay xở ra sao?
- Khoảng thời gian lúc đầu khá khó khăn vì mình là con gái nên hay nhớ nhà và buồn. Nhưng dần dần cũng quen, và có thêm nhiều bạn mới rất tốt. Cuộc sống xa nhà tưởng sẽ thoải mái hơn vì mình có nhiều tự do. Nhưng thật sự mình phải rèn luyện để sống có trách nhiệm hơn, để tự gánh vác mọi việc xảy ra với bản thân. Dám sống với mơ ước của mình, chấp nhận sai lầm và đứng dậy đi tiếp là châm ngôn của mình. Sau 4 năm du học, mình chín chắn hẳn. "Bật mí" một điều là trước khi đi du học, mình không hề biết nấu ăn, nhưng bây giờ mình nấu... hơi bị ngon đó!
* Nghe nói bạn sẽ học tiếp chuyên ngành Y ngay sau khi tốt nghiệp hai ngành học trên. Tại sao bạn lại chọn ngành học khó và mất thời gian này vì ít nhất phải mất 7-10 năm mới tốt nghiệp?
- Tại sao Bill Gates hay Steve Jobs dám quyết định bỏ học nửa chừng để theo đuổi ước mơ? Tại sao tiến sĩ Osamu Shimomura bỏ ra hàng chục năm nghiên cứu để cuối cùng tìm ra GFP - green fluorescent protein trong con sứa và được giải Nobel? Đó là vì ước mơ và niềm tin vào ước mơ của mình. Sẽ có nhiều trở ngại, vấp váp trước mặt, nhưng một khi mình đã quyết định thì những trở ngại đó chỉ là thử thách. Cả nhà mình đều theo ngành Y. Đó là một ước mơ đẹp để theo, phải không?
* Ngoài du học tự túc, bạn còn lấy được học bổng bán phần của nhà trường. Bạn có thể chia sẻ bí quyết lấy học bổng?
- Điểm cao, tham gia nhiều hoạt động cộng đồng, thư giới thiệu tốt, nộp đơn sớm. Đó là những lợi thế để xin học bổng.
* Cảm nhận của bạn về môi trường học tập ở Mỹ ra sao? Bạn có lời khuyên gì cho các bạn trẻ trong nước sắp đi du học?
- Mình thích môi trường học tập ở đây. Ngoài học chuyên ngành, mình còn được học những môn xã hội như tâm lý học, xã hội học, nghệ thuật (như piano, điêu khắc, thiết kế trang sức, vẽ, nhiếp ảnh), và nhiều lớp thể dục (như yoga, belly dancing, võ thuật, đấu kiếm, tennis…) để phát triển toàn diện.
Các bạn khi đi du học nên chuẩn bị tinh thần thật tốt vì ở Mỹ có những vùng xa trung tâm, không như những gì xem trên phim ảnh. Các bạn nên học nấu những món đơn giản. Ngoài ra, cần chú ý rằng ở Mỹ, nếu đạo văn sẽ bị phạt rất nghiêm: nhẹ thì rớt môn học, nặng sẽ bị đuổi học, nên khi làm bài cần phải cẩn thận phần tham khảo.
Lê Hồng Dung sinh năm 1987, hiện học tại Saint John's University, New York. Các sách đã xuất bản: Ngữ pháp tiếng Pháp - tổng hợp, biên soạn (2005); Phương pháp dẫn đầu thị trường - NXB Trẻ (2008) - dịch. Đã tham gia các hoạt động: Tư vấn du học miễn phí cho SV VN tại www.svduhoc.com; Thành viên hội du học sinh TP.HCM; Cố vấn cho "Project Asian International Peer Mentoring", hướng dẫn các SV quốc tế mới vào trường hòa nhập với cuộc sống; phụ đạo cho SV…
Nguyễn Lệ Chi (thực hiện)

Dịch giả Lệ Chi: Nhà văn nước ngoài tôi gặp đều rất hòa nhã, nhiệt tình

TP - Mạnh mẽ, thông minh, kiêu hãnh! Dịch giả Lệ Chi là một trong những chân dung thú vị, ấn tượng giữa không nhiều nữ trí thức trẻ đủ nội lực khai mở được lối riêng yêu thích giữa vô số tên tuổi.
Điều gì đem lại cảm giác hạnh phúc cho Lệ Chi trong chuỗi công việc bận rộn liên tục mỗi ngày?
Hoàn tất xong mỗi phần việc cụ thể như viết xong một bài báo, biên tập xong một tác phẩm, mua được thành công bản quyền một cuốn sách… Tóm lại là khi kết quả của công việc đem lại cho tôi niềm vui.
Tình cờ, một cô bạn thợ may đưa tôi mượn cuốn ”Hoa bên bờ”. Thoạt nhìn bìa sách, tên tác giả xa lạ lại quá trẻ tuổi tôi đã cầm một cách thờ ơ. Bất ngờ, càng đọc càng cuốn hút mãnh liệt và tôi đọc chậm tới dòng cuối cùng với cảm giác rơi lệ từ trong tim. Từ đâu Chi tiếp cận được tác giả, tác phẩm và chọn lọc được ngôn ngữ dịch gây rung cảm đến vậy?
Trong tất cả những cuốn sách tôi đã dịch, "Hoa bên bờ" của Anni Bảo Bối là cuốn đem lại cho tôi nhiều cảm xúc nhất. Đó là một câu chuyện buồn, mong manh và đầy tâm trạng với những mảnh đời tưởng chừng không hẳn quá éo le nhưng đọc lại rất xót xa.
Trong 4 năm học ở Bắc Kinh, do rảnh rỗi và yêu thích đọc truyện, tôi thường la cà ở các tiệm sách, tìm đọc những tác phẩm của các tác giả trạc tuổi mình để tìm hiểu về những suy nghĩ và cuộc sống của họ. Trong số đó có An Ni Bảo Bối.
Đó là một tác giả hơi khép mình, không thích phô trương trên báo chí. Cô sống lặng lẽ, cô đơn tại Bắc Kinh, viết sách và viết báo, song những tác phẩm của cô thấm đẫm tình cảm, rất day dứt và lưu luyến. Nhờ bạn bè làm trong ngành xuất bản, tôi lần ra được địa chỉ của cô và viết mail, gọi điện trao đổi, đề nghị mua bản quyền. Từ đó chúng tôi thường xuyên liên lạc với nhau.
An Ni Bảo Bối cũng thường nói nếu quá trình dịch, không hiểu rõ điều gì, cứ mail, cô sẽ giải thích. Thật ra khi dịch cuốn sách này, tôi không gặp trở ngại gì về câu chữ vì ngôn từ hiện đại, không ẩn dụ ví von quá bóng bẩy, nhưng tình cảm trong sách khiến tôi không ít lần phải rơi lệ.
Mỗi lần dịch như vậy, người dịch mệt lả như bị mất đi một phần sức lực. Có thể tâm tư của tác giả trong khoảng thời gian viết ra cuốn sách này có phần đồng cảm với tâm tư của tôi. Chúng tôi có vài điểm khá giống nhau: cùng mất cha, cùng tự lập, cùng viết báo, cùng cảm thấy lạc lõng trong một thành phố lạ...
Liệu đàn ông và cuộc sống gia đình bận rộn, ràng buộc có chỗ trong chuỗi ngày sắp tới của Chi? Thu nhập của nữ dịch giả hiện nay có đủ để yên tâm về ”hậu vận” không?
Không ai nói trước được tương lai, có thể tôi vẫn sống thế này mãi mãi hoặc ngay lập tức tháng sau có tin vui, rất khó nói. Nhưng dù bất kể thay đổi hoặc xáo trộn gì trong cuộc sống riêng tư, con người tôi, tính cách tôi, sở thích của tôi, công việc của tôi cũng không thay đổi.
Thu nhập cơ bản của tôi hiện nay đến từ công việc làm báo. Tôi không có nhiều kế hoạch và mơ ước xa xôi. Chỉ mong mình luôn khỏe mạnh và tiếp tục được làm những việc mà mình yêu thích.
Hẳn là nhiều thú vị trong các cuộc tiếp xúc với những tác giả nổi tiếng?
Các nhà văn nước ngoài mà tôi từng gặp đều rất hòa nhã và nhiệt tình. Chúng tôi đi ăn uống, trò chuyện vui vẻ như những người bạn thân lâu ngày không gặp.
Mạc Ngôn đến tận khách sạn tôi để tán chuyện, Lưu Chấn Vân thì mang con gái cũng đang học báo chí tới giới thiệu, và tặng cho tôi một món đồ kỷ niệm làm ở quê nhà ông. Khâu Hoa Đông thì đưa tôi đi chơi cùng bạn bè của ông…
Tất cả các tác phẩm của Lưu Chấn Vân, Khâu Hoa Đông, Mạc Ngôn, Vệ Tuệ, Bì Bì, Miên Miên, Hồng Ảnh… đều do tôi đi tìm kiếm và mua bản quyền. Nhưng tôi không thể dịch tất cả các tác phẩm mà tôi yêu thích, mặc dù cũng rất muốn thế.
Trong các tác giả này, tôi thích Mạc Ngôn ở bề ngoài chất phác, củ mỉ củ mì, văn tài lớn nhưng cực kỳ gần gũi và thân thiện. Ông rất yêu quý Việt Nam và cũng rất muốn sang thăm Việt Nam. Đọc Mạc Ngôn, người ta có thể thấy ngồn ngộn kiến thức về cuộc sống, từ những chi tiết nhỏ nhặt nhất trong cuộc sống của những con người tầm thường nhất. Một con người sâu sắc và tinh tế nhưng lại rất cởi lòng, sống hòa nhã, không hề khép kín. Đó không phải là điều mà nhà văn nào cũng có thể có được.
Tiểu thuyết đầu tay của một phụ nữ chưa chồng như Chi lại là "Người tình của chồng tôi”. Liệu có tí nào cái tôi hay ẩn ức, định kiến gì của riêng tác giả đối với đàn ông trong đó?
Có rất nhiều nhà văn không phải là đồng tính vẫn viết về đồng tính, hoặc đang sống hạnh phúc nhưng vẫn viết về những đau đớn khôn cùng của các cặp li dị nhau. Tất nhiên tôi không so sánh mình với bất kỳ ai, nhưng người ta vẫn có thể viết về những gì người ta muốn viết.
Người ta thường ngộ nhận rằng những gì chưa kinh qua, chưa trải qua trong thực tế cuộc sống của chính tác giả thì thật khó có thể viết hay được. Tôi chỉ muốn viết về một cuốn sách về những gì đang diễn ra trong cuộc sống chúng ta nói chung, một câu chuyện giữa những người trong cuộc và cả những người ngoài cuộc.
Đây là một cuốn sách đặc biệt dành cho phụ nữ, viết cho phụ nữ, nên tôi đặt nặng yếu tố đàn ông mà không định kiến gì về họ. Trong cuốn sách này, đàn ông chỉ là cái cớ, là bước đệm để cho các nhân vật khác xuất hiện.
Khâu nào vô lý, bất công nhất trong chuỗi sáng tác - dịch thuật - xuất bản - phát hành - phân chia lợi nhuận... khiến thu nhập của giới dịch giả nhỏ nhoi vậy?
Quả thực thu nhập của dịch giả hiện nay còn rất bèo, dịch giỏi cũng chỉ nhận được nhuận dịch tối đa vài ba triệu đồng một tháng. Tuy nhiên, nếu so với chi phí xuất bản, chi phí dịch sách hiện nay không thấp.
Công dịch sách của Chibooks trung bình từ 10-15 triệu/cuốn, ngang ngửa với tiền bản quyền một cuốn sách. Giá dịch chỉ có thể tăng khi các đơn vị xuất bản có lãi hơn.
Muốn vậy phải điều chỉnh tỉ lệ chiết khấu phát hành theo chiều hướng giảm bớt, có thể từ 45% xuống còn 30%. Đồng thời phải xóa bỏ được nạn sách giả, sách lậu thì mới hy vọng lấy lại được phần lãi đã bị cướp trắng.
Tác giả đương đại nào ở ta gây ấn tượng cho bạn?
Tôi hơi tham lam nên thích văn của khá nhiều người, nhưng thích nhất vẫn là văn của Hồ Anh Thái. Văn của anh chừng mực, không vung vãi thừa mứa, không hoa mỹ phù phiếm, đủ để gây tâm trạng, cảm xúc cho người đọc và nhường khoảng trống còn lại cho họ tiếp tục suy nghĩ về các nhân vật. Đồng thời qua các tác phẩm của anh, tôi còn tiếp thu được nhiều kiến thức, nhiều kinh nghiệm sống.
Xin cảm ơn chị!
Nguyễn Lệ Chi:
Cử nhân tiếng Trung Đại học Ngoại Ngữ Hà Nội, Cử nhân Ngoại giao Học viện Quan hệ quốc tế Hà Nội, Thạc sĩ Điện ảnh Học viện Điện ảnh Bắc Kinh.
Tuổi Thìn, chòm sao Hổ Cáp
Nguyên PGĐ Xuất bản, Trưởng ban Dịch thuật và Giao dịch Bản quyền Công ty Văn hóa Phương Nam
Hiện là Biên tập viên báo Thanh Niên. Sở hữu nhãn hiệu sách Chibooks
Sách đã dịch và xuất bản: Co Giật (tập truyện ngắn xuất sắc TQ, NXB Văn Học, 2004), Anh có biết nói yêu không (tác giả Tranh Tử, NXB Văn học, 2005), Tối nay có việc không về nhà (tác giả Trương Kiện Bằng, Hồ Túc Thanh, NXB Văn học 2005), Đảo Tường Vy, Hoa Bên Bờ (tác giả An Ni Bảo Bối, NXB Phụ Nữ, 2006), Ôi Đàn ông (tác giả Bì Bì, NXB Phụ Nữ, 2006). Thiền của tôi, Baby Thượng Hải, Tuyển tập Vệ Tuệ, Gia đình ngọt ngào của tôi (tác giả Vệ Tuệ), Chuyện tình một đêm (NXB Văn Nghệ, 2007), Gái Trinh (NXB Văn nghệ, 2008)…
Dịch một số phim truyện, phim truyền hình.
Hoàng Thiên Nga
Thực hiện